Giám đốc bỏ trốn, hàng trăm công nhân bị nợ lương
Ngày 24.10, BQL Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết Giám đốc Công ty TNHH Doosol Vina (100% vốn nước ngoài, chuyên giặt ủi công nghiệp, trụ sở đặt tại KCN Trảng Bàng, H.Trảng Bàng, Tây Ninh) là ông Ra Moo Gyun (quốc tịch Hàn Quốc) có dấu hiệu bỏ trốn, công ty đã dừng hoạt động, đang nợ lương hàng trăm công nhân, nợ BHXH cùng nhiều khoản khác và không có khả năng chi trả.
Cụ thể, có 116 lao động bị công ty này nợ lương khoảng 528 triệu đồng; nợ BHXH trên 6 tỉ đồng và nhiều khoản nợ khác tổng cộng trên 37,4 tỉ đồng.
Trong một diễn biến khác, Công an tỉnh Tây Ninh đã đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấm xuất cảnh đối với ông Ra Moo Gyun, đồng thời có văn bản đến Lãnh sự quán Hàn Quốc (tại TP.HCM) yêu cầu triệu tập ông này để giải quyết số nợ trên.
-------------------------
Phạt 1 tỉ đồng, tước giấy phép xây dựng khách sạn Mường Thanh Mũi Né
Chiều 24.10, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Trần Anh Tuấn cho biết Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành quyết định xử phạt khách sạn Mường Thanh Mũi Né (Tập đoàn Mường Thanh mua lại từ dự án Coco Mũi Né của Công ty TNHH Đồng Ngân, P.Tiến Thành, TP.Phan Thiết) 1 tỉ đồng; đồng thời ra quyết định tước giấy phép xây dựng cũ của Công ty TNHH Đồng Ngân mà Mường Thanh Mũi Né mua lại để xây khách sạn này.
UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công, lập lại hồ sơ từ đầu rồi trình tỉnh thẩm định để cấp lại giấy phép mới theo quy định của pháp luật.
Như Thanh Niên đã đưa tin, giấy phép xây dựng khách sạn Mường Thanh Mũi Né chỉ cho phép xây 4 tầng nhưng đã xây tới 7 tầng. Khi phát hiện, Thanh tra xây dựng yêu cầu ngưng thi công nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
-------------------------
Nhân viên bán hàng chiếm đoạt hơn 800 triệu của công ty
Một nhân viên bán hàng chiếm đoạt của công ty cổ phẩn sản xuất kinh doanh Toàn Mỹ 822 triệu đồng để kinh doanh vàng ảo và cá độ bóng đá.
Ngày 24-10, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt bị cáo Lê Trần Trọng Thái 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Lê Trần Trọng Thái, 42 tuổi, là nhân viên tiếp thị bán hàng của công ty cổ phẩn sản xuất kinh doanh Toàn Mỹ chi nhánh Cần Thơ, chuyên kinh doanh mua bán các mặt hàng gia dụng và công nghiệp bằng kim loại, gỗ, nhựa; sản xuất các mặt hàng cơ khí, phụ tùng xe.
Thái được công ty nhận vào làm từ tháng 2-2010 với nhiệm vụ theo dõi thu hồi tiền nợ của khách hàng, thu tiền đặt cọc mua hàng trước của nhà phân phối rồi nộp về công ty.
Khi thu tiền, Thái chỉ nộp về công ty một phần nhỏ hoặc báo cáo về công ty là chưa thu được, đưa công nợ của cửa hàng vào nhà phân phối để tránh bị phát hiện.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 4-2012 đến tháng 2-2013, Thái đã chiếm đoạt hơn 822 triệu đồng.
Thái sử dụng tiền này vào việc giao dịch kinh doanh vàng ảo ở TP.HCM, cá độ bóng đá với mức ăn thua từ 1 đến 1,5 triệu đồng/trận, trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Bị phát hiện, Thái bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ.
Thái đã khắc phục một phần hậu quả, bồi thường cho công ty gần 27 triệu đồng nên về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo phải bồi thường cho công ty trên 794 triệu đồng
-------------------------
Ụ 83M còn liên quan đến vụ án “tham ô” chưa xét xử
Ngày 24-10, thẩm phán TAND tỉnh Khánh Hòa Lê Thành Trung cho biết tòa sẽ đưa vụ án ụ nổi 83M ra xét xử lại vào ngày 11-11-2014.
Ông Lê Thành Trung là chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “tham ô tài sản” khi sửa chữa ụ nổi 83M. Đây là vụ án mà TAND tỉnh Khánh Hòa phải hoãn xét xử rất nhiều lần.
Liên quan đến đề nghị của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) xin bán ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu ở tỉnh Đồng Nai “nhằm thu hồi vốn đầu tư”, luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Hà Nội) - người bào chữa cho một trong các bị cáo của vụ án đã nêu - cho rằng “muốn bán ụ nổi 83M cũng khó, phải chờ phán quyết của tòa chứ không thể đơn giản. Vì nó liên quan đến vụ án mà đến nay TAND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa xét xử”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, có bốn bị cáo đã bị truy tố phạm tội “tham ô tài sản” hơn 3,63 tỉ đồng khi thực hiện hai hợp đồng phụ tại Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin ở Khánh Hòa để sửa chữa ụ nổi 83M từ năm 2008.
Khi Vinalines mua ụ nổi 83M tại Nga đưa về VN để thuê Hyundai Vinashin sửa chữa đã xảy ra vụ “đại án tham nhũng” khác, gây thiệt hại hơn 367 tỉ đồng và tham ô hơn 28,1 tỉ đồng.
Hai trong 10 bị cáo vụ án tham nhũng này đã bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên án tử hình là Dương Chí Dũng - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines và Mai Văn Phúc - nguyên tổng giám đốc Vinalines.
Còn bị cáo Trần Hải Sơn - nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Vinalines, một trong bốn bị cáo vụ án “tham ô tài sản” khi sửa chữa ụ 83M - đã bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên phạt 22 năm tù do phạm tội trong vụ “đại án tham nhũng” khi mua ụ nổi 83M đã nêu.
-------------------------
Chống buôn lậu phải quyết liệt hơn nữa
Chiều 24.10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì cuộc họp về tình hình phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua, những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các ngành chức năng liên quan và Văn phòng Ban Chỉ đạo, song Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ vẫn còn nhiều tồn tại bất cập trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phó thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, phân công trách nhiệm, đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa để chống hàng lậu, gian lận thương mại hiệu quả. Các ngành liên quan, các đơn vị chức năng phải có chuyên án, chuyên đề đánh mạnh, đánh trúng vào các địa bàn nóng, các đối tượng đầu nậu, tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm; chỉ đạo điều tra làm rõ, truy tố, xét xử nghiêm các cá nhân, đơn vị để xảy ra buôn lậu, công khai hóa trên các phương tiện thông tin để làm gương, tránh tiêu cực xảy ra.
Phó thủ tướng chỉ rõ đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều phải vào cuộc. Ban Chỉ đạo T.Ư và Ban Chỉ đạo các địa phương phải làm rõ trách nhiệm về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đi liền với đó là thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật các cán bộ, chiến sĩ có hành vi tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả.
-------------------------