Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt tay nhau tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Panama ngày 10/4 giờ địa phương, một động thái mang tính biểu tượng trong bối cảnh hai nước đang tìm cách phục hồi quan hệ sau nhiều thập niên căng thẳng.
Các bức ảnh được chụp tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ (OAS) ở Panama cho thấy ông Obama và ông Castro, đều mặc bộ vest tối màu, đã bắt tay và trò chuyện trong một nhóm các nhà lãnh đạo tại lễ khai mạc hội nghị.
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận rằng hai nhà lãnh đạo đã bắt tay và trò chuyện trong chốc lát.
"Đây là cuộc tiếp xúc không chính thức và không phải là một cuộc trò chuyện riêng rẽ giữa hai nhà lãnh đạo", quan chức trên nói.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương lần đầu tiên vào hôm nay 11/4 để bàn về các nỗ lực nhằm phục hồi quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước, cũng như thúc đẩy thương mại và du lịch.
Đây là lần đầu tiên họ bắt tay nhau kể từ khi hai bên tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù và là lần thứ 2 sau cuộc tiếp xúc ngắn tại lễ tưởng niệm Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hồi năm 2013.
Lãnh đạo Mỹ, Cuba cũng đã có cuộc điện đàm, ít giờ trước khi gặp nhau tại thượng đỉnh OAS. Đây là cuộc điện đàm thứ 2 giữa lãnh đạo Mỹ và Cuba trong 50 năm qua.
Việc lập lại mối quan hệ chính thức giữa Cuba và Mỹ, được công bố trong một động thái thay đổi chính sách ngoại giao lịch sử hồi tháng 12 năm ngoái, là vấn đề trọng tâm của OAS lần này.
Cũng trong khuôn khổ thượng đỉnh OAS tại Panama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez hôm qua đã có cuộc gặp song phương, trở thành cuộc gặp cấp cao nhất giữa Mỹ và Cuba trong 50 năm qua.
Philippines đã cáo buộc Trung Quốc gây thiệt hại lớn đối với môi trường ở Biển Đông khi xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá tranh chấp, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 100 triệu USD mỗi năm cho các quốc gia ven biển.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 13/4 cho hay các hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã phá hủy 121 ha san hô, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 100 triệu USD mỗi năm cho các quốc gia ven biển.
"Các hoạt động cải tạo ồ ạt của Trung Quốc đang gây thiệt hại to lớn và không thể hồi phục đối với sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của Biển Đông", ông Jose tuyên bố.
Ông Jose cũng cáo buộc Trung Quốc làm ngơ trước các hành động làm tổn hại môi trường của các ngư dân nước này tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, một ngư trường giàu sản vận mà Bắc Kinh giành quyền kiểm soát từ năm 2012 sau một cuộc đối đầu căng thẳng với Philippines.
Các hình ảnh vệ tinh được Trung tâm nghiên chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ công bố hồi tuần trước đã cho thấy một đội tàu của Trung Quốc đang hút cát lên bãi đá Vành Khăn, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Jose cho hay điều đó đã cho thấy tốc độc cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc, đe dọa làm lu mờ các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn như Philippines.
Hôm qua, ông Jose đã nêu những lo ngại trên đối với phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, người hồi tuần trước tuyên bố rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể phục vụ các nhu cầu quốc phòng và quân sự của nước này.
"Các tuyên bố như vậy của Trung Quốc chỉ làm gia tăng bóng ma quân sự hóa và đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực", người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
Philippines khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, dựa trên bản đồ đường 9 đoạn, là phi pháp, ông Jose nói thêm.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động cải tạo và lưu tâm tới các trách nhiệm của nước này với tư cách là một bên tranh chấp và là một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế".
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã chỉ trích việc Trung Quốc "cậy nước lớn và dùng sức mạnh" để đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền.
Philippines là một đồng minh quân sự của Mỹ. Trong chuyến thăm Manila hồi năm ngoái, ông Obama nói rằng Mỹ có cam kết vững chắc nhằm bảo vệ Philippines.
Ngoài Philippines và Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Brunei và đảo Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Manila đã yêu cầu một tòa án của Liên hợp quốc phân xử về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa, khăng khăng rằng nước này có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với Biển Đông.
Philippines cũng đang hối thúc ASEAN đưa ra một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc.
-------------------------
"Đàn em" Chu Vĩnh Khang tại tập đoàn dầu khí nhận tội ăn hối lộ khủng
Trong phiên xét xử ngày 13/4, cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn, người được cho là một thân tín của Chu Vĩnh Khang, đã thừa nhận mọi tội danh, bao gồm ăn hối lộ và lợi dụng chức vụ.
Thông tin được tòa án cấp trung thành phố Hanjiang, tỉnh Hồ Bắc công bố trên trang blog chính thức.
“Tài sản của gia đình tôi vượt xa những gì thu nhập hợp pháp của tôi có thể chi trả”, Tưởng Khiết Mẫn thú nhận. “Tôi thừa nhận các tội danh của mình và bày tỏ sự hối hận”.
Phiên xét xử đã khép lại ngay trong chiều qua, tuy nhiên ngày tuyên án vẫn chưa được công bố.
Ông Tưởng, 59 tuổi, từng là chủ tịch Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, trước khi được cất nhắc lên làm chủ nhiệm Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước (SASAC) năm 2013, và là một trong những “con hổ” bị đả trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tưởng bị khởi tố về các tội danh nhận hối lộ, sở hữu một lượng lớn tài sản có nguồn gốc không rõ ràng và lạm dụng chức vụ tại một doanh nghiệp quốc doanh.
Trong thời gian từ 2004 đến 2013, Tưởng và vợ mình đã nhận tổng cộng số tiền hối lộ khoảng 14 triệu nhân dân tệ (2,28 triệu USD) từ 14 nguồn khác nhau, Tân Hoa Xã trích dẫn hồ sơ vụ án cho biết.
Tòa khẳng định, cơ quan công tố đã đưa ra các bằng chứng, bao gồm cả lời khai của một số nhân chứng, lời thú tội và các tài sản bị tịch biên. Tưởng Khiết Mẫn thừa nhận đã gây ra “thiệt hại không thể chối cãi” cho đất nước và làm tổn hại tới niềm tin của công chúng vào đảng Cộng Sản Trung Quốc.
“Tôi đã gay tổn hại cho công tác quản lý và phát triển các giếng dầu và khí của nhà nước”, ông Tưởng nói, trước khi xin được hưởng khoan hồng. “Tôi cảm thấy hối hận về những gì đã gây ra”.
Cơ quan công tố cũng đã đề nghị tòa xem xét khoan hồng cho bị cáo do Tưởng nhận tội.
Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, công ty mẹ của PetroChina, là tập đoàn sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Á. Tưởng bị cách chức tháng 9/2013 sau khi bị cơ quan chống tham nhũng “sờ gáy”.
Một loạt các nhân vật cấp cao ngành dầu khí Trung Quốc cũng đã bị bắt trong thời gian này, trong chiến dịch bài trừ tham nhũng tại các công ty dầu khí quốc doanh.
Tưởng Khiết Mẫn được cho là có mối liên hệ với cựu ủy viên Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, người cũng đang bị điều tra tham nhũng, dù cơ quan công tố chưa chỉ ra mối liên hệ cụ thể. Tân Hoa Xã khẳng định Tưởng dưới sự chỉ đạo của ông Chu, đã lạm dụng quyền lực trong việc quản lý việc thăm dò các mỏ khí đốt và mua sắm thiết bị ngành dầu khí.
Tưởng bị cơ quan điều tra đưa vào tầm ngắm, khi bị phát hiện chỉ đạo Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc chi những món tiền lớn cho gia đình hai nạn nhân trong vụ tai nạn xe sang Ferrari ở Bắc Kinh năm 2012, vốn khiến con trai duy nhất của Lệnh Kế Hoạch, nguyên chánh văn phòng trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc thiệt mạng.
---------------------------
Mỹ nổi giận vụ máy bay do thám bị chiến đấu cơ Nga chặn đầu
Mỹ ngày 13/4 đã bày tỏ những lo ngại đối với Nga về việc một máy bay chiến đấu nước này chặn đầu "tùy tiện" và nguy hiểm đối với một máy bay do thám Mỹ trong không phận quốc tế, dấu hiệu căng thẳng mới nhất giữa Washington và Mátxcơva.
Vụ việc xảy ra vào ngày 7/4 trên biển Baltic, khi một chiếc SU-27 Flanker của Nga chặn một máy bay do thám RC-135U của Mỹ và thực hiện điều mà Lầu Năm Góc miêu tả là các hành động nguy hiểm trên không.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, nói rằng máy bay Nga đã xoay mình ngay trước máy bay Mỹ và khoe bụng với phi công để chứng tỏ rằng máy bay được trang bị vũ khí. Ông Warren nói rằng phi công Nga có nguy cơ gây ra một vụ va chạm với máy bay Mỹ.
"Không rõ tại sao phi công này lại có một hành động tùy tiện như vậy. Có thể anh ta không được huấn luyện tốt. Có thể anh ta muốn chứng minh điều gì đó", ông Warren nói.
Giới chức Mỹ nói rằng chiếc RC-135U ở trong không phận quốc tế vào thời điểm đó.
Trong khi đó, Bộ quốc phòng Nga khẳng định các phi công nước này không làm gì sai, theo báo chí Nga.
Hãng tin Interfax dẫn lời Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết máy bay Mỹ đã di chuyển về phía biên giới Nga.
Một máy bay chiến đấu Nga "đã xuất kích, tiếp cận máy bay không rõ nguồn gốc và bay gần nó vài lần", sau đó máy bay lạ thay đổi lộ trình, ông Konashenkov nói.
Giới chức Mỹ nói rằng máy bay Nga đã tiếp cận máy bay Mỹ với tốc độ cao từ phía sau, sau đó vượt lên để thực hiện 2 cú chặn đầu, sử dụng "các động tác nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp" ở cự ly gần.
"Các hành động nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp như vậy có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eileen Lainez nói.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi vào "băng giá" sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Hồi cuối tháng 3, các máy bay chiến đấu của Thụy Điển đã chặn 4 máy bay Nga bay trong không phận quốc tế trên biển Baltic mà không bật thiết bị tiếp sóng.
Đại tá Warren cho hay thiết bị tiếp sóng của máy bay Mỹ RC-135U vẫn hoạt động, khẳng định nó "hoạt động phù hợp với các quy định hàng không dân sự quốc tế".
Bộ ngoại giao Mỹ nói nước này đã bày tỏ sự phản đối về vụ việc trên với Nga thông qua các kênh ngoại giao và chính thức.
----------------------
Mỹ xử tù 4 nhân viên Blackwater vì tội sát hại dân thường Iraq
Một tòa án xét xử ở Washington DC đã kết án tù giam đối với 4 cựu nhân viên của Blackwater, một công ty an ninh tư nhân gây nhiều tranh cãi nhất thế giới và nay đã đổi tên thành “Xe Services”, vì tội sát hại dân thường Iraq.
Những người bị kết án gồm Nicholas Slatten (tù chung thân) và Dustin Heard, Evan Liberty, Paul Slough (30 năm tù giam) vì tội giết hại dân thường Iraq năm 2007.
Những người này bị buộc tội hồi năm ngoái liên quan đến việc xả súng giết chết 14 dân thường Iraq và làm 17 người bị thương khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho các phái đoàn Mỹ hoạt động tại quốc gia Trung Đông này.
Vụ việc diễn ra ngay giữa quảng trường Nisoor ở trung tâm thủ đô Baghdad và đã gây làn sóng phản đối dữ dội, cũng như những tranh cãi về vai trò của các công ty an ninh tư nhân tại các vùng chiến sự.
Theo cáo trạng, Nicholas Slatten bị buộc tội giết người. Ba người còn lại bị cáo buộc phạm nhiều trọng tội, trong đó có tội ngộ sát và sử dụng vũ khí.
Tại tòa, cả 4 bị cáo khai nhận đã nổ súng sau khi bị các phiến quân tấn công. Tuy nhiên, sau khi xem xét các hồ sơ, bồi thẩm đoàn đã đi đến kết luận đây là hành vi tàn sát dân thường và phải chịu các mức án phù hợp.
“Dựa trên tính nghiêm trọng của tội ác (mà các bị cáo gây ra), tôi cho rằng án chung thân là không hề quá”, thẩm phán Royce Lamberth khẳng định tại phiên xử có sự tham gia của người nhà các bị cáo cũng như thân nhân của những nạn nhân đã bị tước đoạt mạng sống cách đây 8 năm.
“Chẳng có gì khác biệt giữa những bị cáo này và những tên khủng bố”, anh Mohammad Kinani Al-Razzaq, cha của cậu bé Ali mới 9 tuổi đã bị thiệt mạng trong vụ nổ súng của các nhân viên Blackwater, nhấn mạnh.
Blackwater, nay đã đổi tên thành Xe Services, là ông ty an ninh tư nhân gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Công ty này đang bị điều tra về cái chết của nhiều dân thường Iraq và Afghanistan, nơi họ làm nhiệm vụ bảo vệ các phái đoàn ngoại giao của Mỹ.
Ngoài 4 nhân viên bị xét xử trên, Chủ tịch của Blackwater Gary Jackson cũng bị cáo buộc nhiều tội danh như sở hữu vũ khí bất hợp pháp, vi phạm luật lệ liên bang về vũ khí, giả mạo giấy tờ, khai man và cản trở pháp luật.
Theo các bản cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2003 - 11/2009, Blackwater đã áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để chiếm ưu thế trong việc cạnh tranh giành những hợp đồng an ninh, bòn rút lợi nhuận từ những hợp đồng với chính phủ Mỹ và lợi dụng việc được hưởng quyền miễn trừ truy tố để thực hiện các hành vi giết hại dân thường khi bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ.
Sau khi các tội ác của Blackwater bị phanh phui, năm 2010, chính phủ Iraq đã yêu cầu toàn bộ 250 nhân viên của Blackwater phải rời khỏi nước này trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ bị bắt giam. Chính phủ Iraq cáo buộc Blackwater - công ty an ninh tư nhân được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê để bảo vệ cho các nhân viên Mỹ tại Iraq - đã lạm dụng vũ lực trên đường phố Baghdad.
------------------------