Tin kinh tế trưa 14-04-2015: Đại gia “nhịn ăn” trả nợ mong được yên thân -Lo giá xăng sẽ tăng sốc

  • Cập nhật : 14/04/2015

 Đại gia “nhịn ăn” trả nợ mong được yên thân

Đã dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng kéo dài, làm ăn có tý lãi nhưng không ít đại gia nổi đình nổi đám trong các năm trước đây phải đầu tắt mặt tối, "nhịn ăn" để trang trải nợ nần để yên thân, tồn tại tính chuyện dài hơi.
 
Bóp mồm bóp miệng
 
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm, người từng giàu nhất trên TTCK, vừa công bố tờ trình đại hội cổ đông. Trong đó, KBC dự kiến sẽ không trả cổ tức 2014 bằng tiền mặt do kế hoạch trả nợ trong năm 2015 của riêng công ty mẹ là khá lớn, ước tính khoảng 940 tỷ đồng, trong tổng cộng hơn 3 nghìn tỷ đồng nợ ngân hàng.
 
Trong năm 2014, theo báo cáo tài chính Công ty mẹ của KBC ghi nhận lợi nhuận hơn 226 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được giữ lại và KBC sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 4%, tương đương gần 188 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm đã kéo dài chuỗi năm tháng không trả cổ tức bằng tiền mặt lên 6-7 năm.
 
Không ít các đại gia trong mấy năm gần đây đã phải "nhịn ăn" để trang trải nợ nần, giải quyết nợ xấu hoặc nhằm phục vụ kế hoạch tái cấu trúc cho cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt ở phía trước.
 
Tại ĐHCĐ Nhà Từ Liêm (NTL) sáng 4/4 vừa qua cổ đông đã khá gay gắt vì không có cổ tức mặc dù năm qua doanh nghiệp này vẫn có lãi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đầu tư phải có lợi nhuận, doanh nghiệp phải chia cho NĐT. Tuy nhiên, chốt lại NTL vẫn không chia cổ tức.
 
Ông Nguyễn Văn Kha, chủ tịch NTL cho rằng, công ty còn khó khăn, năm nay không chia cổ tức để lấy vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai.
 
Với ông trùm ngành gỗ Võ Trường Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) của đại gia này suốt từ năm 2011 tới nay không trả cổ tức bằng tiền mặt mà chỉ liên tục phát hành riêng lẻ, bán ưu đãi, thưởng bằng cổ phiếu và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Dù không còn thua lỗ nhưng khoản lời 71 tỷ vẫn không đủ trả nợ nên ông chủ Gỗ Trường Thành vẫn khất cổ tức và tìm cách xoay vần thoát nợ.
 
TCT Cổ phần Khoáng Sản Na Rì Hamico (KSS) gần đây xin gia hạn tổ chức đại hội cổ đông. Và nhiều khả năng, DN này sẽ không trả cổ tức bằng tiền như các năm trước đó do lợi nhuận quá thấp, hơn 3,9 tỷ đồng, so với tổng nợ lên tới gần 1,9 nghìn tỷ đồng, trong đó vay nợ ngân hàng ngắn hạn 588 tỷ đồng, vay nợ ngân hàng dài hạn và trái phiếu hơn 550 tỷ đồng.
 
Cũng ở trong tình trạng tương tự, lĩnh vực ngân hàng trong một hai năm gần đây chứng kiến cảnh các cổ đông lớn bóp mồm bóp miệng không chia cổ tức bằng tiền mặt để phục vụ cho quá trình tái cơ cấu, giảm nợ xấu trong hệ thống.
 
Đầu tháng 10/2014, chủ tịch HĐQT DongABank Trần Phương Bình ra thông báo kêu gọi cổ đông ủng hộ quyết định không chi trả cổ tức đợt 1/2014 do "tình hình khó khăn chung" và ngân hàng đang tập trung giải quyết giảm thiểu nợ xấu và tái cơ cấu. 
 
Nhìn ăn tính chuyện dài hạn
 
Rất nhiều doanh nghiệp gần đây cũng đã giảm tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt mà mục tiêu không gì khác vẫn là để tái cơ cấu lại hoạt động.
 
Tại ĐHCĐ 31/3 vừa qua, ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, năm 2015, tập đoàn này phân phối lợi nhuận 2014 với tỷ lệ 30%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Trong năm 2015, HGP dự kiến tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 30% và giảm tỷ lệ cổ tức xuống chỉ còn 20%.
 
Thực tế, HPG đang đối mặt với khá nhiều nguy cơ do sức ép cạnh tranh trong ngành thép khi nền kinh tế mở cửa cho nước ngoài. Việc nâng cao quy mô cũng như mở sang các ngành nghề khác là bài toán mà tập đoàn này đã tính toán trong nhiều năm nay.
 
Với nhiều doanh nghiệp khác, bài toán không chia phân phối lợi nhuận cho cổ đông hay phân phối ở mức thấp, phần lớn cũng hướng tới mục đích tái cơ cầu và tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian vài năm tới.
 
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) gần đây cho biết, việc trả hay không trả cổ tức thì cổ đông là người quyết định. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn luôn cố gắng tối đa hóa tái đầu tư đảm bảo cho sự tăng trưởng.
 
Trong trường hợp KBC, đại gia Đặng Thành Tâm dường như đã thành công trong việc vực dậy tập đoàn vốn nợ như chúa chổm này. Theo kế hoạch đã được cơ cấu, trong năm 2015, KBC của ông Đặng Thành Tâm sẽ trả nợ ngân hàng 838 tỷ đồng tiền gốc, 102 tỷ đồng tiền lãi. Bên cạnh lợi nhuận để lại, dự kiến số tiền phải thu của toàn bộ các hợp đồng đã ký của cả tập đoàn nhà ông Tâm ước đạt 700 tỷ đồng sẽ là một trong những nguồn thu đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng trong năm 2015.
 
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, tình trạng DN không phân phối lợi nhuận diễn ra khá phổ biến. Phần lớn các doanh nghiệp không trả cổ tức là do thua lỗ. Một số trường hợp DN chây ỳ cổ tức. Nhưng không ít các trường hợp DN không trả cổ tức vì phải trả nợ hoặc/và thực hiện kế hoạch tái cấu trúc trong bối cảnh mới.
 
Hầu hết các DN Việt đều có quy mô rất nhỏ, năng lực cạnh tranh cũng rất thấp, thua hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Do vậy, việc căn cơ để tái cấu trúc có lẽ cũng cần thiết. Mặc dù vậy, không phải tất cả các DN xây dựng được quy mô lớn đều có khả năng cạnh tranh cao và ngược lại các DN có quy mô nhỏ không có nghĩa là có khả năng cạnh tranh thấp. Các DN đi sai hướng hoặc thiếu niềm tin với các cổ đông sẽ khó lòng giữ chân được các NĐT.
-----------------------
Lo giá xăng sẽ tăng sốc
Việc lạm dụng quỹ bình ổn khiến giá xăng dầu có thể rơi vào trạng thái “giật cục”, tăng sốc khi các công cụ bình ổn dần mất đi hiệu lực.
 
Ngày 13-4, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước dù diễn biến giá thế giới đang có dấu hiệu giảm nhẹ 0,2% đối với các loại xăng và tăng khoảng 0,8%-3% đối với các loại dầu. Theo đó, giá xăng RON 95 tiếp tục là 17.880 đồng/lít, RON 92 là 17.280 đồng/lít, dầu diesel 15.880 đồng/lít, dầu hỏa 16.070 đồng/lít và dầu ma dút 12.760 đồng/lít.
Lạm dụng quỹ bình ổn
 
Để bù đắp phần chênh lệch giá, Bộ Công Thương quyết định sử dụng công cụ duy nhất trong thời điểm hiện nay là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Cụ thể, với mức chênh lệch giá các mặt hàng xăng khoảng 29 đồng, cơ quan quản lý quyết định giảm sử dụng Quỹ BOG thay vì giảm giá xăng tương ứng. Đồng thời, thay vì tăng giá các mặt hàng dầu từ 129-383 đồng/lít thì tăng sử dụng quỹ ở mức tương đương.
 
Đây không phải lần đầu giá xăng dầu được kìm giữ bằng công cụ Quỹ BOG mà việc sử dụng công cụ này được lặp đi lặp lại trong nhiều tháng gần đây. Trước đó, thậm chí, Quỹ BOG còn được xả với mức cao kỷ lục trong suốt 7 năm kể từ khi hình thành quỹ này (từ 1.350 đồng/lít đến 2.448 đồng/lít vào ngày 24-2).
 
Như vậy, với công cụ hữu hiệu trong ngắn hạn này, người tiêu dùng đã được hưởng giá xăng, dầu bình ổn trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, điều đáng nói là quỹ này đang giảm đi từng ngày và không thể làm “van” điều tiết giá xăng lâu dài được.
 
Ví dụ, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) có số dư quỹ tính đến hết năm 2014 là 329 tỉ đồng thì hiện nay chỉ còn hơn 100 tỉ đồng, tức là mất đi khoảng hơn 200 tỉ đồng chỉ trong hơn 3 tháng. Một doanh nghiệp đầu mối khác cho biết mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 50 triệu lít xăng thì với mức trích và xả quỹ như hiện nay, con số hụt quỹ là khoảng 35 tỉ đồng/tháng (trích chỉ được 15 tỉ đồng nhưng xả ra khoảng 50 tỉ đồng).
 
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết số dư Quỹ BOG đến 26-3 là 2.000 tỉ đồng, mất đi khoảng 300 tỉ đồng so với trước đó 15 ngày. “Biên độ chênh lệch giá hiện không đáng kể nhưng không dám chắc giá xăng sẽ không đi lên. Nếu vẫn tiếp tục điều hành bằng quỹ mà không có dự phòng quỹ thì rất nguy hiểm và có nguy cơ tái diễn điều hành giật cục như vài năm trước đây. Tốt nhất, nên chia sẻ giữa giá và quỹ cho hài hòa” - đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nhận định.
 
Hết công cụ bình ổn?
 
Việc lạm dụng Quỹ BOG được giới chuyên môn đánh giá có thể khiến thị trường xăng dầu rơi vào tình trạng hết công cụ để bình ổn.
 
Tại thời điểm tháng 2, khi giá xăng dầu thế giới tăng 1.500-2.500 đồng/lít mỗi loại thì việc sử dụng Quỹ BOG là hợp lý. Nhưng thời điểm gần đây, việc sử dụng Quỹ BOG chưa chắc được hoan nghênh. “Lần điều hành ngày 26-3 lẽ ra có cơ hội giảm giá xăng dầu thì lại đánh đổi bằng Quỹ BOG, trong khi kỳ này lại dùng quỹ để tránh cả tăng lẫn giảm giá các mặt hàng. Như vậy, sẽ dồn giá xăng lại và gây sốc ở những kỳ điều hành tới đây khi các công cụ đều hết hiệu lực. Sao không để giá tham gia điều tiết thị trường theo đúng tinh thần Nghị định 83?” - đại diện một doanh nghiệp phân tích.
 
Lý do của nhận định trên không chỉ xuất phát từ việc Quỹ BOG đang cạn dần mà còn nằm ở việc thuế môi trường sẽ chính thức tăng mạnh (300%) từ ngày 1-5, gây áp lực không nhỏ lên giá xăng. Để cân bằng, Bộ Tài chính cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu theo cam kết từ ngày 1-1. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện giảm thuế được tiến hành theo lộ trình và phải đến năm 2018 mới có thể hoàn thành. Chưa kể, tại thời điểm này, sản lượng xăng dầu được ưu đãi thuế mới chỉ dừng ở 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này theo công bố của Bộ Tài chính. Như vậy, ảnh hưởng từ thuế môi trường đến giá xăng là khó tránh khỏi trong khi người tiêu dùng chưa chắc được hưởng lợi sớm từ các cam kết giảm thuế, nếu Bộ Tài chính còn chưa quyết liệt cắt giảm.
 
“Đây là chu kỳ giao thời trước khi áp dụng mức thuế môi trường mới với xăng dầu vào ngày 1-5. Bộ Tài chính cam kết không để giá tăng sốc, khi tăng thuế môi trường thì phải rất linh hoạt trong sử dụng các van điều tiết. Trong đó, có cả chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức chứ không chỉ lạm dụng Quỹ BOG. Đặc biệt, cần giảm thuế xăng dầu theo hướng ưu đãi nhất dựa trên khung thuế sẵn có” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.
 
Thuế nhập khẩu xăng không quá 20%
 
Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng không quá 20% và các loại dầu tối đa là 5%. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác đối với xăng là 35% và dầu là 30%
-------------------------
Thuế nhập khẩu xăng dầu đồng loạt giảm mạnh
 Sau khi phát đi tín hiệu giữ nguyên giá bán xăng dầu hiện hành, Bộ Tài chính đã đồng loạt giảm mạnh các loại thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Thông tư số 48 sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu.
 
Theo đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu hoả giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diezel giảm từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%.
 
Thông tư số 48 có hiệu lực thi hành từ ngày 14/4, nhằm phù hợp với quy định đảm bảo dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 30 ngày theo quy định tại Nghị định số 83 của Chính phủ.
 
Đồng thời, Thông tư trên cũng điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5,B10) thống nhất với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xăng, dầu khoáng là 20% nhằm khuyến khích sản xuất và phối trộn nhiên liệu sinh học trong nước.
 
Bộ Tài chính cho hay, việc điều chỉnh giảm thuế xăng dầu trên là để việc thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/5/2015 trước mắt không ảnh hưởng đến giá bán của các mặt hàng xăng dầu (đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng) cũng như bảo đảm việc thực hiện quyền nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
 
Được biết, theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10/3/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu có điều chỉnh kể từ ngày 1/5/2015 như sau: Mặt hàng xăng, nhiên liệu bay: điều chỉnh từ 1.000 đ/lít lên 3.000 đ/lít; dầu diezel từ 500 đ/lít lên 1.500 đ/lít; dầu mazut từ 300 đ/lít lên 900 đ/lít; còn dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đ/lít.
 
Chiều nay 13/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng đã có thông báo chính thức về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường vẫn được giữ ổn định (không tăng, không giảm).
 
Cụ thể, giá bán lẻ xăng RON 92 không cao hơn mức giá 17.286 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 16.956 đồng/lít; dầu diesel 0,05S không cao hơn 15.883 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.073 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3,5 S không cao hơn mức giá 12.653 đồng/kg.
 
Cũng tại đợt xem xét này, liên Bộ đã quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng các loại là 991 đồng/lít; dầu diesel các loại là 134 đồng/lít, dầu hỏa là 217 đồng/lít và dầu mazut các loại là 383 đồng/kg.
------------------------
46 ngân hàng Ukraine đồng loạt phá sản
Hôm 12/4, 46 ngân hàng Ukraine đồng loạt thông báo phá sản, đẩy chính quyền Kiev vào tình thế phải phụ thuộc hơn nữa vào Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quỹ bảo hiểm tiền gửi không đủ.
 
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Giám đốc quản lý Quỹ Bảo hiểm tiền gửi (tổ chức thuộc Chính phủ Ukraine) - ông Konstantin Woruschilin cho biết, có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng 46 ngân hàng phá sản đồng loạt.
 
Nhân tố lớn nhất đó là “thái độ ứng xử thiếu văn hóa của các nhà quản lý ngân hàng”, trong đó nhiều nhân viên cấp cao của ngân hàng ăn trộm tiền phục vụ mục đích cá nhân. Một số yếu tố khác như: Xuất khẩu giảm, lượng tiêu thụ giảm và chi phí sản xuất cao.
 
Bản thân Quỹ Bảo hiểm tiền gửi công bố, nguồn tài chính của quỹ này không đủ để hoàn tiền cho khách hàng của những ngân hàng phá sản. Để hoàn thành nghĩa vụ, quỹ chỉ còn cách vay tiền từ các quỹ của EU. Sự biến động này xảy ra vào thời điểm Ukraine đang vật lộn với hàng loạt vấn đề tài chính.
 
Năm ngoái, kinh tế nước này sụt giảm 7,5%, khiến lạm phát tăng cao, đánh dấu năm kinh tế thảm hại nhất trong vòng 7 thập kỷ trở lại. Ngân hàng Trung ương Ukraine dự đoán, năm nay sẽ tiếp tục giảm xuống 5% và lạm phát dự kiến 18%. Đồng hryvnia của Ukraine giảm 50% giá trị so với đồng USD trong năm 2014.
-------------------------
VietinBank chính thức xin cổ đông sáp nhập PGBank
Tại đại hội đồng cổ đông sáng nay 14/4, Hội đồng quản trị VietinBank đã chính thức xin cổ đông thông qua việc sáp nhập PGBank vào VietinBank sau hơn 1 năm “úp mở” .
 
Tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2015 của VietinBank sáng nay cho hay: Với định hướng xây dựng Vietinbank trở thành ngân hàng hàng đầu, có quy mô năng lực xứng tầm khu vực, VietinBank đã nỗ lực tìm kiếm, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào VietinBank.
 
PGBank tiền thân là NHTMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập năm 1993. Đến 31/12/2014, ngân hàng này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 25.779 tỷ đồng, tín dụng đạt 14.507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 168 tỷ đồng.
 
Cổ đông chiến lược của PGBank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex sở hữu 40% vốn điều lệ.
 
Theo đánh giá của VietinBank, PGBank là ngân hàng có lợi thế cạnh tranh lớn dựa trên cơ sở khách hàng bền vững của hệ thống Petrolimex và các đơn vị thành viên; dịch vụ tài chính cung cấp tại hệ thống cây xăng của Petrolimex và đại lý trải dài trên toàn quốc; có thế mạnh về dịch vụ ngoại hối và phái sinh…
 
Việc sáp nhập PGBank vào VietinBank sẽ giúp nhà băng này có cơ hội phát triển mới, hướng đến một mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Petrolimex và VietinBank.
 
Theo HĐQT VietinBank, xuất phát từ những lý do đó, để không bỏ lỡ cơ hội tạo bước tăng trưởng chiến lược, HĐQT đã đàm phán với HĐQT PGBank nhằm chuẩn bị tiền đề cho các giao dịch sáp nhập. HĐQT cũng đã thuê đơn vị tài chính độc lập là công ty Deloitte và đơn vị tư vấn pháp lý là công ty Mayer Brown JSM xây dựng dự thảo đề án sáp nhập và hợp đồng sáp nhập.
 
“Sau một thời gian nghiên cứu, VietinBank nhận thấy PGBank là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào ngân hang”, tờ trình nêu rõ.
 
Do đó, HĐQT VietinBank xin cổ đông thông qua việc sáp nhập giữa PGBank vào VietinBank; thông qua hợp đồng sáp nhập giữa hai ngân hàng; phương án phát hành thêm cổ phiếu CTG để hoán đổi cổ phiếu PGBank; thông qua việc lưu ký, niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm; thông qua điều chỉnh vốn điều lệ… của VietinBank để sau sáp nhập phù hợp vốn điều lệ mới...và giao cho HĐQT được chủ động thực hiện, triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện việc sáp nhập thành công.
 
Trong tờ trình phân phối lợi nhuận 2015, HĐQT ngân hàng VietinBank đề xuất cổ đông phê duyệt phương án trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 282 tỷ đồng; trích quỹ dự phòng tài chính 10% lợi nhuận sau thuế tương đương 565 tỷ đồng; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 1.000 tỷ đồng.
 
Đáng lưu ý, ngân hàng đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% vốn điều lệ, tương đương 3.723 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn lại là 82 tỷ đồng.
 
Như vậy tỷ lệ cổ tức vẫn được giữ nguyên như đã trình đại hội thông qua tại kỳ đại hội năm 2014. Năm 2015, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận 7.300 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 7 - 9% vốn điều lệ.
------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo