Cảnh sát Pháp đang truy lùng 3 tên cướp đã lấy đi một túi xách chứa số trang sức trị giá 5,4 triệu USD trong đường hầm Landy tại thủ đô Paris hôm 16/4.
BBC đưa tin trên và cho hay chủ nhân chiếc túi bị đánh cắp là một nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật người Đài Loan. Vụ cướp xảy ra tại đường hầm Landy dài 1,3 km ở thủ đô Paris hôm 16/4.
Khi xe của cô bị kẹt trong đường hầm do tắc đường, những tên trộm đã đập vỡ kính cửa xe ô tô và lấy đi chiếc túi. Hiện chưa rõ những kẻ này âm mưu thực hiện vụ cướp hay chỉ đơn thuần gặp may.
AFP dẫn lời cảnh sát cho biết số nữ trang độc đáo và giá trị này sẽ rất khó để có thể tiêu thụ trừ khi có một mạng lưới chuyên nghiệp.
Một số báo địa phương đưa tin, trong bộ sưu tập nữ trang bị mất, có một chiếc nhẫn trị giá gần 2 triệu USD sắp được tặng lại cho Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris. Trong khi đó, phía bảo tàng đã phủ nhận thông tin này.
Đường hầm Landy vốn đầy rẫy tai tiếng về các vụ đập cửa xe rồi cướp đồ. “Bọn trộm cướp không sợ gì cả, chúng biết rõ khu vực và có thể tẩu thoát nhanh chóng nhờ các cửa thoát hiểm”, AFP đưa tin.
Hồi tháng 2/2010, Christina Chernovetska, chị gái của Thị trưởng thành phố Kiev của Ukraine, đã trở thành nạn nhân của một vụ cướp tương tự, khi mang theo chiếc túi chứa số nữ trang trị giá khoảng 4,5 triệu USD.
Các nhà ngoại giao Mỹ-Nhật-Hàn hôm qua 16/4 đã đồng loạt bày tỏ quan ngại trước các động thái đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại nhiều vùng tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời hối thúc Bắc Kinh đảm bảo quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường biển then chốt.
AFP hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken nhắc lại lập trường của Washington rằng tất cả các tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Hoa Đông và Biển Đông cần phải được giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý. “Các nước không nên có các hành động đơn phương”, ông Blinken nhấn mạnh.
Theo AFP, việc Bắc Kinh đang nỗ lực đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình đối với phần lớn Biển Đông là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ trong các cuộc họp hai bên và ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, thậm chí với cả những vùng rất gần bờ biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã kéo dài trong nhiều thập niên và đang nóng lên trong những năm gần đây, biến vùng biển này trở thành một trong những điểm nóng ở châu Á. Căng thẳng trong thời gian qua tăng cao là do Trung Quốc có những động thái đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ với vùng biển này.
Theo AFP, những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc gần đây đẩy mạnh hoạt động xây dựng quy mô lớn nhằm mở rộng các bãi cạn và đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này hiện đang chiếm đóng phi pháp. Trường Sa là một trong những quần đảo lớn nhất tại Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki hôm qua 16/4 phát biểu rằng: “Chúng tôi nhất trí sẽ luôn hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình và hài hòa của Trung Quốc. Nhưng đồng thời, Trung Quốc, với tư cách là một nước lớn trong khu vực và cả trên thế giới, phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế”.
“Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng các quan ngại chung của các nước trong khu vực và ở châu Á”, ông Saiki nói.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-Yong đã kêu gọi triển khai các khuôn khổ hiện thời “để có thể bảo vệ quyền tự do lưu thông, sự ổn định trên Biển Đông”.
Ông Cho cũng hối thúc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khẩn trương ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thứ trưởng Cho nhận định bộ quy tắc này sẽ cho phép các quốc gia như Hàn Quốc lưu thông hàng hóa trên vùng biển này.
-------------------------
Tiết lộ về siêu vũ khí của Trung Quốc
Một quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ cho biết, không bao lâu nữa Trung Quốc có thể huỷ diệt mọi vệ tinh trong không gian.
Tờ National Interest dẫn lời Tướng Jay Raymon, chỉ huy Không lực số 14 của Mỹ, chỉ ra các tiềm lực khổng lồ của Trung Quốc đối với các vệ tinh.
Tướng Raymond nói rằng, Bắc Kinh đã có thể đặt tất cả các vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp vào vòng nguy hiểm, và "sắp tới, mọi vệ tinh trong mọi quỹ đạo đều có thể gặp nguy hiểm" trước các tiềm lực chống vệ tinh của Trung Quốc (ASAT).
Phát biểu tại hội nghị ở Colorado tuần này, ông Raymond cũng xác nhận, hồi tháng Bảy năm ngoái, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh.
Tháng 7/2014, Trung Quốc đưa tin họ đã thử nghiệm thành công một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nhưng chỉ sau đó một tuần, chính quyền Mỹ tiết lộ, cuộc thử nghiệm này thực chất là tên lửa chống vệ tinh.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tránh các hành động gây bất ổn, chẳng hạn như việc tiếp tục phát triển và thử nghiệm các hệ thống chống vệ tinh mang tính phá hoại – vốn gây đe doạ tới an ninh và ổn định về lâu dài của môi trường không gian bên ngoài, vì đây là nơi mà tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào” – Space News dẫn tuyên bố hồi tháng 7/2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành các thử nghiệm ASAT. Tháng 5/2013, Trung Quốc tuyên bố phóng một tên lửa vào không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở phía tây nam đất nước.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc lúc đó đưa tin, "thử nghiệm này nhằm điều tra các hạt năng lượng và từ trường trong các tầng ion hoá và không gian gần Trái đất".
'Theo một phân tích sơ bộ do Trung tâm Khoa học không gian quốc gia (NSSC), thử nghiệm này đã đạt được các mục tiêu đặt ra, khi cho phép các nhà khoa học có được các dữ liệu trước nhất liên quan tới môi trường không gian ở các tầm cao khác nhau’.
Hầu như ngay lập tức, quan chức Mỹ đặt nghi vấn về thử nghiệm này, cho rằng trên thực tế Trung Quốc đã cho thử nghiệm một loại tên lửa ASAT mới, tên là Dong Ning-2 (DN-2). DN-2 là loại tên lửa phóng từ mặt đất có khả năng tấn công quỹ đạo trái đất tầm cao.
Sau đó, báo cáo của Quỹ Thế giới An toàn kết luận rằng: Chứng cứ hiện có cho thấy rõ ràng, tên lửa do Trung Quốc phóng hồi tháng 5/2013 là thử nghiệm loại tên lửa thuộc một hệ thống vũ khí ASAT lên thẳng, có nguồn gốc từ loại tên lửa đạn đạo di động.
Hệ thống này dường như được thiết kế để đưa một thiết bị vào quỹ đạo bay sâu trong không gian, có thể tiếp cận tới quỹ đạo trái đất tầm trung, quỹ đạo elip tầm cao, và quỹ đạo địa tĩnh. Nếu đúng là vậy thì thử nghiệm này cho thấy, một bước phát triển quan trọng trong tiềm lực ASAT của Trung Quốc.
Công nghệ cho hệ thống chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa đạn đạo có nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc đã sử dụng tên lửa SC-19 trong một số thử nghiệm tên lửa đạn đạo quốc phòng trước đó, cũng như thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh lên thẳng (DA-ASAT).
Cả tên lửa đạn đạo đánh chặn và tên lửa chống vệ tinh đều sử dụng công nghệ tiêu diệt mục tiêu bằng hình thức va chạm.
Trung Quốc cũng sử dụng tên lửa SC-19 để phá huỷ một vệ tinh thời tiết vào tháng 1/2007. Sau khi công bố thử nghiệm này, nhiều nước đã lên tiếng phản đối. Kể từ sau đó, Trung Quốc không công bố thông tin liên quan tới thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, bao gồm các đợt thử năm 2010, và tháng 1/2013.
Nhiều nhà phân tích nhận định, bản chất việc thử nghiệm ASAT là Trung Quốc muốn dùng hệ thống này để đánh bại các vệ tinh của Mỹ, hạ thấp tiềm lực của hệ thống C5ISR, làm cho các hệ thống của quân đội Mỹ và đồng minh không thể liên lạc hoặc chia sẻ thông tin.
Mỹ đang tìm cách đối trọng lại với tiềm lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng nhiều cách, bao gồm cả việc xây dựng nên các hệ thống ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
----------------------