Thủ tướng điều động một số cán bộ lãnh đạo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các quyết định điều động một số cán bộ lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Cụ thể, tại Quyết định số 2425/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động Trung tướng Nguyễn Chí Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh I, đến nhận công tác và giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Tại Quyết định số 2426/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đến nhận công tác và giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an.
Tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, đến nhận công tác và giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
Đồng thời, tại Quyết định số 12/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa kỳ, trở lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
-------------------------
Bộ Ngoại giao: Giàn khoan Hải Dương 981 đang di chuyển trên Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 8.1 tại Hà Nội, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định thông tin, giàn khoan Hải Dương 981 đang di chuyển trên Biển Đông.
Bà tuyên bố: “Nhiệm vụ của các lực lượng chức năng Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”. Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, kiên quyết đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền, của Việt Nam.
Trước đó, báo chí cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam mùa hè 2014 hiện đang di chuyển trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông để ra Ấn Độ Dương tác nghiệp. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ các di chuyển của giàn khoan này.
Liên quan đến việc Trung Quốc đã thành lập đồng thời 4 “ban vũ trang nhân dân” trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động ở đây mà không có sự đồng ý của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị” – phó phát ngôn nói.
Trước đó báo chí Trung Quốc đưa tin, nước này đã thành lập 4 “ban vũ trang nhân dân”, trong đó có “ban vũ trang nhân dân” đảo/thị trấn Vĩnh Hưng (thực tế là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), “ban vũ trang nhân dân” Thất Liên (7 hòn đảo gần nhau, đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “ban vũ trang nhân dân” quần đảo Vĩnh Lạc (thực tế là nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Về việc Trung Quốc công bố các hình ảnh quân sự trên Đá Chữ Thập, Phó Phát ngôn viên Phạm Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc là vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết, và hành động đó không thể thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi cãi với hai quần đảo này”.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo bà Phạm Thu Hằng, nhân dịp này, lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ trao đổi điện mừng. Hai bên cũng tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
“Hai bên nhất trí duy trì thường xuyên tiếp xúc giữa lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước, củng cố cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại trên cơ sở cân bằng và cùng có lợi”.
-------------------------
Người Việt ở Phnom Penh bất bình vì cảnh sát đối xử bất công
Tờ Cambodia Daily ngày 7.1 cho biết, nhiều người Việt sống ở thủ đô Phnom Penh đã bày tỏ sự bất bình với việc thực hiện chính sách điều tra dân số người nước ngoài trên toàn Campuchia. Họ cho rằng trong các cuộc kiểm tra, cảnh sát đã nhằm vào các cộng đồng vào doanh nghiệp của họ một cách bất công.
Trong đợt điều tra mới nhất, cảnh sát phụ trách di trú đã bao vây các doanh nghiệp của người Việt khắp Phnom Penh hôm 5.1 và bắt giữ 6 người vì không có giấy tờ chứng minh họ làm việc ở Campuchia một cách hợp pháp, trong số đó một bé gái 12 tuổi bị tạm giữ trong vài giờ đồng hồ.
Kim Chanthy, sinh ra tại Campuchia và có cha mẹ là người Việt, hiện sở hữu một tiệm café ở quân Tuol Kok, xã Phsar Doeum Kor, cho biết, cảnh sát di trú tra vấn anh một cách riết róng cho dù anh đã xuất trình thẻ của Bộ Nội vụ Campuchia chứng thực doanh nghiệp của anh đã được thanh tra. “Họ nhằm vào tôi bởi cha mẹ tôi là người Việt. Họ muốn đẩy tôi vào xe. Cảnh sát lạm dụng quyền lực để vi phạm nhân quyền. Dựa theo luật pháp, họ có thể thẩm vấn người chủ, nhưng họ không thể đối xử với tôi như thế”.
Seak Kheang, một người Việt sang Campuchia năm 1984, chủ một quán café gần đó, cho biết, cô con gái 12 tuổi của ông sợ hãi ra mặt và bị cảnh sát bắt vào xe sau khi ông không thể đưa ra ngay giấy chứng sinh gốc của con gái. Mặc dù Kheang giải thích rằng giấy chứng sinh của con gái ông để ở nhà, nhưng họ vẫn bắt cô bé tạm giữ ở văn phòng cảnh sát di trú địa phương, và chỉ thả ra khi ông mang được giấy tờ đến sau đó. Một nhân viên của ông sinh ra tại Campuchia cũng bị bắt giữ vì không đưa ra được giấy chứng sinh. Khi được thả ra, con gái ông Kheang vẫn còn run sợ, mặc dù bố cô đảm bảo rằng gia đình có đủ giấy tờ cư trú cần thiết.
Uch Sothearath, phó giám đốc phụ trách vấn đề di trú của cảnh sát, khẳng định việc bắt giữ cô bé 12 tuổi vì bố cô không đưa ra được giấy chứng sinh có giá trị. “Khi giấy tờ gốc được đem tới, chúng tôi cho cô bé được về,” ông này nói.
-------------------------
Vụ dân chặn xe vào nhà máy ở Hải Phòng: Đình chỉ 11 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Chiều 7.1, ông Nguyễn Trần Lanh - Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) - cho biết: UBND huyện đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 11 cơ sở tại khu vực các cơ sở sản xuất, tập kết than và vật liệu xây dựng tại khu bãi phía ngoài đê sông Đá Bạc, cho đến khi nào khắc phục được việc gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, người dân ở xã Lưu Kỳ (huyện Thủy Nguyên) đã chặn xe ôtô chở nguyên vật liệu vào khu vực này.
Sống trong ô nhiễm
Theo ông Lanh, các DN, đơn vị, cá nhân tại khu vực này phải họp bàn và thống nhất với người dân về phương án đảm bảo môi trường. Khi nào người dân thống nhất, đồng ý với phương án các đơn vị đưa ra, huyện sẽ cho hoạt động trở lại.
Trước đó, từ chiều 5.1, người dân đã lập chốt chặn trên tuyến đường vào các bãi tập kết, cơ sở sản xuất với lý do gây ô nhiễm môi trường. Theo người dân phản ánh, các bãi tập kết than và vật liệu xây dựng được các đơn vị hoạt động từ năm 2006. Hầu hết các cơ sở đều tập kết, sàng sẩy than cám, đốt than hoa, sản xuất vôi, nhà máy ép dầu, cơ sở sửa chữa tàu thủy… Toàn bộ 1.400m đường đê khu vực này, phía trong là khu dân cư, phía ngoài là các bãi than, vật liệu xây dựng chất cao như núi. Hằng ngày, hàng trăm lượt xe ôtô ra, vào để vận chuyển, gây bụi mù mịt khắp nơi. Bụi than bám khắp khu vực làng xóm. Hoa màu và cá nuôi trong ao bị ảnh hưởng; tiếng xe chạy suốt đêm ồn ã… Tại hai thôn Đá Bạc và Bạch Đằng, nhiều người dân bị bệnh về đường hô hấp. Người mắc bệnh ung thư cũng lên đến hàng chục người. Nhiều lần dân kiến nghị lên xã, huyện nhưng không được giải quyết dứt điểm. Lần chốt chặn này, người dân yêu cầu phải có biện pháp đảm bảo môi trường và bồi thường về hoa màu và vật nuôi (cá) bị thiệt hại do ô nhiễm.
Ông Đào Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ - cho biết: Toàn khu vực trên có Cty CP Quốc tế Đức Hòa (sản xuất vôi) được thành phố cấp phép và 10 hộ cá thể kinh doanh, tập kết than và vật liệu xây dựng được huyện Thủy Nguyên cho thuê đất. Trong số các hộ thuê đất, đã có hộ chuyển nhượng cho hộ khác kinh doanh, sản xuất; Có hộ sản xuất than hoa đã bị đình chỉ (Cty Đức Giang) nhưng vẫn lén lút hoạt động… Theo ông Lợi, cả hai thôn trên có 270 hộ với trên 900 nhân khẩu sống dọc bên phía trong đê.
Sẽ thu hồi đất nếu chuyển nhượng trái quy định
Ông Lại Văn Long - Trưởng phòng TNMT huyện Thủy Nguyên - cho biết: Ngày 6.1, huyện đã yêu cầu các DN phải họp bàn với người dân trong việc đưa ra các biện pháp đảm bảo môi trường. Trước mắt, huyện yêu cầu các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất than và vật liệu xây dựng phải thực hiện ngay các biện pháp: Lùi bãi tập kết nguyên vật liệu vào sâu 20m kể từ chân đê; Hạ thấp độ cao các bãi than, phun nước và che bạt các bãi than, nơi sản xuất, trồng dải cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ông Long, cảnh sát môi trường, phòng TNMT nhiều lần xử phạt do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, nhưng các cơ sở này không chấp hành quy định. Không những thế, các đơn vị còn lấn chiếm hành lang an toàn đê…
Ông Nguyễn Trần Lanh cho biết: Huyện sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc thuê đất ở khu vực này, nếu cơ sở, cá nhân nào thực hiện không đúng quy định, nếu có việc chuyển nhượng lại trái quy định, sẽ làm thủ tục thu hồi để cho đơn vị khác thuê. “Tôi thấy việc người dân yêu cầu các đơn vị đảm bảo không ô nhiễm môi trường là hoàn toàn chính đáng” - ông Lanh nói.
-------------------------