Vụ án “siêu lừa” Huyền Như: Số phận khác nhau của các giao dịch vỏ bọc (?)
Trong vụ án Huyền Như, trong số những khoản tiền bị Như chiếm đoạt, có các khoản tiền xuất phát từ các Ngân hàng TMCP: Á Châu (ACB); Tiên Phong (TienPhongBank); Hàng Hải (MSB); Nam Việt(NaviBank) gửi vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nhưng lại dưới danh nghĩa tổ chức, cá nhân khác. Bài viết này đi tìm cách thức mà các ngân hàng này chuyển tiền cho các tổ chức/cá nhân; vì sao Huyền Như có thể chiếm đoạt được số tiền đó và số phận khác nhau của các giao dịch vỏ bọc theo kiến nghị của VKS tại phiên toà phúc thẩm vụ án Huyền Như đang diễn ra.
Tham lãi suất cao, thiết kế các giao dịch vỏ bọc để lách luật
Sở dĩ các ngân hàng này phải “ẩn dưới tư cách của tổ chức, cá nhân khác” thông qua các “giao dịch vỏ bọc”(giao dịch để che giấu người khác nhìn thấy bản chất) mà không trực tiếp, đường hoàng giao dịch với VietinBank, vì nếu họ trực tiếp giao dịch thì pháp luật quy định họ phải thực hiện trên thị trường 2 (còn gọi là thị trường liên ngân hàng - nơi các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể huy động vốn hoặc cho vay với các TCTD khác) nhưng lãi suất lại thấp (vì tính chất chia sẻ, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn giữa các TCTD) hơn thị trường 1 (nơi các TCTD huy động vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân).
Để được hưởng lãi suất cao hơn theo thị trường 1 và để tránh bị VietinBank phát hiện, các ngân hàng này chuyển tiền của mình cho các tổ chức, cá nhân khác thông qua “các giao dịch vỏ bọc” để gửi tiền vào VietinBank. Cụ thể:
Đối với ACB: Ngân hàng này thiết kế các Hợp đồng uỷ thác cho chính nhân viên của mình và yêu cầu các nhân viên này sử dụng số tiền được uỷ thác để gửi tiền tiết kiệm vào các TCTD khác trong đó có VietinBank. Các Hợp đồng uỷ thác này đã bị kết luận là vi phạm quy định của Luật các TCTD năm 2010.
Đối với TienPhongBank: Ngân hàng này thông qua Cty An Lộc và Cty CK Phương Đông để ẩn danh và chuyển tiền bằng những Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư, Hợp đồng đặt cọc mua trái phiếu, Hợp đồng đặt cọc mua chứng khoán. Ngân hàng này đã chỉ đạo Cty An Lộc, Cty CK Phương Đông ký hợp đồng với VietinBank. Chính đại diện của 2 Cty này cũng thừa nhận rằng với Cơ quan điều tra là cho TienPhongBank mượn tài khoản, mượn tư cách để gửi tiền vào VietinBank.
Đối với MSB: Cũng với chiêu bài uỷ thác, MSB đã ký các hợp đồng uỷ thác với ba Cty: Hưng Yên, Phúc Vinh, Thịnh Phát. Các Hợp đồng uỷ thác giữa MSB với các công ty và Hợp đồng gửi tiền giữa các công ty này với VietinBank được ký kết cùng ngày trên cơ sở thoả thuận giữa Nguyễn Vi Anh (Trưởng phòng nguồn vốn của MSB) và Huyền Như.
Đối với NaviBank: Ngân hàng này cho chính các nhân viên của mình vay tiền với “mục đích tiêu dùng” nhưng mục đích thật sự là chỉ đạo những người này gửi tiền với tư cách cá nhân vào VietinBank. Dĩ nhiên, việc cho các cán bộ công nhân viên này vay đã vi phạm các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Vì sao Huyền Như có thể tự tin chiếm đoạt để sử dụng tiền của các ngân hàng?
Chỉ một mình VietinBank không biết nguồn gốc số tiền chuyển vào tài khoản của các tổ chức/cá nhân và chỉ có Huyền Như là người biết chính xác nguồn gốc số tiền đó từ đâu, của ai vì các thoả thuận về số tiền gửi, lãi suất, chênh lệch ngoài đều được Như trực tiếp thoả thuận với đại diện các ngân hàng này (Huỳnh Thị Bảo Ngọc – Phó phòng quản lý Quỹ của ACB; Lê Thị Thanh Phương – Giám đốc khối nguồn vốn của TienPhongBank; Nguyễn Thị Vi Anh – Trưởng phòng nguồn vốn của MSB; Đoàn Đăng Luật – Trưởng phòng nguồn vốn của NaviBank). Các ngân hàng vì muốn che giấu tung tích nên sẽ không lộ diện làm việc với VietinBank nếu chẳng may biết tiền bị sử dụng, các tổ chức/cá nhân thì không quan tâm, phó mặc tài khoản do mình mở ra vì tiền trên tài khoản không phải của họ, họ chỉ là cho mượn tài khoản.
Đối với bốn ngân hàng – những người chủ sở hữu đích thực - nhưng buộc phải ẩn danh nên không thể phát hiện được những sơ suất của các tổ chức/cá nhân mà họ nhờ đứng tên. Ngoài ra, các đại diện của các ngân hàng này khi giao dịch với Như đã được Như “lót tay” với số tiền“hoa hồng” rất lớn. Theo Bản án sơ thẩm, Như khai ngoài số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được nộp trực tiếp vào tài khoản của các nhân viên ACB, Như đã chi riêng cho Bảo Ngọc của ACB hơn 3,7 tỷ đồng qua tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị ruột Bảo Ngọc), Uyên đã thừa nhận và đã nộp lại 2 tỷ đồng cho Cơ quan Điều tra.
Đối với Lê Thị Thanh Phương của TienPhongBank, Huyền Như khai đã “thanh toán ngoài” số tiền 40 tỷ đồng nhưng chỉ có số tiền gần 6 tỷ đồng được thừa nhận và nộp lại do được chuyển thông qua tài khoản của chồng và em trai Phương.
Huyền Như cũng khai đã trả lãi ngoài hợp đồng cho Đoàn Đăng Luật của NaviBank số tiền hơn 30 tỷ đồng nhưng Luật chỉ thừa nhận đã nhận hơn 9,4 tỷ đồng để nộp lại cho NaviBank.
Đối với các tổ chức/cá nhân đứng tên hộ thì sao? Về danh nghĩa, họ là người mở và đứng tên tài khoản, ký Hợp đồng, nhưng họ mở tài khoản không vì nhu cầu, mục đích thanh toán và lợi ích của mình. Do tiền không phải là của họ, họ chỉ làm theo nhiệm vụ (các nhân viên của ACB, NaviBank) hoặc vì một khoản phí nhỏ thu được từ việc đứng tên hộ nên họ đã phó mặc tài khoản do mình đứng tên cho Như muốn làm gì thì làm. Thậm chí họ còn ký khống các lệnh chi hoặc bù đắp các lệnh chi theo yêu cầu của Như (một số nhân viên của ACB, Vũ Hồng Hạnh – TGĐ của Cty Phương Đông), bỏ qua nhiều thủ tục để bảo đảm an toàn để Như lợi dụng, chiếm đoạt (như trường hợp các nhân viên ACB gửi tiết kiệm nhưng không nhận STK trong khi Hợp đồng uỷ thác ACB quy định rõ hình thức gửi tiền tiết kiệm).
Số phận khác nhau của các giao dịch vỏ bọc (?).
Tại phiên toà sơ thẩm, số phận của các giao dịch vỏ bọc và các khoản tiền của cả 4 ngân hàng có số phận giống nhau khi cả VKS và HĐXX đều khẳng định các ngân hàng ẩn danh và tổ chức/cá nhân đứng tên hộ có sai phạm và buộc Huyền Như phải chịu trách nhiệm thanh toán chứ không phải Vietinbank.
Tuy nhiên, đến phiên toà phúc thẩm, đại diện VKS lại nêu quan điểm xử lý khác nhau đối với các khoản tiền xuất phát từ bốn ngân hàng.
Đối với các khoản tiền của ACB và NaviBank: Viện kiểm sát cho rằng các ngân hàng này thực hiện trái pháp luật, các tổ chức/cá nhân đứng tên họ có các hành vi sai phạm để Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt vì vậy Huyền Như phải chịu trách nhiệm thanh toán cho ACB và NaviBank.
Nhưng đối với các khoản tiền của MSB và TienPhongBank (thông qua các Cty Hưng Yên, Cty An Lộc và Cty Phương Đông): Viện kiểm sát lại không đề cập tới bản chất lách luật của các ngân hàng này, bản chất cho mượn tài khoản mà lại kiến nghị buộc VietinBank phải trả tiền các doanh nghiệp này chứ không phải Huyền Như.
Một điều đáng chú ý là cùng một bản chất lách luật giống nhau nhưng đại diện VKS tại phiên toà phúc thẩm lại kiến nghị hướng xử lý khác nhau. Chúng ta cùng chờ xem HĐXX sẽ phán quyết số phận của các giao dịch vỏ bọc này và các khoản tiền xuất phát từ các ngân hàng cố ý lách luật trong vụ án như thế nào trong ít ngày tới.
-------------------------
Đề nghị khởi tố vụ án cố ý làm trái tại TP Bank và Maritime Bank ngay tại tòa
“Tôi đề nghị khởi tố vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại TP Bank và Maritime Bank. Tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào điều 104 BLHS vì HĐXX có quyền khởi tố ngay tại tòa. Căn cứ điều 101 BLHS, bất kỳ công dân nào cũng có quyền đề nghị khởi tố, tôi bổ sung đề nghị khởi tố hành vi làm trái của Navibank. Nếu ko khởi tố tại phiên tòa, phải kiến nghị cơ quan điều tra và trả lời người tố giác là tôi bằng văn bản”.
Luật sư Trương Xuân Tám (bảo vệ quyền lợi VietinBank) một lần nữa khẳng khái đề nghị trước HĐXX như vậy trong phần đối đáp của mình tại phiên tòa xét xử phúc thầm Huyền Như lừa đảo sáng 30/12.
Đi vào từng ý kiến cụ thể, luật sư Tám cho rằng với Công ty ORS, đây là quan hệ cá nhân của Như với ORS và là giao dịch bất hợp pháp. “VKS lại cho rằng ORS là khách hàng truyền thống của VietinBank chỉ là mượn lời của tờ trình. Chỉ mượn 1 lời trong công văn mà không xem xét đến các chứng cứ lời khai khác của Như, Thái, Quyên rồi bỏ qua các chứng cứ khác sẽ là phiến diện” - ông Tám nếu quan điểm.
Ông Tám cũng băn khoăn việc VKS cho rằng tài khoản thanh toán cũng là 1 dạng huy động, đều là quan hệ gửi giữ rồi VKS phát triển đây là mối quan hệ lưỡng tính, gửi giữ - vay tiền: “Tôi không hiểu thế nào là quan hệ lưỡng tính, sau bao nhiêu năm hành nghề. VKS tự mình viết hay nhờ chuyên gia nào lại có ý kiến lạ lùng này. Từ đó, 1 số luật sư lại đưa ra suy diễn khái niệm song vụ, đánh tráo khái niệm”.
Về ý kiến của VKS cho rằng Huyền như lừa đảo khách hàng là do VietinBank buông lỏng quản lý, luật sư Tám phản đối vì VKS không chỉ ra được VietinBank lỏng lẻo chỗ nào trong khi VietinBank có hệ thống kiểm tra giám sát chặt chẽ và việc chiếm đoạt của Như xuất phát chính từ hành vi lỗi đầu tiên của chủ tài khoản, trục lợi, hưởng lợi cá nhân.
“Mặc dù trong phần đối đáp của mình, VKS thay đổi 1 chút, nhưng trong phần luận tội VKS cho rằng hành vi của Như là tham ô, VietinBank là nguyên đơn dân sự, tôi cho rằng đó là nhận định không đúng” - ông Tám khẳng định.
Từ những lý do trên ông Tám: “Tôi đề nghị khởi tố vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại TP Bank và Maritime Bank. Tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào điều 104 BLHS vì HĐXX có quyền khởi tố ngay tại tòa. Căn cứ điều 101 BLHS, bất kỳ công dân nào cũng có quyền đề nghị khởi tố, tôi bổ sung đề nghị khởi tố hành vi làm trái của Navibank. Nếu ko khởi tố tại phiên tòa, phải kiến nghị cơ quan điều tra và trả lời người tố giác là tôi bằng văn bản”.
-------------------------