Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư đề nghị lấy 'vụ Nguyễn Đức Kiên' làm án lệ
Ngày 26.12, một luật sư đã làm “nóng” phiên tòa phúc thẩm khi đề nghị lấy vụ án Nguyễn Đức Kiên là án lệ để có mức án thỏa đáng trong vụ đại án Huyền Như.
Xét xử đại án Huyền Như: So sánh mức án vụ Nguyễn Đức Kiên để áp dụng trong phiên xử Huyền Như 1Bị cáo Như được đưa về trại giam sau phiên tòa ngày 26.12
Bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Tống Nguyên Dũng (nhân viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank) trong nhóm tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, luật sư (LS) Trương Trọng Nghĩa đồng ý với tòa sơ thẩm về việc bị cáo Dũng sai phạm trong quá trình làm thủ tục lập hồ sơ tín dụng.
“Nhưng sai phạm của Dũng (lập hồ sơ tín dụng mà không có sự có mặt của người vay và người bảo lãnh, toàn bộ chữ ký trên hồ sơ được bổ sung sau khi cho vay - PV) chỉ vi phạm quy định nội bộ. Mà vi phạm quy định nội bộ thì chưa hẳn là vi phạm quy định pháp luật, vì vậy cấp sơ thẩm tuyên mức án 15 năm tù là quá nặng so với hành vi của bị cáo”, LS Nghĩa nói.
Xét xử đại án Huyền Như: So sánh mức án vụ Nguyễn Đức Kiên để áp dụng trong phiên xử Huyền NhưToàn cảnh phòng xét xử
Trong phần bào chữa, LS Nghĩa đề nghị xem lại cách xét xử vụ đại án Huyền Như sau khi có phán quyết của vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, xem vụ án Nguyễn Đức Kiên là án lệ để có mức án thỏa đáng cho các bị cáo thuộc nhóm "vi phạm quy định tín dụng" trong vụ án Huyền Như
LS Nghĩa cho rằng trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB lấy tiền ngân hàng gửi các ngân hàng khác để hưởng lãi suất chênh lệnh, sau đó bỏ mặc không quản lý, để Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ của ACB. Các bị cáo bị tuyên án "cố ý làm trái", phạt tù từ 2 - 18 năm.
“Một bên là những nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong những ngân hàng thương mại lớn nhất, họ là những “sư phụ” của ngành ngân hàng nhưng lại cố ý phạm tội, còn một bên là những nhân viên mới vào nghề chỉ làm theo chỉ thị mà không vụ lợi. Nếu bản án dành cho các cựu quan chức ACB (chỉ từ 2 - 18 năm tù) là hợp lý thì mức án bản án sơ thẩm tuyên trong vụ án Huyền Như (cụ thể là nhóm bị cáo "vi phạm quy định cho vay") là quá nghiệt ngã, vô lý...”, LS Nghĩa lập luận.
LS bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank bác bỏ phần luận tội của VKS
LS Nguyễn Thị Bắc (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, bác bỏ quan điểm của VKS về việc buộc Vietinbank phải trả 1.085 tỉ đồng do Như chiếm đoạt cho 5 công ty gồm: Cổ phần Chứng khoán SaigonBank Beryaja, Bảo hiểm Toàn Cầu, Hưng Yên, Chứng khoán Phương Đông, An Lộc.
Trước đó, VKS đánh giá hành vi chiếm đoạt số tiền 1.085 tỉ đồng từ tài khoản thanh toán của 5 đơn vị nêu trên là hành vi "tham ô tài sản".
Theo LS Bắc, quan điểm luận tội của VKS không phù hợp với quy định của luật tố tụng hình sự. Vì Như không kháng cáo, VKS không kháng nghị về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tòa án đã tuyên, nên phần bản án về tội danh có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
-------------------------
Đề nghị Huyền Như tội danh tham ô là vi phạm tố tụng?
Theo luật sư Võ Văn Ngoan, trong thời hạn quy định mà VKS không kháng nghị, bây giờ đề nghị hủy án, đổi tội danh là làm xấu tình trạng bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.
Bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như sau khi VKS đề nghị hủy một phần bản án, điều tra lại để đội danh của bị cáo Như sang tham ô 1.085 tỉ đồng, luật sư Nguyễn Văn Ngoan nói đề nghị này của VKS là vi phạm tố tụng.
Theo luật sư Ngoan, số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt không phải là tiền của VietinBank.
Làm xấu đi tình trạng của bị cáo?
Luật sư Nguyễn Văn Ngoan cho rằng sau khi bản án sơ thẩm tuyên Huyền Như phạm tội lừa đảo, trong thời kháng nghị thì cả Viện KSND TP.HCM (giữ quyền công tố) và Viện KSND Tối Cao (cơ quan ban hành cáo trạng) đều không ra kháng nghị đối với tội danh của Huyền Như.
"Đến phiên tòa phúc thẩm này thì kiểm sát viên Viện KSND Tối Cao giữ quyền công tố lại đề nghị đổi tội danh của Huyền Như (đối với hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty) là làm xấu đi tình trạng của bị cáo và vi phạm tố tụng", luật sư Ngoan nói.
Theo luật sư Ngoan, hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như trong việc chiếm đoạt tiền của 5 doanh nghiệp (Toàn Cầu, Hưng Yên, Phương Đông, An Lộc, SBBS) hoàn toàn do lỗi của các doanh nghiệp gửi tiền, và tiền này không phải của VietinBank.
Luật sư Ngoan cũng nói rằng khi 9 doanh nghiệp 3 ngân hàng khi gửi tiền thì chưa phát sinh quan hệ gửi giữ tài sản giữa ngân hàng và khách hàng.
Hơn nữa, không có văn bản nào của VietinBank giao trách nhiệm quản lý các tài khoản cho Huyền Như khi các tài khoản này mở tại phòng giao dịch và quản lý các số dư trên tài khoản thanh toán.
Tòa xử Huyền Như tội lừa đảo là đúng!
Luật sư Ngoan cũng cho rằng việc đại diện VKS kiến nghị đổi tội danh cho Huyền Như sang tội tham ô tài sản là thiếu thuyết phục.
Như có ý định chiếm đoạt từ trước khi các khoản tiền này được gửi vào VietinBank bởi vậy, hành vi của Như không thể coi là chiếm đoạt tiền của VietinBank được. Bản án sơ thẩm phạt Như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người đúng tội!
Luật sư Ngoan còn chứng minh rằng vốn có ý định chiếm đoạt tài sản của khách hàng nên Huyền Như đã lập công ty Hoàng Khải, dù không không kinh doanh gì.
Sau đó Như thực hiện hàng loạt các hành vi gian dối như: đưa lãi suất cao làm mồi nhử, chi trả tiền gửi ngoài hợp đồng, chuẩn bị từ việc làm con dấu giả, đến việc xưng danh là nhân viên của VietinBank chi nhánh Nhà Bè…
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cũng nói đồng ý với phần bào chữa của luật sư. Ngoài ra, Huyền Như cũng đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo thực hiện quan hệ giao dịch xuất phát quan hệ với khách hàng chứ Như không phải là người có chức vụ quyền hạn để lợi dụng và chiếm đoạt tiền đó.
-------------------------
Luật sư đề nghị hủy phần bản án liên quan 200 tỉ của Navibank
Sáng 25-12, các luật sư của ngân hàng NaviBank đã tranh luận, đề nghị tòa hủy phần bản án liên quan 200 tỉ của Navibank, điều tra xét xử lại theo hướng Huyền Như tham ô tiền này của Vietinbank.
Trong phần đề nghị tại phiên xử phúc thẩm vụ án lừa đảo 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như hôm qua 24-12, NaviBank là một trong 2 ngân hàng bị đại diện viện kiểm sát (VKS) đề nghị tòa bác kháng cáo.
Theo VKS thì NaviBank (bị chiếm đoạt 200 tỉ đồng) đã tự đặt mình vào vị trí pháp lý mà pháp luật không thể bảo vệ, bởi lỗi quản lý tiền của NaviBank cũng như thiếu trách nhiệm của những người gửi tiền.
Tiền NaviBank không phải là tiền phi pháp
Luật sư Trương Thanh Đức, người bảo vệ quyền lợi cho NaviBank đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên hủy phần bản án đối với số tiền bị chiếm đoạt của NaviBank để điều tra và xét xử lại theo hướng đây là hành vi tham ô 200 tỷ đồng của Viettinbank, thay vì 4 nhân viên Navibank bị lừa đảo.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn cho thấy Vietinbank đã nhận tiền gửi của 4 nhân viên Navibank một cách hợp lệ, hợp pháp. Sau đó, Vietinbank đã chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm, đưa thẻ tiết kiệm vào cầm cố trái pháp luật.
Vietinbank đã khấu trừ tiền gửi trái pháp luật. Và vì thế nên Vietinbank - chứ không phải Huyền Như, phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank.
Tranh luận với quan điểm của VKS cho rằng tiền của các nhân viên gửi vào VietinBank là phi pháp, luật sư cho rằng tiền của nhân viên NaviBank gửi vào không phải là tiền phi pháp vì đây là tiền của NaviBank huy động của người dân chứ không phải là được rửa, trộm cắp.
“Hơn nữa, dù nguồn gốc tiền gửi thế nào thì cũng không ảnh hưởng đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt và trách nhiệm của ngân hàng nhận tiền”, luật sư Đức nói.
Luật sư Đức cũng cho rằng 4 nhân viên NaviBank đã ký các hợp đồng tiền gửi với các Phó Giám đốc Vietinbank Hồ Chí Minh, chứ không ký với Huyền Như hay Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Huyền Như (lúc đó Huyền Như giữ chức quyền trưởng phòng giao dịch này).
Vì thế, việc bản án sơ thẩm cho rằng 4 nhân viên Navibank gửi tiết kiệm xong đã không lấy thẻ tiết kiệm, nên đã bị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt, là một sai lầm nghiêm trọng.
Cả 4 nhân viên Navibank không hề có một sự thoả thuận hay một hành vi nào chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm mà hệ thống của Vietinbank đã tự chuyển tiền gửi tài khoản của khách hàng sang hình thức gửi tiết kiệm, không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật và thoả thuận nào.
Theo luật sư thì hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà phúc thẩm đã cho thấy rõ là một mình cá nhân Huyền Như thì không thể thực hiện được việc chuyển đổi thành thẻ tiết kiệm, sau đó mang các thẻ tiết kiệm (thật về hình thức, giả về bản chất) đó để cầm cố, chiếm đoạt.
“Lỗi chuyển đổi sai này hoàn toàn thuộc về Vietinbank, do vậy Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng”, luật sư Đức đề nghị với tòa.
Giống 5 công ty khác, sao không buộc Vietinbank bồi thường?
Cho rằng bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của NaviBank luật sư còn đề nghị HĐXX buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm về việc đã bất chấp nguyên tắc, tự động khấu trừ 57,5 tỷ đồng trong các tài khoản tiền gửi của 4 nhân viên Navibank để thu nợ cho các khoản vay theo hợp đồng tín dụng giả và hợp đồng cầm cố giả.
"Đây là vi phạm rất nghiêm trọng của Vietinbank sau khi Huyền Như đã bị bắt giam. Bản án sơ thẩm sai lầm khi xác định đó là số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt của Navibank. Sự thật, đó chính là số tiền mà Vietinbank đã chiếm đoạt từ tài khoản tiền gửi hợp pháp của khách hàng", luật sư Đức nói.
Luật sư cho rằng việc gửi tiền của NaviBank là có sai sót, nhưng sai sót này cũng giống như 5 công ty khác, đều không phải là nguyên nhân dẫn đến việc mất tiền như đại diện VKS đã kết luận.
"Sai sót của Navibank là giống với ít nhất 3/5 công ty gửi tiền mà VKS kết luận Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi thường, nhưng đáng tiếc là VKS lại kết luận hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau”, luật sư tranh luận.
Đại diện của NaviBank và đại diện của 4 nhân viên NaviBank đã gửi tiền vào VietinBank cũng đồng tình đề nghị HĐXX tuyên hủy phần bản án sơ thẩm để điều tra theo hướng Huỳnh Thị Huyền Như đã tham ô số tiền mà NaviBank đã gửi vào Vietinbank.
-------------------------