Không hạn chế số lượng thí sinh được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ
Chiều 24/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký ban hành văn bản hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015.
Theo đó, đối tượng thí sinh được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 bao gồm: thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp THPT; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT được tuyển thẳng vào các trường CĐ các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thí sinh đoạt giải; thí sinh đoạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu: Căn cứ vào tình hình cụ thể của công tác tuyển sinh, các trường xác định chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo từng ngành hoặc chung cho tất cả các ngành, đảm bảo tổng chỉ tiêu không thấp hơn số lượng thí sinh tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào trường năm 2014.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng gồm: phiếu đăng ký xét tuyển thẳng; bản sao hợp lệ học bạ 3 năm học trung học phổ thông; hai phong bì đã dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh; hai ảnh chân dung cỡ 4x6cm; bản sao hợp lệ hộ khẩu thường trú. Lệ phí tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng và đăng ký xét tuyển thẳng là 30.000đ/thí sinh/hồ sơ.
Thời gian đăng ký và nộp hồ sơ tuyển thẳng trước ngày 5/8.
Các trường xét và công bố kết quả tuyển thẳng trước ngày 15/8 và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT trước ngày 1/9.
------------------------
Quyết liệt thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 vừa yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng mới trồng và trồng rừng phòng hộ ở các khu vực rất xung yếu.
Bên cạnh đó, các địa phương quyết liệt thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.
Tăng cường quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép; cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.
------------------------
Tàu chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai giảm 40 phút
Theo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai giai đoạn 1 đã hoàn thành.
Đây là dự án quan trọng của tuyến đường sắt phía Tây, là một phần thuộc hành lang giao thông Côn Minh-Hải Phòng. Tuyến trải dài 285km theo hướng Tây Bắc, từ Ga Yên Viên (Hà Nội), dọc theo bờ Bắc sông Hồng đến Lào Cai, biên giới giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Dự án được phân làm 2 giai đoạn, trong đó quy mô giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 166,46 triệu USD tương đương 3.434 tỷ đồng. Quá trình thực hiện giai đoạn 1, dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu mua sắm ray, ghi.
Với việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai giai đoạn 1, năng lực tuyến hiện nay đã được nâng lên, cho phép khai thác 23 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Việt Trì-Yên Bái, 33 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Yên Bái-Phố Lu, 17 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Phố Lu-Lào Cai, xóa bỏ hầu hết các điểm xung yếu gây mất an toàn trên tuyến và rút ngắn thêm 40 phút chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai.
Được biết, giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải với mục tiêu 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút và cho phép nâng cao hơn nữa năng lực khai thác, lập chạy tàu với tần suất ngày đêm cao hơn nữa trên các cung đoạn Yên Viên-Việt Trì-Tiên Kiên-Yên Bai-Phố Lu-Lào Cai.
----------------------