Lối đi lớn nhất của vàng lậu trong nhiều năm trước là dập thành vàng miếng bán ra thị trường, nay đã bị chặn. Tuy nhiên, giới buôn vẫn tìm mọi cách để đưa vàng lậu ra - vào Việt Nam, “hợp thức” bằng vàng trang sức.
Bí ẩn vụ giấu vàng gót giầy
Ngày 10/3, cơ trưởng và một nam tiếp viên Vietnam Airlines đã bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ vì mang trong người 6kg vàng không khai báo. Theo báo chí Hàn Quốc, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng đã giấu 4 thỏi (4 kg) còn tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong giấu 2 thỏi (2 kg) vàng trong giày tại sân bay quốc tế Gimhae, thành phố Busan. Lời khai ban đầu, họ sẽ nhận được 250 USD cho mỗi ký vàng vận chuyển thành công tới Hàn Quốc.
Có thông tin cho rằng, sở dĩ có việc “chở củi về rừng” (Hàn Quốc tiêu thụ vàng gấp đôi Việt Nam và giá vàng trong nước của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam) là bởi xứ sở Kim chi cũng đang “khát” nguồn cung vàng nguyên liệu để chế biến vàng nữ trang; trong khi đó, thuế nhập khẩu vàng vào Hàn Quốc lên tới 3% trong khi Việt Nam chỉ 0% (vừa tăng lên 2% được ít ngày).
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết tại thị trường Việt Nam, lượng vàng nguyên liệu trôi nổi rất nhiều và không quá khó tìm. “Mua vàng trôi nổi giá rẻ rồi đem sang Hàn Quốc, lại không phải chịu thuế nhập khẩu cao thì số tiền lời mà những “người vận chuyển” này được hưởng cao hơn những gì họ khai báo rất nhiều”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng, khả năng số vàng trên được xách thuê sang nhưng không đơn thuần là xách một chiều mà sẽ theo hướng đưa vàng nguyên liệu sang gia công thành vàng nữ trang, sau đó lại quay về Việt Nam.
“Số vàng này đưa “lậu” sang bên kia rất có thể sẽ tiếp tục được gia công và “hô biến” thành vàng nữ trang Hàn Quốc, sau đó lại “đưa” về Việt Nam qua cách thức trên theo chiều ngược lại. Như thế họ mới có lãi nhiều, chứ thực tế chênh lệch vàng nguyên liệu giữa mình và họ hiện không lớn như mọi người vẫn nghĩ”.
Vàng nguyên liệu trôi nổi
Trong khi thị trường vàng miếng im hơi lặng tiếng, thị trường vàng nhẫn tròn trơn giao dịch tăng mạnh đối với cả cửa hàng nhỏ lẻ và doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Mở cửa giao dịch sáng ngày 20/4, Cty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tròn trơn Vàng rồng Thăng Long: 31,64 - 32,09 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); vàng nguyên liệu 999.9: 30,35 triệu đồng/lượng mua vào. Như vậy, chênh lệch giữa vàng nguyên liệu và vàng nhẫn gần 2 triệu đồng/lượng (chưa trừ chi phí gia công). Trong khi đó, vàng thế giới đang ở mức 31,37 triệu đồng/lượng.
Theo tìm hiểu, một ngày, lượng giao dịch vàng nhẫn tại chuỗi cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu lên đến vài trăm lượng vàng. Đại diện Cty này cho hay, nhẫn vàng trơn Vàng rồng Thăng Long được gia công từ nhiều nguồn nguyên liệu vàng khác nhau như: vàng cân, vàng nhẫn từ các cửa hàng khác... Đa số nguồn vàng này đều không đủ tuổi nên phải “gia công” lại cho đủ tiêu chuẩn vàng 999.9.
Khảo sát tại nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội, đa số đều sống chủ yếu dựa vào ăn chênh lệch khi mua vào bán ra giữa vàng trang sức và nhẫn tròn trơn. Anh Nguyễn Hưng, chủ cửa hàng vàng trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết nguyên liệu làm vàng nhẫn của cửa hàng mua từ nhiều nguồn khác nhau ở trong dân. “Vàng nguyên liệu khi thu mua thường không đủ tuổi nên giá bị “ép”, kể cả những thương hiệu nhẫn vàng có tiếng trên thị trường. Nếu không muốn bị ép giá, khách hàng mua ở đâu phải bán chính ở đó”, anh Hưng nói.
Thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng với việc các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn. Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng nguồn vàng nhập lậu vào thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc và Campuchia.
Buôn lậu - âm thầm “nóng”
Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, đặc biệt là trong những thời điểm chênh lệch giá vàng nội - ngoại lên cao. Cuối năm 2014, Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư đã thụ lý nhiều vụ, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến vận chuyển tiền giả và buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia. Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chênh lệch giá vàng cao ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng vàng lậu, tình trạng buôn lậu vẫn âm thầm “nóng”. “Không chỉ chảy máu ngoại tệ, mỗi lần giới buôn lậu “ăn hàng” giá USD lại nóng lên, tạo ra tâm lý bất an trong người dân” - ông Hiếu khẳng định.
Vàng trang sức đang là nơi “trú ẩn” của vàng lậu. Một lãnh đạo NHNN cho biết: “Nếu NHNN mạnh tay làm với vàng trang sức đòi hỏi theo đúng tiêu chuẩn, giới buôn vàng coi như hết cửa. Sau khi dẹp xong thị trường vàng miếng, NHNN sẽ làm đến vàng trang sức, tất nhiên là từng bước để doanh nghiệp có sự chuẩn bị”. Theo đó, công cụ “sờ gáy” thị trường vàng trang sức đã ra đời (từ 1/6/2014) là Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ với việc buộc DN phải tuân thủ quy định như đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng, tuổi vàng, độ tinh khiết… trên từng sản phẩm trước khi lưu thông.
Nói về Thông tư 22, sau 9 tháng kể từ ngày thực hiện, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng thừa nhận: “Những DN lớn đã nghiêm túc tuân thủ các quy định như bước đầu trang bị máy móc thiết bị kiểm định vàng khá hiện đại. Tuy nhiên, đó chỉ mới là kết quả bước đầu để thị trường ngấm chính sách phải mất một thời gian nữa”.
Báo cáo Bộ GTVT vụ phi công chuyển vàng
Ngày 20/4, trong văn bản gửi Bộ GTVT về vụ việc phi công và tiếp viên bị bắt giữ tại Hàn Quốc vì giấu 6kg vàng dưới đế giày, Tổng GĐ Hãng Hàng không Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết: “Đến nay, phía hải quan và cảnh sát Hàn Quốc vẫn chưa có thông báo chính thức cho Chi nhánh Vietnam Airlines tại Hàn Quốc”. Ông Minh thừa nhận: “Vụ việc trên đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín và hoạt động khai thác của Vietnam Airlines”.
-------------------------
Sẽ cho phép nhà đầu tư ngoại mua trên 30% cổ phần ngân hàng Việt
Thông báo với Chủ tịch Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay.
Chiều 20/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU). Đây là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán lên đến 170 tỷ USD và là ngân hàng tài trợ cho hàng loạt các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
BTMU đã tài trợ hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông tại Việt Nam. Đây được cho biết là kết quả cụ thể sau cuộc đối thoại bàn tròn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với BTMU và 13 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 12/2013.
Hiện tại, BTMU đã tham gia làm cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng và phát triển nông nghiệp.
Tại buổi làm việc chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tái khẳng định cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường chính sách thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản đầu tư, kinh doanh lâu dài, thành công tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay.
Cho biết Việt Nam là nước thứ 2 trong ASEAN mà doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động với hơn 1.500 doanh nghiệp, ông Nobuyuki Hirano cho biết dòng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang và sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo đó, ngoài các lĩnh vực hiện có, các doanh nghiệp nước này đang định hướng đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng năng lượng, giao thông và lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực mà Ngân hàng BTMU sẵn sàng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra phía Nhật Bản cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ các ngành công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Bên cạnh việc đánh giá cao định hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam cũng như triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, ông Nobuyuki Hirano cũng góp ý, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; ngành công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh cổ phần hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng; và cải cách mạnh thủ tục hành chính.
------------------------
Mốt văn phòng mở: Sai lầm của Google, Yahoo, Goldman Sachs?
Được xem như một làn sóng mới về thiết, văn phòng không vách ngăn đã trở thành mốt của thế giới khi Google, Yahoo, eBay, Goldman Sachs và nhiều tên tuổi lớn khác tại Mỹ đua nhau “xóa nhòa” khoảng cách giữa các phòng ban. Nhưng đằng sau sự tiện lợi là không ít nỗi khổ khó nói.
Chia sẻ sau đây của Lindsey Kaufman, nhân viên một công ty quảng cáo lớn tại New York hẳn sẽ khiến nhiều ông chủ phải nghĩ lại, khi tính chuyện hiện đại hóa văn phòng theo hướng không gian mở.
Theo Kaufman, sau 9 năm làm việc với tư cách một nhà sáng tác cấp cao, được ngồi phòng riêng, việc phải ngồi chung với các đồng nghiệp khác trên một bàn dài, không có vách ngăn khiến chị cảm thấy như bị “ông chủ lột bỏ quần áo của tôi và bắt tôi đứng đó phơi mình”.
Văn phòng dù đẹp, thoáng đãng nhưng lại khiến người ta thấy ngột ngạt bởi không có gì là riêng tư.
“Ngay ngày đầu tiên, tôi ngồi vào vị trí tại chiếc bàn được dành riêng cho phòng sáng tạo, gần một phụ nữ tốt bụng mà tôi ngờ rằng từng là một cái còi hơi ở kiếp trước. Suốt cả ngày tiếng chân đi lại, la hét, cười của chị ta cùng tiếng nhạc ầm ĩ tuôn ra từ hệ thống loa phát thanh” khiến Kaufman không thể tập trung.
Ngoài ra, do là người uống nhiều nước, Kaufman cũng cảm thấy ái ngại khi các đồng nghiệp dường như ngồi đếm xem chị đi vào nhà vệ sinh bao nhiêu lượt mỗi ngày. Và khi hết giờ làm, việc ra về lúc 17 giờ 04 phút hàng chục cặp mắt dõi theo khiến Kaufman không khỏi ái ngại. Để giải quyết vấn đề tiếng ồn, chị lập tức mua một cặp tai nghe chống ồn màu xanh neon rực rỡ.
Bất chấp những rắc rối mô hình văn phòng mở đem lại, thiết kế này vẫn đang được ngày một nhiều doanh nghiệp tại Mỹ áp dụng. Theo ước tính của Hiệp hội quản trị tiện ích quốc tế, khoảng 70% văn phòng tại Mỹ hiện không còn vách ngăn hoặc nếu có cũng thấp hơn.
Đi đầu trong xu hướng này là các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon, với các tên tuổi như Google, Yahoo, eBay, Goldman Sachs và American Express. CEO của Facebook Mark Zuckerberg cũng đã đề nghị kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry thiết kế văn phòng mở lớn nhất thế giới, với diện tích sàn đủ cho gần 3000 người làm việc.
Là một doanh nhân, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg là một trong những người đầu tiên gia nhập xu hướng văn phòng mở, với khẳng định nó giúp đề cao sự minh bạch và công bằng. Ngay cả tòa thị chính thành phố nơi ông từng làm việc cũng được biến thành một văn phòng không vách ngăn.
Thiết kế này là lí tưởng cho mục tiêu tối đa hóa diện tích của công ty trong khi giảm thiểu chi phí. Bên cạnh đó, các ông chủ cũng thích việc có thể theo dõi nhân viên bất kỳ lúc nào, hạn chế tình trạng làm việc riêng trong giờ làm việc.
Tuy vậy, có vẻ như họ đang nhận được cảm giác sai lầm về sự cải thiện năng suất lao động. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy, nhiều nhân viên trong các văn phòng không vách ngăn thấy khó chịu bởi sự xao lãng, vốn dẫn tới năng suất thấp hơn. Gần một nửa số nhân viên được khảo sát cho biết việc thiếu sự riêng tư cần thiết là rắc rối lớn với họ, và hơn 30% phàn nàn về việc thiếu sự riêng tư về góc nhìn.
Trong khi đó, “sự dễ dàng tương tác” với các đồng nghiệp dường như không phải vấn đề chính, khi chỉ chưa tới 10% người lao động trong bất kỳ loại văn phòng nào đề cập tới.
Trong một nghiên cứu trước đó, kết quả cho thấy “sự sụt giảm năng suất do xao lãng vì tiếng ồn…tăng gấp đôi trong các văn phòng dạng mở so với các văn phòng riêng”.
Tờ New Yorker trong một bài viết đánh giá về thiết kế nội thất văn phòng mới này khẳng định, lợi ích của việc xây dựng đơn giản đã phủ mờ những tác động tiêu cực của nó gây ra đối với năng suất lao động.
Dù các nhân viên cảm thấy mình là một phần của một môi trường hiện đại, chính môi trường ấy lại phá vỡ sự tập trung, năng suất, tư duy sáng tạo và cảm giác hài lòng ở họ. Hơn thế nữa, cảm giác riêng tư giúp tăng năng suất lao động, trong khi điều ngược lại có thể gây ra cảm giác vô dụng.
Một thực thế khác mà Lindsey Kaufman chỉ ra đó là các đồng nghiệp của chị cũng như bản thân chị dễ bị lây bệnh từ những người xung quanh. Mùa cảm cúm năm ngoái, các đồng nghiệp trong cơ quan chị đã đổ bệnh hàng loạt như những quân domino.
Trong khi sự gắn kết với những người khác tăng lên ngoài mong đợi, kết quả làm việc của bản thân Kaufman giảm sút xuống mức thấp chưa từng có. Mỗi ngày, chị và các đồng nghiệp ngồi nhìn nhau chằm chằm và có những cuộc trò chuyện 12 người suốt từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều.
Những người từng làm việc nhiều năm trong văn phòng riêng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với Kaufman, chị chỉ có thể làm việc tốt khi xung quanh không còn ai, hoặc những lúc có thể tranh thủ phòng họp còn trống và tĩnh tâm trong đó.
Do đó, theo ý kiến của Kaufman, nếu các ông chủ thực sự muốn mô hình văn phòng mở phải cân nhắc các biện pháp tăng cường hiệu suất công việc. Với một số nhóm nhân viên cần cho họ không gian kín đáo hơn những người khác.
Bên cạnh đó, nên có một số quy tắc về tương tác giữa các nhân viên được thực thi, ví dụ khi thấy một đồng nghiệp đeo tai nghe, những người khác không nên trực tiếp tới làm phiền mà hãy gửi email hoặc quay lại vào thời điểm khác thích hợp hơn. Và tất nhiên việc phát nhạc khắp cả văn phòng cũng không phải ý hay, khi có nhiều người đơn giản là không thích và sẽ bị xao lãng khi nghe nhạc khi làm việc.
------------------------