Nhiều mâu thuẫn tại hiện trường vụ án tử tù Hồ Duy Hải
Theo luật sư, Hải đi chân không vào bưu điện nhưng kết luận điều tra ghi hiện trường có dấu dép; thanh niên này chưa quan hệ với nạn nhân nhưng khai biết màu quần trong của cô gái.
Để làm rõ thêm khả năng có thể vô tội đối với tử tù Hồ Duy Hải (29 tuổi), luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra nhiều tình tiết mâu thuẫn giữa cáo buộc của cơ quan tố tụng với thực tế khi phân tích những dấu vết tại hiện trường. Trong đó có dấu dép, những hạt cơm khô dính trên mặt ghế đến quần áo, vết thương trên người nạn nhân. Cụ thể, tại bút lục 386 trong kết luận điều tra ghi đêm 13/1/2008 Hải bỏ dép ở bậc tam cấp trước khi vào bưu điện Cầu Voi. Như vậy, khi thanh niên này giết Hồng và Vân trong tình trạng không mang dép nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận một chân của Vân gác lên mặt chiếc ghế xếp ionx và "trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu đế dép dính những hạt cơm khô".
Như vậy, ai là người đã để lại dấu dép, đây là chiếc dép nào, đó là chưa kể với sức mạnh của Hải khi vung ghế đánh đập mạnh vào đầu Vân, sau đó quăng ghế xuống đất thì chắc chắn trên mặt ghế không thể còn dính những hạt cơm khô vì tác động của lực đập xuống, những hạt cơm khô sẽ rơi ra ngoài.
Ngoài ra, nạn nhân Vân còn có 2 vết thương rách mặt, tụ máu hình vuông. Vậy liệu chiếc ghế có thể gây ra vết thương này hay không trong khi Hải không có lời khai nào liên quan đến việc dùng ghế đánh vào mặt Vân mà chỉ đánh vào đầu.
Với Hồng, Hải không có lời khai nào liên quan đến tác động ngoại lực vào chân nạn nhân nhưng biên bản khám nghiệm tử thi và biên bản giám định pháp y đều ghi nhận Hồng có một số vết bầm máu làm da sậm màu ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái.
Theo luật sư, cần nói rõ thêm tư thế chết của Hồng qua bản ảnh cho thấy nạn nhân nằm ngửa, hai chân dang rộng, đầu quay ra hướng cửa. Với phần tay thì cao quá vai, bàn tay ngửa (tư thế bị đè mà không phản ứng kháng cự). Khám nghiệm vùng kín có một ít dịch nhầy.
Như vậy, có thể nạn nhân đã bị xâm hại tình dục vì bản ảnh cho thấy áo lót bị kéo ngược lên trên. Chiếc áo lót cũng không dính máu, không dấu tay - cho thấy nạn nhân bị kéo áo trước khi bị cắt cổ vì nếu kéo áo sau cắt cổ thì máu chảy ra rất nhiều, loang xuống. Với chiếc áo ngoài cũng bị cuộn lên trên áo lót. Trên mặt Hồng cũng có các vết cắt do vật sắc bén, nhiều chiều (ngang, dọc, chéo… ) giống như vết cắt cố ý, tính chất "tra tấn".
Với tư thế này cho thấy khả năng nạn nhân chết trong tư thế bị đè hai tay và hãm hiếp khi đã bị ngất hoặc chết trước đó. Những tư thế này hoàn toàn không phù hợp với các tình tiết do Hải khai thì ai đã thực hiện những hành vi để tạo ra các tình tiết này. Đặc biệt, Hải với nạn nhân chưa "quan hệ" nhưng có một bản khai thanh niên này cho biết thấy quần trong của nạn nhân màu trắng là khó thuyết phục.
Về những mảnh mút xốp tại hiện trường bị cắt vụn trên mặt bàn và rải rác dưới nền nhà theo biên bản khám nghiệm hiện trường cũng cần làm rõ ai đã cắt. Theo biên bản hỏi cung Hải vào 11/6/2008, tử tù này khai: "Tại ghế salon trên bàn lúc tôi và Hồng ngồi có báo tạp chí, 1 ly nước, điện thoại Nokia đen và mút xốp". Tức Hải không phải là người mang mút xốp đến bưu điện. Vậy ai đã mang đến và ai đã cắt vụn, mút xốp chứa vật gì… cũng chưa được làm rõ trong vụ án.
Sau khi Hồng và Vân bị giết, cơ quan điều tra kết luận hiện trường vụ án khi mở các vòi nước đều hết nước, nền nhà khô ráo. Tuy nhiên, biên bản lấy lời khai ngày 4/4/2008 (bút lục 201) thể hiện nhân chứng Thu Hiếu khai "hệ thống nước sinh hoạt trong nhà vệ sinh tại bưu điện có đầy đủ nước, hoạt động bình thường". Còn người tên Tuyền khai "tôi nghĩ là không bị cúp nước vì bưu cục có giếng nước và ngày 13/1/2008 không cúp điện".
Qua xác minh, máy bơm tại bưu cục có hệ thống rờ le tự động. Khi bồn hết nước thì máy bơm sẽ tự động bơm nước đầy bồn. Như vậy, việc hết nước tại bưu điện có nguyên nhân là ai đó đã cắt cầu dao máy bơm nước và việc này chưa được làm rõ.
Với chiếc tấm thớt đập vào đầu gây chảy máu, nhưng thớt lại không dính máu. Cụ thể, khi khám nghiệm hiện trường ghi nhận phía trên đầu nạn nhân Hồng "có một cái thớt gỗ". Nhưng cái thớt gỗ này đã không được thu giữ ngay lúc đó vì không có dấu vết liên quan đến vụ án. Điều này cho thấy cái thớt này không dấu máu và vết vân tay.
Suốt 3 tháng sau ngày bị bắt, Hải không hề có bất cứ lời khai nào nói rằng đã dùng thớt đánh vào đầu nạn nhân Hồng. Mãi đến ngày 11/6/2008, lần đầu tiên Hải khai về cái thớt như sau: "Tôi lấy tấm thớt cầm hai tay đập mạnh vào vùng đầu Hồng 2 cái, sau khi gây án tấm thớt tôi bỏ lại tại đầu nằm của Hồng".
Nếu lời khai của Hải là đúng thì chắc chắn trên cái thớt phải có vết máu, thậm chí dính nhiều máu. Ngoài ra, các vết rách trên mặt nạn nhân cũng phải có dạng phù hợp với cái thớt như hình vòng cung, miệng rộng, rách bờ vết thương… nhưng thực tế hoàn toàn không có điều này.
Theo công văn số 37/GT.PY.08 ngày 7/4/2008 thì vùng mặt có những vết rách da bờ mép sắc gọn. Điều đó chứng tỏ vùng mặt của nạn nhân có các vật cứng sắc gọn và bị va đập nhiều lần. Trong khi đó, cái thớt chắc chắn không thể là vật sắc gọn.
Từ đó, luật sư Phong cho rằng việc quy kết Hải đã dùng thớt để đập vào mặt Hồng là phi lý, khiên cưỡng. Có phải chăng chính vì vậy mà mãi đến ngày 24/6/2008 nhà chức trách đã yêu cầu chị Thu Hiếu đi mua một cái thớt mang về giao nộp để từ đó cho rằng Hải đã dùng một cái thớt như vậy để đánh vào mặt nạn nhân Hồng. Điều này liệu có hợp lý?
-------------------------
Những nghi vấn trong vụ Hồ Duy Hải bị tuyên án tử
Nhân chứng biết việc khai không trùng khớp với đặc điểm chiếc áo Hải mặc trong đêm xảy ra án mạng. Thanh niên mang tội giết người vì sao sử dụng xe máy có 3 biển số khác nhau.
Quá trình kêu oan cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải (29 tuổi, ngụ Long An), các luật sư chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong vụ án 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị sát hại tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). Trong đó chiếc áo thun Hải mặc đêm xảy ra án mạng có đặc điểm khác như nhân chứng mô tả trong bản ghi lời khai.
Theo cáo trạng, tối 13/1/2008, khi đi khỏi nhà, Hải mặc áo thun màu xanh, trên ngực có hàng chữ trắng. Anh này cũng có nhiều lời khai xác định chiếc áo mặc màu xanh đậm, tin chữ tiếng Anh màu trắng với một sọc trắng phía trước.
Tuy nhiên, nhân chứng Đinh Vũ Thường - người được cho là gặp thanh niên nghi vấn trong bưu điện lại khai, thấy anh này "mặc áo thun ngắn tay màu xám đen, hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ".
Cần làm rõ việc Hải có mặt tại bưu điện
Theo hồ sơ, nhân chứng khai nạn nhân Hồng có cuộc hẹn với bạn trai tên Mi vào đêm án mạng. Người này cũng khẳng định Mi về bưu điện Cầu Voi tối 13/1/2008.
Cáo trạng mô tả Hải nói chuyện với Hồng khá lâu, hai người đùa giỡn, Hải kéo Hồng vào phòng đòi "quan hệ". Chi tiết này cho thấy hai người phải có mối quan hệ thân tình và công khai.
Tuy nhiên, thực tế Hải với 2 nạn nhân không có mối quan hệ nào đặc biệt. Những người bạn thân thiết của 2 nữ nhân viên bưu điện khẳng định, Hồng đang quan hệ tình cảm với 2 người đàn ông tên Mi và Nghiêm, chứ không phải Hải. Trong đó tình cảm cô gái này với Mi được cho là sâu đậm.
Hàng tuần Mi từ Sài Gòn về thăm Hồng, ngủ lại với cô này tại tầng 1 bưu điện. Trong bản ghi lời khai, Mi đã nói rõ việc này.
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện đêm xảy ra vụ án mạng, Mi có cuộc hẹn với Hồng tại bưu điện Cầu Voi.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (bạn thân của 2 nạn nhân) khẳng định trước giờ chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải, cũng như chưa từng gặp Hải tại bưu điện, chỉ thấy Mi và Nghị đến.
Vẫn theo chị này, chiều ngày 13/1/2008 có thấy Hồng nói chuyện điện thoại với Mi 2 lần. Chị Hiếu khẳng định chắc chắn tối hôm đó Mi về Cầu Voi.
Trong bối cảnh như vậy, liệu Hải có thể đến chơi tại bưu điện để sau đó sát hại các nạn nhân? Đáng chú ý, trong hồ sơ vụ án không thấy có bản cung nào của Mi đề cập đến việc tối 13/1/2008, người này đi đâu - dù anh ta với Hồng liên lạc nhiều lần và có quan hệ tình cảm.
Chỉ 4 phút khó chạy xe 7,5 km
Để kêu oan cho con, hơn 6 năm qua bà Loan (mẹ Hải) nhiều lần ăn ngủ vỉa hè Hà Nội. Người mẹ tin con trai vô tội vì thời điểm nạn nhân bị giết Hải đang cầm cố điện thoại cách hiện trường 7,5 km. Theo phân tích của luật sư, nếu tính thời gian như các cơ quan tố tụng, với cự ly này Hải chỉ có 4 phút để chạy xe.
Cụ thể, cáo trạng ghi Hải có mặt tại bưu điện Cầu Voi khoảng 19h30, nhân chứng Đinh Vũ Thường thấy Hải ngồi trong bưu điện lúc 19h39.
Tối đó, anh Thường có cuộc gọi từ máy của bưu điện lúc 19h39. Như vậy, anh này phải đến bưu điện sớm hơn ít nhất 1 phút, bởi trước khi vào gọi điện cần dựng xe, đi vào trong, tức khoảng 19h38.
Một nhân chứng khác là Hồ Văn Bình khai đến bưu điện gửi xe khoảng 19h30, rồi vào nhà người quen cạnh đó có việc khoảng 10 phút. Lúc quay ra anh Bình không gặp anh Thường. Từ đó có thể thấy thời gian nhân chứng thứ 2 này rời bưu điện để vào nhà người quen chậm nhất là 19h37 (anh Thường được tính toán đến bưu điện lúc 19h38).
Vẫn theo lời khai anh Bình, nhân chứng này thấy người thanh niên ngồi trong bưu điện, tức là lúc 19h27 (trừ 10 phút đi tới nhà người quen).
Từ đó cho thấy Hải phải có mặt tại bưu điện chậm nhất lúc 19h26 (cần 1 phút để dựng xe, cởi áo khoác, bỏ dép ở bậc tam cấp để vào trong nói chuyện với Hồng và được anh Bình nhìn thấy).
Trong khi đó, lúc 19h13 phút Hải còn đang nghe điện thoại của người bạn tên Đang tại tiệm cầm đồ cách bưu điện 7,5 km. Thời gian còn lại, Hải đi từ tiệm cầm đồ về nhà, rồi đến bưu điện là 13 phút (từ 19h13 đến 19h26).
Cáo trạng nêu Hải chạy xe với vận tốc khoảng 40km/h (tức có khoảng 15 phút để đi từ tiệm cầm đồ đến bưu điện trên quãng đường 7,5 km).
Theo các luật sư, đối chiếu kết quả điều tra có thể thấy Hải không thể thực hiện được hành trình như bị quy kết (13 phút di chuyển và làm đồng thời 3 việc: cầm đồ điện thoại, nhận tiền, về nhà đổi xe khác).
Theo lời khai của chủ tiệm cầm đồ, khi cầm cố điện thoại Hải mang tới bà kiểm tra khá kỹ món hàng, sau đó đếm tiền trả cho khách - thời gian mất ít nhất 5 phút.
Đoạn đường từ vào nhà Hải dài 350 m, đường bờ ruộng nhấp nhô, không đèn. Anh ta cần đi vào sân, dựng chiếc xe đang chạy để lấy chiếc khác của bà Rưỡi (dì ruột) quay ra. Thông thường thời gian này mất ít nhất cũng 2 phút.
Hải sau đó còn đến một quán cà phê đón Đang, đưa tiền cầm chiếc điện thoại cho bạn rồi chở anh này đến một quán khác ở gần đó, mất thêm ít nhất 2 phút.
Tổng thời gian cho 3 việc Hải làm trên đường di chuyển là 9 phút. Như vậy, anh ta chỉ có 4 phút, không đủ chạy một quãng đường trên 7,5 km trong điều kiện trời tối, đường xấu, qua cầu và nhiều ngã rẽ.
Thêm chi tiết mâu thuẫn trong cáo trạng là Hải đã sử dụng 2 chiếc xe gắn máy, ban đầu là xe Wave mang biển 62F4-3040 của bà Nguyễn Thị Len (dì ruột). Sau khi cầm đồ, Hải về nhà đổi chiếc xe của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột) rồi mới chạy đến bưu điện và gây án.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án thể hiện Hải sử dụng xe biển số 62F6-0842 của bà Rưỡi để đến bưu điện, nhưng khi ra về thì chiếc xe lại có biển số khác: 62F5-0842. Còn trong biên bản nhận dạng của anh Thường, nhân chứng này khai thấy xe có biển số 62H5-0842.
Hải đã đi chiếc xe nào, anh Thường nhận dạng chiếc xe nào, đâu là cơ sở để kết luận 3 biển số khác nhau này là cùng của một chiếc xe.
* Tên 2 người bạn trai của chị Hồng đã thay đổi.
(Nguồn: Zing News)
-------------------------