Tiếp tục chương trình chuyến công tác tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống hạn của địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, tổng lượng mưa năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 trên địa bàn thiếu hụt từ 35%-64%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm; lượng nước ở các dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt khoảng 70-85%; diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán là gần 5.360 ha.
Do tổng lượng mưa trong năm 2014 ở mức thấp nên lượng nước bổ sung cho các hồ chứa rất ít. Các hồ chứa hiện tại chỉ từ 10%-30% dung tích. Một số hồ chứa như Suối Trầu, Suối Hành, Cam Ranh, Am Chúa chỉ đạt 2-9% dung tích thiết kế.
Theo dự báo, tình hình mưa các tháng tiếp theo của mùa khô (từ tháng 4 đến hết tháng 8) sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50%, nắng nóng sẽ xuất hiện sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung vào tháng 6 đến hết tháng 8/2015. Với tình hình này, diện tích lúa vụ Hè Thu 2015 không sản xuất được do không có nước tưới sẽ khoảng 13.648 ha/18.380 ha.
Để ứng phó với tình hình khô hạn hết sức nghiêm trọng, Khánh Hòa đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn. Yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện căn cứ tình hình cụ thể của nguồn nước để cân đối nước theo thứ tự ưu tiên là nước sinh hoạt cho nhân dân, các ngành công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi gia súc và cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước; tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hạn chế thất thoát nước; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình hạn hán nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã chia sẻ những khó khăn về sản xuất và đời sống của nhân dân tỉnh Khánh Hòa do hạn hán gây ra; đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của địa phương trong việc chỉ đạo các biện pháp chống hạn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.
Cho biết đây là một trong những đợt hạn hán nặng nhất trong 10 năm qua và tình hình có thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp chống hạn đã đề ra.
Theo đó, trước hết phải đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ cứu đói; phòng chống dịch bệnh; đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiệt hại tối đa đối với sản xuất nông nghiệp.
Về phía Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với kiến nghị của Khánh Hòa và các Bộ, ngành về việc hỗ trợ 66 tỷ đồng kinh phí chống hạn và hỗ trợ người dân mua giống lúa; đồng thời hỗ trợ khoảng 1.000 tấn gạo cứu đói cho người dân.
Bên cạnh đó, để địa phương có nguồn nước ổn định phục vụ cấp nước đa mục tiêu, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán ngày một gay gắt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng đã xem xét và cho ý kiến về việc bố trí kinh phí hơn 500 tỷ đồng đầu tư xây hồ chứa nước Hố Mây, hồ chứa nước Sông Cạn, Trạm bơm Ba Cẳng; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành sớm bố trí 233 tỷ đồng triển khai xây dựng dự án Hồ chứa nước Tà Rục, huyện Cam Lâm.
Trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh cần chủ động tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chịu được hạn, sử dụng ít nước, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với khí hậu, thời tiết của địa phương.
“Tỉnh hoàn toàn có thể giảm bớt diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng khác” - Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng đề nghị trong nội dung thảo luận tại Đại hội đảng bộ các cấp, tỉnh cần tập trung thảo luận những định hướng mới, đột phá, thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năng động, sáng tạo, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, thủy sản, công nghiệp chế biến, xuất khẩu, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
“Những định hướng, kết quả của 5 năm trước là đúng, là tốt, nhưng 5 năm sau đã lạc hậu, không còn phù hợp thì phải thay đổi” - Thủ tướng phát biểu.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Khánh Hòa tập trung chỉ đạo, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu mà tỉnh đã đề ra. Tỉnh cũng cần lưu ý đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thu hút, huy động mọi nguồn lực, nhất là từ khu vực tư nhân để đầu tư, phát triển. Chú ý bảo vệ môi trường, sinh thái; giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
-----------------------
Chính phủ đồng ý cấp phép cho hãng hàng không mới
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển chung cho Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Globaltrans Air sẽ trở thành hãng hàng không chung thứ 3 của Việt Nam khai thác bay thương mại.
Theo văn bản số 515/TTg- KTN gửi Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý cấp giấy phép kinh doạn vận chuyển chung vì mục đích thương mại cho Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện việc cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, với sự đồng thuận của các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao.
Khai thác hàng không chung là hoạt động bay phục vụ các vấn đề kinh tế quốc dân, bay khảo sát, bay du lịch, huấn luyện, bay phục vụ mục đích riêng của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu... Hoạt động bay này khác với khai thác thương mại phục vụ mục đích công cộng như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific.
Globaltrans Air được thành lập năm 2014 tại TPHCM với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng và đã có hợp đồng mua 2 tàu bay BeechCraft King Air B200 bằng nguồn vốn tự có và vốn tín dụng. Globaltrans Air cũng đã có bộ máy tổ chức khai thác tàu bay, bảo dưỡng với các chức năng, các vị trí phụ trách khai thác, huấn huyện, an toàn - an ninh.
Trước đó, đánh giá hồ sơ của Globaltrans Air, Cục Hàng không Việt Nam cho biết Globaltrans Air đã xây dựng phương án kinh doanh và chiến lược phát triển phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường kinh doanh hàng không chung, có sự phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển thị trường vận tải hàng không, các yếu tố cạnh tranh và những yếu tố tác động ảnh hưởng tới thị trường hàng không Việt Nam.
Hiện nay, thị trường kinh doanh hàng không chung tại Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp đang khai thác là Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Vasco và Hải Âu. Các doanh nghiệp này chưa cung cấp được đầy đủ các dịch vụ hàng không chung theo nhu cầu xã hội. Một số dịch vụ hàng không chung như bay khảo sát địa chất, chụp ảnh bản đồ, bay cứu thương… vẫn phải sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không nước ngoài. Vì vậy, việc có thêm 1 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cho là cần thiết.
-----------------------
“Không có chuyện Nhà máy Dung Quất đóng cửa”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn - BSR (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) với phóng viên Dân trí lúc 11h30 ngày hôm nay (14/4).
Kể từ ngày 1/1/2015, mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN gồm khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu.
Theo Thông tư số 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, sản phẩm xăng dầu (mã HS 2710) có thuế nhập khẩu 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô (mã HS 27101971 và 27101972) có thuế nhập khẩu 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% từ năm 2016 đến 2018. Dầu nhiên liệu (mã HS 27101979) có thuế suất 0% từ năm 2015 đến 2018.
Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với BSR với nhiên liệu xăng 35%, Jet A1 (25%), dầu diesel (30%), khí hóa lỏng LPG (3%) và 2% đối với hạt nhựa. Đối chiếu với mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu nhập từ các nước ASEAN, sản phẩm của BSR khó cạnh tranh so với nhiên liệu nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Giang cho biết: “So với cách tính thuế bất lợi cho BSR, hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã kiến nghị các Bộ, ngành xem xét điều chỉnh mức thuế. Dự kiến, trong vài ngày tới, mức thuế áp dụng cho các sản phẩm của BSR hợp lý hơn. Cho đến giờ phút này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động ổn định với 100% công suất, cho nên không có chuyện nhà máy đóng cửa”.
----------------------