Mỹ: “Không nên làm ăn với Nga lúc này”
Mỹ cảnh báo các đồng minh và đối tác của nước này không làm ăn với Nga ở thời điểm hiện nay.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin chuẩn bị có chuyến công du Ấn Độ, chuyến thăm đầu tiên đến nước này của ông Putin kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức hồi tháng 5.
Các quan chức Ấn Độ cho biết chuyến thăm dự kiến tập trung vào việc tăng cường thương mại 2 chiều, hiện ở mức 10 tỉ USD. Lãnh đạo 2 bên sẽ ký hơn 15 thỏa thuận và bàn về việc buôn bán kim cương thô.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói hôm 5-12: “Có rất nhiều đồn đoán về các thỏa thuận thương mại hoặc thỏa thuận kinh tế song, hãy chờ xem thỏa thuận nào sẽ được thực thi. Như những gì đã nói, hiện thời không thích hợp để làm ăn với Nga. Chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp này tới các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới” .
Trước đó, với số phiếu 411/10, Hạ viện Mỹ ngày 4-12 thông qua dự luật H.Res.758, trong đó lên án mạnh mẽ Liên bang Nga với cáo buộc đã thực hiện chính sách xâm lược các nước láng giềng.
Dự luật này lên án việc Nga tiếp tục can thiệp về chính trị, kinh tế và quân sự của Ukraine, Georgia và Moldova, đồng thời lên án Nga vi phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trên.
Dự luật kêu gọi Nga ngừng hỗ trợ lực lượng dân quân địa phương ở miền Đông Ukraine, hủy bỏ quyết định sáp nhập Crimea vào Nga; yêu cầu Moscow rút quân mà Washington cho là đang có mặt tại Ukraine, Georgia và Moldova.
Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 5-12 hối thúc Nga không kéo khu vực Tây Balkan vào cuộc đối đầu ngày càng nghiêm trọng với phương Tây vì khủng hoảng ở Ukraine. Động thái này thể hiện mối lo ngại Tây Balkan có nguy cơ trở thành một điểm nóng nữa trong căng thẳng Đông - Tây.
Trước “những căng thẳng” giữa EU và Nga, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Federica Mogherini nhấn mạnh việc “tìm kiếm và phát triển các phương thức hợp tác thay vì đối đầu” có lợi cho cả đôi bên.
Các nước thuộc khu vực Tây Balkan muốn gia nhập EU. Tuy nhiên, giới ngoại giao cho rằng Nga đang lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn và tâm lý ủng hộ Moscow của những người Slav theo đạo Cơ đốc chính thống để gây ảnh hưởng trong khu vực này.
-------------------------
Trung Quốc công bố tội trạng Chu Vĩnh Khang
Không chỉ bị khai trừ đảng do vi phạm kỷ luật, ông Chu Vĩnh Khang còn bị bắt và khởi tố về những cáo buộc nghiêm trọng.
Tân Hoa xã hôm qua đưa tin trong cuộc họp ngày 5.12, Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) quyết định khai trừ đảng đối với cựu Ủy viên Thường vụ Chu Vĩnh Khang (72 tuổi).
Cuộc họp còn quyết định chuyển vụ điều tra ông Chu và các manh mối liên quan cho các cơ quan tố tụng xử lý theo pháp luật. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo bắt giữ và khởi tố hình sự đối với ông Chu.
Rò rỉ bí mật quốc gia
Tân Hoa xã dẫn thông cáo được công bố sau cuộc họp cho hay Bộ Chính trị quyết định điều tra ông Chu vào ngày 29.7.2014, gần 7 tháng sau khi Ban Thường vụ xem xét một báo cáo về những manh mối cho thấy ông này vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Kết quả điều tra phát hiện ông Chu, người từng đứng đầu bộ máy an ninh của Trung Quốc với cương vị Chủ tịch Ủy ban Chính pháp trung ương, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, tổ chức và bảo mật của đảng, rò rỉ bí mật của đảng và nhà nước.
Ông Chu còn vi phạm những quy định tự kỷ luật, lợi dụng các chức vụ của mình để trục lợi cho người khác, nhận những khoản tiền hối lộ khổng lồ và bất động sản trực tiếp hoặc thông qua gia đình. Cũng theo thông cáo, ông Chu đã lạm dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu lợi từ hoạt động kinh doanh, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Thông cáo còn khẳng định ông Chu thông gian với nhiều phụ nữ, đổi quyền lực lấy tình dục và tiền bạc. Cuộc điều tra cũng đã phát hiện nhiều manh mối về những vi phạm khác của ông Chu.
Trong bài xã luận đăng ngày 6.12, Nhân Dân nhật báo nhấn mạnh: “Chúng ta phải dùng việc điều tra và xử lý những vi phạm nghiêm trọng của Chu Vĩnh Khang để đẩy mạnh cuộc chống tham nhũng”. Tờ báo này còn khẳng định rằng việc điều tra ông Chu cho thấy CPC “không dung thứ đối với tham nhũng”.
Con hổ lớn nhất
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), việc công khai điều tra ông Chu Vĩnh Khang là thành công lớn nhất trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành trong 2 năm qua.
SCMP nhận định cuộc điều tra cho thấy ông Tập đã có được sự ủng hộ chính trị đủ mức để phá vỡ luật bất thành văn lâu nay là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị dù đương nhiệm hay về hưu đều được miễn điều tra tham nhũng. Với quyết định trên, ông Chu trở thành chính trị gia cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra kể từ phiên tòa xử “bè lũ 4 tên” về tội danh chống đảng vào đầu thập niên 1980.
Còn nhà phân tích Willy Lam tại Đại học Trung Văn Hồng Kông, nhận định với CNN rằng ông Chu sẽ hợp tác với giới điều tra vì gia đình ông có liên quan. Nhà phân tích Lam dự đoán ông Chu và con trai lớn là Chu Bân có thể bị xử án tử hình nhưng hoãn thi hành án 2 năm, vốn thường được giảm xuống thành án chung thân.
Theo cuộc điều tra của tờ The New York Times, Chu Bân cùng mẹ vợ và em dâu của ông Chu sở hữu khối tài sản trị hơn 160 triệu USD, phần lớn trong ngành dầu khí.
Để hạ bệ được ông Chu, giới chức Trung Quốc được cho là đã dùng phương thức điều tra “từ dưới lên trên” và “từ ngoài vào trong”. Nghĩa là trước hết họ điều tra các thân tín, những người đã thăng tiến từ lúc ông Chu làm trong ngành dầu khí, Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, Bộ trưởng Công an đến Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương.
Theo đó, nhiều nhân vật đã bị bắt hoặc cách chức để điều tra như cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Tưởng Khiết Mẫn, cựu Phó bí thư Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh. Tờ báo Hồng Kông này dẫn một số nguồn tin cho hay giới chức đã tịch thu tổng cộng ít nhất 14,6 tỉ USD từ những đối tượng bị điều tra nói trên.
Bước hoạn lộ của Chu Vĩnh Khang
1942: Chào đời ở tỉnh Giang Tô
1964: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và làm trong ngành dầu khí 32 năm sau đó
1998: Trở thành Bí thư đảng bộ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc
1999 - 2002: Bí thư tỉnh Tứ Xuyên
2002: Vào Bộ Chính trị, trở thành Bộ trưởng Công an
2007 - 2012: Vào Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương
7.2014: Bị điều tra với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”
12.2014: Bị khai trừ đảng, bắt giữ và khởi tố
-------------------------
Nga tập trận gần biên giới Ukraine
Nga đang tổ chức tập trận quân sự kéo dài 4 ngày ở phía nam nước này, gần biên giới chung với Ukraine.
Theo Reuters, các quan chức Nga cho biết cuộc tập trận được thiết kế để phi công có thể thực hành những kỹ năng liên quan khi sử dụng chiến đấu cơ và máy bay ném bom mới.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh cuộc khẩu chiến về ý định của Nga ở miền đông Ukraine vẫn chưa kết thúc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng phương Tây hoàn toàn sai lầm khi đổ lỗi cho Moscow về tình trạng đụng độ giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói đất nước ông đang chịu đau thương dù Kiev và phe ly khai cùng ký vào một thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9. Ông kêu gọi các bên có hành động thực tế thay vì chỉ cam kết và nói suông.
Trong khi các bên nói về lệnh ngừng bắn, thương vong tiếp tục xảy ra ở miền đông Ukraine hôm qua, khi người dân bị trúng mảnh đạn pháo. Hiện chưa rõ bên nào đã nã pháo khiến thường dân thiệt mạng.
-------------------------
Trung Quốc nói Philippines "gây sức ép" về vụ kiện biển Đông
Ngày 7-12, chính quyền Trung Quốc chỉ trích Philippines “gây sức ép chính trị” khi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế để phản đối những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông.
Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan).
“Mục tiêu của Philippines không phải là tìm kiếm giải pháp hòa bình mà để gây sức ép chính trị lên Trung Quốc, cản trở quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Trước đó Bắc Kinh từng khẳng định không chấp nhận tham gia vụ kiện. PAC cho Trung Quốc thời hạn đến ngày 15-12 để phản hồi đơn kiện của Philippines. Tuy nhiên trên thực tế PAC cũng không cần sự tham gia của Trung Quốc.
Bởi PAC không có nghĩa vụ phân định ai đúng ai sai trong tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, mà chỉ đánh giá tính pháp lý của bản đồ “đường lưỡi bò” hoang tưởng của Bắc Kinh, cũng như định nghĩa bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp.
Giới quan sát nhận định nhiều khả năng PAC sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines. Khi đó, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông sẽ bị giáng một đòn nặng. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng bản đồ “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý khi đối chiếu với Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Ông Chang Xuhong, quan chức đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vẫn cố chỉ trích: “Có những kẻ với ý đồ xấu, có quan điểm một chiều và lệch lạc về các công ước quốc tế, đã cáo buộc Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế, thách thức các công ước quốc tế”.
-------------------------