Phương án đền bù, tái định cư phải công khai cho dân biết
Ngày 6.1, UBND TP.HCM ban hành chỉ thị đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tập trung giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở, các nội dung chính quyền phải công khai cho dân biết theo quy định như: chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư, các quỹ vận động nhân dân đóng góp.
Hình thức công khai các nội dung phải phong phú, đa dạng và địa điểm công khai phải thuận tiện cho người dân theo dõi, tránh tình trạng niêm yết công khai các văn bản đã hết hiệu lực, cũ, rách.
UBND các phường, xã, thị trấn phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân tổ dân phố, ấp.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại xã, phường, thị trấn và trong hoạt động của các cơ quan thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, như: một số cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
Bên cạnh đó, tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức vẫn còn xảy ra; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, vẫn còn phản ánh của nhân dân về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và thực hiện nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát ở một số đơn vị chưa được quan tâm thực hiện đúng mức và chưa thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy chế, quy định cho phù hợp…
-------------------------
Trung ương bỏ phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Sáng 6.1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành bỏ phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Sau đó, Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận về báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI.
Buổi chiều, Trung ương tiếp tục làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng.
-------------------------
Bộ Công Thương - nhiều sai phạm trong tuyển dụng công chức
Chiều 6.1, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng cho biết, cơ quan này vừa cho công bố công khai kết luận thanh tra số 707/KL-TTBNV liên quan đến tuyển dụng công chức và quản lý biên chế của Bộ Công Thương. Theo đó, nhiều vi phạm trong chấm thi, đáp án thi hay đảm bảo bí mật đề thi… đã bị Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện.
Chấm thi không có biên bản
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 8.2011-8.2014, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 16 kỳ thi tuyển dụng 192 công chức. Tuy nhiên, Bộ Công Thương hướng dẫn cách xác định người trúng tuyển trong 3 kỳ thi có nội dung không đúng quy định. Hội đồng tuyển dụng công chức của 7 kỳ thi không đảm bảo về số lượng và thành phần. Thời điểm thành lập hội đồng tuyển dụng của 5 kỳ thi không đúng quy định và có tới 7 kỳ thi không thành lập Ban giám sát kỳ thi. 6 kỳ thi không được thông báo tuyển dụng công khai và thông báo tuyển dụng 11 kỳ thi không đầy đủ. Thậm chí, có trường hợp bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí dự tuyển nhưng vẫn được dự thi và trúng tuyển.
Liên quan đến việc chấm thi, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cũng cho biết, có tất cả 5 kỳ thi không cung cấp được một số biên bản trong quá trình chấm thi. 2 kỳ thi chưa tổ chức việc chấm thi tại địa điểm quy định. Ngoài ra, phiếu chấm thi ở một số kỳ thi không thể hiện việc mỗi bài thi được 2 thành viên chấm độc lập… Cũng theo kết luận, năm 2013, dù Chủ tịch Hội đồng thi tuyển của Bộ Công Thương không thành lập Ban phúc khảo kỳ thi nhưng vẫn tổ chức chấm phúc khảo trái quy định. Cụ thể: Kỳ thi tuyển công chức năm 2011, do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức, đã không lập danh sách và không thông báo công khai kết quả thi tuyển và dự kiến người trúng tuyển.
Nhiều vi phạm như việc bảo đảm bí mật đề thi, đáp án thi không được thực hiện đúng quy định. Khi thông báo công khai kết quả thi tuyển lại không dự kiến người trúng tuyển là trái với quy định. Khi có đơn khiếu nại, tố cáo thì lại không kịp thời xem xét giải quyết dẫn đến để quá thời hạn giải quyết.
Kiến nghị thu hồi quyết định tuyển dụng
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xem xét, không công nhận kết quả thi tuyển của kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2013 do Cục Quản lý thị trường tổ chức. Đồng thời, thành lập hội đồng để kiểm tra, đánh giá về điều kiện, tiêu chuẩn và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với những công chức được tuyển dụng qua các kỳ thi tuyển có hình thức thi không đúng quy định. Tiến hành thu hồi theo thẩm quyền và chỉ đạo thu hồi quyết định tuyển dụng đối với những người không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn và thông báo kết quả thực hiện cho Bộ Nội vụ trong tháng 3.2015.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với các vi phạm đã được kết luận. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, có hình thức xử lý đúng quy định pháp luật.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đề xuất Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức. Trước mắt, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển công chức trong tất cả các bộ, ngành và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng, trình Chính phủ quy định chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về tuyển dụng công chức, viên chức.
-------------------------
“Không đánh đổi tính mạng người Việt Nam để vay vốn”
Theo ông Thăng, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất Việt Nam.
Sáng 6-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Kim Thành - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - giữ chức tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt của Bộ GTVT kể từ ngày 10-1-2015.
Ông Thành (41 tuổi) là kỹ sư cầu đường, được bổ nhiệm chức vụ giám đốc PMU đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ tháng 5-2013 và là phó tổng giám đốc VEC từ tháng 12-2013.
Tại cuộc làm việc với ông Mã Giang Kiềm - tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, tổng thầu EPC của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông - chiều 5-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã buộc tổng thầu Tập đoàn Cục 6 thay giám đốc điều hành, thay nhà thầu phụ có năng lực hơn và ký hợp đồng với tư vấn giám sát phụ của Việt Nam để giám sát hạng mục xây lắp.
Trước đó, ngày 29-12-2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền tổng giám đốc PMU đường sắt - xuống giữ chức phó tổng giám đốc kể từ ngày 10-1-2015.
Ông Hùng bị giáng chức vì trách nhiệm người đứng đầu PMU đường sắt trong chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để xảy ra tai nạn chết người ngày 6-11-2014 và sự cố sập đà giáo khi đổ bêtông xà mũ của mũ trụ H7 nhà ga bến xe Hà Đông ngày 28-12-2014. Bộ cũng đã có quyết định luân chuyển ông Hùng về giữ chức phó tổng giám đốc VEC.
Tại cuộc làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào chiều 4-1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo tổng thầu vì để mất an toàn thi công, xảy ra tai nạn chết người ngày 6-11 và sự cố sập giàn giáo ngày 28-12. Đồng thời ông Thăng cũng ra những điều kiện buộc tổng thầu thực hiện và xem đây là cơ hội cho tổng thầu, nếu không sẽ kiến nghị Chính phủ chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Thăng, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam. Việc ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn từ dự án gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Dù Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không chịu thực hiện.
Sau những lần tổng thầu hứa nhận khuyết điểm và để xảy ra sự cố, ông Thăng nói thẳng bản thân ông không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa.
“Điều tối thiểu tôi yêu cầu khi đổ bêtông thì tạm ngăn đường mà các ông làm ăn như vậy. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra vậy thôi. Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam. Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực. Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được” - ông Thăng chỉ trích.
-------------------------