Sáng 14.1.2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Vụ án kéo dài hơn 6 năm và đến phút chót dư luận lại một lần bất ngờ khi ngay trước ngày thi hành án tử hình, tử tù Hồ Duy Hải được ký quyết định tạm dừng thi hành án.
Kỳ 1: Lật lại vụ án mạng kinh hoàng
Ngày 5.12, theo kế hoạch, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An sẽ triển khai việc thi hành án tử với Hồ Duy Hải. Nhưng ngay trước thời điểm thi hành án, Chủ tịch hội đồng thi hành án tỉnh Long An ngày 4.12 đã ký quyết định “tạm dừng thi hành án” đối với tử tù Hồ Duy Hải.
Hồ Duy Hải (áo thun trắng) - Ảnh do gia đình Hồ Duy Hải cung cấp
Việc tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải được thực hiện theo đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo đó, trong ngày 4.12, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.
Chúng tôi xin lược lại vụ án này để bạn đọc tiện theo dõi.
Vụ án kinh hoàng, hai mạng người chết tức tưởi
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, khoảng 7 giờ sáng ngày 14.1.2008, như thường lệ, anh Phùng Phụng Hiếu (là nhân viên của Bưu điện Thủ Thừa) đến Bưu điện Cầu Voi để giao báo. Tới nơi, anh Hiếu thấy cửa vẫn còn đóng kín, cổng trước và cổng sau chưa mở. Gọi nhiều lần không thấy ai lên tiếng, anh vòng ra ngõ sau leo rào vô thì thấy cửa chỉ khép hờ. Nhưng vừa kéo cửa ra thì anh hoảng hồn khi nhìn thấy thi thể của 2 nữ nhân viên nằm bất động dưới nền gạch bê bết máu.
Khi cơ quan điều tra tới khám nghiệm hiện trường đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng: nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) bị cắt lìa cuống họng, trên mặt đầy thương tích, nằm ngửa bên dưới chân cầu thang, áo bị cuốn lên khỏi ngực.
Cạnh đó, thi thể Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) trong tư thế nằm ngửa, đầu gối lên đùi trái của Ánh Hồng, chân trái dang ra và gác lên một cái ghế xếp, cổ có vết cắt và trên đầu có nhiều dấu vết do vật cứng va chạm.
Nạn nhân Hồng và Vân là chị em chú bác ruột, cùng ngụ khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, TP.Tân An (Long An). Ở cửa nhà vệ sinh và lavabô rửa mặt, cơ quan điều tra thu thập được nhiều dấu vân tay và vết máu. Trên bàn salon ở phòng khách vẫn còn 2 túi trái cây chưa mở ra. Chiếc xe Wave màu xanh của nạn nhân vẫn còn. Không có dấu hiệu 2 nạn nhân bị cưỡng hiếp, nhưng tài sản bị mất gồm một khoản tiền mặt và hàng chục simcard, thẻ cào điện thoại di động…
Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 11.4.2008
Cũng theo hồ sơ vụ án, các nhân chứng cho biết khoảng 20 giờ 30 đêm xảy ra vụ án (ngày 13.1.2008), đèn trong bưu điện vẫn còn sáng, trong lúc Thu Vân ra ngoài mua trái cây. Trước đó có một thanh niên đi xe gắn máy xuất hiện ở bưu điện.
Khi người bán trái cây thắc mắc sao mua nhiều vậy, thì Vân trả lời “vì tối nay có tài trợ của bạn trai”. Lúc đầu, cơ quan điều tra nhận định có khả năng hung thủ chỉ là một người và không loại trừ đây là người quen hoặc người yêu của 2 nạn nhân. Nhiều khả năng động cơ, mục đích giết người chỉ vì tình...
Một trong những nghi can đầu tiên bị cơ quan điều tra triệu tập ngay chiều 14.1.2008 là Nguyễn Văn Nghị (28 tuổi, ngụ xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Nghị là một trong 2 người bạn trai của nạn nhân Ánh Hồng và lúc đầu được xác định là nghi can số một.
Nhưng 2 ngày sau đó cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập 3 người thợ bạc của tiệm vàng Kim Long, gần Bưu cục Cầu Voi. Trong số này có Nguyễn Mi Sol, được biết cũng là bạn trai của nạn nhân Hồng.
Một nhân chứng khác thì cho biết khoảng hơn 20 giờ đêm 13.1.2008, người này vào Bưu cục Cầu Voi để gọi điện thoại thì thấy tại phòng giao dịch chỉ có một nữ nhân viên. Nhưng ở ghế salon còn có một thanh niên mặc áo khoác, quần jeans ngồi quay mặt ra ngoài.
Sau khi đã triệu tập trên 20 người để lấy lời khai, hơn 2 tháng sau, ngày 21.3.2008 cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam Hồ Duy Hải (23 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) và xác định đây chính là hung thủ đã sát hại dã man 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi.
Kết tội
Theo cáo buộc của Viện KSND tỉnh Long An thì Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi vào lúc 19 giờ 30 ngày 13.1.2008. Do nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Ánh Hồng, Hải đưa tiền cho Thu Vân đi mua trái cây. Khi Vân vừa đi khỏi, Hải kéo Hồng vào buồng và đẩy nằm ngửa xuống đi-văng. Hồng phản ứng, dùng chân đạp vào bụng Hải rồi đi về phía cầu thang.
Bưu điện Cầu Voi, nơi xảy ra vụ thảm án - Ảnh: Hoàng Phương
Hải đuổi theo đẩy vào góc tường nhưng Hồng kêu la. Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay bóp cổ, đẩy nạn nhân ngã xuống sàn rồi lấy tấm thớt gỗ đập vào đầu Hồng nhiều lần đến khi bất tỉnh. Sau đó vào bếp lấy con dao inox ra cắt cổ nạn nhân rồi lôi xác vào giấu ở góc cầu thang...
Cũng theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An, khi Thu Vân mua trái cây về, kéo cửa sắt xuống rồi bỏ bịch trái cây lên bàn salon, trong khi Hải núp vào một góc và cầm ghế inox thủ sẵn. Khi phát hiện thi thể Hồng, Vân hoảng hồn quay đầu bỏ chạy thì Hải đuổi theo, dùng ghế đập vào đầu làm nạn nhân ngã xuống sàn gạch bất tỉnh.
Tiếp theo, Hải kéo xác Vân để nằm cạnh Hồng, dùng dao cắt cổ nạn nhân rồi ra phòng vệ sinh rửa dao, rửa tay. Sau đó đem dao bỏ vào trong kẹt giữa tấm bảng và vách tường.
Gây án xong, Hải lục tủ lấy 1,4 triệu đồng, khoảng 40 simcard, thẻ cào điện thoại di động, điện thoại Nokia, lột hết dây chuyền, nhẫn, bông tai của 2 nạn nhân rồi ra phía sau đóng cửa lại, leo cửa rào ra sân trước lấy xe gắn máy chạy về nhà. Sợ bị phát hiện, khoảng một tuần sau Hải lấy quần áo mặc lúc gây án và sợi dây nịt đem đốt để phi tang...
Với những kết luận trong cáo trạng truy tố, những tưởng vụ án sẽ nhanh chóng khép lại. Thế nhưng, mọi chuyện đã không phải như vậy khi bị cáo luôn một mực kêu oan.
Kỳ 2: Liên tục kêu oan
Gia đình liên tục gửi đơn kêu oan
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Hải khi đó dẫn ra tới 41 điểm mà luật sư nhận định là "có sai sót" trong quá trình tố tụng của cơ quan điều tra. Chẳng hạn như trong hồ sơ vụ án có rất nhiều nội dung, câu chữ trong biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can hoặc nhân chứng, đã bị chỉnh sửa lại nhưng không có chữ ký xác nhận của bị can, nhân chứng và điều tra viên...
Ngày 1.12.2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản, đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 60 triệu đồng.
Sau phiên tòa, bị cáo Hải có đơn kháng án. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 28.4.2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác đơn kháng cáo của Hồ Duy Hải, tuyên y án sơ thẩm.
Không thu thập được vật chứng
Theo cáo trạng thì Hồ Duy Hải gây án bằng cách dùng thớt gỗ đập đầu và dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân. Tuy nhiên, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra lại không thu thập được 2 vật chứng quan trọng đó.
Khoảng nửa tháng sau khi xảy ra vụ án, khi cơ quan điều tra lấy lời khai của các ông Hùng, Thu, Vàng (các nhân chứng tham gia dọn dẹp hiện trường) thì được biết: ngày 14.1.2008, trong lúc tham gia dọn dẹp hiện trường họ đã phát hiện một con dao “rất sạch, không có vết máu” nằm trong kẹt giữa tấm bảng và vách tường, gần chỗ 2 nạn nhân bị giết.
Nhân chứng Nguyễn Văn Thu ký tên xác nhận vật chứng trong vụ án: “con dao này do tôi mua nộp cho công an” - Ảnh: Hoàng Phương
Hồ sơ vụ án ghi nhận các nhân chứng đã báo sự việc cho công an xã và huyện nhưng công an bảo rằng “chắc không có gì đâu, bỏ đi”. Vì vậy họ đã dùng con dao đó để cạo vết máu còn dính trên nền gạch rồi đem dao đi đốt bỏ!
Ngày hôm sau, công an cho tìm lại con dao này nhưng tìm không được. Nhân chứng Nguyễn Văn Thu đã ra chợ mua một con dao khác để thay vào và khẳng định “nó giống với con dao đã mất” (xem bút lục trong hồ sơ vụ án phía trên).
Tương tự, hồ sơ vụ án cũng ghi nhận, mãi hơn 5 tháng sau, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, ngày 24.6.2008 bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của 2 nạn nhân) đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho cơ quan điều tra để làm vật mô phỏng.
Hồ sơ vụ án ghi nhận một nhân chứng khai rằng vào đêm xảy ra án mạng, ông ghé vào Bưu điện Cầu Voi để gọi điện thoại và nhìn thấy một thanh niên mặc áo thun ngắn tay màu xám đen, hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ. Trong khi đó, cáo trạng mô tả Hồ Duy Hải mặc áo thun màu xanh, trên ngực có hàng chữ màu trắng.
Cáo trạng ghi nhận vào lúc 19 giờ 39 phút có nhân chứng phát hiện Hải ngồi trong bưu điện, nhưng một chi tiết khác trong cáo trạng lại nói “khoảng 20 giờ Hải điều khiển xe tới Bưu điện Cầu Voi”.
Theo cáo trạng, khoảng một tuần sau khi gây án, Hải lấy quần áo đã mặc trong lúc gây án cùng dây thắt lưng bằng da đem đi đốt để phi tang. Kết quả giám định lại ghi kết luận “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng và quần áo...”.
Theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 11.4.2008: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14.1.2008 tại Bưu cục Cầu Voi... không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”!
Từ đó đến nay bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, đã liên tục gửi đơn kêu oan cho con trai tới các cơ quan chức năng, từ địa phương tới trung ương.
(Nguồn: Theo Thanh Niên)
-------------------------