Ngày 23/4, Viện KSND tối cao đã ra quyết định chuyển vụ án Trần Hữu Tân, trú tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cùng đồng phạm mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước, xảy ra tại Việt Nam và Malaysia, đến cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Nam để điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố 3 bị can gồm: Trần Hữu Tân; Trần Văn Khang trú tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tuyển dụng và Đào tạo lao động xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực Việt Nhật (Trung tâm Đào tạo XKLĐ Việt Nhật) liên quan đến vụ án này.
Như Báo CAND đã đưa tin, do từng có thời gian đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, Tân biết có một số lao động Việt Nam đang muốn có hộ chiếu để ở lại lao động trái phép tại Malaysia. Vì vậy, Tân đã thông qua Khang để bắt mối với Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo XKLĐ Việt Nhật (có trụ sở tại đường Nguyễn Cảnh Dị, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để mua lại hộ chiếu của số người lao động đã làm thủ tục nhưng không đi xuất khẩu lao động bỏ lại.
Số hộ chiếu này được mua với giá từ 400 đến 500 nghìn đồng một quyển, sau đó được gửi qua Malaysia cho Tân hoặc Tân trực tiếp về Việt Nam nhận, mang sang nước bạn bán với giá hàng triệu đồng một quyển cho những người Việt Nam đang lao động bất hợp pháp tại Malaysia.
Đến 22/9/2014, Tân bị Hải quan sân bay quốc tế Kuala Lumpur phát hiện khi nhận 2 gói bưu phẩm do bố đẻ Tân gửi sang, bên trong có 150 quyển hộ chiếu. Được biết, từ đầu năm 2009 đến nay Tân đã mua bán khoảng 200 quyển hộ chiếu.
Từ năm 2008 đến nay đã có mấy chục cá thể voi chết không rõ nguyên nhân. Có vụ thấy súng, đạn nhưng vẫn không tìm ra thủ phạm.
TS Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) bày tỏ lo ngại như trên tại hội nghị Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam, do Tổng cục Lâm nghiệp và Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWW VN) tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/4.
Ông Liên cho biết, những chính sách về bảo tồn voi không thiếu, thậm chí còn được Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng trên thực tế, số lượng voi lại đang bên bờ tuyệt chủng.
PGS-TS Nguyễn Xuân Đặng, chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu về bảo tồn voi châu Á tại Việt Nam cho biết, Việt Nam từng là quốc gia có nhiều voi sinh sống. Tuy nhiên do sinh cảnh bị mất và suy thoái cùng tình trạng săn bắt, sát hại voi ngày một tăng cao nên quần thể voi bị suy giảm nghiêm trọng.
“Vào giữa những năm 1980 Việt Nam có 1.000 con voi nhưng đến năm 2013 chỉ còn khoảng 70-130 cá thể. Xung đột giữa người và voi trong 10 năm gần đây càng càng gia tăng. Nhu cầu về thị trường tiêu thụ sản phẩm từ voi và xung đột giữa người và voi là hai nguyên nhân chính gây ra các vụ sát hại voi. Thậm chí voi trong khu vực bảo tồn cũng bị sát hại”, PGS –TS Nguyễn Xuân Đặng phân tích về nguyên nhân suy giảm nhanh chóng của quần thể voi ở Việt Nam.
Ông Đặng cho biết thêm, hiện nay voi phân bố ở 8 tỉnh, tập trung nhiều tại ba tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước. Tuy nhiên, nhiều nơi lại có nhiều đàn nhỏ lẻ chỉ vài ba cá thể nên công tác bảo tồn rất khó khăn.
TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWW VN lo lắng: “Tê giác Việt Nam đã tuyệt chủng. Với quần thể mong manh ngoài tự nhiên loài hổ cùng đang bên bờ tuyệt chủng. Còn quần thể voi - chỉ với số lượng không quá 150 cá thể cũng giảm dần số lượng. Vì thế chúng ta phải làm mọi cách để cứu chúng. Nếu không voi sẽ cùng chung số phận như tê giác và hổ”.
--------------------
Phạt 5 người Trung Quốc hành nghề trái phép
Nhóm người Trung Quốc sau khi nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch đã thực hiện thăm dò khoáng sản và giám sát lắp máy tại nhà máy thủy điện tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày 24/4, thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết công an tỉnh vừa ra quyết định xử phạt 5 người Trung Quốc với tổng số tiền 75 triệu đồng về hành vi Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép; đồng thời đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an trục xuất về nước.
Theo hồ sơ, ba người trong nhóm này là Liang Qingxiang (55 tuổi), Chen Wubin (52 tuổi), Liang Yongcai (31 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 25/2, với thị thực du lịch. Tuy nhiên, họ thường vào khu vực khai thác quặng sắt ở mỏ Đại Sơn tại thôn Phú Mậu, xã Hương Phú để nhận mẫu phẩm quặng đưa đi khảo sát, đánh giá chất lượng nhằm thu mua.
Riêng ông Cao Qi (27 tuổi) và ông Yang Renhua (34 tuổi), được A72 xét duyệt nhân sự cho phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch. Từ tháng 3/2015 đến nay, 2 người này đến làm việc tại Công ty CP thủy điện Thượng Lộ (Nam Đông) với công việc là chuyên gia giám sát lắp máy theo hợp đồng giữa công ty này với Công ty hữu hạn cổ phần thủy điện Vân Hà - Trùng Khánh (Trung Quốc).
Theo ông Nguyễn Đắc Trường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 7/4, Sở đã phối hợp với huyện Nam Đông tiến hành kiểm tra việc khai thác ở mỏ quặng Đại Sơn.
“Tại thời điểm kiểm tra các hoạt động khai thác đã ngưng hẳn và không có người nào nào. Đây là khu vực chưa được cấp mỏ khai thác khoáng sản. Chúng tôi đã lập biên bản và bàn giao cho chính quyền huyện Nam Đông xử lý”, ông Trường cho biết
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, đơn vị này đang tạm giữ một số máy móc, dụng cụ dùng để thăm dò khoáng sản ở mỏ Đại Sơn do 3 người Trung Quốc mang theo vào Việt Nam khi nhập cảnh.
-------------------