Nghi vấn: Kim Jong-un đã bị lật đổ?
Cựu sĩ quan tình báo Triều Tiên đặt nghi vấn nhà lãnh đạo Kim Jong – un đã mất quyền kiểm soát chính quyền nước này và giờ đây chỉ là nhà lãnh đạo “hữu danh vô thực”.
Ông Jang Jin-sung từng là một quan chức cấp cao trong lực lượng tình báo và tuyên truyền của chính quyền Kim Jong-il (Cha của Kim Jong-un) đã đến dự một cuộc hội nghị tại Hà Lan hồi tháng 9 vừa qua dành cho các nhân vật tị nạn chính trị của Triều Tiên.
Theo ông, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phải đương dầu với nhiều lực lượng chống đối trong nội bộ nước này từ năm 2013. Ông tiết lộ nguồn tin rằng thủ đô Bình Nhưỡng hiện đã đặt trong tình trạng “thiết quân luật”, thậm chí các quan chức cấp cao cũng không được vào thành phố, và có khả năng một cuộc đảo chính đã diễn ra tại thủ đô nước này.
Remco Breuker, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Leiden (Hà Lan) cũng ủng hộ quan điển này của ông Jang Jin-sung. Theo ông, có một bộ phận các nhân vật chính trị trung thành với cố lãnh đạo nước này, Kim Jong-il, có bất đồng với các quan điểm cải cách của Kim Jong-un. Trong trường hợp đảo chính thật sự xảy ra, có khả năng các anh em trai của vị lãnh đạo đương nhiệm là Kim Jong-nam hoặc Kim Jong-chul sẽ lên nắm quyền.
Toshimitsu Shigemura, giáo sư đại học Waseda University tại Tokyo nhân định: Lệnh “cấm cửa” tại thủ đô Bình Nhưỡng cho thấy tình hình chính trị hiện tại ở Triều Tiên đang có dấu hiệu bất ổn. Có khả năng đã có đảo chính, hoặc chính quyền đương nhiệm đã phát hiện âm mưu đảo chính nên đang nỗ lực bảo vệ vị lãnh đạo. Nhiều khả năng Kim Jong-un đã “di tản” khỏi Bình Nhưỡng.
-----------------------
Em gái tạm thay quyền Kim Jong-Un, Triều Tiên đưa ra 4 nghị quyết
Theo một báo cáo mới đây của các chuyên gia tại Seoul, em gái của Kim Jong-Un, bà Kim Yo-Jong sẽ thay vị lãnh đạo Triều Tiên nắm quyền trong thời gian ông vắng mặt.
Kim Yo-Jong là em gái nhỏ tuổi nhất của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Theo bản báo cáo của Tổ chức Đoàn kết Trí thức Triều Tiên (NKIS) – một cơ sở của Hàn Quốc, bà sẽ là người dẫn dắt đất nước thay cho anh trai mình trong thời gian tới đây.
Theo NKIS, Kim Jong-un không xuất hiện trong các sự kiện xã hội từ đầu tháng 9 năm nay. Vào ngày 1-10, ông đang phải điều trị ở bệnh viện Bonghwa với đội ngũ bác sĩ trong và ngoài nước. Trong khi ông vắng mặt, bà Kim Yo-Jong được đề bạt để xử lý những quyết định chính trị quan trọng.
Một nguồn giấu tên từ phía NKIS cho rằng quyết định trị bệnh cho Kim Jong-un đã được đưa ra sau cuộc họp Bộ chính trị của Đảng lao động CHDCND Triều Tiên vào ngày 6-9 vừa qua. Cuộc họp dường như được tổ chức theo yêu cầu của Kim Yo-Jong.
Kết quả của cuộc họp ở Bình Nhưỡng được cho là đã đưa ra 4 nghị quyết:
Thứ nhất: đưa ra một chương trình điều trị y tế đặc biệt cho Kim Jong-un để ông có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Thứ hai: tất cả các quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên và thành viên của Đảng phải có trách nhiệm tuân thủ những sự sắp xếp trước đó của ông Kim.
Thứ ba: đảng và lực lượng quân sự sẽ trong “tư thế” sẵn sàng chiến đấu trong thời gian Kim Jong-un điều trị.
Cuối cùng: tất cả những vấn đề quan trọng liên quan đến chính quyền đều phải được báo cáo cho Kim Yo-Jong giải quyết, nhờ đó, Kim Jong-un mới có thể tập trung vào việc chữa trị của mình.
Kim Yo-Jong là con gái của cựu lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và vợ Kim Yong-hui. Bà lần đầu tiên được biết khi tham gia Hội nghị Đảng Lao Động lần thứ 3 vào tháng 9 năm 2010.
Tên tuổi của bà chính thức được đề cập đến đầu tiên vào 9-3- 2014 khi bà cùng anh trai của mình bỏ phiếu cho Hội đồng nhân dân cấp cao. Bà được xác định là thành viên chính thức của Hội đồng nhân dân cấp cao của Đảng Lao động CHDCND Triều Tiên.
Nhiều người cho rằng bà đang tiếp quản vị trí của cô mình, bà Kim Kyong-hui, vợ của ông Kim Song-thaek đã bị tử hình. Kim Kyong-hui đã ủng hộ anh trai của mình trong suốt thời gian lãnh đạo của ông.
“Nhiều người nói rằng Hwang Byong-so có thể sẽ được xem là người đứng thứ 2 trong bộ máy nhà nước, nhưng với thực tế lúc này, chúng ta có thể khẳng định Hwang chỉ là một “cái bóng” trong khi chính Kim Yo-Jong mới là người điều hành cấp cao thứ 2 ở CHDCND Triều Tiên”, người đứng đầu NKIS cho biết.
Trong khi đó, những suy đoán về sự vắng mặt liên tục của Kim Jong-un vẫn chưa hề suy giảm. Báo cáo của thông tấn xã Yonhap, Hàn Quốc cho hay, theo những nguồn không chính thức, Kim Jong-un có triệu chứng của bệnh Gout. Trong khi đó, tờ Daily Mirror cho biết Kim Jong-un ăn uống không điều độ đã khiến sức khỏe của ông bị suy giảm.
Curtis Melvin, một nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ-Hàn tại đại học Johns Hopkins, nói với tờ Foreign Policy, vị lãnh đạo Triều Tiên thường ở cùng với gian đình của mình tại khu nhà riêng ở Wonsan và Kangdong, được canh giữ cẩn mật. Ngôi nhà ở Kangdong có thể sẽ là nơi ông Kim nghỉ dưỡng để hồi phục sau cơn bệnh đột ngột vừa qua.
Đài CHDCND Triều Tiên Tự do (FNK) cho biết vào ngày 29-9 vừa qua, nhà lãnh đạo Kim đã phải phẫu thuật mắt cá chân. Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên chính quyền Hàn Quốc vẫn chưa xác nhận các thông tin tình báo về vấn đề sức khỏe của ông Kim.
Lim Byeong-chul, người phát ngôn của bộ Thống nhất Hàn Quốc phát biểu: “Tôi cho rằng thật khó để thấy được mối liên quan giữa việc vắng mặt của ông Kim với vấn đề sức khỏe vì ông cũng đã từng một lần biến mất khỏi những sự kiện truyền thông đến khoảng 10 ngày”.
----------------------
Lãnh đạo cấp cao Triều Tiên bất ngờ đến thăm Hàn Quốc
Chuyến thăm của ba vị lãnh đạo cấp cao Bắc Triều Tiên trong dịp bế mạc Asian Game ở Hàn Quốc đã đánh dấu bước chuyển lớn về quan hệ giữa hai vùng và được xem như là động thái hoan nghênh làm giảm bớt tình trạng căng thẳng trên bán đảo.
Ba vị lãnh đạo, gồm cả một vị quan chức được đánh giá là quyền lực chỉ sau ông Kim Jong-Un, đã có buổi gặp gỡ nói chuyện với các quan chức của phía Hàn Quốc về những vấn đề ở Bắc Triều Tiên vào hôm thứ bảy (10/4) với hy vọng sẽ xóa mờ đi ranh giới chia cách giữa hai vùng.
Mục tiêu chính của chuyến đi này là cho buổi bế mạc Asian Games vào ngày 4-10 nhưng sau khi đáp xuống sân bay Incheon, cả ba đã có buổi họp mặt trực tiếp với Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae. Điều này đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai vùng. Sau đó là một bữa ăn thân mật cùng với ông Ryoo Kihl-Jae và cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Park Geun-Hye.
Phái đoàn còn có ông Hwang Pyong-So, phó chủ tịch vừa được bổ nhiệm của Ủy ban Bảo vệ Quốc gia, là một người có nhiều quyền lực ở Bắc Triều Tiên chỉ sau Kim Jong-Un.
Theo hình ảnh từ buổi họp báo, ông Hwang, phó soái của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, mặc một bộ quân phục, trong khi đó cả hai ông Choe Ryong-Hae và Kim Yang-Gon đều mặc đồ vest đen. Trước lúc báo giới bị mời ra ngoài, ông Choe Ryong-Hae đã có lời cảm ơn phía Hàn Quốc đã thể hiện lòng hiếu khách của mình đối với các vận động viên của Bắc Triều Tiên tham gia Asiad diễn ra ở Incheon.
Thể thao là yếu tố dẫn đường
Ông Choe Ryong-Hae, lãnh đạo Ủy ban Thể thao quốc gia chia sẽ: “Tôi rất vui mừng vì trong mục tiêu tái thống nhất, thể thao lại là yếu tố dẫn đường”. Bắc Triều Tiên đã thể hiện vượt ngoài sự mong đợi trong hội thao với vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng cùng 11 huy chương vàng.
Cả hai vùng trở nên bất hòa kể từ sau vụ xung đột 1950-1953, hàng loạt căng thẳng quân sự và ngoại giao tiếp nối sau đó. Cũng vào lúc đó ông Kim Jong-Un đã vắng bóng trong khoảng một tháng, làm dấy lên nhiều suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông đồng thời là những tin đồn thất thiệt.
Bộ Thống nhất đã tuyên bố rằng Seoul hy vọng cuộc thăm viếng của ba vị lãnh đạo cấp cao sẽ “tạo nên những tiền đề tích cực cho sự phát triển liên vùng”. Gần đây, Hàn Quốc yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán cấp cao với phía Bắc những bị Bình Nhưỡng từ chối, gây nhiều nhức nhối với một loạt các hoạt động tập trận quân sự khiêu khích giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
“Lần đầu tiên trong lịch sử”
Giáo sư Yang Moo-Jin của Đại học Bắc Triều Tiên học ở Seoul lưu ý rằng cả Hwang và Choe đều là quan chức thân cận của Kim Jong-Un.
Ông Yang Moo-Jin chia sẻ: “Tại sao Bắc Triều Tiên lại cử hai vị quan chức thân tín như thế sang Hàn Quốc”. Ông cho rằng có thể ông Kim Jong-Un có một ý định nào đó. “Tôi nghĩ phía Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ đang nỗ lực để cải thiện mối quan hệ”.
Bắc Triều Tiên muốn triệu tập một cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của họ nhưng phía Hoa Kỳ và Hàn Quốc buộc họ phải cam kết từ bỏ vụ khí hạt nhân. Những suy đoán về sức khỏe của Kim Jong-Un lan nhanh sau thông tin ông không thể tham dự buổi họp của Quốc hội Bắc Triều Tiên. Trong buổi họp, ông Hwang Pyong-So được đề bạt làm phó Chủ tịch của NDC do ông Kim Jong-Un điều hành. Đồng thời ông cũng đảm nhiệm vị trí điều hành ban chính trị quân sự của Bắc Triều Tiên.
Ông Kim Yang-Gon dẫn đầu Ban Mặt trận Thống nhất giải quyết những vấn đề liên quan đến Hàn Quốc. Bộ Thống nhất ra chỉ thị cho ba vị lãnh đạo đến thăm hỏi các vận động viên tham gia Asian Game và sau đó tham dự lễ bế mạc vào buổi chiều trước khi lên máy bay trở về Pyongyang.
Sự có mặt của ông Choe Ryong-Hae trong chuyến đi chủ yếu là vì chức vụ của ông trong Ủy ban Thể thao Bắc Triều Tiên. Choe Ryong-Hae ban đầu được xem là Kim Jong-Un thứ hai kể từ sau vụ việc ông Kim Jong-Un và cố vấn chính trị Jang Song-Thaek bị buộc từ chức vào tháng mưới hai. Nhưng có vẻ hào quang của ông đang dần lụi tắt do ông Hwang Pyong-So đang từng bước thay thế chức vụ trưởng chính trị quấn sự và vị trí phó Chủ tịch của NDC.
-----------------------
Triều Tiên lại chuẩn bị thử tên lửa?
Một tổ chức nghiên cứu của Mỹ vào ngày 2-10 cho hay, dù đang bị trừng phạt bởi LHQ về việc triển khai và thực hiện thử tên lửa hạt nhân, CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất những cải tiến quan trọng tại bệ phóng tên lửa của mình. Theo họ, tên lửa sắp tới sẽ có tầm phóng xa hơn và khả năng phát hỏa mạnh hơn.
Việc tên lửa có khả năng phóng xa hơn sẽ làm tăng những mối lo ngại đối với các “đối thủ” của nước này là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Trang mạng 38 North của viện Mỹ - Hàn, thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất chương trình chính để nâng cấp trạm phóng tên lửa Sohae, ở vùng phía Tây Bắc gần biên giới Trung Quốc.
“Đáng chú ý, chương trình chủ yếu đã nâng cấp bệ phóng tên lửa, trong tương lại, sẽ hỗ trợ cho loại tên lửa có khả năng phóng xa hơn so với tên lửa Unha-3”.
Tên lửa Unha-3 là tên lửa tầm xa được phóng vào tháng 12-2012, sau một cuộc thử nghiệm thất bại hồi tháng 4. Động thái này từng chịu rất nhiều chỉ trích từ phía Hội đồng bảo an LHQ. Đến nay, Triều Tiên vẫn bị đặt dưới một loạt những chỉ thị trừng phạt liên quan đến việc thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân.
CHDCND Triều Tiên đã thường xuyên đe dọa sẽ biến Seoul và Washinton thành “biển lửa”. Tuy nhiên, các quan chức Triều Tiên nhiều lần khẳng định việc phát triển tên lửa là một phần trong chương trình không gian của nước này. Triều Tiên tuyên bố “chỉ muốn” đưa vệ tinh của họ vào quỹ đạo, đồng thời bác bỏ những cáo buộc của cộng đồng quốc tế về việc họ đang ngụy tạo cho việc phát triển tên lửa.
Tổ chức nghiên cứu kết luận: “Có lẽ quyết định ở Bình Nhưỡng sẽ sớm được đưa ra – chúng ta vẫn chưa có bằng chứng liệu nước này có sẽ phóng tên lửa vào cuối năm 2014 hay không”.
“Một tên lửa tầm xa lớn hơn nhiều, được báo cáo đang phát triển, ít nhất sau nhiều năm mới đủ khả năng được đưa vào hoạt động”, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, tên lửa Unha hiện tại vẫn có thể được dùng lại để phóng thử.
Hiện nay, CHDCND Triều Tiên không được cho là có đủ trình độ kỹ thuật để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của mình để vừa với những loại tên lửa hiện có. Mặc dù vậy, những nhà phân tích cho rằng cuộc phóng thử tên lửa lần này rất có khả năng sẽ tiết lộ những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân của quốc gia này.
Trang mạng 38 North cũng phát hiện 2 tòa nhà có kiến trúc lạ lẫm, có thể đã được dùng làm khán phòng hay hội trường lớn. Tuy nhiên, kết luận vẫn còn mang tính phỏng đoán.
Tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên thường xuyên được nhắc đến trong truyền thông ở quốc gia này, nó được đề cập như một phần của chiến dịch “đưa đất nước trở thành một cường quốc không gian” một cách hòa bình.