Luật sư đề nghị Vietinbank trả 718 tỉ đồng cho ACB
Chiều 24.12, đại diện Viện KSND Tối cao (VKS) giữ quyền công tố tại tòa, các luật sư bắt đầu phần tranh luận xoay quanh trách nhiệm của Vietinbank đối với thiệt hại trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng.
Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB, mở đầu đã đề cập đến vấn đề VKS bác kháng cáo của ACB và các nhân viên ngân hàng này.
Luật sư Tám cho rằng về hình thức, nội dung và bản chất thì hành vi chiếm đoạt hơn 718 tỉ đồng của bị cáo Như đối với các nhân viên ACB giống với hành vi chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của Như với Công ty Phương Đông, Công ty An Lộc, Công ty chứng khoán Toàn cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Hưng Yên.
“Nhưng với 5 công ty trên thì VKS xác định Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và buộc Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại tiền, và hành vi của Như có dấu hiệu của tội 'tham ô tài sản'. Còn đối với ACB thì VKS lại khẳng định Như lừa đảo chiếm đoạt của khách hàng”, luật sư Tám phân tích.
Tương tự, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho ACB, cũng đề nghị Vietinbank có trách nhiệm trả 718 tỉ đồng cho ACB. Luật sư Uyên cho rằng tòa sơ thẩm xác định ACB là nguyên đơn là vi phạm quy định tố tụng.
Luật sư Uyên lập luận, VKS cho rằng Như giả danh Vietinbank để huy động vốn là sai, vì Như là nhân viên của Vietinbank, có nhiệm vụ huy động vốn. Các nhân viên ACB ký kết hợp đồng gửi tiền với Vietinbank do bà Nguyễn Thị Minh Hương, ông Trương Minh Hoàng (cùng là phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) làm đại diện có chữ ký, con dấu thật. Vì vậy, việc mở tài khoản, ký kết hợp đồng tiền gửi và chuyển tiền là hợp pháp.
Theo luật sư Uyên, việc ủy thác của ACB cho các nhân viên dù đúng hay sai cũng không làm thay đổi trách nhiệm của Vietinbank. Không có quy định pháp luật nào về việc ngân hàng không chịu trách nhiệm với tiền gửi có nguồn gốc trái pháp luật, việc kết luận này là suy diễn và không có căn cứ pháp lý. Tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều không yêu cầu khách hàng chứng minh và kiểm tra nguồn gốc tiền gửi của khách hàng.
Khép lại bài bào chữa, luật sư Uyên khẳng định: “Lỗi của Vietinbank với khoản tiền gửi của ACB không khác gì so với lỗi của Vietinbank với những khoản tiền gửi của các công ty: SBBS, Toàn Cầu, An Lộc, Phương Đông, Hưng Yên. Tôi cho rằng có sự phân biệt giữa các khách hàng gửi tiền trong quan điểm của VKS”.
(Thanh Niên)
-------------------------
Đề nghị khởi tố Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh TP HCM
Công tố viên đã đề nghị điều tra tội danh tham ô tài sản đối với Huyền Như, yêu cầu VietinBank bồi thường 1.085 tỉ đồng, đồng thời yêu cầu Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh TP HCM.
Sáng 24-12, phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam [VietinBank], chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỉ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị điều tra tội danh "Tham ô tài sản" 1.085 tỉ đồng đối với Huyền Như.
Theo đó, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên Huyền Như phạm tội lừa đảo đối với 1.085 tỉ đồng của 5 đơn vị: Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty An Lộc, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu và Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya.
Quan điểm của công tố viên cho rằng tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 đơn vị được mở tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TPHCM là tài khoản thật, được mở hợp pháp, hợp lệ. Tiền của 5 đơn vị này được VietinBank theo dõi hạch toán đầy đủ trên hệ thống sổ sách kế toán.
Đây là quan hệ gửi - giữ tài sản trong đó 5 đơn vị là bên gửi tiền, VietinBank là bên giữ tiền. Huyền Như đã dẫn dụ 5 đơn vị này gưi tiền vào VietinBank và trước khi khách hàng gửi tiền hợp pháp thì Như chưa chiếm đoạt. Sau khi tiền được gửi vào ngân hàng hợp pháp thì Huyền Như lập tức chiếm đoạt tiền.
Năm đơn vị này không có lỗi trong việc bị Như chiếm đoạt tiền bởi vì họ không có nghĩa vụ quản lý tiền gửi trong tài khoản. Nghĩa vụ này là của VietinBank. Việc để Như chiếm đoạt tiền của 5 đơn vị này thuộc về lỗi quản lý của VietinBank.
Theo đại diện VKS, Huyền Như được VietinBank bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng kiêm kiểm soát viên của Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TPHCM và đã dùng nhiều thủ đoạn lập, phê duyệt lệnh chi giả để chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị.
Như vậy, Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản, do vậy hành vi do Như thực hiện đều nằm trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của bị cáo.
Nguyên nhân Huyền Như chiếm đoạt trót lọt 1.085 tỉ đồng xuất phát từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sự hỗn loạn trong quản lý và hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống trong thời gian dài tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP HCM.
Theo công tố viên, VietinBank là loại hình doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước hơn 50%, vậy nên hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 đơn vị của Huyền Như đã phạm vào tội “Tham ô tài sản”. Theo đó, VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường cho 5 đơn vị số tiền 1.085 tỉ đồng. Từ đó, đại diện VKSND Tối cao đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của 5 đơn vị.
VKS đề nghị bác kháng cáo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cùng 19 nhân viên của ACB, của Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank, nay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân) cùng 4 nhân viên của họ yêu cầu VietinBank phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.
Đối với căn biệt thự trị giá 43 tỉ đồng tại Quảng Nam do bà Nguyễn Thị Lang (mẹ ruột Huyền Như) đứng tên, VKS đề nghị bác yêu cầu giải tỏa lệnh kê biên của Huyền Như…
Bên cạnh đó, VKS đề nghị giảm án cho 5 bị cáo vì có một số tình tiết giảm nhẹ mới; đồng thời đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP HCM, tăng án đối với bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp với mức án 2 năm tù tội “Cho vay lãi nặng” thành 12 năm tù) lên 13-14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đại diện VKSND Tối cao đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh TPHCM Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì đã ký các hợp đồng tiền gửi với các nhân viên chi nhánh ACB nhưng không kiểm tra, giám sát các hợp đồng đã ký để cho Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt.
Công tố viên cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẻ, nguyên Giám đốc VietinBank chi nhánh TPHCM trong vụ án.
(Người Lao động)
-------------------------
Luật sư tranh luận với VKS, đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ quyền lợi cho ACB) cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào bản án sơ thẩm, căn cứ vào kết quả thẩm vấn của phiên tòa phúc thẩm những ngày qua, căn cứ vào quan điểm của VKS (đề nghị bác kháng cáo của ACB), ACB đã kháng cáo về tố tụng, về nội dung bản án sơ thẩm.
Về tội danh của Huyền Như và về việc thu hồi tiền và tài sản do phạm tội mà có, tại phiên tòa sơ thẩm và phần thẩm vấn tại tòa phúc thẩm, việc xác định tiền chiếm đoạt của ACB đi đâu chưa được thực hiện cụ thể. Tòa sơ thẩm không quyết định thu hồi, VKS tại tòa phúc thẩm cũng không có ý kiến về việc này.
Cũng theo tranh luận của luật sư Uyên, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có đã được pháp luật quy định khi giải quyết vụ án hình sự… Luật sư Uyên cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm cho quay lại phần thẩm vấn, nếu cần thì trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xác định tiền do phạm tội mà có đi đâu để áp dụng các biện pháp thu hồi?
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Tuyết Anh, Bùi Ngọc Quyên, Hoàng Hương Giang) tranh luận tại tòa và cho rằng, với hành vi và thủ đoạn gian dối của Huyền Như trong việc giả mạo con dấu, chữ ký, tài liệu, hồ sơ mà phải qua giám định kỹ thuật mới phát hiện được, bản thân Phạm Thị Tuyết Anh, Bùi Ngọc Quyên và Hoàng Hương Giang là các nhân viên bình thường, hoạt động trong cơ chế và điều kiện do trưởng phòng là người quyết định, nên cũng không thể phát hiện được hành vi gian dối của Như.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng tranh luận, hơn nữa, Phạm Thị Tuyết Anh, Bùi Ngọc Quyên và Hoàng Hương Giang trong quá trình điều tra cũng nhận thức được một số thiếu sót của mình trong quá trình thực hiện quy trình nghiệp vụ ngân hàng, nhưng những thiếu sót nói trên không phải là điều kiện đủ để Huyền Như có thể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình được. Bản thân vụ việc liên quan quy buộc trách nhiệm của Hoàng Hương Giang xin được xem xét lại vì có sự nhầm lẫn và thực tế hành vi đó không gây thiệt hại cho ACB.
“Với tư cách là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Phạm Thị Tuyết Anh, Bùi Ngọc Quyên và Hoàng Hương Giang, nay chúng tôi tha thiết kính mong HĐXX tòa phúc thẩm, Viện phúc thẩm xem xét lại đường lối xử lý đối với các bị cáo” - luật sư Hoài đề nghị.
(Lao động)
-------------------------