Bắt một trưởng phòng nông nghiệp huyện
Cùng bị bắt với trưởng phòng Nguyễn Ngọc Quyền là ông Nguyễn Văn Hiếu (trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Tuy Đức), bị điều tra vì tham ô tại dự án ổn định dân di cư tự do.
Ngày 8-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Quyền (trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuy Đức) và ông Nguyễn Văn Hiếu (trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Tuy Đức) để điều tra hành vi tham ô tài sản.
Theo điều tra ban đầu, năm 2010, ông Quyền và Hiếu được bổ nhiệm làm trưởng và phó Ban Quản lý dự án ổn định dân di cư tự do tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (do UBND huyện làm chủ đầu tư).
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai ông này đã thuê một doanh nghiệp ở Đắk Lắk triển khai dự án dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình thực hiện.
Cụ thể: ông Quyền, ông Hiếu đã có những vi phạm như sử dụng tiền dự án sai mục đích, lập hồ sơ chứng từ trái quy định để rút tiền, chiếm đoạt hơn 320 triệu đồng.
Được biết, dự án ổn định dân di cư tự do tại xã Đắk Ngo có tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Hiện dự án đã đi vào hoạt động và ổn định gần hết lượng dân di cư tự do trên địa bàn xã Đắk Ngo. Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
-------------------------
Cấm áp dụng tập quán cướp, cưỡng ép làm vợ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126, quy định chi tiết về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình theo hướng, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
Theo đó, Chính phủ quyết định cấm áp dụng những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình như: Hôn nhân đa thê; Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; Thách cưới cao mang tính chất gả bán; Phong tục “nối dây”; Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn…
-------------------------
Nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước: Không được phép cơi nới phần sân thượng
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 97/2014/QĐ-UBND quy định một số nội dung về quản lý, sử dụng, ký hợp đồng thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo quyết định này, ngoài việc quy định các đối tượng được thê nhà ở cũ gồm các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 34/2013/NĐ-CP (22.4.2013) của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; các đối tượng đang sử dụng nhà ở và nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí để ở sau ngày 27.11.1992, được giải quyết cho thuê nhà ở theo Nghị định số 34 của Chính phủ… Điểm đáng chú ý liên quan đến quy định quản lý, sử dụng các diện tích sử dụng chung trong nhà ở cũ là nhà liền kề, nhà biệt thự đường phố có nhiều hộ: Đối với phần diện tích sử dụng chung trong khuôn viên, bao gồm mái bằng, sân thượng, hành lang, lối đi, cầu thang, khu bếp, khu vệ sinh, nhà kho, nhà tắm, nhà phục vụ và các diện tích khác đang sử dụng chung đã được các hộ tự thu xếp, thỏa thuận phân định ranh giới cho từng hộ, không có tranh chấp, không trái quy định của Nhà nước và thành phố thì các hộ tiếp tục sử dụng theo hiện trạng.
Lối đi chung đã sử dụng ổn định cho các hộ trong một hoặc nhiều biển số nhà thì các hộ sử dụng đều phải tôn trọng và duy trì hiện trạng sử dụng hiện có. Nghiêm cấm các hành vi tự động mở hoặc bịt lối đi, lấn, chiếm, sử dụng ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại, sử dụng chung của các hộ khác. Việc mở, bịt hoặc xây ngăn lối đi phải được sự thống nhất của các hộ trong biển số nhà, đơn vị quản lý vận hành nhà ở và chấp thuận của cơ quan quản lý nhà ở.
Đối với mái bằng, sân thượng là diện tích sử dụng chung thuộc quyền quản lý của đơn vị quản lý vận hành nhà ở. Mái bằng, sân thượng chỉ được phép sử dụng để đi lại, làm sân phơi; không được phép chiếm dụng để xây dựng, cơi nới trái phép, sử dụng làm nơi chăn nuôi, trồng trọt, chứa đồ gây hư hỏng, ngấm dột và làm mất vệ sinh chung.
Các tồn tại về sử dụng nhà ở do lịch sử, kiến trúc cũ của ngôi nhà, do liên quan đến các chính sách nhà ở của Nhà nước mà các hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định nhiều năm, cần được tôn trọng và cân nhắc khi xử lý, giải quyết tranh chấp, bảo đảm hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tế. Ngoài ra, phần sân, đất trống trong biển số nhà là diện tích sử dụng chung, các hộ trong biển số nhà không được tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép. Đối với phần diện tích nhà, đất sử dụng chung thuộc sở hữu nhà nước chưa bán cho người thuê nhà, đơn vị quản lý vận hành nhà ở, cơ quan quản lý nhà có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý, theo dõi…
-------------------------
Quảng cáo mì Waxada của Nissin gây… tai nạn giao thông?
Hình ảnh trong TVC quảng cáo mì Waxada của hãng Nissin có hình ảnh gây phản cảm, như… đùa với tai nạn giao thông.
Hãng mì Nissin vừa tung ra TVC quảng cáo cho loại mì mới mang tên Waxada. TVC dài 30 giây, lấy nhân vật chính là ca sỹ Đan Trường và nhóm cộng sự là các dancer. Theo đó, thông điệp chính của TVC này là “cực đậm đà, Waxada”.
Mở đầu TVC, ca sỹ Đan Trường cùng nhóm nhảy cộng sự, trang phục sơ mi trắng, quần đỏ, khá bảnh bao làm động tác “Đi tìm mì Waxada” trong điệu nhạc vui nhộn, hài hước, ở một siêu thị nhỏ, có trưng bày sản phẩm mì Waxada. Sau khi tìm được mì và thưởng thức, Đan Trường hét lên “Waxada” (“quá xá đã”?), TVC chuyển bối cảnh ra ngoài đường phố, với một “ông Tây” đang đi xe máy .
Khi nghe thấy tiếng hét “Waxada” của Đan Trường, “ông Tây” này ngoái lại nhìn theo hướng có tiếng hét và… lao thẳng xe vào bụi cây ven đường. Ngay sau đó, ca sỹ Đan Trường mang ra chỗ “ông Tây” đang lúi húi trong bụi cây một bát mì Waxada và “ông Tây” này nhanh chóng vui tươi, hòa cùng với “đội của Đan Trường” cùng nhảy điệu vui nhộn và hô vang “Waxada”…
Sau khi TVC xuất hiện trên mạng và hiện đang được quảng cáo trên một số kênh truyền hình , có người cho rằng, TVC rất hài hước, ấn tượng, tạo được hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, có người cho rằng, cách đưa hình ảnh “ông Tây” đi xe rồi bất ngờ rồ ga lao vào bụi cây ven đường như thế là phản cảm.
Bởi ý kiến này cho rằng, vấn đề tai nạn giao thông đang rất nhức nhối ở Việt Nam, chẳng hạn, năm 2013, cả nước đã xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. Còn theo thông tin mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa công bố, cứ mỗi ngày qua, tai nạn giao thông lại cướp đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. “Vì thế, quảng cáo mì Wadaxa khác gì đi ngược lại chính sách đẩy lùi tai nạn giao thông của chúng ta” - một người dân nói.
Trước đó, cũng là sản phẩm của Nisin, quảng cáo mì không chiên 365 đã bị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch “tuýt còi”. Cụ thể, trong công văn gửi hãng mì này, Bộ VH-TT&DL kết luận: “Do không có đủ căn cứ khoa học chứng minh, đồng thời tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hiệu quả sử dụng các sản phẩm mì khác, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng ngành hàng trên thị trường , Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Cty Nissin chỉnh sửa nội dung “Mì không chiên 365 vì không chiên qua dầu nên bạn có thể an tâm về sức khỏe ” trong sản phẩm quảng cáo Mì không chiên Nissin 365 khi thực hiện các phương tiện quảng cáo”.
-------------------------
Đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND của bà Châu Thị Thu Nga
HĐND TP Hà Nội đã quyết định đình chỉ nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu HĐND TP đối với bà Châu Thị Thu Nga (cũng là đại biểu Quốc hội - vừa bị bắt giam tối 7-1).
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-1, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết như trên.
Trả lời về việc HĐND TP có xem xét bãi miễn tư cách đại biểu HĐND TP đối với bà Nga, ông Nguyễn Xuân Diên - Phó chánh văn phòng HĐND TP - Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết trước mắt mới chỉ quyết định đình chỉ nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu đối với bà Nga.
“HĐND TP cũng đã nắm được thông tin về những vi phạm của bà Nga. Nhìn chung, những vi phạm này cũng đã rõ rồi. Tuy nhiên, để bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND TP đối với bà Nga thì phải thực hiện theo các quy định của Luật"
Theo ông Diên, luật pháp quy định một người chỉ có tội khi bị tòa kết án.
Vì vậy, khi kết thúc điều tra, khi nào Quốc hội tiến hành xem xét, biểu quyết bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nga thì sau đó HĐND TP mới xem xét, biểu quyết bãi miễn tư cách đại biểu HĐND TP với bà Nga.
Theo Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội, trong quá trình hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trong số 40 ứng viên được hiệp thương ứng cử, bà Châu Thị Thu Nga là một trong bốn ứng cử viên tự ứng cử.
Trả lời về việc quá trình hiệp thương được thực hiện ra sao khi sau hiệp thương Hà Nội vẫn lựa chọn, chốt danh sách ứng cử có bà Châu Thị Thu Nga, một lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội từ chối trả lời và chỉ nói ngắn gọn: “Đây là việc không ai mong muốn diễn ra”.
-------------------------