Cho vay lãi nặng nhưng bị lỗ
Nguyễn Thiên Lý (2 năm tù vì cho vay lãi nặng) nói dù cho vay lãi nặng nhưng bị “âm” và xin xem xét lại số tiền thu lời bất chính mà bản án sơ thẩm quy kết.
Ngày 27-12, các luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là các nhân viên ngân hàng thuộc nhóm tội Vi phạm quy định về cho vay, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc góp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong phần trình bày của bị cáo Nguyễn Thiên Lý (2 năm tù cho tội cho vay lãi nặng) cho biết, bị cáo này còn đang bị “âm” dù cho vay lãi nặng.
Theo đó, bị cáo Lý có kháng cáo xin xem xét lại số tiền thu lời bất chính mà bản án sơ thẩm quy kết cho bị cáo, đó là 414 tỷ đồng.
Theo bị cáo Lý, số tiền thu lời bất chính không nhiều đến như vậy và mong Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ, xem xét lại các khoản tiền thu lời bất chính. Theo bị cáo Lý thì nó không nhiều như bản án cáo buộc.
Bị cáo Lý cho rằng sau khi cho vay, Lý mới nhận lại của Như 445 tỷ đồng, và hiện nay Như còn nợ tiền gốc của Lý nên số tiền được coi là thu lời bất chính là không chính xác. HĐXX hỏi bị cáo Lý: “Như vậy bị cáo cho vay lãi và bị âm à?”
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX cho hủy án điều tra lại các khoản thu lời bất chính của bị cáo Lý vì có sự chênh lệch trong cáo trạng và bản án. Theo đó các khoản tiền vay mượn, đầu tư giữa bị cáo Nguyễn Thiên Lý và Huỳnh Thị Huyền Như trong năm 2008 đều đã tất toán nên không đối chiếu được.
Tuy nhiên, theo số liệu điều tra và quy kết của cáo trạng thì từ tháng 12-2009 đến tháng 9-2011 Nguyễn Thiên Lý đã cho Huyền Như vay tổng sô tiền là 554 tỷ đồng và 340.000 USD với lãi suất từ 0,4 đến 1,7%/ngày. Lý đã nhận của Như tổng số tiền gốc và lãi là 1.296 tỷ đồng. Hiện Như còn nợ Lý số tiền 216 tỷ đồng và 340.000 USD tiền gốc.
Cáo trạng và kết luận điều tra đều cho con số Lý thu lời bất chính là 735 tỷ đồng, còn bản án sơ thẩm thì chỉ quy buộc Lý thu lời bất chính 414 tỷ đồng. Số liệu này hoàn toàn mâu thuẫn với cáo trạng và kết luận điều tra.
Bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (17 năm tù, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM), luật sư Phan Hồng Việt cho rằng căn cứ để buộc tội đối với Đoàn Lê Du là vi phạm quyết định 069 của Ngân hàng VietinBank là không có cơ sở bởi văn bản này chỉ là văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể làm căn cứ để kết tội Vi phạm quy định về cho vay.
Cả luật sư Việt và bị cáo Đoàn Lê Du đều cho rằng bản án sơ thẩm và phiên tòa đều xác định VietinBank không bị thiệt hại gì, nghĩa là không có hậu quả xảy ra đối với VietinBank vậy thì sao lại kết tội bị cáo Du? Luật sư Việt đề nghị HĐXX xem xét hủy phần tội danh đối với bị cáo Du, trả hồ sơ để điều tra xét xử lại để không làm oan người vô tội.
Sáng cùng ngày, các luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Huỳnh Trung Chí cũng đã có bài bào chữa cho các bị cáo này. Theo đó, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tiên vô tội hoặc hủy án điều tra lại, bị cáo Chí không vi phạm quy định về cho vay.
Bị cáo Huỳnh Trung Chí tự bào chữa cho mình và nói rằng, hành động cho vay và thiếu mặt khách hàng đến vay là sai với quy định của VietinBank, nhưng hành vi này của bị cáo có phải gây ra hậu quả trực tiếp không? Bị cáo Du cho rằng mình làm việc cho một pháp nhân, vậy nên nếu xảy ra hậu quả thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm chứ sao tòa lại tuyên bị cáo phải chịu trách nhiệm?
Dự kiến thứ hai (ngày 29-12), viện kiểm sát sẽ đối đáp với phần tranh luận của các luật sư.
-------------------------
VietinBank không nhận trách nhiệm
Theo các luật sư này, toàn bộ số tiền mà bị cáo Như chiếm đoạt không phải là tiền của VietinBank.
Phần đối đáp của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho VietinBank gồm: luật sư Trương Thị Hòa tranh luận với phần kiến nghị của viện kiểm sát và Công ty bảo hiểm Toàn Cầu; luật sư Trương Xuân Tám tranh luận với luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Phương Đông; luật sư Nguyễn Văn Trung tranh luận với Công ty SBBS, Nam Việt, Hưng Yên; luật sư Lê Hồng Nguyên tranh luận với Công ty An Lộc.
Theo đó, tất cả luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank đều có một điểm chung là đề nghị HĐXX bác kháng cáo của các công ty trên, không chấp nhận kiến nghị của đại diện viện kiểm sát, VietinBank không phải chịu trách nhiệm bồi thường về các khoản tiền bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Tranh luận lại với quan điểm của luật sư Đặng Ngọc Châu (bảo vệ quyền lợi cho Công ty bảo hiểm Toàn Cầu) và quan điểm của viện kiểm sát, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng việc mất tiền của Toàn Cầu là do công ty này giao dịch với Huyền Như tại quán cà phê chứ không phải tại trụ sở VietinBank, chiêu thức mà Huyền Như sử dụng để chiếm đoạt được 125 tỉ đồng của Toàn Cầu là bằng những con dấu giả, chữ ký giả và các hợp đồng ủy thác đầu tư giả.
Trước đó, trong phần trình bày về các nội dung kháng cáo, luật sư Đặng Ngọc Châu cho biết khoản tiền 125 tỉ đồng của Công ty Toàn Cầu gửi vào VietinBank được lãnh đạo chi nhánh xác nhận bằng văn bản là tiền đã vào đến hệ thống.
Phát biểu tại tòa, luật sư Trương Xuân Tám cũng nói hồ sơ cho thấy Công ty Phương Đông là đơn vị sân sau của Ngân hàng Tiên Phong để gửi tiền hưởng lãi suất cao.
Luận sư Tám nói Ngân hàng Tiên Phong biết rõ về việc gửi tiền vượt trần lãi suất là sai, đồng thời kiến nghị khởi tố những người có trách nhiệm của Ngân hàng Tiên Phong về tội “cố ý làm trái”.
Theo luật sư Tám, việc Phương Đông bị mất 380 tỉ đồng là bởi doanh nghiệp này tham lãi suất cao do Huỳnh Thị Huyền Như dẫn dụ.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng - người đại diện cho VietinBank - cho biết sau khi bản án sơ thẩm được tuyên với phần kiến nghị về việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo VietinBank chi nhánh TP.HCM, ngay sau đó VietinBank đã họp và rà soát toàn bộ hoạt động của những cán bộ, nhân viên ngân hàng tại thời điểm xảy ra vụ án, thấy rằng việc các lãnh đạo chi nhánh tham gia ký kết là đúng trình tự, thẩm quyền và pháp luật.
Còn nói về trách nhiệm của VietinBank với các khách hàng, luật sư Hùng nói:
“Chúng tôi rất có trách nhiệm với các giao dịch hợp pháp. Tôi cho rằng pháp luật không bảo vệ các hành vi vi phạm pháp luật hay cố ý làm trái, nên khi đề cập đến trách nhiệm dân sự của VietinBank thì trong đơn kháng cáo của VietinBank cho thấy cả năm công ty bị Huyền Như chiếm đoạt tiền đều thông qua người trung gian để giao dịch với Như”.
-------------------------