Ngày 25-7, TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đức (SN 1986) và Nguyễn Văn Hưởng (SN 1992) cùng trú tại xóm Tiểu khu, xã Thái Thịnh (Hoà Bình) về tội trộm cắp tài sản.
Ngô Đình Tuân: Kẻ giết người bằng lưỡi lê AK bị y án tử hình
- Cập nhật : 25/07/2014
Ngô Đình Tuân do điên cuồng trút gần chục nhát dao cướp mạng sống của nữ sinh tên Vân nên cuối năm 2013 đã bị TAND Hà Nội tuyên án tử hình. Cho rằng mức án quá nặng, Tuân kháng cáo. Ngày 24/7, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã mở phiên phúc thẩm xem xét việc này.
Tại tòa, Tuân bảo "yêu sâu đậm" nạn nhân - cô gái học cùng trường, cùng quê trẻ hơn mình 3 tuổi. Sau một thời gian yêu đương chóng vánh, Tuân và Vân liên tục cãi vã và đồng ý chia tay.
Dù vậy, Tuân vẫn thường xuyên liên lạc với Vân, có lần còn đánh người yêu mới của cô gây thương tích. Vì ghen tuông, ngày 21/6/2013, Tuân mang lưỡi lê AK 47 đến cổng làng sinh viên Hacinco ở đường Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội tìm người yêu cũ đòi nối lại tình xưa. Tuân vừa thiết tha xin lỗi, vừa đe dọa nhưng Vân cự tuyệt.
Tức giận vì câu nói của Vân, Tuân đè người mình yêu xuống đường và trút liên tiếp lên cô gần chục nhát dao chí mạng. Gây án xong, bị cáo bỏ đi, sau đó nhắn tin cho bạn thông báo hành vi giết người, nhắn tin cho người thân rằng không thiết sống nữa. Vân chết trên đường đi cấp cứu, Tuân bị bắt ngay trong đêm gây án.
Bản án sơ thẩm thể hiện HĐXX đã xem xét tất cả những tình tiết có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: chưa có tiền án, gia đình đã bồi thường số tiền lớn, bác ruột bị cáo là liệt sỹ… Tuy nhiên, đánh giá hành vi của bị cáo là côn đồ, cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Tại phiên phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo nêu lại một lần nữa những tình tiết giảm nhẹ ấy và cho hay thân chủ đã ăn năn hối hận. Gia đình bị cáo ngoài bồi thường về vật chất còn thường xuyên đến nhà bị hại thăm hỏi, hương khói.
Thế nhưng, lá thư của bố bị hại gửi đến tòa xin vắng mặt mà vị thẩm phán, chủ tọa công bố lại không cho thấy một điều khác. Trong bức thư đó, bố Vân viết: “Con tôi bị tên Tuân giết hại dã man. Bản thân tôi nhiều bệnh tật và hiện phải điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện K, Hà Nội. Ở phiên xét xử trước, gia đình tôi đã cố gắng thu xếp đến dự nhưng lần này tôi xin quý tòa cho tôi được vắng mặt. Gia đình và người nhà Tuân đã nhiều lần gặp tôi xin tôi ký vào đơn xin giảm án. Nhưng tôi không chịu. Bố mẹ của tên Tuân liên tục tung tin đồn sẽ kiện gia đình tôi. Họ còn thuê đầu gấu đe dọa chúng tôi… Tôi xin tòa xử tên Tuân ở mức án cao nhất”.
Vị thẩm phán nói rằng, HĐXX cũng chỉ lấy nội dung bức thư của bố bị hại làm thông tin để tham khảo thôi chứ không coi đó là căn cứ chính để xét xử. Dù vậy, chính Tuân cũng không đưa thêm được lý do nào khác xin giảm án ngoài việc nói bị cáo có ý định đi đầu thú nhưng không kịp.
Tuân bị áp giải rời phiên phúc thẩm. Ảnh: Bảo Hà |
HĐXX hỏi: “Bị cáo có thấy hành vi của mình là nguy hiểm không, hậu quả có nghiêm trọng không?”, Tuân nói: “Có”. HĐXX hỏi tiếp: "Bị cáo khắc phục được hậu quả đó không", bị cáo đáp: "Có". Khán phòng ngay lúc đó đã xuất hiện những tiếng “ồ”. Chủ tọa hỏi định khắc phục như thế nào, đáp lại là cái cúi đầu lặng thinh của người đang đứng trước vành móng ngựa.
HĐXX khẳng định Tuân không có cách nào khắc phục được hậu quả, bởi Vân không thể sống lại. Bản thân bị cáo tuy không có tiền án nhưng từng đánh người yêu mới của Vân gây thương tích. Bị cáo chưa bị xử phạt hành chính bao giờ nhưng lại tàng trữ lưỡi lê AK, hơi cay…
Chủ tọa phân tích: “Kháng cáo xin tha tội chết là quyền của bị cáo, còn rõ ràng bị cáo chẳng có tình tiết gì để giảm nhẹ. Lẽ ra còn phải truy tố thêm với bị cáo về tình tiết tăng nặng vì mục đích động cơ đê hèn khi thực hiện hành vi côn đồ, nhưng do cấp xét xử sơ thẩm đã bỏ sót nên theo nguyên tắc cấp xét xử phúc thẩm không thể làm xấu đi được. Thế đã là tốt cho bị cáo lắm rồi.”.
Trong phần tranh tụng, luật sư của Tuân cho rằng hành vi của bị cáo do nông nổi của tuổi trẻ, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự nhận thức sai lầm về tình yêu và sự ghen tuông. Bị cáo gây án vì phút nhất thời kích động chứ không mang tính chất côn đồ.
Một cuộc tranh luận giữa luật sư và đại diện VKS về “tình yêu” và sự “côn đồ” diễn ra trong không khí im phăng phắc của khán phòng. Cuối cùng, vị đại diện VKS hỏi luật sư: “Nếu hành vi dã man như vậy không được gọi là côn đồ thì luật sư chỉ cho biết thế nào mới là côn đồ?”. Cùng với cái lắc đầu của vị kiểm sát viên, nhiều người dự phiên tòa cũng chỉ biết lắc đầu.
Khép lại phiên phúc thẩm, HĐXX một lần nữa khẳng định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên tuyên bác đơn kháng cáo và y án tử hình.
Bảo Hà/VNEX