Ông Tập Cận Bình gia tăng kiểm soát quân đội
Theo nhận định của tờ Douwei News (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình gần đây đã ra lệnh cải tổ nhân sự trong quân đội nhằm duy trì và củng cố quyền lực với Quân giải phóng.
Truyền thông Hồng Kông tiết lộ ông Tập Cận Bình đã thay đổi cơ cấu nhân sự các sĩ quan chỉ huy cấp thấp trong 18 binh đoàn chủ lực. Tuy nhiên, kể từ sau khi ông nhậm chức tháng 11/2012, vẫn chưa có bất kì thay đổi nào ở bảy quân khu như dự đoán của các nhà phân tích.
Bên cạnh việc thay thế chỉ huy năm nhóm quân, ông Tập còn đề bạt bốn chính ủy các nhóm quân tại ba quân khu Thẩm Dương, Tế Nam và Nam Kinh.
Theo tờ báo Duowei, ông Tập đã loại trừ những lãnh đạo quân sự “dám vượt quyền” cũng như các quan chức cấp cao trung thành với cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Từ Tài Hậu, người đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và bị cáo buộc ăn hối lộ vào ngày 30-6 vừa qua.
Những quan chức thân cận với ông này bị “đào thải” bao gồm Zhang Gongxian- cựu thư ký riêng của ông Từ và là Trưởng phòng chính trị ban chỉ huy quân khu Tế Nam. Ông Zhang Xuejie - Chính ủy binh đoàn cũng phải lặng lẽ từ chức vào tháng 5 vừa qua. Và ông Gao Guanghui - Tư lệnh binh đoàn 16 - bị luân chuyển đến một vị trí “có danh mà không có phận” ở quân khu Lan Châu.
Ông Tập Cận Bình cũng đang tăng cường kiểm soát quân đội bằng cách thăng chức cho những người thân tín.
Quan chức trung thành với ông này bao gồm Hứa Kỳ Lượng - Phó chủ tịch quân ủy trung ương, Mã Hiếu Thiên - Tư lệnh Không quân, Vũ Thắng Lợi - Tư lệnh Hải quân và Trương Hựu Hiệp - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Việc bổ nhiệm này giúp ông Tập mạnh tay hơn trong giải quyết các vấn đề ngoại giao và chủ quyền gây tranh cãi.
Tuy nhiên, ông Tập bị cho là thiên vị khi đề cử lãnh đạo mới cho lực lượng hải quân khi chỉ cân nhắc 4 người cho vị trí này. Trong khi từ năm 2011 đến nay, luôn có sáu cá nhân được đề bạt mỗi năm. Năm 2010 có đến 11 người được cân nhắc.
Là con trai của ông Tập Trọng Huân, ông Tập Cận Bình có mối quan hệ rất thân thiết với giới chỉ huy lực lượng quân đội. Công việc đầu tiên của ông sau khi tốt nghiệp từ đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) năm 1979 là làm trợ lý riêng cho ông Cảnh Biểu, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Trung Quốc thời bấy giờ.
-----------------------
Chi tiêu quân sự tăng, kinh tế Nga khốn đốn
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 7-10 thừa nhận nước này không thể kham nổi kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang tốn kém hàng tỉ USD đã được Tổng thống Vladimir Putin thông qua, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động cắt giảm chi tiêu trong khi lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đang phát huy tác dụng.
Lời bình luận của ông Siluanov làm nổi bật cuộc tranh cãi giữa các phe phái khác nhau ở Nga về khoản chi tiêu cho quốc phòng vốn đã trở nên “nóng” trong mấy tháng gần đây.
Tổng thống Putin đang chuẩn bị phương án để hoãn lại hoặc cắt giảm một số khoản chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch ban đầu nâng cấp 70% trang thiết bị quân sự đến năm 2020.
Khi chương trình đầy tham vọng nhằm hồi sinh quân đội Nga và trang thiết bị cũ kỹ lần đầu được thông qua vào năm 2011, chính phủ Nga đã dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 6% trong suốt thập kỷ này.
Thế nhưng, kinh tế Nga chỉ tăng trưởng tối đa ở mức 0,5% trong năm nay trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán nền kinh tế Nga sẽ rơi vào tình trạng trì trệ trong 2 năm tới.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga đang kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu đồng rúp và cô lập thị trường nước Nga với nguồn vốn nước ngoài.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã từng tuyên bố chương trình hiện đại hóa quân đội Nga sẽ tiếp tục được thực hiện như kế hoạch đã vạch ra. Đó là đến năm 2015 sẽ nâng cấp 30% thiết bị quân sự và tỉ lệ này đến năm 2020 là 70%.
Nhà phân tích quân sự Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các xu hướng chiến lược, nhận định trong khi một số dự án - như hiện đại hóa không quân Nga, lực lượng tàu ngầm hoặc công nghệ không gian - sẽ tiếp tục được triển khai, một số dự án khác sẽ phải cắt giảm.
Điền đáng chú ý là, trong khi chi tiêu quân sự của Mỹ giảm trong năm 2013, mức chi tiêu quân sự của Nga đã tăng, lần đầu tiên qua mặt Mỹ kể từ năm 2003 và đạt 4,1% GDP.
Trong khoảng thời gian 2004-2014, Nga đã tăng gấp đôi mức chi tiêu quân sự và căn cứ vào ngân sách mới được thông qua, con số này sẽ tăng từ 17,6% tổng chi tiêu ngân sách trong năm nay lên 20,8% vào năm 2017, tức 84,19 tỉ USD.
Thế nhưng, mức thâm hụt ngân sách mới được dự kiến ở mức 0,6% GDP trong vòng 3 năm tới dựa trên cơ sở giá dầu 100 USD/thùng trong khi giá dầu Urals của Nga hôm 7-10 chỉ ở mức 90 USD/thùng.
Giá dầu giảm là một trong những yếu tố chính đẩy giá trị đồng rúp xuống mức thấp nhất chưa từng có 40 rúp = 1 USD.
Từ đó, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính nước này đã bắt đầu làm việc theo một kịch bản tồi tệ nhất – cung cấp cơ chế tiền tệ và tài chính để chống đỡ nền kinh tế và hệ thống tiền tệ nếu giá dầu giảm xuống đến mức 60 USD/thùng.
Cách đây 3 năm, ông Alexei Kudrin đã rời bỏ chức vụ bộ trưởng tài chính để phản đối mức chi tiêu quân sự như nêu trên.
-----------------------
Dân Thái Lan bức xúc vì các nghị sĩ "siêu giàu"
Dư luận và báo chí Thái Lan kêu gọi nhà chức trách điều tra tài sản các thành viên quốc hội sau khi Ủy ban Chống tham nhũng (NACC) công bố số liệu nhiều nghị sĩ rất giàu.
Theo báo Bangkok Post, mới đây NACC đã công bố con số tài sản của nhiều thành viên quốc hội trên mạng Internet.
Rất nhiều người có tài sản trị giá trên 100 triệu baht (3 triệu USD). Ví dụ tướng Sirichai Ditakul thuộc Bộ Quốc phòng có tài sản 108 triệu baht (3,3 triệu USD).
Tướng Jakthip Chaijinda, phó giám đốc Cảnh sát quốc gia, sở hữu khối tài sản 97,4 triệu baht (2,98 triệu USD) trong khi vợ ông có tới 870,9 triệu baht (26,69 triệu USD).
Giám đốc Cảnh sát quốc gia Somyot Pumpanmuang cũng sở hữu tới 246,4 triệu baht (7,5 triệu USD) còn vợ ông có 128,2 triệu baht (3,93 triệu USD).
Đáng chú ý là trung tướng Preecha Chan-O-Cha, em trai của Thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha, cũng có khối tài sản trị giá khoảng 79,8 triệu baht (2,44 triệu USD).
Bangkok Post cho biết sau khi NACC đăng tải các thông tin này, dư luận Thái Lan đã lên tiếng chỉ trích các chính trị gia quá giàu có.
Bà Rosana Tositrakul, thành viên Hội đồng Cải cách quốc gia (NRC), lên tiếng yêu cầu NACC phải điều tra tài sản của nhiều nghị sĩ quốc hội khác. Bà kêu gọi công chúng hãy thông báo cho nhà chức trách về các tài sản khả nghi của quan chức.
Bà cho rằng NACC có thể thưởng tiền mặt cho những người cung cấp thông tin tố cáo nạn tham nhũng. Tổng thư ký NACC Sansern Poljak thừa nhận cơ quan này vẫn chưa điều tra tài sản các thành viên quốc hội.
-----------------------
Twitter kiện chính phủ Mỹ
Twitter ngày 7.10 kiện chính phủ Mỹ xâm phạm quyền tự do ngôn luận của họ liên quan đến chương trình do thám của nước này.
Theo luật của Mỹ, Twitter không thể công bố thông tin về những yêu cầu của chính phủ đối với công ty này, theo AFP. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Twitter phải cung cấp dữ liệu của người dùng mạng xã hội này cho các cơ quan tình báo, tòa án bí mật, cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Mỹ trong khuôn khổ chương trình do thám của chính phủ nước này.
Twitter đã kiện chính phủ Mỹ, cho rằng quyền tự do ngôn luận của họ bị xâm phạm khi không được công bố thông tin kể trên. Phó chủ tịch Twitter Benjamin Lee cho biết theo Hiến pháp Mỹ thì Twitter có quyền được công bố thông tin về quy mô chương trình do thám của chính phủ Mỹ.
Ông Lee cho biết Cục điều tra liên bang Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ đã không cho phép Twitter công bố bất kỳ con số, thông tin nào liên quan đến chương trình do thám trong bản báo cáo minh bạch của công ty này.
Trước đó, nhiều công ty công nghệ cao của Mỹ, bao gồm Twitter, Google, Apple và Facebook thành lập một nhóm nhằm ngăn chặn các hoạt động do thám của những cơ quan an ninh và tình báo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Động thái trên được tiến hành sau khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden rò rỉ hàng ngàn tài liệu mật cho truyền thông, hé lộ chương trình do thám, nghe lén điện thoại, bí mật theo người dùng internet của hàng triệu người và cả các lãnh đạo thế giới trong giai đoạn 2012-2013.
-----------------------
IS oanh kích dữ dội Kobane, 400 người chết
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-10 cảnh báo thị trấn Kobane Syria gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sắp thất thủ vào tay nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (IS) tự xưng.
Theo AFP, đặc phái viên LHQ tại Syria cũng kêu gọi quốc tế hành động ngay lập tức giúp Kobane (Syria) không lọt vào tay IS.
Các cuộc giao tranh giữa lực lượng người Kurd ở Syria và binh sĩ IS khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và hàng ngàn người rời bỏ nhà cửa.
“Không thể giải quyết vấn đề IS bằng các cuộc oanh tạc từ trên không. Hiện tại Kobane sắp thất thủ” -Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói, khi đang thăm một trại tị nạn ở khu vực gần biên giới Syria.
Việc thị trấn chiến lược Kobane sắp thất thủ gây áp lực nặng nề lên quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Hiện tại các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu dường như chưa đủ sức ngăn chặn các cuộc tấn công của IS ở Kobane.
Ông Tayyip cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu các binh sĩ nước này gặp đe dọa tại Kobane. Dù vậy, hàng chục xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn còn án binh bất động ở khu vực biên giới.
Lực lượng IS muốn chiếm Kobane nhằm kiểm soát chặt khu vực biên giới và củng cố các lợi ích về lãnh thổ mà nhóm này giành được ở Iraq và Syria trong vài tháng qua.
Trong khi đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, hàng ngàn người ủng hộ người Kurd đã đụng độ với cảnh sát khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Người biểu tình chỉ trích việc chính quyền Ankara chưa có bất kỳ động thái nào đáp trả khi binh sĩ IS tiến sát đến thị trấn Kobane.