Trong vô số lý do mà những con người mông muội tìm đến lá ngón tự tử có những lý do bi hài đến khó tin. Nếu không đến tận nơi, nghe chính những người cưỡi lá ngón “thăng thiên” bất thành kể lại, tôi cũng không thể tin được, trên đời lại có những câu chuyện đau lòng đến như vậy.
Với những đứa trẻ, chúng còn quá nhỏ để hiểu vì sao chúng phải sống trong đói khổ, vì sao ma ngón lại mang bố mẹ chúng đi?
Ba lần nhai lá ngón cho đỡ tức
Tìm đến lá ngón để quyên sinh không chỉ xảy ra ở những con người mông muội, thiếu hiểu biết mà ngay đến cán bộ cũng tìm đến lá ngón, không chỉ một lần mà như trường hợp chị Hảng Thị Lìa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tà Sùa, xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) - người đã ăn lá ngón đến 3 lần.
Năm nay, chị đã ngoài 40 tuổi và lên chức bà của hai đứa cháu ngoại. So với những gia đình xung quanh, kinh tế gia đình chị Lìa thuộc dạng khá giả. Bởi vậy, nguyên nhân khiến chị Lìa 3 lần tìm đến lá ngón không phải là do thiếu hiểu biết, túng quẫn, mà là ăn cho đỡ tức, cái tức đó được Lìa gói gọn trong một câu xanh rờn: “Bản tính con người mình là vậy, bực tức trong người là không thiết sống nữa”.
Cách đây gần nửa năm, sau phiên chợ cuối tháng, hai vợ chồng Hảng Thị Lìa tay xách nách mang tản bộ vượt rừng về nhà. Để con đường về nhà bớt xa xôi, chồng Lìa vừa đi vừa kể chuyện, kể đủ kiểu các câu chuyện mà anh ta nghe được, thấy được. Lìa mỏi chân, đi chậm rồi dừng lại hẳn thế mà chồng không biết, vẫn cứ cắm đầu, cắm cổ đi, mà vừa đi anh vừa cười nói rất vui vẻ. Thấy chồng không ngoái cổ nhìn lại, Lìa chợt nghĩ, hay là chồng không còn thương mình nữa, nghĩ thế rồi Lìa thấy trong lòng đau buốt, cồn cào, mắt cay xè. Trong cơn tủi thân, tức chồng, thấy bên đường có một bụi cây lá ngón xanh mướt, không cần suy nghĩ nhiều, Lìa tiến lại gần quỵ gối trước vẻ đẹp mộng mị của cây lá ngón mà khóc lóc kể lể rồi đưa tay hái lá ngón bỏ vào mồm để nhai cho đỡ tủi thân.
Đi cả quãng đường dài mà không thấy vợ nói năng gì, anh chồng của Lìa mới đứng phắt lại quát: “Không nghe thấy gì à”. Quay ra sau không thấy vợ đâu, anh chồng mới tá hoả chạy đi tìm thì thấy Lìa đang ôm bụng nằm quằn quại bên đường, miệng xanh lè lá ngón.
Ngồi kể lại câu chuyện của mình, lâu lâu chị Lìa lại ôm bụng bảo: “Đau lắm, mới nuốt nước lá ngón vào đã thấy bụng mình như đang bị cả trăm con dao băm nát từng khúc ruột”. “Toàn chuyện cỏn con thôi nhưng mình vẫn thấy tức đến không chịu được, lần đầu tiên là vì chồng không chịu lên nương làm cỏ với mình nên trên đường đi làm mình bứt vài cái lá ngón ăn cho đỡ tức. Lần thứ hai là vì chồng đi uống rượu về nói mấy câu làm mình tức quá nên ăn lá ngón cho chồng hối hận”, chị Lìa thật thà.
Trở về sau 3 lần cưỡi lá ngón “thăng thiên” bất thành, Lìa được người dân địa phương gọi vui là người đàn bà cao số nhất bản. Nói về cái danh hiệu vui này, Lìa bảo: “Giờ thì mình khiếp rồi, khiếp cái lá ngón xanh xanh nở hoa vàng kia rồi. Đến giờ phút này, được ngồi đây chăm con, bế cháu là mình vui lắm, không dại gì đi ăn lá ngón nữa. Giờ mình không giận chồng nữa mà giận cái lá ngón đã 3 lần cắt ruột mình”.
Vô vàn những lý do
Anh Giàng A Dua - Công an xã Bản Mù - khi kể về những câu chuyện tự tử bằng lá ngón đã thở dài một hơi rồi thốt lên rằng: “Toàn lí do vớ vẩn thôi. Nói ra không ai tin nhưng đau đầu lắm, tuyên truyền nhiều rồi nhưng cứ mỗi khi giận hờn vu vơ, nhiều người vẫn tìm đến lá ngón”.
Như trường hợp của cháu Lò Thị N (10 tuổi) ăn lá ngón vì mẹ không cho tiền mua kẹo, Sùng Thị Kim (12 tuổi) vì mẹ may áo mới cho em mà không may cho mình, buồn quá Kim lên rừng tìm lá ngón. Khi mọi người phát hiện thì Kim đã chết. Đến những người đã có tuổi như ông Giàng A Minh (40 tuổi) vì gọi điện nói chuyện với bạn bè lâu quá để điện thoại hết tiền. Do bà vợ tiếc tiền mắng mỏ mấy câu, ông Minh ức quá lên rừng ăn lá ngón tự tử. “Nhiều lắm! Có người còn dại dột đến mức, tìm lá ngón ăn để cho biết cảm giác”, anh Dua nói.
Ở xã Bản Công có chị Giàng Thị Dinh (17 tuổi), vì bạn đến nhà rủ ra thị trấn chơi nhưng mẹ không cho đi mà bắt Dinh lên nương đi làm. Vì bị mẹ ngăn cấm, Dinh tuyên bố sẽ đi ăn lá ngón cho mẹ hết cấm. Cũng tưởng đứa con gái xinh đẹp trong lúc tức giận nói vậy để doạ mẹ, nào ngờ đến bữa cơm tối không thấy Dinh đâu cả nhà tá hoả đi tìm thì thấy Dinh đã chết ở trên rừng, bên cạnh một bụi cây lá ngón.
Câu chuyện buồn của gia đình đôi vợ chồng trẻ Giàng A Tứa xảy ra cách đây 3 năm mà những ai biết chuyện đều cảm thấy nghèn nghẹn. Chuyện là hôm đó, trời nắng rất to, vì bố vợ lâu lắm rồi mới đến nhà chơi nên Tứa bảo vợ ra quán mua vài chai bia để hai bố con uống cho mát. Trong lúc đợi vợ về, Tứa lấy nốt nửa chai rượu gạo mua hôm trước ra hai bố con nhâm nhi với con cá chép rán thơm lừng mà Tứa vừa bắt được lúc sáng. Vì quán hết bia nên vợ Tứa mua một chai rượu mang về. Thấy vậy, Tứa quát vợ mấy câu, nào ngờ cô vợ không nói không rằng lủi thủi bỏ ra bìa rừng ăn lá ngón. “Lúc đó, trong người có chút rượu rồi nên mình không kiềm chế được, mình bảo tiếc tiền hay sao mà bảo đi mua bia lại xách rượu về, thế mà vợ mình giận, rồi bỏ đi ăn lá ngón. Giờ vợ mất rồi, một mình nuôi 3 đứa con nên vất vả lắm”, Tứa chia sẻ.
Đau lòng hơn, nhiều cặp vợ chồng vì giận nhau, hiểu nhầm nhau mà cả hai vợ chồng cùng lần lượt theo nhau đi tìm lá ngón để giải quyết mâu thuẫn, khiến không ít những đứa trẻ ở vùng cao phải sống trong cảnh bơ vơ, thiếu thốn mà lẽ ra chúng không phải sống như thế.
Anh Giàng A Dua - Công an xã Bản Mù - trao đổi với phóng viên.
Giải pháp nào cho lá ngón?
Lá ngón mọc khắp nơi và tươi tốt ngay cả ở những nơi đất đai cằn cỗi nhất. Nói như ông Giàng A Xà -Trưởng công an xã Bản Công, lá ngón không có lỗi mà lỗi ở đây là do ý thức của người dân chưa cao. Theo ông Xà, để hạn chế người dân ăn lá ngón tự tử, nhiều năm qua, xã Bản Công đã tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và vận động người dân không ăn lá ngón tự tử, đồng thời tổ chức nhổ bỏ lá ngón ở gần khu dân cư.
Cũng nhờ những biện pháp từ tuyên truyền, vận động cho đến tận diệt lá ngón, số người ăn lá ngón tử tử mỗi năm một giảm nhưng vẫn rất đáng báo động. Tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay đã có tới 90 người ăn lá ngón tự tử, trong đó có 27 người tử vong, tại Lai Châu trong 3 năm qua có tới 100 vụ ăn lá ngón tự tử khiến 78 người chết. Còn tại huyện Trạm Tấu, mỗi năm cũng có hàng chục vụ tự tử bằng lá ngón. Ông Giàng A Dì - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu - cho biết, có nhiều trường hợp không chỉ một lần mà có đến 2, thậm chí 3 lần đến bệnh viện cấp cứu vì ăn lá ngón.
“Nhiều người vì phát hiện muộn, đường sá xa xôi nên khi đưa được đến bệnh viện thì đã vô phương cứu chữa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân vẫn còn chưa cao, bên cạnh đó còn do bản tính tự ái, bộc trực nên có mâu thuẫn họ lại tìm đến cái chết. Trước mắt, cần thường xuyên tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân và trang bị máy móc, vật dụng y tế tại các trạm y tế xe, kịp thời cứu chữa người ăn lá ngón”, ông Dì nói.
Chiều ngày đông, sương giăng đầy núi, chiếc xe từ từ lăn bánh rời Trạm Tấu mà lòng tôi nặng trĩu. Hình ảnh dòng chữ “tự tử bằng lá ngón” vẫn nối dài trong những cuốn sổ tử cứ mãi ám ảnh tôi. Đến bao giờ thì không còn những câu chuyện đau lòng như trên, không còn những cái chết mù quáng, oan nghiệt, đau đớn?
Theo: LĐ