Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran sẽ thay đổi diện mạo Trung Đông. Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran các nước P5+1 và Iran đạt được ở Lausanne (Thụy Sĩ) hôm 2-4 chỉ là chặng cuối cùng của một quãng đường dài đàm phán.
12 năm đàm phán trắc trở
Theo báo Le Monde, tháng 8-2002 đã xuất hiện thông tin Iran che giấu cơ sở làm giàu uranium ở Natanz và lò phản ứng nước nặng ở Arak. Tổng thống Mỹ George W. Bush đòi đưa Iran ra Hội đồng Bảo an LHQ.
Tiền đề: Tháng 10-2003, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin cùng những người đồng cấp Anh Jack Straw và Đức Joschka Fischer sang Iran. Tình hình lúc đó rất nóng. Mỹ đã xâm chiếm Iraq và lật đổ Saddam Hussein hồi tháng 4-2003. Iran lo sợ can thiệp quân sự.
Dù vậy bước đầu thì ổn. Tổng thống cải cách Mohammad Khatami chấp thuận đàm phán. Sau đó Iran ngừng chương trình hạt nhân và đồng ý cho IAEA thanh sát (Iran chỉ có 160 lò ly tâm). Châu Âu hứa giúp Iran phát triển hạt nhân dân dụng.
Sa lầy: Sau hai năm, đàm phán đã sa lầy. Iran mất kiên nhẫn và nối lại chương trình hạt nhân. Giai đoạn cải cách ở Iran chấm dứt khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cầm quyền năm 2005. Năm 2006, LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về cấm vận Iran (sau đó có thêm năm nghị quyết nữa).
Tổng thống Obama lên cầm quyền ở Mỹ đã thay đổi cục diện. Tháng 5-2009, ông gửi thư cho giáo chủ Ali Khamenei ủng hộ thúc đẩy ngoại giao để giải quyết hạt nhân Iran. Sau đó ông đề nghị cung cấp cho Iran uranium làm giàu 20% mà Iran cần cho trung tâm nghiên cứu y học ở Tehran. Bù lại Iran phải trao cho phương Tây kho một tấn uranium làm giàu 5% (khá đủ để chế tạo bom hạt nhân).
Giáo chủ Iran nghi ngờ thỏa thuận này sẽ có lợi cho tổng thống Iran (đối thủ của giáo chủ) nên bác bỏ. Phe chống đối sáng kiến của ông Obama ở Mỹ cũng phản đối. Khi Iran sẵn sàng đàm phán vào năm 2003 thì Mỹ chưa sẵn sàng. Tình hình đảo ngược vào năm 2009.
Nhảy vọt: Tình hình chỉ được mở trói khi tổng thống ôn hòa Hassan Rohani lên cầm quyền ở Iran vào tháng 6-2013. Sau 10 năm đối đầu, hai bên chỉ toàn kẻ bại trận. Kinh tế Iran bị cấm vận phương Tây ảnh hưởng nặng nề còn số lò ly tâm của Iran tăng lên gấp 10 lần.
Đến ngày 24-11-2013, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận tại Genève về tạm đóng băng chương trình hạt nhân Iran và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Kế đến là thỏa thuận đạt được ở Lausanne hôm 2-4.
Obama và Rohani cùng thắng
Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được hôm 2-4 sẽ mở đường cho lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ, Iran sẽ duy trì chính sách hòa hoãn và hòa nhập cộng đồng quốc tế.
Theo báo Le Figaro, đây là chiến thắng ngoại giao và chính trị giòn giã của Tổng thống Iran Hassan Rohani. Về đối nội, ông đã tạo được cho người dân Iran viễn ảnh thay đổi cuộc sống tốt hơn. Các nhà hoạch định kinh tế Iran sẽ bắt đầu nghiên cứu các dự án hợp tác. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuẩn bị sẵn sàng đổ bộ vào Iran.
Tổng thống Rohani và các cộng sự sẽ có tương lai trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng các chuyên gia (86 giáo sĩ) vào tháng 2-2016.
Đây cũng là ván cờ thắng lợi của Tổng thống Barack Obama. Từ đầu nhiệm kỳ, ông đã kiên trì xem thỏa thuận về hạt nhân với Iran là ván bài chủ chốt trong chiến lược Trung Đông.
Đây cũng là ván cá cược của ông khi quyết định đàm phán với một trong những đối thủ mạnh của Mỹ. Ông chấp nhận đối đầu với thái độ phản kháng mạnh mẽ từ đồng minh Israel và đảng Cộng hòa.
Ông lập luận cấm vận để Iran khỏi chế tạo bom hạt nhân sẽ không đạt được mục đích nếu không có đàm phán và thương lượng. Nếu thỏa thuận cuối cùng được ký kết vào cuối tháng 6, ông đã gặt hái thành công trong đối ngoại trong bối cảnh Mỹ đang gặp khó khăn với Nga và ở Trung Đông.
Những người thua sẽ phá đám
Trong nội bộ Mỹ, từ nhiều tuần trước, đảng Cộng hòa thông báo đã trao cho Hạ viện một dự luật mới về gia tăng cấm vận đối với Iran. Hạ viện sẽ xem xét dự luật này vào ngày 14-4 sau kỳ nghỉ hè.
Một số người trong đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama là con người ngây thơ, mở đường cho Iran phát triển hạt nhân. Thượng nghị sĩ Mark Kirk châm biếm: “Neville Chamberlain đã ký hiệp ước tốt nhất với Adolf Hitler”.
Trong nội bộ Iran, ông Hossein Shariat-Madari, cố vấn của giáo chủ Ali Khamenei và là chủ biên tờ báo bảo thủ Kahyan, đã đánh giá thỏa thuận khung mới đạt được: “Iran đã đổi một con ngựa đua lấy một con nghẽo không cương”.
Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu là người phản ứng mạnh mẽ nhất với thỏa thuận khung mới đạt được. Israel dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ để bảo đảm cho an ninh Israel trong khu vực. Nay Israel cho rằng thỏa thuận khung mới đạt được chứng tỏ Mỹ đang tiến hành chiến lược mới ủng hộ Iran và quay lưng với các đồng minh truyền thống như Israel và Saudi Arabia.
Diện mạo Trung Đông sẽ thay đổi
Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được hôm 2-4 mang đậm ý nghĩa chính trị và chiến lược.
Quan hệ Mỹ-Iran: Đài truyền hình Pháp Europe 1 nhận định thỏa thuận khung lịch sử này sẽ hòa giải Mỹ-Iran, hâm nóng quan hệ hai nước vốn đã nguội lạnh 35 năm qua sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran qua sự kiện đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị tấn công.
Cho dù phe bảo thủ trong nội bộ của Mỹ và Iran cản trở, hai bên vẫn có thể bí mật hợp tác để giải quyết các vấn đề khủng hoảng khu vực.
Bước ngoặt trong đối đầu Shiite/Sunni: Thỏa thuận khung mới đạt được sẽ làm thay đổi diện mạo Trung Đông. Yemen hiện thời là bãi chiến trường của hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Quân nổi dậy Houthi (Shiite) có Iran hậu thuẫn đã chiếm thủ đô, đẩy tổng thống dòng Sunni lưu vong ở Saudi Arabia.
Saudi Arabia cùng với liên quân Ả Rập đã không kích quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Nếu Mỹ và Iran cùng bắt tay giải quyết, vấn đề Yemen sẽ được giải quyết.
Chống Nhà nước Hồi giáo: Từ nhiều tháng trước, Mỹ và Iran đã trao đổi với nhau về đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng John Kerry đã thừa nhận Mỹ và Iran có chung lợi ích trong công cuộc chống Nhà nước Hồi giáo.
Dù Mỹ từ chối hợp tác quân sự với Iran chống Nhà nước Hồi giáo, hai nước mặc nhiên trở thành đồng minh khi cùng yểm trợ Iraq đánh Nhà nước Hồi giáo trong chiến dịch tấn công TP Tikrit (Iraq).
------------------------
IS đe dọa tiến hành vụ khủng bố kiểu 11/9
Các phần tử thuộc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và những người ủng hộ đã khởi động một chiến dịch trên mạng xã hội Twitter nhằm chống lại người Mỹ mang tên "Chúng tôi sẽ thiêu cháy nước Mỹ một lần nữa", đe dọa lặp lại các vụ khủng bố 11/9.
Tổ chức tình báo SITE chuyên theo dõi hoạt dộng trên mạng của các nhóm cực đoan đã đưa ra cảnh báo trên.
"Giữa lúc xảy ra các vụ tấn công của những con sói cô độc, và người Mỹ và người phương Tây khác cam kết chống lại IS, chiến dịch kiểu này không nên bị xem nhẹ", giám đốc SITE Rita Katz cho biết ngày 10/4.
Theo SITE, khoảng 10 người Mỹ đã bị buộc tội vì các âm mưu hành động cho IS trong những tuần gần đây và nhiều người khác đang tuyên truyền cho các giá trị của nhóm cực đoan trên Twitter.
"Chiến dịch này trên Twitter, cùng với các chiến dịch tương tự trong quá khứ, cho thấy khả năng của IS nhằm tự đưa mình vào các cuộc thảo luận của phương Tây", ông Katz nói.
Theo giám đốc tổ chức SITE, "Chúng tôi sẽ thiêu cháy nước Mỹ một lần nữa" và nội dung mà IS đăng tải trên mạng "cho thấy một phương pháp bài bản và thống nhất về sự huy động trên mạng mà nhóm này và những kẻ ủng hộ thực hiện".
IS là một tổ chức cực đoan thánh chiến, hoạt động chủ yếu tại Iraq và Syria. IS đã chiếm các lãnh thổ rộng lớn tại 2 nước này và tuyên bố một vương quốc Hồi giáo tại các khu vực mà chúng kiểm soát.
Các nhánh của IS cũng hoạt động tại Bắc Phi, Yemen, Pakistan và Afghanistan.
IS được biết tới bởi những video trên mạng mô phỏng cảnh hành quyết các con tin phương Tây. Nhóm này tuyển mộ các thành viên mới từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có từ châu Âu, Mỹ. Các phần tử cực đoan thường sử dụng mạng xã hội làm công cụ để tuyển dụng các tay súng trẻ.
Theo các ước tính gần đây của giới chức tình báo Mỹ, khoảng 20.000 tay súng nước ngoài, trong đó có 4.000 người từ tây Âu, đã gia nhập IS trong 3 năm qua.
------------------------
Trung Quốc: Triển lãm của giới thượng lưu bị hủy vì cuộc chiến chống tham nhũng
Nhà tổ chức một buổi triển lãm các mặt hàng sang trọng ở Macau, Trung Quốc tuyên bố hủy triển lãm này do các quy định liên quan đến chống tham nhũng của Bắc Kinh.
BBC ngày 10/4 đưa tin trong một thông điệp đăng tải trên trang web của Triển lãm đồng hồ, trang sức và tiền đồng cổ Á-Âu, Giám đốc sự kiện Vincci Tung đã gửi lời xin lỗi đến các nhà triển lãm và quan khách do phải hủy bỏ sự kiện này, vì “những khủng hoảng chính trị gần đây ở Trung Quốc”. Theo BBC, cụm từ này ám chỉ cuộc chiến chống tham nhũng Bắc Kinh đang thực hiện.
Theo lời giải thích ông Tung đưa ra, chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả quan chức ở các cấp tiến vào sòng bạc. Bởi sự kiện này được tổ chức ở một khách sạn kiêm sòng bạc, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “sự tham gia của các khách hàng VIP”.
Ban đầu, hội chợ Á-Âu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5 tại Macau, điểm đến truyền thống để mua sắm và đánh bạc của khách “sộp” từ Trung Quốc đại lục.
Biên tập viên khu vực Nam Á của BBC nhận định Đảng cộng sản Trung Quốc luôn cấm cờ bạc, nhưng đến trước chiến dịch chống tham nhũng gần đây, quan chức nước này vẫn đổ xô về sòng bạc ở Macau để đánh bạc, và dùng tiền thắng được để mua sắm hàng đắt tiền.
Từ khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức một chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn, và kêu gọi các quan chức sống đạm bạc.
Chủ tịch Tập cũng kêu gọi hạn chế các buổi tiệc sang trọng, chi tiêu phung phí và quà cáp đắt tiền, và ủng hộ các bữa ăn đơn giản, với chiến dịch “bốn món ăn và một món súp”.
Quan chức gần đây nhất đang bị điều tra dưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập là Bí thư thành ủy Côn Minh Gao Jinsong, với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc và luật pháp”, cáo buộc thường được dùng cho điều tra tham nhũng.
Truyền thông địa phương cũng khẳng định một tòa án ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, cũng tuyên án tù chung thân đối với Shi Tao, một cựu lãnh đạo của hãng ô tô FAW-Volkswagen với cáo buộc nhận hối lộ 33 triệu NDT (khoảng 5,3 triệu USD).
----------------------
Truyền thông Trung Quốc "dọa" Hàn Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa
Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 10/4 đã cảnh báo rằng quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Seoul sẽ bị "tổn hại" nếu một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra các bình luận trên trong một bài xã luận đúng vào ngày Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới thăm Seoul nhằm thúc chiến lược "xoay trục" ngoại giao và quân sực của Mỹ sang châu Á.
"Cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ là nhằm đề phòng Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc", tờ báo viết.
"Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích phân sự Trung Quốc đều xem lập luận này là nhằm đánh lạc hướng. Một điều chắc chắn là thiện chí lớn lao của công chúng Trung Quốc đối với Seoul sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu THAAD được triển khai tại Hàn Quốc và nền tảng quan hệ song phương sẽ bị tổn hại", bài xã luận viết.
Những lo ngại của Trung Quốc đối với khả năng triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc đã được nói đến trước đó, nhưng bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu sử dụng giọng điệu nghiêm trọng.
Để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ khả năng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, giới chức Mỹ và Hàn Quốc đều đã nhắc tới sự cần thiết của hệ thống THAAD.
Cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng nhằm vào Trung Quốc, Bắc Kinh đã công khai gây sức ép để Seoul không chấp nhận triển khai THAAD. Đáp lại, Bộ quốc phòng Hàn Quốc đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng gây ảnh hưởng đối với chính sách an ninh của Seoul.
Hàn Quốc và Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc hành động nhiều hơn để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhưng lập trường của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng vẫn mâu thuẫn.
Nhiều nhà phân tích tin rằng giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không gây áp lực đủ để Triều Tiên từ bỏ các tham vọng hạt nhân vì lo ngại sự sụp đổ đột ngột của chính quyền Bình Nhưỡng có thể đe dọa các lợi ích an ninh của chính Bắc Kinh.
Mỹ chưa sẵn sàng thảo luận việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc
Cũng liên quan tới vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 10/4 nói rằng đất nước ông chưa sẵn sàng để khởi động các cuộc đàm phán về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại trên bán đảo Triều Tiên.
"THAAD không nằm trong chương trình nghị sự hôm nay... Đây là chương trình đang được sản xuất tại Mỹ", ông Carter cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo nhân chuyến thăm Seoul ngày 10/4.
Trước đó, câu hỏi rằng liệu ông Carter có đưa vấn đề này ra trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Hàn Quốc hay không đã thu hút sự chú ý, trong bối cảnh có những tranh cãi tại Mỹ cũng như ở nước ngoài, với sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Washington đã bày tỏ mong muốn triển khai THAAD tại Hàn Quốc để bảo vệ nước này và khoảng 28.000 binh sĩ Mỹ khỏi mối đe dọa từ Triều Tiên, mặc dù giới chức hai bên cho biết chưa có cuộc thảo luận chính thức hay quyết định nào được đưa ra về vấn đề này.
Là một phần không thể thiếu của hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu, THAAD được thiết kế nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở tầm cao hơn.
Thay vào đó, ông Carter hôm qua đã nhấn mạnh tới kế hoạch của Washington nhằm triển khai các vũ khí hiện đại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại Mỹ trước chuyến công du châu Á, Bộ trưởng quốc phòng Carter cũng đã nhắc tới điều này.
---------------------
Tìm thấy 550 người bị bắt cóc làm nô lệ ở Indonesia
Theo AP, thuyền trưởng tàu cá đã ép những người đàn ông này làm việc cho họ và đối xử với họ như nô lệ.
AP đưa tin, số lượng nô lệ được tìm thấy ở Indonesia đã lên đến 550 người. Đây là những người đàn ông từ Myanmar, Campuchia, Lào và Thái Lan bị lừa đảo hoặc dụ dỗ lên những con tàu để đến Indonesia làm việc.
Theo AP, thuyền trưởng tàu cá đã ép những người đàn ông này làm việc cho họ và đối xử với họ như nô lệ.
Sau buổi làm việc, những người nô lệ này phải quay trở lại ngôi làng trên đảo Benjina của Indonesia. Mỗi ngày trôi qua đối với họ là nỗi lo sợ bị đánh đập và bị giết chết nếu họ không làm việc và bỏ trốn.
Các loại hải sản mà những người nô lệ này đánh bắt được sẽ chuyển ngược về Thái Lan và xuất khẩu sang các chuỗi siêu thị lớn của Mỹ.
Nhiều người trong số những người “nô lệ” chia sẻ, họ đã bị lừa, thậm chí bị bắt cóc đến Indonesia. Họ bị buộc phải làm việc gần như không nghỉ trong điều kiện tồi tàn, một số còn bị thuyền trưởng Thái Lan đánh đập tàn nhẫn khi họ bị ốm.
Tuần trước, chính quyền Indonesia giải cứu được khoảng 330 người nô lệ rời khỏi đảo Benjina và đưa họ tới đảo Tual. Số nô lệ còn lại vẫn còn bị mắc kẹt Benjina.
Đó là chưa rõ ai sẽ chi trả cho việc hồi hương của những người người nô lệ này. Một nô lệ cũ bây giờ đang cư ngụ ở đảo Tual cho biết ông đang được chăm sóc rất tốt, đủ các điều kiện y tế và thức ăn. Tuy nhiên, khu nhà ở của họ khá chật hẹp và họ không có quần áo để thay kể từ khi rời khỏi Benjina.
Ngày 9/4, sau khi nghe tin công dân nước mình bị bắt làm nô lệ ở Indonesia, lãnh đạo đối lập ở Myanmar Aung San Suu Kyi đã tuyên bố rằng, chính quyền đang cố gắng để đưa những người này thoát ra khỏi cảnh nô lệ và bảo vệ quyền công dân của họ.
“Đó là nhiệm vụ hiển nhiên đối với bất cứ chính phủ nào có trách nhiệm”, bà Aung San Suu Kyi nói./.
---------------------