Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2015, tại tỉnh Đắk Lắk đã có 5 con voi bị chết (4 voi nhà, 1 voi rừng) và 1 voi hoang dã bị thương do già yếu, bệnh tật, thiếu ăn và bị chém... Điều này lại dấy lên hồi chuông báo động về nguy cơ xóa sổ loài động vật quý hiếm này.
Theo thống kê, hơn 30 năm qua, số lượng voi rừng và voi nhà của tỉnh Đắk Lắk suy giảm rất nhanh. Đối với voi rừng, năm 1980 có trên 550 con thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng 60-65 cá thể. Từ năm 2009 đến nay, đã có khoảng 20 con voi rừng bị chết. Đàn voi nhà cũng đã giảm từ 502 con (năm 1980) xuống còn 43 con hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến đàn voi hoang dã và đàn voi rừng giảm nhanh chóng cả về chất lượng thể chất và số lượng là do không gian sinh tồn của loài động vật này bị thu hẹp do nạn phá rừng lấy đất sản xuất, lấy gỗ, chuyển đổi rừng sang các mục đích khác.
Cùng với đó là nạn săn bắn voi rừng trái phép để lấy các sản phẩm như ngà, lông đuôi, đế chân… Các đàn voi nhà cũng có nhiều nguyên nhân như: đã lớn tuổi, phục vụ quá sức nhưng không được chăm sóc, ăn uống đầy đủ nên ốm và đói mà chết; bị các đối tượng xấu chém chết…
Đứng trước nguy cơ xóa sổ đàn voi, năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đến năm 2013, tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí 85 tỷ đồng (thay cho “Dự án bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2015 với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng). Tuy là khẩn cấp bảo tồn nhưng đến thời điểm này, dự án triển khai rất “ì ạch” và chưa phát huy hiệu quả do còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Voi nhà thuộc quyền sở hữu của các gia đình nên họ tùy ý chăm sóc, khai thác sức khỏe của voi. Hiện nay, Trung tâm chỉ có thể mời họ lên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phát thuốc.
Trong khi đó, khả năng nhân đàn dường như không thể xảy ra do phần lớn voi nhà đã lớn tuổi (trên 35 tuổi), không có môi trường cho voi giao phối. Trong 30 năm qua, chưa thấy voi nhà nào sinh sản. Đàn voi rừng chịu áp lực của tình trạng phá rừng làm nương rẫy, không gian sinh tồn đang ngày càng bị thu hẹp; nạn săn bắt trái phép để lấy ngà diễn ra ngày một phổ biến, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sự sống còn của đàn voi.
Khó khăn khác dẫn đến việc bảo tồn voi chưa hiệu quả còn là do thiếu kinh phí; chậm được cấp đất để xây dựng khu chăn thả, bệnh viện voi; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn còn yếu và thiếu.
Những năm qua, kinh phí cho công tác bảo tồn loài voi còn cấp theo kiểu “nhỏ giọt”, chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên, chưa đủ để đầu tư trang thiết bị và hạ tầng cơ sở dự án.
Đầu năm 2015, Trung tâm mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp 10 tỷ đồng và được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 200 hécta đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để thực hiện công tác bảo tồn.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Luân, Trung tâm cần ít nhất 3 năm nữa để xây dựng và hoàn thiện các hạng mục như bệnh viện voi, khu chăn thả... Như vậy, thời gian tới, khi phát hiện voi ốm hoặc gặp nạn, nếu không nhờ được các chuyên gia và máy móc nước ngoài thì công tác cứu chữa, điều trị chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công, kém hiệu quả và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của voi…
Bảo tồn voi không chỉ là bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã quý hiếm, mà còn là bảo tồn một biểu tượng văn hóa của vùng đất Tây Nguyên. Nếu các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk không nhanh chóng có những biện pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả hơn nữa thì đàn voi cũng sẽ sớm bị xóa sổ.
-----------------------
Đề xuất một lãnh đạo TP Hà Nội phụ trách quan hệ công chúng
Lãnh đạo TP Hà Nội vừa giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo chỉ thị tăng cường thực hiện việc cung cấp, thông tin cho báo chí trên địa bàn, báo cáo UBND TP cũng như chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo TP và các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại Văn bản số 111/TB-VP, ngoài việc “đề xuất lãnh đạo thành phố phụ trách công tác quan hệ công chúng”, lãnh đạo TP cũng yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức hội nghị gặp gỡ hằng quý với lãnh đạo cơ quan báo chí của Hà Nội và cơ quan báo chí trên địa bàn.
Các sở ngành đề xuất ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP và cơ chế nâng cao hiệu quả công tác thông tin cơ sở để báo cáo UBND TP.
-------------------------
Rối bời trước quyết định đột ngột của Hà Nội về tuyển sinh vào lớp 6
Ngày 17/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phê duyệt phương án cho phép 3 trường THCS gồm Dân lập Lương Thế Vinh, Dân lập Marie Curie và THCS Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) được tuyển sinh vào lớp 6 qua khảo sát năng lực. Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở GD&ĐT đã có công văn hỏa tốc truyền đạt lại ý kiến của UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển; tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công an nhân dân về sự thay đổi đột ngột này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Dân lập Lương Thế Vinh cho rằng: Đây là một quyết định vội vã, làm khổ “cả trường lẫn học trò”. Nếu như lệnh cấm của Bộ GD&ĐT còn mở ra cho các trường một con đường thì quyết định của UBND TP Hà Nội đã triệt tiêu nốt con đường duy nhất đó.
Phân tích cụ thể hơn về quyết định này trên facebook cá nhân của mình, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho phép 6 trường đặc thù trên địa bàn tự đề ra phương án tuyển sinh cho trường mình, và các trường đã mất rất nhiều công sức để tìm ra một lối thoát tối ưu. Thậm chí họ còn in ra những mẫu câu hỏi IQ , EQ để học sinh khỏi bỡ ngỡ.
Cuối cùng trong một cuộc họp với Sở GD&ĐT Hà Nội, có ba trường đã được Sở duyệt, và sẽ chuẩn bị trình lên UBND TP Hà Nội. Các trường khác tiếp tục hoàn thiện dự án của mình. Mọi việc có vẻ như là sẽ suôn sẻ. Thôi thì không tốt lắm, nhưng cũng được thông qua. Nhưng thật không ngờ.
Đột nhiên có một chỉ thị hỏa tốc kiểu thời chiến của UBND TP Hà Nội gửi xuống cho Sở, trong đó nói rằng mọi cơ sở giáo dục của Hà Nội phải thực hiện đúng chỉ thị của Bộ GD&ĐT là chỉ được xét tuyển mà không được thi tuyển dưới mọi hình thức…
Thế là bao nhiêu công sức đành đổ xuống sông xuống biển. Sở buồn, các phòng ban buồn, các ông hiệu trưởng thì quá lo lắng, còn dân thì chẳng biết đâu mà… lần".
Cũng theo chia sẻ của thầy Văn Như Cương, “chỉ thị hỏa tốc ấy thực sự rất khó hiểu, nó bất chấp mọi sự giải trình của cấp dưới, nó không nghe ý kiến của cộng đồng xã hội, nó còn bảo hoàng hơn cả… Vua. Mọi người đều biết rằng hiện nay học bạ bậc Tiểu học có hai mức loại đánh giá “đạt”, hoặc “không đạt”, mà đại đa số là “đạt”. Bởi vậy nếu một trường nào đó có 2.000 hồ sơ mà chỉ có thể nhận vào học 500 em thì làm thế nào để “xét tuyển” nếu không được “thi tuyển”? Đó là một câu hỏi sát sườn, một bài toán mà hầu hết các ông hiệu trưởng bó tay”.
Từ phía phụ huynh học sinh, anh Nguyễn Văn Bình, một người công tác trong ngành giáo dục hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho rằng: Hiện có hai loại trường công và tư, nếu buộc xét tuyển thì trường tư lâu dần sẽ chết vì hệ thống cào bằng. Nhiều năm nay trường tư sống được là vì có những thế mạnh riêng như cơ sở vật chất, giáo viên giỏi thì việc tuyển đầu vào học sinh có chất lượng là cực kỳ quan trọng.
Trong khi đó, xã hội bây giờ nếu đánh giá theo hình thức bảng điểm thì rất khó phân loại học sinh bởi phụ huynh quan hệ tốt với nhà trường, giáo viên thì bảng điểm có thể nói là quá đẹp và nếu không được thi cử nghiêm túc thì cũng khó đánh giá đúng năng lực học sinh. Vậy nên để giáo dục phát triển mạnh thì nên cởi trói cho các trường tự do tuyển sinh theo cách riêng, còn Bộ GD&ĐT chỉ nên làm công tác quản lý, giám sát và định hướng cho các trường.
Cùng băn khoăn này, chị Hoàng Mai Lan, một phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 6 ở Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ lo lắng: “Nếu xét tuyển bằng học bạ thì e rằng, bố mẹ xét tuyển là chính. Điều này sẽ bất lợi cho rất nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế tốt, không có nhiều mối quan hệ rộng”. Cũng theo chị Lan, dù việc xét tuyển qua kiểm tra năng lực EQ, IQ đều là những thuật ngữ mới song đó vẫn có tiêu chí rõ ràng. “Giờ xét tuyển học bạ tù mù như thế này… sợ rằng sẽ mở lối cho tiêu cực” - chị Lan bày tỏ lo lắng.
-----------------------