Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh hàng hải
Phát biểu với báo giới trước cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Kerry cho biết ông đã biết Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từ rất nhiều năm qua. “Tôi gặp ông ấy lần đầu tiên khi ông ấy là sinh viên ĐH Tufts ở Boston. Chúng tôi đã gặp nhau rất nhiều lần ở Việt Nam và Mỹ” - ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định trong năm đầu tiên của mối quan hệ đối tác toàn diện, Mỹ và Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong chương trình hạt nhân dân sự 123, Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt, kinh tế và các vấn đề khác có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước.
Tuy nhiên ông Kerry nhấn mạnh Việt Nam và Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một trong số đó là phải hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Việt Nam cùng chúng tôi đang rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ này” - ông Kerry cho biết.
Ngoài ra, các vấn đề nóng nữa là phát triển kinh tế, nhân quyền, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân… Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn ông Kerry đã mời ông tới thăm Mỹ. Ông cho biết mục tiêu chuyến thăm Mỹ lần này là thảo luận sâu về các vấn đề song phương, tăng cường quan hệ hai nước, và giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
“Sự biến chuyển” của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là “phi thường. Việt Nam đã trở thành một quốc gia hiện đại và là đối tác quan trọng của Mỹ. Khi chúng tôi nói chuyện với người trẻ Việt Nam, chúng tôi có thể cảm nhận được sự hứng khởi đối với tương lai đất nước".
Trong cuộc họp báo sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết ông Kerry thông báo với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh rằng Mỹ thay đổi chính sách để cho phép việc chuyển giao thiết bị quân sự, bao gồm vũ khí sát thương, chỉ vì mục đích đảm bảo an ninh hàng hải.
Như vậy, lệnh cấm bán các loại vũ khí sát thương khác, ví dụ như xe tăng, vẫn sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi Mỹ và Việt Nam giải quyết được các vướng mắc và bất đồng còn lại.
Trong cuộc hội đàm, ông Kerry ca ngợi “sự biến chuyển” của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là “phi thường”.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh việc thay đổi chính sách của Washington hoàn toàn không nhằm “chống Trung Quốc”. Một quan chức cho biết các thiết bị Mỹ muốn bán cho Việt Nam “hoàn toàn mang tính chất phòng thủ” và “sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng cho biết Mỹ muốn hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện năng lực giám sát hàng hải và đảm bảo an ninh hàng hải.
-----------------------
Đề xuất lấn biển mở rộng huyện đảo Lý Sơn
Trước việc huyện đảo Lý Sơn bị sóng biển xâm thực làm mất đi 100 ha đất, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Ngãi phối hợp với các bộ ngành tính toán lấn biển để mở rộng diện tích đảo tiền tiêu này.
ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, Chính phủ cùng nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học trong nước đã ủng hộ phương án lấn biển, mở rộng diện tích huyện đảo Lý Sơn để phát triển mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh. "Thủ tướng yêu cầu Quảng Ngãi tính toán kỹ phương án khả thi cùng chi phí cho việc mở rộng huyện đảo ngăn chặn tình trạng sóng biển xâm thực", ông Minh nói.
Theo ông Minh, thời gian tới tiếp tục thu thập ý kiến các nhà khoa học, các sở ngành, sau đó thông qua thường trực Tỉnh ủy bơm cát mở rộng đảo Lý Sơn. Phương án khả thi nhất hiện nay là thay vì xuất khẩu cát nhiễm mặn (các dự án nạo vét luồng lạch thông luồng cửa biển kết hợp tận thu cát nhiễm mặn) thì đưa ra phục vụ mở rộng đảo tiền tiêu này.
Tại hội thảo quốc gia "Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn" hôm 1/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thời gian không chờ ai cả, cần nghiên cứu kỹ để quy hoạch phát triển bền vững cho huyện đảo Lý Sơn". Việc cần làm ngay là ngăn chặn sự xâm thực bởi lẽ trong vòng 40 năm qua, đảo Lý Sơn đã bị biển xâm thực gần 100 ha (tương đương 1 km2).
Phó thủ tướng cho rằng, hiện đảo Lý Sơn được xây kè chống xói lở quanh đảo mới đạt 50%, phần còn lại cần sớm có phương án lấn biển, xây kè bảo vệ. Nếu để kéo dài, e rằng 40 năm sau, huyện đảo này tiếp tục bị sóng biển xâm thực giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn 8 km2.
Việc trồng tỏi hành trên đảo đang có hiệu quả rất cao. Hàng năm đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng mỗi ha, cao gấp nhiều lần so với đất liền. Do đó cần nghiên cứu trồng tỏi, hành công nghệ cao, tính đến việc bảo vệ diện tích đất cho dân, không để bị thu hẹp.
Bàn về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn phát triển Vùng Duyên hải miền Trung nhấn mạnh, để huyện đảo Lý Sơn phát triển bền vững, trước hết cần quy hoạch bài bản và nghiên cứu tính toán mở rộng diện tích huyện đảo này để tạo quỹ đất mời gọi nhà đầu tư.
"Cần xây dựng đảo Lý Sơn xứng tầm chứ không thể chắp vá được. Một số nước trong khu vực, đảo chìm họ còn làm đảo nổi được, sao ta không sớm bơm cát lấn biển, mở rộng diện tích", ông Lịch đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam chia sẻ, để huyện đảo Lý Sơn phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực, ưu tiên hàng đầu là phải mở rộng diện tích và có giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng nước biển dâng.
Để Lý Sơn trở thành điểm đến du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, GS-TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi cần trả lại Lý Sơn những gì từng mất trong quá khứ. Cụ thể là khôi phục lại rừng tự nhiên, bảo tồn bãi rạn san hô, phục hồi lại bãi đỗ sân bay dân dụng, bơm cát tạo những bãi tắm thơ mộng quanh đảo. Tỉnh cần cân nhắc lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính và tâm huyết để họ có thể đầu tư vào Lý Sơn bền vững trong thời gian tới.
-----------------------
Vụ “Chi 640 tỉ đồng xây bệnh viện trên hầm đất hoang”: Chỉ cần 100 tỉ đồng là đủ!
Ngày 30.9, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2014 tỉnh Long An, liên quan đến dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường) bị đội giá lên đến 640 tỉ đồng vì phải dời ra hầm đất hoang (Báo Lao Động phản ánh ngày 19.8), Giám đốc Sở Y tế Lê Thanh Liêm đã có ý kiến phản bác dự án này.
Theo ông Liêm, đất vùng Đồng Tháp Mười (vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười, nơi có dự án - PV) cốt nền rất yếu, dự án này lại xây ở hầm đất thì sẽ cực kỳ tốn kém, bởi để san lấp hầm đất cũng đã hơn 210.000m3 cát, tốn đến 40 tỉ đồng, còn cao hơn tiền thu ngân sách hằng năm của huyện Đức Huệ (Long An)... Với quy mô lên đến 500 giường, ngành y tế chắc chắn sẽ không có nhân lực để bố trí vào đây. Hơn nữa, với quy mô dân số có tính đến vài chục năm nữa thì cũng không lấp đầy vào bệnh viện được.
“Bệnh viện cũ được Ngân hàng Thế giới tài trợ xây chưa được 10 năm, công trình chất lượng tốt. Xây thêm bệnh viện 500 giường thì bệnh viện cũ bỏ đi đâu? Không chỉ tốn thêm 640 tỉ đồng xây mới mà còn lãng phí cái đang sử dụng tốt. Theo tôi, chỉ cần 100 tỉ đồng là dư sức nâng cấp bệnh viện cũ theo hướng chuyên sâu, điều trị được những bệnh phức tạp chứ không chỉ nhăm nhăm xây thêm cho hoành tráng, tốn tiền dân. Nâng cấp bệnh viện cũ không chỉ tiết kiệm mà còn phù hợp, chỉ cần 1 năm là xong. Còn xây mới ở hầm đất, không biết đến khi nào mới hoàn thành” - ông Liêm phát biểu. Trong khi đó, theo Quyết định 1198/QĐ-UBND ngày 15.5.2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt kế hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Long An giai đoạn 2006 - 2020 thì, Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa hiện hữu 100 giường, sẽ nâng cấp lên thành 250 giường tại vị trí cũ. Theo đó, tổng vốn xây dựng lẫn trang thiết bị hiện đại cũng chỉ là 92 tỉ đồng. nhưng không hiểu tại sao tỉnh Long An lại quyết tâm thay đổi quy hoạch, để tốn kém thêm hơn 500 tỉ đồng...
-----------------------
Thủ tướng: Biên chế trong ngành điện quá nhiều
Năng suất lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng đặt ra với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương, chiều 2-10.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, sản xuất và cung ứng điện đáp ứng đủ nhưng năng suất lao động mới chỉ bằng 60% Malaixia, 40% Thái Lan và 10 % Singapore. Lãnh đạo EVN cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2020 năng suất sẽ bằng các nước này.
Ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Lãnh đạo EVN phải xem xét lại chứ sao lại phải đợi đến năm 2020. Thấp do cái gì, do trình độ tay nghề kĩ sư hay hệ thống nhà máy truyền tải lạc hậu. Tôi làm việc nhiều lần với ngành điện rồi, tôi thấy biên chế quá nhiều!”.
Thủ tướng yêu cầu, nếu năng suất lao động do biên chế tăng quá lớn thì không cần phải chờ đến năm 2020 mới đạt ngang bằng Thái Lan, mà phải cắt giảm ngay. “Giảm biên chế không có nghĩa là đẩy người lao động ra đường, mà cần sắp xếp lại cho đúng vị trí, trình độ để nâng cao năng suất lao động lên. Ít ra như bóng đá chúng ta chỉ thua Thái Lan một bậc thôi chứ! Doanh nghiệp cần công nghệ thì mua, mà tôi tin người Việt Nam làm được nhiều công nghệ không thua kém; Việt Nam đã hội nhập thì buộc phải so sánh bằng với bạn bè thế giới!”- Thủ tướng dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN lí giải, năng suất lao động trong ngành điện còn phụ thuộc vào trang thiết bị của ngành. Trong đó số lượng cán bộ nhân viên ngành điện phục vụ thu tiền điện, ghi chỉ số công tơ lên tới 67.000 người. “Ngành điện đang chuyển dần sang gắn công tơ đo từ xa, khuyến khích khách hàng nộp tiền qua điện tử, qua ngân hàng,.... sẽ giảm được lượng người hàng tháng đi thu tiền. EVN đang thực hiện đề án nâng cao năng suất lao động, giảm đi nhiều khâu. Đồng thời đang thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các đơn vị, cả về kết quả sản xuất kinh doanh”- Ông Thanh cho biết.
-----------------------
Ngân sách không thể ‘bốc’ mỗi nơi một tí
Thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi ngày 2-10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng hiện nay có đến 60-70 loại quỹ đang tồn tại, nếu không quy định việc quản lý các quỹ trên thì ngân sách sẽ bị phân tán mỗi nơi một tí, không hiệu quả...
Thẩm tra về dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) cho hay qua giám sát về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhận thấy có rất nhiều quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN), nhiều quỹ tài chính được để ngoài ngân sách gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, làm phân tán nguồn lực quốc gia. Đặc biệt, có nhiều quỹ có nguồn thu từ thuế, phí - là những khoản thu theo quy định của luật phải được hạch toán đầy đủ vào NSNN.
Do vậy Thường trực Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ rà soát, thu hẹp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng đưa vào cân đối NSNN đối với những quỹ có nguồn thu chủ yếu từ NSNN bảo đảm tính thống nhất, tập trung. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể và rõ ràng một số loại quỹ, thẩm quyền lập quỹ ngay trong luật, trên cơ sở đó giao Chính phủ tổ chức lại các quỹ này.
Đối với thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu từ tiền sử dụng đất, đa số các ý kiến trong Ủy ban TC-NS nhất trí đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào trong cân đối NSNN. Đồng thời, bổ sung quy định nguồn thu xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất không sử dụng để tính tỉ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và địa phương.
Tán thành với quy định trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay thời gian qua do quy định buộc địa phương xã, huyện phải tính toán có nguồn thu nên có nơi để bảo đảm có nguồn thu đã tìm cách xẻ đất ra để bán, rẻ cũng bán mà đắt cũng bán, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai. Vì thế việc không điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất là phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng làm dự án luật này phải làm sao cho ngân sách công khai, minh bạch, bớt xin-cho. Đồng thời làm rõ quyền quyết định ngân sách là Quốc hội. “Ngân sách của ta là ngân sách thống nhất, không thể 63 tỉnh, thành là 63 cái ngân sách, mà các vùng, miền phải hỗ trợ cho nhau” - ông Hùng nhấn mạnh.