Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines Gregorio Pio Catapang Jr. Ngày 20/4 khẳng định hoạt động bồi đắp các bãi đá, rạn san hô trên Biển Đông để xây đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến môi trường nơi đây bị tàn phá không thể khắc phục.
Thông tin trên được ông Gregorio Pio Catapang Jr. Đưa ra trong một cuộc họp báo hôm nay.
“Việc Trung Quốc khẳng định các hoạt động của họ không gây tổn hại cho môi trường sinh thái trong khu vực là không thể chấp nhận được”, vị tư lệnh nói. “Các hoạt động bồi đắp quy mô lớn đang gây ra những tổn hại lan rộng và không thể đảo ngược đối với sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tại vùng biển Tây Philippines”.
Theo ước tính của người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines, thiệt hại với các bang ven biển của nước này có thể lên tới 100 triệu USD/năm, do “sự phá hủy 300 ha hệ thống các rạn san hô”.
Catapang chỉ ra rằng Trung Quốc “đã dung túng cho những kiểu đánh bắt có hại cho môi trường của ngư dân nước này” tại khu vực bãi Scarborough.
Cũng trong buổi họp báo, ông Catapang khẳng định sự “hung hăng” của Trung Quốc trong hoạt động bồi lấn biển, xây đảo nhân tạo làm gia tăng lo ngại trong khu vực, đặc biệt khi các công trình xây dựng của Trung Quốc có quy mô khổng lồ.
Đại diện lực lượng vũ trang Philippines đồng thời bày tỏ lo ngại trước việc các tàu cá nước mình bị tàu hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng cản trở việc đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này. Dù vậy ông cho rằng, việc hộ tống các tàu của ngư dân trở lại vùng biển đánh bắt là việc của các cơ quan dân sự, và lực lượng tuần tra bờ biển sẽ chị trách nhiệm chính
Ngày càng nhiều người Trung Quốc phản đối dùng vũ lực trên Biển Đông
Trong khi quân đội Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong các động thái lấn chiếm, khẳng định chủ quyền một cách trái phép trên Biển Đông, một khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người dân nước này ủng hộ các giải pháp hòa bình, và phân xử thông qua bên thứ ba.
Trong khảo sát của Trung tâm Pert USAsia, nhà nghiên cứu Andrew Chubb đã phỏng vấn 1.413 người dân các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô và một số khu vực khác.
Kết quả cho thấy, trong số 10 lựa chọn chính sách được đưa ra cho người tham gia khảo sát chọn lựa, việc chính phủ điều quân tới giải quyết tranh chấp chỉ nhận được 41% - 46% ý kiến ủng hộ. Trong khi đó phương án thông qua đối thoại với các bên liên quan như Việt Nam và Philippines nhận được 57% phiếu thuận.
Lựa chọn gác tranh chấp, cùng khai thác nhận được 31% ý kiến ủng hộ. Nhưng đáng chú ý hơn cả chính là việc 60% người được hỏi ủng hộ việc để Liên Hợp Quốc làm trọng tài phân xử các tranh chấp.
“Điều này cho thấy bất chấp những bình luận đầy tính hiếu chiến xuất hiện thường xuyên trên mạng, hầu hết người dân các đô thị Trung Quốc thận trọng về khả năng sử dụng biện pháp quân sự tại các hòn đảo, và ít nhất về mặt nguyên tắc, cởi mở với khả năng thỏa hiệp”, Chubb nhận định.
--------------------
Báo Trung Quốc: Tham nhũng là do dạy dỗ kém
Một tờ báo hàng đầu của Trung Quốc hôm nay nhận định việc giáo dục trong gia đình kém là một trong những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng tại nước này, trong đó có trường hợp của cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang và cựu quan chức cấp cao Lệnh Kế Hoạch.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch càn quét tham nhũng ngầm từ ngày nhậm chức cách đây 2 năm, với tuyên bố sẽ hạ bệ từ “những con hổ” quyền lực đến "những con ruồi" nhỏ.
Hai trong số nhiều nhân vật cấp cao bị bắt giữ cho đến nay là cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch, cựu trợ lý thân cận của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Hai trường hợp trên là ví dụ điển hình cho ảnh hưởng của gia đình trong vấn đề tham nhũng, theo People's Daily, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài bình luận hôm ngay 20/4.
"Việc dạy dỗ không nghiêm khắc và văn hóa gia đình kém lành mạnh đã khiến gia đình của các quan chức trở thành nơi trao đổi quyền lực và tiền của, biến gia đình họ trở thành một nhóm lợi ích”, tờ báo này viết.
Theo People’s Daily, những người có quan niệm rằng mọi người trong gia đình cần lợi dụng sự giúp đỡ của một thành viên để làm giàu cho bản thân “đều sẽ kết thúc trong tù tội”.
Tờ báo này cho rằng việc dạy dỗ một người là hết sức quan trọng đối với nhân phẩm của họ. Ví dụ điển hình là ông Trần Vân, một nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng thời với Mao Trạch Đông. Ông Trần có những yêu cầu cực kỳ khắt khe và luôn làm gương cho con cái. Ông luôn ăn hết phần cơm của mình và đảm bảo không lãng phí nước uống.
Tờ báo nhận định: “Nếu bạn sống trong một môi trường thật thà và chính trực, nơi mọi thành viên luôn tôn trọng lẫn nhau, thì họ sẽ dần học theo những gì họ chứng kiến, và sẽ kế thừa đức hạnh của gia đình”.
Chính phủ Trung Quốc hôm nay 20/4 đã phát động một chiến dịch với tên gọi “Ba nghiêm chỉnh” với mục tiêu “giải quyết những trường hợp lạm dụng quyền lực và bất trung trong Đảng”, hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã cho biết.
-------------------------
Tướng Indonesia: Châu Á không cần một cường quốc dẫn dắt
Châu Á cần một thế cân bằng quân sự mới mà không phải do một cường quốc dẫn dắt, Tổng tư lệnh quân đội Indonesia ngày 20/4 cho biết, trong bối cảnh khu vực ngày càng lo ngại về sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Có những thay đổi đáng kể về tình hình yên ả và ổn định, vốn đã tồn tại trong khu vực một thập niên trước”, Tướng Moeldoko cho biết với hãng tin Reuters tại trụ sở của quân đội Indonesia ngày 20/4.
“Vì thế, mọi người đều có quan điểm rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với các láng giềng. Khu vực cần một thế cân bằng mới”, ông Moeldoko nói thêm.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, Indonesia có kế hoạch tăng cường các lực lượng quân sự tại Natuna và Tanjung Datu, các khu vực ở Biển Đông gần những nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Ông Moeldoko, người sẽ thôi giữ chức tư lệnh quân đội vào tháng 7 tới, muốn Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia ASEAN tới một hội nghị quốc phòng khu vực với hi vọng giảm bớt căng thẳng.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, kể cả các vùng biển gần bờ các quốc gia láng giềng, và bác bỏ các cuộc về các hành động của nước này là mang tính khiêu khích.
Trung Quốc bị cáo buộc đang gia tăng mạnh mẽ các hoạt động cải tạo đất, bồi đắp, xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tạp chí quốc phòng Jane’s mới đây đã công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đường băng đầu tiên tại quần đảo Trường Sa, thích hợp để sử dụng cho mục đích quân sự, và có thể đang lên kế hoạch một đường băng khác.
------------------------
“Bệnh lạ” tại Nigeria khiến 20 người tử vong: Do ngộ độc methanol
Chiều 22/4, Bộ Y tế đã có thông tin về nguyên nhân của 25 trường hợp mắc “bệnh lạ” tại Ode-Irele, bang Ondo (Nigeria), trong đó có 20 người tử vong.
Theo xác định ban đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các xét nghiệm đều loại trừ khả năng nhiễm virus Ebola, hay bất kỳ loại virus, vi khuẩn nào. Các chuyên gia của WHO cho rằng, ngộ độc methanol là nguyên nhân của vụ dịch. Triệu chứng thông thường nhất là đau đầu, mệt mỏi, sụt cân, mờ mắt và tử vong nhanh, không có biểu hiện sốt. Đặc biệt, bệnh nhân đều là nam giới và làm nông nghiệp.
Ngộ độc methanol có liên quan tới việc sử dụng đồ uống tự chế chứa cồn. Methanol được sản sinh do kiểm soát không đúng cách trong quá trình chưng cất rượu hoặc được chủ ý cho vào rượu nhằm tăng nồng độ. Theo thông tin do Nigeria cung cấp, WHO không khuyến cáo hạn chế đi lại và giao thương quốc tế tới Nigeria.
---------------------