Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 24, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tranh chấp lãnh thổ là thách thức lớn ở khu vực Đông Á và nêu rõ mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Chiều 20/4/2015, tại Jakarta, Indonesia, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tham dự các hoạt động tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 24.
Tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần này có hơn 500 đại biểu, bao gồm lãnh đạo cấp cao của nhiều nước như Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Campuchia, Phó Thủ tướng Liên bang Nga, lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới.
Phát biểu tại Phiên khai mạc với chủ đề “Đông Á trong bối cảnh toàn cầu mới”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc các nước Đông Á tăng cường hợp tác làm sâu sắc và sống động hơn kết nối giữa các nền kinh tế và giữa các khu vực đi đôi với đẩy mạnh cải cách là cần thiết để xây dựng một nền kinh tế có khả năng thích ứng tốt hơn với bối cảnh toàn cầu mới.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tích cực đàm phán nhiều FTA lớn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đông Á đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong hợp tác và phát triển, nhưng sự ổn định và phát triển của khu vực cũng đang gặp nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không…
Phó Thủ tướng nêu rõ mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước và các đối tác trên tinh thần hợp tác, chân thành, tin cậy lẫn nhau nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Trước phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla. Hai bên đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp; nhất trí tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại; tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề ngư dân trên biển…
Bên lề Hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich. Hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đang phát triển mạnh mẽ; nhất trí thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, dầu khí…
Tại cuộc gặp với Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler, hai bên đánh giá hợp tác giữa Việt Nam và WEF phát triển tốt đẹp, trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp quảng bá Việt Nam trong các hoạt động và hội nghị của WEF, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký OECD Mari Kiviniemi, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Đông Nam Á của OECD cho các chương trình, dự án hợp tác Việt Nam-OECD.
Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi chiêu đãi do Tổng thống Indonesia chủ trì. Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị.
Nghị quyết 39 vừa được Bộ Chính trị ban hành yêu cầu biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định…
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Chính trị đánh giá những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương về tinh giản biên chế đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên được Bộ Chính trị chỉ rõ là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế. Bên cạnh đó còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc chia tách, thành lập mới và nâng cấp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn quá nhiều…
Vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Những giải pháp cụ thể đã được Bộ Chính trị đặt ra, trong đó tập trung vào việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh và lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ.
Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Bộ Chính trị yêu cầu sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp. Qua đó rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.
Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.
Về nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, đối với cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức do Trung ương quản lý thì ngân sách trung ương bảo đảm. Đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, kinh phí lấy từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị…
-------------------------
Thủ tướng duyệt mở rộng khu công nghiệp phục vụ bô xít Nhân Cơ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, trong đó điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp Nhân Cơ từ 100 ha lên 148 ha.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục mở rộng Khu công nghiệp đúng theo quy định.
Đồng thời xây dựng phương án cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý chất thải của khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.
Khu công nghiệp Nhân Cơ nằm trong phạm vi địa bàn xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, phục vụ xây dựng các dự án, nhà máy sản xuất những sản phẩm phục vụ cho công tác khai thác bô xít, luyện alumina như: sản xuất bao bì, hóa chất, cơ khí sửa chữa, cơ khí chế tạo, nghiên cứu thử nghiệm giống cây trồng, chế biến nông lâm sản.v.v. và sẽ hình thành nên một tổ hợp các ngành nghề phục vụ cho việc khai thác bô xít, luyện alumina và phục vụ chế biến nông, lâm sản tại địa phương; tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển trong khu vực, góp phần tạo công ăn việc làm và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
----------------------