Trong thời gian ngắn, băng nhóm này đã lừa gần 1,5 tỉ đồng; dùng thẻ ATM giả để rút, chuyển hơn 6,4 tỉ đồng của hơn 30 nạn nhân
Ngày 29-8, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết vừa triệt phá, bắt giữ băng nhóm lừa đoạt tiền qua điện thoại. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Wu Tung I (người Đài Loan), Võ Thị Bích Hiền (SN 1984, ngụ quận 7, vợ Wu Tung I), Hồ Nhật Khánh (SN 1990), Nguyễn Văn Phúc, Phạm Văn Đông, Hoàng Bá Lộc, Lê Trần Lộc, Lê Hoàng Tâm, Huỳnh Hữu Kha và Lê Thị Thủy Tiên.
Giả công an và nhân viên bưu điện
Theo tài liệu của cơ quan công an, khoảng 14 giờ ngày 10-3, một phụ nữ gọi đến điện thoại bàn nhà bà N.T.C (SN 1955, ngụ quận Tân Phú), xưng là nhân viên tổng đài điện thoại. Người này thông báo bà C. nợ gần 9 triệu đồng tiền cước điện thoại, đồng thời nối máy để bà C. nói chuyện với một người đàn ông tự xưng trung úy Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Công an TP Hà Nội.
Các đối tượng trong băng nhóm dùng điện thoại để lừa đảo
“Trung úy” Hiếu thông báo ngoài việc nợ cước điện thoại, bà C. còn liên quan đến đường dây rửa tiền mà Công an TP Hà Nội đang điều tra. Trong lúc nói chuyện, “trung úy” Hiếu khai thác được thông tin bà C. có 569 triệu đồng đang gửi tại ngân hàng nên dọa muốn chứng minh số tiền trên không liên quan đến rửa tiền thì phải rút và gửi hết vào tài khoản của Công an TP Hà Nội để xác minh, sẽ được hoàn lại trong vòng 24 giờ.
Sau khi bà C. chuyển 550 triệu đồng vào 4 tài khoản mang tên Nguyễn Hoàng Nam, Hồ Công Thuận, Tăng Thái Phong và Võ Thị Thúy Loan, các đối tượng dùng các thẻ ATM có các số tài khoản mang tên trên đến các trụ ATM tại TP HCM rút sạch.
Cũng với thủ đoạn trên, băng nhóm này còn lừa của ông N.V.N (SN 1937, ngụ quận 10) 600 triệu đồng, bà N.T.S (SN 1959, ngụ huyện Hóc Môn) 320 triệu đồng, bà H.T.L 200 triệu đồng…
Kiếm tiền quá dễ
Cơ quan công an xác định Khánh cung cấp cho vợ chồng Wu Tung I tổng cộng 76 thẻ ATM của một ngân hàng phát hành, từ đó trực tiếp chuyển, rút 1,47 tỉ đồng của các nạn nhân. Để có được thẻ ATM, Khánh liên hệ Bá Lộc, Tâm, Phúc, Kha, Trần Lộc và Tiên làm thẻ bán cho Khánh và làm đầu mối gom nhiều thẻ ATM khác cung cấp cho Wu Tung I. Mở rộng điều tra, công an xác định băng nhóm này còn dùng các thẻ ATM để rút, chuyển hơn 6,4 tỉ đồng của 30 nạn nhân tại TP HCM và các địa phương lân cận.
Tại cơ quan công an, Wu Tung I khai nhập cảnh Việt Nam từ đầu năm 2010, sống như vợ chồng với Hiền, có 1 con chung. Đầu năm 2013, Wu Tung I quen biết 2 người Đài Loan tại TP HCM và đồng ý mua các thẻ ATM cung cấp cho 2 đối tượng này với giá 3 triệu đồng/thẻ để họ làm phương tiện rút, chuyển các khoản tiền lừa đảo. Từ tháng 11-2013 đến khi bị bắt, Wu Tung I và Hiền đã nhận 70 thẻ ATM từ Khánh, giao cho 2 đối tượng người Đài Loan. Ngoài ra, Wu Tung I còn sử dụng các thẻ ATM mua từ Khánh để rút tiền lừa đảo và nhận 3% số tiền rút được.
Cũng theo Wu Tung I, trước khi vào Việt Nam, ông ta đã từng lừa nhiều vụ tại Thái Lan. Để thực hiện việc chuyển các dữ liệu thông tin thẻ ATM, Wu Tung I dùng máy quét thẻ, khi đã có thông tin thì chuyển về Đài Loan cho nhóm lừa đảo tại đây làm thẻ ATM giả với thông tin thật và rút khoảng 300 triệu đồng tại Thái Lan. Các phương tiện kỹ thuật phục vụ việc lừa đảo đều được đưa từ Đài Loan sang.
Về phần mình, Hiền khai được Wu Tung I đưa nhiều mẫu giấy bằng chữ Đài Loan với nội dung thông báo từ tổng đài điện thoại, ngân hàng về số tiền cước, tiền nợ ngân hàng đến hạn phải trả. Sau đó, Hiền nhờ người dịch sang tiếng Việt rồi đọc lại bằng tiếng Việt cho giống nhân viên tổng đài bưu điện để Wu Tung I ghi âm chuyển sang Đài Loan cho đồng bọn. Khi ai đó nhận cuộc gọi, bị đe dọa dẫn đến mất cảnh giác rồi bấm các số trên bàn phím theo hướng dẫn thì sẽ bị mắc bẫy. Hiền khai dù biết việc làm của Wu Tung I là phạm pháp nhưng vẫn thực hiện vì “ kiếm tiền quá dễ”.
Cảnh báo nhiều nhưng vẫn sập bẫy
Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra gần 100 vụ lừa đảo công nghệ cao, số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên đến 26 tỉ đồng. Công an TP HCM đã bắt giữ 26 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm, trong đó có 8 đối tượng là người Đài Loan.
Thời gian vừa qua, thông qua cơ quan truyền thông và đặc biệt là tin nhắn điện thoại di động, Công an TP đã khuyến cáo người dân cảnh giác với bọn tội phạm gọi điện thoại để lừa đảo, hăm dọa, chiếm đoạt tiền. Theo đó, cơ quan công an, viện kiểm sát khi điều tra vụ án không tùy tiện thu giữ tiền và làm việc với người dân qua điện thoại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân sập bẫy lừa.
Bài và ảnh: TÂN TIẾN - Theo Người Lao Động