Vợ chồng xích mích tìm đến lá ngón, bị cấm yêu tìm đến lá ngón, không cho tiền mua xe, mua điện thoại… cũng tìm đến lá ngón. Người chết cứ chết, chết liên tục, với những lý do lãng xẹt thậm chí ngớ ngẩn, còn lá ngón vẫn xanh, xanh mướt mắt hai bên đường, trên sườn đồi, sau hồi nhà, thậm chí trước cổng uỷ ban, cổng trạm y tế xã…
Danh sách người ăn lá ngón tự tử nối dài trong cuốn sổ tử.
Kỳ 1: Vị “thần chết” giải quyết mâu thuẫn ở vùng cao
Tự tử bằng lá ngón đã được nói tới khá nhiều nhưng chúng tôi vẫn muốn vào cuộc điều tra và... nói tiếp. Nói vì cái giật nẩy mình, hoảng hồn khi nhìn vào những cuốn sổ tử và ám ảnh bởi dòng chữ “tự tử bằng lá ngón” vẫn xuất hiện đều đặn, nối dài...
Ám ảnh “ma ngón”
Trong chuyến lên các xã vùng cao huyện Trạm Tấu (Yên Bái), một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nằm cách trung tâm TP.Yên Bái cả trăm cây số, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những lùm cây lá ngón xanh mướt, nở hoa vàng mọc đầy rẫy hai bên đường. Đây là loại cây được người dân địa phương gọi là “thần chết”, là “ma ngón”, là cây “giải quyết mâu thuẫn”, đưa không biết bao nhiều người “về trời”.
Tráng Thị Hà (47 tuổi, thôn Khâu Ly) chết do tự tử bằng lá ngón. Hảng A Sềnh (31 tuổi, thôn Tà Gênh) chết do tự tử bằng lá ngón. Hảng A Tủa (17 tuổi, thôn Tàng Ghênh) chết do tự tử bằng lá ngón… đó là thông tin về những cái chết xảy ra cách đây chưa lâu mà ông Lò Quang Ánh -Trạm trưởng Trạm y tế xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu - cung cấp cho chúng tôi.
Hơn chục năm công tác tại trạm y tế xã, ông Ánh đã ký không biết bao nhiều giấy chuyển viện, nhưng theo ông đó chỉ là thủ tục bởi chỉ cần ăn ba cái lá ngón là đủ để khiến một con người khoẻ mạnh “thăng thiên”. “Trước đây có ngày xảy ra vài ba vụ, có vụ 3-4 người. Mấy năm gần đây, ít nhất mỗi năm cũng có trên chục người chết do ăn lá ngón”, ông Ánh nói.
Con số đó có lẽ khiến không ít người phải giật mình và tự hỏi, vì sao người dân đồng bào vùng cao vẫn còn mông muội tìm đến lá ngón nhiều như vậy. Lật tìm trong cuốn sổ ghi danh sách người chết ở xã, ông Ánh dừng tay trước những dòng chữ ghi nguyên nhân “chết do ăn lá ngón” rồi thở dài, họ chết với vô vàn lý do, có người đơn giản chỉ vì giận chồng về ăn cơm muộn, có người đi chăn trâu để trâu đi lạc sợ bố mẹ đánh, có người vợ không mua rượu cho uống... “Họ xem lá ngón như một thứ để giải quyết mâu thuẫn”, ông Ánh nói.
Mới đây nhất, trong lúc đang tìm hiểu thông tin để thực hiện loạt bài này, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhận được tin báo, chỉ trong 2 ngày 18 và 19.10, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu đã tiếp nhận và cứu sống 3 trường hợp tử tử bằng lá ngón. Một trong ba trường hợp đó là Lò Thị Dương ở xã Hát Lừu.
Dương năm nay 17 tuổi, đã có người yêu. Mấy hôm trước, người yêu đến nhà rủ ra thành phố làm thuê nhưng vì chưa cưới hỏi nên bố mẹ Dương không cho đi cùng. Thế rồi Dương tức, Dương nghĩ bố mẹ đối xử với mình như thế thì sống làm gì, đi theo người mình yêu mà bố mẹ cũng không cho thì sống lâu cùng chẳng có ý nghĩa, chết đi cho bố mẹ biết tay, chết cho bõ tức. Câu chuyện đó được Dương kể lại sau khi thoát khỏi vị “thần chết” mang tên “ma ngón”.
Cách đó không lâu, trong lúc đang đi làm rừng, ông Giàng A Lù xã Xà Hồ vội vàng vứt cuốc chạy thẳng một mạch ra hướng bìa rừng rồi quỵ gối khóc thảm thiết bên thi thể cô con gái môi miệng còn xanh lè màu lá ngón. Nguyên nhân khiến con gái ông Lù tìm đến lá ngón cũng chỉ vì giận mẹ không cho đi cùng bạn xuống trung tâm huyện chơi.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 30 trường hợp ăn lá ngón đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ông Lò Quang Ánh trao đổi với phóng viên.
Ăn lá ngón vì vợ không cho mua xe máy
Cách đây chưa đầy một năm, tại thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu), Mùa A Tống (34 tuổi) vì giận vợ đã ăn lá ngón để chết. Chuyện là, sau mùa gặt, nhiều người dân trong bản bán thóc, bán trâu bò để sắm xe máy, Tống thấy vậy cũng sinh mê. Tống mê cục sắt biết chạy đến mức một hai bắt vợ phải đưa tiền để đi mua cho bằng được. Khổ nỗi, nhà nghèo không biết lấy đâu ra tiền, nên vợ Tống không có để cho. Bảo bán trâu bán thóc, vợ Tống cũng không đồng ý, vì cô nghĩ “bán con trâu đi rồi lấy gì để cày bừa, bán thóc đi ra Tết lấy gì ăn”. Thế là Tống giận dữ, không chịu đi làm, không chịu ăn uống, trong cơn điên Tống còn nhiều lần doạ chết.
Nghĩ chồng giận nên nói vậy, không ngờ lúc đang địu con lên nương làm cỏ, Hảng Thị Dê nhận được tin báo Tống đã ăn lá ngón tự tử. Vội vàng chạy đến nơi, chị Dê chỉ còn nghe được tiếc trách móc yếu đuối: “Không cho mua xe thì tao chết cho mà xem”. Ngồi kể lại việc chồng giận mình đi ăn lá ngón, Dê chỉ biết đưa tay lau nước mắt: “Anh ấy chết đi rồi, mình buồn lắm!”. Kể từ khi Tống “về trời” theo lá ngón, cuộc sống của mẹ con chị Dê vốn đã vất vả nay càng khó khăn hơn, Dê làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi con, các con của Dê cũng vì thế mà cơm đói, áo rách. Ngồi bên bếp, Dê thổi bùng ngọn lửa lên cho căn nhà đỡ lạnh, rồi đút từng thìa cơm trắng cho đứa con út mới 2 tuổi, lâu lâu Dê lại nhìn ra cánh rừng “ma” trước mặt rồi lấy tay dụi dụi vào mắt. “Chồng chết mình đã đau khổ lắm rồi thế mà nhà chồng lại còn đổ lỗi cho mình, mình biết lấy tiền đâu cho chồng mình mua xe máy”.
Cách nhà mẹ con chị Dê không xa là nhà bà Tráng Thị Ma. Năm ngoái, vì lỡ miệng mắng cô con gái Tráng Thị Mang mới 14 tuổi mấy câu mà Mang giận dữ đi lên rừng ăn lá ngón tự tử. “Hôm đó, mình bảo nó dắt trâu lên rừng ăn cho nhanh no chứ không được thả chung với nhà Dung, nhà Miêng, thế mà nó không nghe, nó đòi cho trâu đi ăn cùng bạn để chơi, tức quá mình quát mấy câu thế mà nó khóc, đến trưa thì nó ăn lá ngón tự tử”, bà Ma nhớ lại.
Ông Giàng A Sáu -Trưởng công an xã Bản Mù - cho biết, dù số người tìm đến lá ngón để tự tử đã giảm nhưng vẫn rất đáng báo động. Dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng cứ có xích mích, giận dữ, buồn phiền, cấm đoán, người dân vẫn tìm đến lá ngón. “Biện pháp trước mắt vẫn là kết hợp tuyền truyền cho người dân đồng thời tổ chức nhổ bỏ cây lá ngón để hạn chế người dân tìm đến lá ngón tự tử”, ông Sáu cho biết .
Kỳ 2: Những cuộc tình lá ngón
Theo: LĐ