Bắt giữ 9 xe tải chở đầy hàng lậu từ biên giới về Hà Nội
Ngày 8/12, Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội cho biết, trong hai ngày cuối tuần qua, Đội chống buôn lậu đã liên tiếp bắt giữ 9 xe trọng tải lớn vận chuyển hàng lậu từ biên giới về Hà Nội tiêu thụ. Ước tính tổng số hàng lên đến hơn 40 tấn....
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Mùi, Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm - PC46 liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều ô tô trọng tải lớn vận chuyển hàng hoá có dấu hiệu nhập lậu từ các tỉnh biên giới về Hà Nội.
Cụ thể: Vào khoảng 7h ngày 7/12, tổ công tác đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm phát hiện 5 xe ô tô tải có trọng tải từ 5 đến 8 tấn đang tiến hành tập kết hàng tại bãi tập kết hàng của công ty TNHH thương mại Phước Thành ( có địa chỉ tại 838 Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Qua kiểm tra 5 xe ô tô tải nói trên, tổ công tác phát hiện nhiều mặt hàng không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tiếp tục kiểm tra kho hàng của công ty Phước Thành (khu vực Cảnh Phà Đen, Hà Nội), tổ công tác phát hiện 1 bao tải chứa túi xách các loại do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ngay sau đó, tổ công tác đã kiểm tra kho hàng hoá của công ty Phước Thành, kết quả phát hiện thêm 48 bao tải giầy dép ( số giầy dép này được xác định là của ông Trịnh Quý Bang (ở Tiên Lữ, Hưng Yên) và 60 bao tải quần áo trên thùng một xe tải. Toàn bộ số hàng nói trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ước tính, số hàng hóa bị tịch thu lên đến 26 tấn.
Trong một diễn biến khác, trưa cùng ngày (7/12), đội chống hàng lậu và buôn bán hàng cấm tiếp tục phát hiện xe tải BKS 31F-3193 đang vận chuyển 82 bao, kiện hàng hóa về tập kết và giao hàng tại chợ ẩm thực Ngọc Lâm (quận Long Biên).
Đến khoảng 18h cùng ngày, tổ công tác tiếp tục phát hiện xe tải mang BKS 31F-2566 do Hoàng Hữu Khen ( trú tại Hữu Lũng, Lạng Sơn) và phát hiện 58 bao, kiện hàng hóa. Qua khai thác, toàn bộ 198 bao tải, kiện hàng hóa nói trên là của Kiều Xuân Định (HKTT Tân Dĩnh, Bắc Giang) thuê chở về Hà Nội để giao hàng.
Trước đó, ngày 5/12, tổ trinh sát đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm đã triển khai trinh sát dọc tuyến Quảng Ninh về Hà Nội, đã phát hiện xe tải BKS 30F 3332 do Phạm Quang Khả (Trú tại Yên Mỹ - Hưng Yên) đang vận chuyển hàng hóa do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu và gian lận thương mại. Bước đầu đấu tranh, lái xe Khả khai nhận được thuê chở từ khu vực Đầm Hà (Quảng Ninh) về khu vực cảng Hà Nội để giao hàng. Trên đường vận chuyển, Khả đã trả một phần hàng tại khu vực Từ Sơn – Bắc Ninh.
Như vậy, chỉ trong hai ngày cuối tuần , đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm – phòng PC46 đã tiến hành tạm giữ 9 xe ô tô cùng khoảng 40 tấn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.
Hiện phòng PC 46 – công an thành phố Hà Nội đang khẩn trương kiểm tra số hàng hóa nói trên đồng thời hoàn thiện hồ sơ xác định các lỗi vi phạm để xử lý các đối tượng trước pháp luật.
-------------------------
Công ty bảo hiểm 'xù tiền' đối tác?
Ngày 8/12, một số người đại diện cho Công ty CP Hoàng Thịnh (có địa chỉ tại 16 Lương Văn Yên, Tiểu khu 6, Thị trấn Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã treo băng rôn yêu cầu Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa thanh toán tiền bảo hiểm.
Trước văn phòng Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa (địa chỉ Lô 36, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), một số người đại diện cho Công ty CP Hoàng Thịnh treo băng rôn có nội dung: Phản đối Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa vi phạm hợp đồng không thanh toán tiền bảo hiểm. Yêu cầu Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa thanh toán tiền bảo hiểm”.
Được biết, trước đó Công ty CP Hoàng Thịnh mua bảo hiểm tàu biển của công ty bảo hiểm trên. Tối 16/4/2014, tàu biển của công ty xảy ra sự cố, hư hỏng máy chính. Tuy nhiên, ngày 31/10/2014 phía Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa đã có văn bản trả lời không thanh toán tiền bảo hiểm cho sự cố tàu của Công ty CP Hoàng Thịnh với lý do công ty nộp tiền bảo hiểm (kỳ 4) chậm một ngày so với cam kết.
Phía Công ty Bảo hiểm Xuân Thành cho biết nếu phía khách hàng không đồng ý với phương án giải quyết rủi ro thì có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết vụ việc.
Không đồng ý với văn bản trả lời của Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa, đại diện phía công ty đã treo băng rôn để phản đối và yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm.
-------------------------
Nể nang và thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà công vụ
Việc buông lỏng quản lý nhà công vụ là những kẽ hở dẫn đến hiện tượng lợi dụng nhà công vụ để tư lợi cá nhân.
Việc quản lý nhà ở công vụ lâu nay chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ Nhà nước sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sang địa phương khác vẫn được sử dụng nhà, gây ra những bức xúc dư luận thời gian qua.
Sự việc ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội sau khi nghỉ công tác vẫn không trả lại nhà công vụ là biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm đã làm “nóng” lên vấn đề quản lý nhà biệt thự trên địa bàn Thủ đô nói riêng, nhà công vụ nói chung.
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố đã chất vấn lãnh đạo thành phố đề nghị làm rõ kết quả thanh tra nhà biệt thự đang được quản lý, đồng thời nêu thực tế là qua giám sát, HĐND thành phố phát hiện nhiều nhà công vụ đang bị tư nhân chiếm dụng.
“Không chỉ là các biệt thự, nhà của Nhà nước sau khi cải tạo, vẫn có rất nhiều diện tích là tài sản của Nhà nước nhưng không quản lý, vẫn để cho một số người dân tự ý lấn chiếm, quản lý và hợp thức dần thành nhà tư nhân. Ở đây có vấn đề khiếm khuyết trong quản lý, có việc lợi dụng trách nhiệm, chức vụ để sử dụng không đúng mục đích các tài sản công”, ông Nam chỉ rõ.
Ông Hoàng Văn Nghiên đã sử dụng căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa trong thời gian tại chức, sau khi ông nghỉ hưu, TP Hà Nội yêu cầu bàn giao, nhưng suốt 8 năm qua vẫn chưa thu hồi được. Trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Nghiên cho biết, ông “không bận tâm gì” và “chả có gì để nói”, “cơ quan người ta cũng không nói gì với tôi”…
Một sự việc nữa gây bức xúc dư luận là sau 3 năm nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn nắm quyền sử dụng căn nhà công vụ được Nhà nước cho thuê tại số 61 đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa. Chỉ khi báo chí lên tiếng, ông Trần Văn Truyền mới đề nghị trả lại nhà. Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp tài sản công đang có dấu hiệu bị tư nhân hóa.
Hiện tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là hơn 61.000 căn các loại, bao gồm nhà biệt thự, căn hộ chung cư và nhà ở liền kề, tương đương với hơn 1,6 triệu mét vuông sử dụng. Bên cạnh nhiều lãnh đạo, cán bộ Nhà nước đã gương mẫu trả lại nhà, biệt thự công ngay sau khi thôi giữ chức vụ, thì có không ít người đã tự cho mình quyền vẫn được sử dụng tài sản công. Thậm chí, có người không ở nhưng cầm chìa khóa đem về địa phương, có người cho con cháu ở, có người tranh thủ cho thuê…
Tài sản của Nhà nước đang bị sử dụng sai mục đích. Điển hình như khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), ngoài 20 cán bộ đang công tác sử dụng nhà đúng quy định, đã có tới 30 cán bộ đã nghỉ hưu chưa trả lại nhà vẫn đang sử dụng 30 căn, 29 căn hộ khác đang được người nhà của các cán bộ nghỉ hưu (hoặc đã chết) ở hoặc khóa cửa bỏ không. Một số cán bộ đã nghỉ hưu những vẫn đang sử dụng nhà công vụ tại đây cho biết, trong hợp đồng thuê nhà không ghi rõ thời gian phải trả nhà, hơn nữa không có cơ quan nào đến đòi nhà để mà trả.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, một thời gian dài, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã lờ đi, không quan tâm đến ai đang sử dụng nhà công, hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ. Hậu quả là tạo ra sự bất công khi còn nhiều cán bộ khác cần nhà ở, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước.
“Lỗ hổng lớn nhất là lỗ hổng về trách nhiệm. Trong khi 10 căn nhà không thu hồi được về trong 3 năm nay, thì đã có 10 cán bộ khác phải thuê nhà khác hoặc Nhà nước phải đầu tư xây nhà cho người ta ở trong 3 năm, thiệt hại như vậy vô cùng lớn. Bất hợp lí khi đa số cán bộ không có nhà, phải đi thuê nhà giá cao thì lại có nhiều người được thuê giá rẻ mạt gần như cho không, tạo ra đặc quyền đặc lợi, người ta kéo dài thời gian thuê nhà để có lợi, hợp pháp”, Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.
Bức xúc trước tình trạng nhiều nhà công vụ biến thành nhà tư với giá trị rất lớn, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn đề nghị: Đã đến lúc nên nhận dạng và đưa vào Bộ Luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới là tham nhũng nhà công vụ.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu nghịch lý: Tham nhũng vài chục triệu thì có thể ở tù đến nhiều năm, trong khi tham nhũng nhà công vụ trị giá vài tỷ đến vài chục tỷ thì không phải chịu trách nhiệm gì. Ở đây không chỉ có sự nể nang, mà còn là né tránh và thiếu ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không quản lý tốt công vụ, không thu hồi nhà bị sử dụng sai đối tượng.
Trong việc cho thuê nhà công vụ, còn có thiếu sót do không nói rõ thời hạn cho thuê trong hợp đồng, nếu không trả nhà thì phải cưỡng chế thế nào. Giá cho thuê nhà sau khi hết thời hạn công vụ cũng không được quy định rõ nên quá rẻ, thậm chí chỉ 500.000 đồng/ tháng. Đây là những kẽ hở dẫn đến hiện tượng lợi dụng nhà công vụ để tư lợi cá nhân. Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, phải thu hồi một cách dứt điểm nhà công vụ bị sử dụng sai đối tượng.
“Có nhiều người cứ nghĩ và cứ đòi hỏi với cơ quan Nhà nước là lấy lại nhà công vụ thì phải đáp ứng nhà cửa của tôi như thế nào, đấy là đòi hỏi hết sức vô lí. Hàng triệu cán bộ công chức, viên chức, thậm chí nhiều người từ lúc đi làm đến lúc nghỉ hưu không bao giờ được một mét nhà, một mét đất hay một sự ưu đãi về đất đai nào cả. Thứ hai là nếu không trả nhà thì phải có sự cưỡng chế, thu hồi dứt điểm. Thứ 3 là đối với những người thuê nhà, nếu vẫn chây ì không trả thì phải xem xét kỷ luật về cả mặt chính quyền và mặt Đảng, nếu đã nghỉ hưu thì kỷ luật về mặt Đảng”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói rõ.
Đã đến lúc cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm buông lỏng quản lý nhà công vụ trong thời gian qua của các cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh tình trạng tài sản của Nhà nước bị tư nhân chiếm dụng. Các quy định về nhà công vụ được nêu rõ trong Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Thời gian tới, các quy định này cần được thể chế hóa một cách cụ thể, chặt chẽ hơn để nhà công vụ được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích.
----------------------
Xử lý nạn quấy rối tình dục trên phương tiện công cộng
Đó là đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong văn bản vừa gửi UBND TP Hà Nội và TP.HCM về tình trạng quấy rối tình dục trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, vừa qua báo chí có đăng tải kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại Hà Nội và TP.HCM thì có 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất. Trong đó, 31% nữ sinh từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt.
Mặc dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện trên một mẫu nhỏ (2.046 người), nhưng phần nào phản ánh nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm và sức khỏe của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng.
Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao tính an toàn, thân thiện của dịch vụ vận tải hành khách công cộng đối với phụ nữ nói riêng và đông đảo nhân dân, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị UBND TP Hà Nội và TP.HCM quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể của thành phố khẩn trương thực hiện một số giải pháp sau:
- Điều tra, khảo sát để xác định rõ các địa điểm, các tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra hiện tượng quấy rối tình dục đối với phụ nữ;
- Triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ của hiện tượng này như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã/phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục.
- Tăng cường tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và các em gái; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ mạnh dạn tố cáo với cơ quan chức năng khi bị quấy rối tình dục và các hành vi xâm hại khác.
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và các em gái.
-------------------------