Trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, những người cộng sản ở phương Tây thường coi Moskva như là nguồn cảm hứng về ý thức hệ, sự giúp đỡ về kinh tế và hậu thuẫn về chính trị.
Mặc dù liên bang Xô-viết đã tan rã từ lâu, nhưng hiện ở một số nước phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin là người rất được ngưỡng mộ vì nhiều lý do khác nhau.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc Pháp (đảng vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử châu Âu tại Pháp) Marine Le Pen đã bày tỏ sự ủng hộ của bà đối với Tổng thống Nga Putin: “Có một cuộc chiến tranh lạnh chống lại ông Putin do Liên minh châu Âu tiến hành theo chỉ đạo của Mỹ để bảo vệ lợi ích riêng. Nhưng ông ấy đã thành công trong việc khôi phục lại niềm tự hào của một cường quốc”.
Ý tưởng của bà Le Pen xem ra có vẻ hợp với hầu hết người Nga - cả giới ưu tú lẫn những người dân bình thường - khi bà tuyên bố rằng bà ngưỡng mộ "người hùng" Putin, coi ông như một nhà lãnh đạo quốc gia lý tưởng, và bà muốn quay trở lại với những giá trị dường như đã bị lãng quên của châu Âu: sự bảo thủ và sự phản kháng đối với những áp đặt từ bên ngoài.
Bà Le Pen chỉ là một trong số nhiều nhà lãnh đạo đảng tại châu Âu ủng hộ ông Putin. Ví dụ, ông Matteo Salvini, người đứng đầu đảng cánh hữu Lega Nord và là ngôi sao đang lên trong giới chính trị Italy, đã ký một thỏa thuận với vị tổng thống Nga vào tháng 10/2014 dựa trên những điều mà ông gọi là những giá trị chung.
Không chỉ ở một số quốc gia châu Âu, ông Putin cũng là một trong những cái tên được ngưỡng mộ hàng đầu ở Mỹ. Theo kết quả một cuộc thăm dò của Viện Gallup (Mỹ) được công bố vào cuối tháng 12 vừa qua, người đứng đầu nước Nga đã giành vị trí thứ 10 trong số những người được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ, vượt qua cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Bidden, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Rommey…
Việc ông Putin được chọn là người được ngưỡng mộ thứ 10 ở Mỹ diễn ra trong bối cảnh báo chí phương Tây liên tiếp đưa ra những thông tin tiêu cực, bất lợi về nhà lãnh đạo Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Lý giải về việc ông Putin bất ngờ trở thành người được hâm mộ hàng đầu ở Mỹ, một quan chức của Gallup cho rằng thời gian qua người đứng đầu nước Nga liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông và rằng tên ông đang ở trong đầu của nhiều người nên họ đã gọi tên ông khi được hỏi. Tuy nhiên, phân tích này chỉ mang tính phỏng đoán. Một điều mà không ai có thể phủ nhận được là bất chấp việc báo chí, các phương tiện truyền thông phương Tây không ngừng tô vẽ một hình ảnh xấu, tiêu cực về ông Putin, vị tổng thống Nga vẫn giành được tình cảm yêu mến của người dân Mỹ.
Vậy điều gì khiến ông Putin nhận được sự ủng hộ và ngưỡng mộ từ một loạt các nhà lãnh đạo chính trị (trong đó có cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, lãnh đạo đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage hay ông Alexander Elliot Anderson Salmond, thủ hiến của Scotland từ năm 2007) và người dân ở châu Âu đến như vậy? Nhiều trong số họ coi ông Putin như là người bảo vệ những giá trị của châu Âu. Họ hoan nghênh các quan điểm của nhà lãnh đạo Nga. Họ cũng có chung quan điểm với ông Putin khi cho rằng sự mở rộng của NATO và EU về phía đông như là một xâm lấn vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moskva và đặt ra một mối đe dọa đối với những lợi ích quốc gia của Nga. Bên cạnh đó, đa số các đảng cánh hữu tại châu Âu đều coi EU muốn duy trì vai trò bá chủ và họ đang ủng hộ việc phá vỡ trật tự này.
Nhưng có lẽ phong cách lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán của ông Putin mới là nhân tố chính tạo ra sự ngưỡng mộ đối với họ. Sự xuất hiện của vị Tổng thống Nga chính là những gì mà họ cần trong bối cảnh ở Tây Âu, sự suy thoái về kinh tế và chính sách thắt lưng buộc bụng của EU đã góp phần làm gia tăng sự giận dữ của công chúng. Ông Putin, người đã giúp Moskva lấy lại vị thế của mình trên vũ đài chính trị thế giới, đã tạo ra một hình mẫu lý tưởng. Tương tự như vậy, họ thấy sự quyết đoán của ông Putin như là một câu trả lời đối với những bất ổn của châu Âu và việc cố tình bao vây Nga của NATO và một cuộc chiến kinh tế chống lại Nga của EU và Mỹ. Tất cả những điều trên đã phần nào hạn chế được chính sách cô lập mà phương Tây đang chống lại Nga, đồng thời cũng là cách để củng cố hình ảnh của Moskva cả ở trong nước và trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng là một chính khách vừa gần gũi, bình dị, vừa có sức hút lớn trong cuộc sống đời thường. Dư luận Nga và thế giới từng nhiều lần trầm trồ trước hình ảnh ông chủ điện Kremlin đa tài, lúc trong bộ đồ võ Judo, lúc trên sông nước vùng Tuva lạnh giá của miền Nam Siberia, cởi trần cưỡi ngựa đi săn, lúc lái máy bay chiến đấu, lặn xuống hồ sâu nhất thế giới, rồi một Putin vừa chơi piano vừa ngân nga những bản tình ca Nga… Tuy nhiên, điều khiến các cử tri Nga và những người khác ngưỡng mộ, mê đắm hơn ở Putin là việc họ thấy rõ ông không dùng cái sự đa tài của mình để phô trương bản thân mà bằng sự tự tin, quyết đoán hơn người, đã thuyết phục người dân Nga thấy rằng người đứng đầu nước Nga luôn hành động vì đất nước Nga, luôn đặt quốc gia lên trên hết. Chỉ câu chuyện ông kiên quyết giữ vững lập trường sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, bất chấp những phản ứng dữ dội của phương Tây cũng đủ thấy rõ điều đó.
Và điều đó không dừng lại ở một sự ngưỡng mộ suông khi mà đã có không ít những cuộc biểu tình từ phía người dân châu Âu phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, vốn là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các nước EU và đang gây ra rất nhiều khó khăn khi họ không tiêu thụ được hàng hóa của mình mà trước đây từng được xuất khẩu sang Nga. Như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel ngày 4/1/2015 cảnh báo về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga, đồng thời cho rằng có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn "khuất phục các đối thủ siêu cường trước đây" nhưng việc gây rối loạn cho Nga chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm.
15 năm trên vũ đài chính trị là khoảng thời gian Tổng thống Nga Putin tỏa ra sức hút đầy ma lực đối với công chúng, khiến ông trở thành một trong những chính trị gia giàu sức ảnh hưởng nhất, được nhiều người biết tới, quan tâm và ngưỡng mộ nhất.
----------------------
IS vẫn là “cơn ác mộng” của thế giới trong năm 2015
Năm 2014, tổ chức cực đoan IS thực sự trở thành nỗi ám ảnh và cơn ác mộng đối với thế giới. Trong năm 2015, cơn ác mộng đó vẫn sẽ tiếp diễn, trừ phi liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu có những thay đổi căn bản trong chiến lược đối phó với tổ chức này.
Cơn ác mộng đó bắt đầu nổi lên từ tháng 4/2014 khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo và vùng Levant” (ISIL) - tiền thân của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hiện nay - đột ngột đẩy mạnh các đợt tấn công chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria.
Mặc dù là “con đẻ” của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song với phương thức hoạt động tàn bạo, có chiến lược bài bản, tiềm lực tài chính hùng mạnh, nhiều trang thiết bị chiến đấu hiện đại và một đội quân thiện chiến, IS đã nhanh chóng chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, thách thức trật tự địa chính trị ở “chảo lửa” thế giới và reo rắc nỗi sợ hãi trên toàn cầu.
Theo các nguồn tin chưa chính thức, hiện lực lượng này đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria, cùng nhiều vùng đất ở Yemen, Ma-rốc, Tunisia, Algeria và bán đảo Sinai của Ai Cập. Tổng dân số ở những vùng đất này lên tới 12 triệu người. Nhiều nơi còn có những mỏ khí, giếng dầu trữ lượng lớn giúp đảm bảo cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho IS trong tương lai.
Về quân số của IS, hầu hết các con số đều dự đoán tổ chức này có khoảng 50.000 - 200.000 tay súng, cao gấp nhiều lần con số 10.000 - 30.000 được đưa ra lúc đầu. Đáng chú ý, trong hàng ngũ của IS đang có sự góp mặt của khoảng 20.000 tay súng nước ngoài đến từ khắp các châu lục, kể cả từ Mỹ và châu Âu. Đây được coi là những “quả bom nổ chậm” của IS khi cần thực hiện những vụ đánh bom khủng bố ở bên trong lãnh thổ các nước vào bất cứ thời điểm nào.
Không chỉ đẩy mạnh tấn công đánh chiếm những vùng lãnh thổ ở Trung Đông, các tay súng IS còn tiến hành các vụ “bắt vợ” và “bắt lính trẻ em” tại những nơi chúng đi qua, đồng thời sẵn sàng thảm sát những người chống đối. Bộ tộc Hithouli ở phía Bắc Iraq từng bị mất hơn 900 thành viên chỉ vì tìm cách ngăn cản IS chiếm giữ các giếng dầu. Hàng nghìn người khác, gồm cả dân thường và các con tin người nước ngoài, cũng đã bị “những kẻ máu lạnh” IS ngang nhiên hành quyết để “dằn mặt” các chính phủ và những người chống lại lực lượng này.
Ngoài ra, các tay súng IS còn tăng cường gia nhập những tổ chức thánh chiến cực đoan khác và tham gia tích cực vào các hoạt động của al-Qaeda để “phát động ngọn lửa tấn công thánh chiến ra toàn cầu”. Tham vọng lớn nhất của IS là thành lập Vương quốc Hồi giáo (caliphate) để lãnh đạo toàn bộ thế giới Hồi giáo trong tương lai bằng luật Sharia hà khắc.
Một thực tế rất đáng quan ngại là dù có phương thức hoạt động vô cùng tàn bạo và tư tưởng đặc biệt cực đoan nhưng IS đang ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức và cá nhân cực đoan trên thế giới.
Hầu hết các tổ chức thánh chiến lớn ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Viễn Đông tới những cá nhân theo quan điểm cực đoan ở Mỹ và châu Âu đều đã “đánh tiếng” ủng hộ lực lượng này. Mạng lưới al-Qaeda sau một thời gian xa lánh “đứa con hư”, nay cũng đã phát tín hiệu ủng hộ IS. Chính sự ủng hộ rộng khắp này đang tạo ra mối đe dọa thường trực cho các chính phủ ở khắp các châu lục.
Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của IS đã thực sự trở thành cơn ác mộng đối với toàn thế giới. Mỹ - với vai trò cường quốc số một thế giới và là nước dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu - tất nhiên cũng không thể làm ngơ. Sự nổi lên một cách tàn bạo của IS đã buộc Tổng thống Barack Obama phải giở lại trang sử Trung Đông sau hơn 3 năm khép lại cuộc chiến tại Iraq.
Mặc dù Mỹ đã quy tụ được khoảng 60 nước cùng tập hợp dưới ngọn cờ liên minh quốc tế chống IS, song những sai lầm chiến lược khiến các chiến dịch do Mỹ cầm trịch không thực sự phát huy hiệu quả. Việc liên minh tiến hành các cuộc không kích chỉ giúp tiêu diệt được một số mục tiêu của IS và đẩy lui một phần các mũi tiến công của lực lượng này. Trái lại, nó càng khiến các tay súng IS trở nên cực đoan hơn, tàn bạo hơn và rút vào hoạt động bí mật trong các cộng đồng dân cư nhằm hạn chế tổn thất.
Bước sang năm 2015, IS vẫn được xác định là mối đe dọa lớn đối với an ninh Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Để ngăn chặn lực lượng này, chính quyền Tổng thống Obama đã cam kết phát huy mọi nguồn lực cần thiết hòng “nhổ cỏ tận rễ”.
Một trong những bước đi đầu tiên là Washington đang xem xét điều chỉnh chính sách với Syria và xác định mối quan hệ nghiêm chỉnh với Iran để tăng cường khả năng phối hợp chống IS. Trước đây, chính quyền Mỹ kiên quyết loại bỏ “hai ứng cử viên nặng ký” này do không muốn bị mất mặt với các chính phủ Arập đồng minh ở Trung Đông và lo ngại sẽ vô hình chung làm tăng thêm sức mạnh cũng như vai trò ảnh hưởng của hai thành viên nòng cốt Shi’ite trong khu vực. Tuy nhiên, khi chiến lược hiện nay không mang lại hiệu quả, một số nước trong liên minh có ý ngãng ra, đồng minh lâu đời Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện rõ thái độ không muốn “chia lửa”... thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ ở Iran và Syria là điều khó tránh khỏi.
Ngoài việc tìm đến chính phủ Iran và Syria, chính quyền Mỹ cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ quân đội Iraq, lực lượng người Kurd và phe đối lập ôn hòa ở Syria để có thêm sự hỗ trợ trên mặt đất. Trong ngân sách quốc phòng năm 2015, Lầu Năm Góc dự chi hàng chục tỷ USD cho công tác huấn luyện các lực lượng này. Hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đã được đưa đến thực địa làm nhiệm vụ đào tạo trực tiếp. Tuy nhiên, với tiềm lực non kém của các lực lượng trên, kế hoạch huấn luyện của Mỹ xem ra còn lâu mới phát huy tác dụng, báo hiệu cuộc chiến chống IS có thể sẽ phải kéo dài nhiều năm.
Bên cạnh đó, do thực tế chiến trường ở Trung Đông đang bất lợi cho Mỹ và Iraq nên rất có thể Mỹ sẽ tăng thêm quân số trong năm 2015. Kế hoạch đưa bộ binh quay trở lại Iraq tham chiến cũng đang là một lựa chọn bỏ ngỏ đối với các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc và Nhà Trắng nếu như các tay súng IS có thêm những bước tiến mới đe dọa các lợi ích của Mỹ. Việc điều bộ binh này còn giúp Mỹ ngăn chặn được tình trạng “mất tiền cho chiến tranh ảo” khi hiện có một cơ số không nhỏ binh sĩ Iraq vẫn đang nhận đủ lương và quân trang nhưng trên thực tế không ra chiến trường tham chiến.
Tất nhiên, Mỹ sẽ không thực hiện chiến lược trên một cách đơn độc. Các nước thành viên trong liên minh quốc tế chống IS và những đồng minh chủ chốt của Mỹ sẽ được huy động để tạo thành sức mạnh tổng lực.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, mô hình chiến mới sẽ không thể thành công chừng nào Mỹ và các nước châu Âu chưa từ bỏ quan điểm cho rằng mọi vấn đề ở Trung Đông đều có thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự. IS vẫn sẽ là tổ chức thánh chiến hàng đầu thế giới, xét cả về chiến lược, quy mô và tổ chức hoạt động. Lực lượng này không chỉ làm đảo lộn bản đồ địa chính trị Trung Đông mà còn khơi lại nỗi ám ảnh của thế giới về “khối ung thư mang tên khủng bố” với những biểu hiện di căn phát tán mạnh ra toàn cầu.
Sự nổi lên của IS một lần nữa cho thấy thế giới còn lâu mới “miễn nhiễm” trước các vụ tấn công khủng bố, và chủ nghĩa khủng bố sẽ còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng chừng nào liên minh quốc tế không thực sự “đồng tâm hiệp lực”, không đánh giá đúng vai trò của Iran và Syria trong việc chặn đứng IS và chấm dứt chính sách lợi dụng mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc để mưu cầu lợi ích riêng.
------------------------
Giàn khoan Hải Dương-981 đến Myanmar hợp tác khai thác dầu khí
Truyền thông Trung Quốc ngày 6/1 đưa tin, giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đang hành trình tới khu vực biển Myanmar để thực hiện hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí giữa hai nước.
Theo báo chí Trung Quốc, giàn khoan-981 tới khu vực biển Myanmar để thực hiện hợp đồng thăm dò dầu khí mà hai nước đã ký trị giá 6 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 7/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cũng ra thông báo cho biết vào khoảng tháng 1/2015 sẽ đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực biển của Myanmar để thực hiện 2 lô dầu khí là AD-8 (có độ sâu 1.600 m), và lô AD-1 (với độ sâu 1.750m).
Ngoài ra, giàn khoan Hải Dương-981 còn có thể thăm dò ở lô AD-6 ở khu vực ven biển Rankhine, vì tháng 1/2007 CNOOC và Bộ năng lượng Myanmar đã ký hợp đồng phân chia sản lượng tại các khu vực này. Theo dự kiến, giàn khoan Hải Dương-981 sẽ tiến hành tác nghiệp 75 ngày tại đây.
Trước đó, Cục hải sự Trung Quốc cho hay giàn khoan Hải Dương-981 xuất phát từ cảng Tam Á lúc 12 giờ ngày 1/1/2015, và di chuyển về hướng Singapore, đi qua các tọa độ 13.22.00N/110.50.00E; 07.30.00N/109.05.00E; 03.25.00N/ 105.40.00E.
Hải Dương-981 cũng chính là giàn khoan mà Trung Quốc đã triển khai trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian từ tháng 5-7/2014.
-----------------------
Úc chưa "gật đầu" cùng Nhật đóng tàu ngầm
Bộ Quốc phòng Úc hôm nay 6/1 thông báo hiện đang đàm phán với Nhật và một số đối tác khác về thiết kế, sản xuất các tàu ngầm mới. Cơ quan này không nhắc đến việc sẽ cùng hợp tác với Tokyo sản xuất các tàu ngầm lớp Soryu.
Tờ Mainichi Shimbun đưa tin rằng đề xuất của Nhật cùng hợp tác sản xuất tàu ngầm với Úc đã nhận được những phản ứng tích cực từ Canberra và nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, phía Úc hôm nay 6/1 cho biết “vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về vấn đề này”.
“Úc đang cân nhắc các phương án phát triển đội tàu ngầm chạy bằng diesel hay điện của mình và đang thảo luận với một số nước khác, kể cả Nhật, về các vấn đề liên quan”, một nữ phát ngôn viên Bộ quốc phòng Úc cho hay.
Phát ngôn viên trên bổ sung: “Hiện vẫn chưa có quyết định chính thức nào về chủng loại và thiết kế cho những tàu ngầm thế hệ mới của hải quân Úc. Quyết định của chính phủ sẽ dựa trên phân tích về nhu cầu của lực lượng hải quân”.
Chính phủ Úc đang có kế hoạch thay thế đội tàu ngầm chạy bằng dầu diesel và điện, vốn sản xuất từ những năm 90 và đã lạc hậu, bằng 12 tàu ngầm mới từ năm 2018. Tuy vậy, nước này chưa cho biết sẽ đóng 12 tàu này trong nước hay mua mới hoàn toàn từ một nhà cung cấp bên ngoài.
AFP ngày 5/1 đưa tin Nhật đã đề xuất hợp tác sản xuất thay vì xuất khẩu hoàn toàn 12 tàu ngầm lớp Soryu sang Úc. Theo đề xuất này, Tokyo và Canberra sẽ phối hợp nghiên cứu phát triển thép đặc biệt và các vật liệu sản xuất tàu ngầm. Sau đó, phía Nhật sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp những tàu ngầm này.
Đề xuất hợp tác của Nhật nhằm giảm bớt những lo ngại của Canberra về tác động tiêu cực của việc nhập khẩu hoàn toàn các tàu ngầm tới ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.
Một báo cáo của Úc hồi tháng tháng 9 đã ước tính chi phí mua mới hoàn toàn tàu ngầm từ Nhật sẽ vào khoảng 20 tỷ USD, trong khi sản xuất tại Úc sẽ tiêu tốn của nước này từ 40 đến 65 tỷ USD.
Tuy vậy, một số đảng phái và các công ty Úc vẫn phản đối việc giao hợp đồng cho Nhật bởi lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của hợp đồng nhập khẩu đến ngành công nghiệp đóng tàu và những ngành liên quan của nước này.
------------------------
Hàn Quốc hoan nghênh đề nghị đối thoại của Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye ngày 6/1 cho biết nước này hoan nghênh đề nghị đối thoại "cấp cao" mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề xuất trong bài diễn văn chào năm mới.
Ông Kim Jong-un hôm 1/1 đã đọc thông điệp mừng năm mới trên truyền hình, trong đó nhà lãnh đạo của Triều Tiên nói rằng ông để ngỏ các cuộc đối thoại cấp cao với Hàn Quốc nhưng có điều kiện.
Phát biểu trong phiên họp của nội các, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã cho biết bà hoan nghênh đề xuất đối thoại giữa hai nước.
Tổng thống Park Geun-Hye tuyên bố: "Tôi đánh giá đó là một tín hiệu tốt từ Triều Tiên. Trong bài diễn văn chào năm mới của họ, tôi nhận thấy một thái độ quyết tâm hướng tới đối thoại trong thời gian tới".
"Tuy nhiên, điều quan trọng vào lúc này là Triều Tiên cần có những hành động chân thành để cải thiện mối quan hệ liên Triều và thực hiện cam kết của họ thông qua hành động", bà Park cho biết thêm.
Hiện triển vọng về đàm phán liên Triều vẫn chưa rõ ràng sau tuyên bố của hai bên.
Trước đó, Hàn Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ, điều kiện mà Triều Tiên yêu cầu. Triều Tiên cũng yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt những chương trình "chống phá" nước này.
Chỉ vài ngày sau bài diễn văn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các nhà hoạt động Hàn Quốc đã thả bóng bay qua biên giới với những truyền đơn với nội dung chỉ trích chế độ ở Triều Tiên.
------------------------