Trung tâm thương mại ngày càng ế ẩm
Liên tục giảm giá khuyến mãi tới 50%, bổ sung nhiều sản phẩm ở phân khúc trung cấp và bình dân, nhưng lượng khách mua hàng tại các trung tâm thương mại không mấy cải thiện.
10h sáng Chủ nhật tại Union Square (Lê Thánh Tôn - quận 1), thông thường đây là thời điểm đông khách đến trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất này ở TP HCM mua sắm, nhưng hôm nay lại khá vắng vẻ. Số lượng khách ít ỏi vào trung tâm hầu như không ghé các cửa hàng bán đồ xa xỉ, chỉ vài chỗ treo bảng giảm giá 50% là được chú ý. Đến tầm trưa, sau khi đã ngắm hàng... mỏi chân, tầng hầm phục vụ ăn uống trở thành nơi đông vui nhất thu hút phần lớn khách hàng.
Không đẳng cấp như Union Square, nhưng tại trung Hùng Vương Plaza, chị Hoa, tiểu thương bán mỹ phẩm cho hay, bắt đầu từ năm 2013 trở lại đây khách hàng không còn mặn mà với trung tâm thương mại này. Nếu trước đây, shop của chị mỗi ngày có khoảng vài chục khách ghé, thì nay lác đác chỉ vài người. “Thậm chí, có ngày tôi không bán nổi một hũ kem”, chị Hoa nói. Tuy nhiên, vì đã gắn bó ở đây lâu dài, tiểu thương này vẫn cố gắng duy trì, đồng thời trông chờ vào khoản kinh doanh ở một vài chợ khác để có vốn duy trì hoạt động.
Còn chị Trang, tiểu thương ở An Đông Plaza cũng cho biết, lượng khách đến mua hàng sỉ ở đây giảm mạnh so với trước, chỉ lấy hàng cầm chừng, trong khi đó, giá mặt bằng tại đây lại tăng cao. Do vậy, thời gian tới có thể chị sẽ chuyển sang trung tâm khác có giá hợp lý hơn.
“Hiện nay các trung tâm thương mại khác mọc lên nhiều, chẳng hạn như Hùng Vương Square nằm khá gần An Đông Plaza, nên nếu chủ đầu tư tại đây vẫn không có động thái hỗ trợ tiểu thương thì tôi có thể sẽ chuyển qua trung tâm mới này có giá thuê chỉ phải trả theo tháng sẽ giúp người kinh doanh đỡ chật vật hơn”, chị Trang nói.
Không chỉ Hùng Vương Plaza, An Đông Plaza, các trung tâm thương mại khác như Thuận Kiều Plaza, Parkson, Diamond Plaza, Icon 68 ở Bitexco..., kinh doanh đều không mấy thuận lợi. Đa phần các trung tâm này phải liên tục giảm giá, tung ra chương trình khuyến mại. Nhiều đơn vị kinh doanh vốn chuyên về hàng xa xỉ, đã buộc phải thay đổi xu hướng chuyển sang bán hàng ở cấp trung và bình dân để có thêm khách.
Chị Lan, một tiểu thương kinh doanh quần áo trẻ em ở Parkson Lê Thánh Tôn cho hay, thay vì bán quần áo trẻ em cao cấp với giá tiền triệu mỗi sản phẩm, thì nay chỉ cung cấp sản phẩm ở tầm 200.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, lượng khách quá ít nên nhiều khi chị vẫn phải bù lỗ.
Còn tại Hà Nội, dù số lượng trung tâm thương mại không dồi dào như TP HCM, vẫn không tránh khỏi khó khăn. Việc Parkson Landmarks vừa đột ngột tạm ngưng hoạt động, một phần cũng do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Trong thông báo của Parkson Việt Nam gửi tới các tiểu thương đang kinh doanh tại tòa nhà này cũng đã xác nhận "hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra".
Chung tình cảnh lao đao, Tràng Tiền Plaza - trung tâm thương mại được kỳ vọng mang lại diện mạo mới khi ra mắt vào năm 2013, nhưng sau hơn một năm kinh doanh kém hiệu quả, đơn vị này đã đóng cửa 4 tháng để tái cấu trúc. Hiện nay, Tràng Tiền Plaza đã kinh doanh trở lại, nhưng cùng với những nhãn hàng xa xỉ, khách hàng đã nhận thấy sự xuất hiện của khá nhiều sản phẩm bình dân, có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Đánh giá về các trung tâm thương mại Việt Nam nói riêng và thị trường bán lẻ nói chung, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định, hiện nay việc kinh doanh trung tâm thương mại khá ảm đạm, do đó nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến phân khúc thấp, chọn nhóm khách hàng thuộc số đông, có khả năng chi trả vừa phải. Một số trung tâm thương mại còn chọn đặt tại khu vực rìa trung tâm nên giá thuê cũng rẻ hơn, vừa với khả năng chi trả của nhiều người.
Do vậy, đã đến lúc nhà bán lẻ phải quan tâm đến khả năng chi trả thực tế của người tiêu dùng qua từng thời kỳ khác nhau. Đây chính là chìa khóa để tồn tại vì nhiều người sẵn sàng chi trả cho mức giá rẻ hơn cho một sản phẩm và các trung tâm thương mại cũng dần đi theo xu hướng này để thích nghi với hoàn cảnh. "Năm 2015 các trung tâm bán lẻ hoạt động kém có thể bị đóng cửa", Tổng giám đốc CBRE Việt Nam dự báo.
Riêng về hiện tượng Parkson, ông Marc Townsend cho rằng tập đoàn này đang có động thái tái cơ cấu các trung tâm thương mại hoạt động không hiệu quả. Trước đó, khi mới vào Việt Nam, nhà bán lẻ này đã đầu tư rất quy mô tại Việt Nam nhưng đang vấp phải một vấn đề cốt lõi, đó là khả năng chi trả của người tiêu dùng. Parkson hướng đến đối tượng cao cấp, và có thể đây chính là vấn đề mà họ gặp phải khó khăn.
Trao đổi với PV hồi quý IV/2014 về việc thị trường bán lẻ Việt Nam có thừa cung hay không, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương, ông James Hawkey cho rằng, việc cung cầu không tương thích là chuyện không quá bất thường ở bất kỳ thị trường nào. Không phải tất cả mọi trung tâm thương mại đều vận hành tốt, tuy nhiên hiện tại quá sớm để nói rằng đang thừa cung.
Ông James Hawkey phân tích, nếu vài chục trung tâm thương mại đang có tình trạng trên thì sẽ phải xem lại, nhưng nếu chỉ có một vài nơi thì không cần phải quá lo lắng, bởi họ sẽ tự phải điều chỉnh để tình hình tốt lên. Tuy nói như vậy, nhưng các chủ đầu tư cũng cần phải xem lại thật kỹ chiến lược kinh doanh của mình, liệu khu vực đó có cần phải có khối đế bán lẻ hay không. Nếu cần phải có thì quy mô như thế nào. Thói quen mua sắm và khả năng chi trả của dân cư quanh vùng liệu có phù hợp?
"Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư vì là quốc gia có số lượng tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, cũng có nhiều nhà đầu tư vì quá nôn nóng nên có những tính toán, chiến lược chưa hiệu quả dẫn đến việc kinh doanh không tốt như mong muốn", ông James Hawkey phân tích và nhấn mạnh thêm, cũng có thể do tại một khu vực mà có sự hiện diện của nhiều trung tâm thương mại thì vắng khách cũng là điều dễ hiểu.
Thống kê của CBRE, trong quý IV/2014, TP HCM không có trung tâm thương mại nào được đưa vào thị trường. Cả năm 2014, nguồn cung mới mặt bằng bán lẻ chỉ có dự án Aeon Mall Tân Phú (Nhật Bản). Thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM quý vừa qua chỉ dao động nhẹ về giá, biên độ 0,1%. Mặt bằng trống tiếp tục giảm, tỷ lệ trống hiện nay còn 8%. Tổng diện tích sàn bán lẻ hiện nay của TP HCM trên 100.000m2.
Dự kiến năm 2015 TP HCM sẽ chào đón thêm các mặt bằng bán lẻ SC Vivocity, Saigon Square 3, Aeon Citimart, Grand Saigon Hotel. Riêng GB An Đông (hay còn gọi là An Đông 3) và Hùng Vương Square cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tại các trung tâm này diện tích sàn vẫn chưa được lấp đầy mặc dù giá thuê khá ưu đãi.
Theo VnExpress
-------------------------
Nghịch lý ngành sữa
Câu chuyện nông dân nuôi bò phải đổ sữa ra đường mà Tiền Phong đã phản ánh đầu năm 2009 khi cơn bão melamine xảy ra tại Việt Nam tưởng như không bao giờ lặp lại, thì nay, hơn 350 nông dân xã Phù Đổng, ngoại thành Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ thêm một lần phải đổ sữa do không tìm được nơi tiêu thụ.
Mỗi ngày 3,5 tấn sữa sản xuất ra của nông dân, đầy ăm ắp trong các bồn chứa chỉ nhận được sự thờ ơ, ghẻ lạnh của các doanh nghiệp sữa. Hợp đồng thu mua năm 2014 đã chấm dứt, đầu năm 2015 các doanh nghiệp tìm mọi cách chần chừ không ký tiếp hợp đồng mới với lý do sản lượng sữa của nông dân tăng đột biến vào mùa đông, doanh nghiệp không thể thu mua hết được.
Thế nhưng, đằng sau nguyên nhân này, ai cũng hiểu là câu chuyện lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá sữa bột nguyên liệu thế giới đang giảm kỷ lục, từ hơn 3.700 euro/tấn hồi đầu năm 2014 thì nay xuống còn 2.200 euro/tấn. Với mức giá nhập khẩu này, khi chuyển ra sữa nước nguyên liệu giá thành không đến 10.000 đồng/kg, trong khi đó các công ty đang ký hợp đồng mua sữa bò tươi của nông dân trong nước là 14.000 đồng/kg. Có được “chiếc phao” giá rẻ là sữa bột nguyên liệu thế giới, một số công ty sữa trong nước lập tức quay mặt với nông dân
nuôi bò.
Theo các chuyên gia, sữa bò tươi nguyên chất mới là sản phẩm còn giữ được đầy đủ nhất chất dinh dưỡng. Thế nhưng các công ty sữa dường như đang không quan tâm nhiều đến điều này mà điều họ quan tâm nhất là lợi nhuận nên sẵn sàng gia tăng nhập sữa bột nguyên liệu về hoàn nguyên để giảm chi phí, tận dụng thời điểm sữa bột nguyên liệu thế giới đang giảm.
Đây không phải là lần đầu tiên những hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết - vốn là đối tượng yếu thế trong cuộc chơi với các doanh nghiệp - gặp khó khăn khi thị trường có biến động. Quyết định 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đã ban hành được hơn 10 năm nay, nhưng mối liên kết nông dân - doanh nghiệp vẫn hết sức lỏng lẻo. Nông dân sẵn sàng phá hợp đồng nếu bán được giá cao hơn so với mức đã ký với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi thị trường biến động, cũng không ngần ngại “quay mặt” với những nông dân đã gắn bó nhiều năm với mình. Do vậy, nghịch lý của ngành sữa, hay rộng hơn là nghịch lý của ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết bao giờ mới chấm dứt?.
-------------------------
Loạn giá nấm 'tan cửa nát nhà'
Có thời điểm, giá nấm Ngọc Cẩu hay được gọi cái tên nấm "tan cửa nát nhà" tại Hà Nội lên tới 2 triệu đồng/kg. Còn hiện nay, giá được dao động từ 400.000 – 800.000 đồng/kg...
Nấm ngọc cẩu được bày bán như rau tại chợ TP Lai Châu. Nấm ngọc cẩu được bày bán như rau tại chợ TP Lai Châu.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và nhiều thành phố lớn, nhiều người đổ xô đi mua loại nấm có tên gọi nấm ngọc cẩu với những lời đồn thổi về công dụng của nó dành cho nam giới. Theo những lời quảng bá, loại nấm này có tác dụng giúp các “quý ông” có sinh lực sung mãn. Thậm chí, nó còn được gọi bằng cái tên “nấm tan cửa, nát nhà”. Giá của loại nấm này cũng rất cao, có thời điểm lên tới 2 triệu đồng/kg. Vậy sự thực công dụng của loại thảo dược này đến đâu và có quý hiếm như những lời quảng cáo.
Rất dễ dàng bắt gặp những quảng cáo bán nấm ngọc cẩu bởi nó xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng mua bán trực tuyến, Facebook… Giá của loại nấm này được bán khá cao, từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/kg. Lời quảng cáo về loại nấm này thường là: “Nấm ngọc cẩu (tỏa dương) của chúng tôi khai thác từ những đỉnh núi cực cao của Tây & Đông Bắc! Còn tươi nguyên ngọn & củ, và giá hợp lý nhất thị trường”.
Thậm chí, công dụng của loại nấm này còn được khuếch trương như sau: “Nấm ngọc cẩu hay còn gọi là nấm tỏa dương có tác dụng bổ thận, bổ máu, kích thích ăn uống, chữa đau lưng mỏi gối, đau nhức chân tay, di tinh, phục hồi sức khỏe sau sinh, chữa liệt dương. Nấm ngọc cẩu có tác dụng dưỡng âm hồi phục dương khí cho nên nấm ngọc cẩu chỉ dược sử dụng khi âm suy hay dương can. Người bình thường uống nấm ngọc cẩu thường xuyên dẫn đến tà dâm. Nam thì 5 thê 7 thiếp, nữ uống loại nấm này thì sinh lý mạnh chồng không đáp ứng đủ dẫn đến tan cửa nát nhà”.
Chính vì tác dụng được quảng bá như một loại siêu Viagra thần dược chữa yếu sinh lý nên giá của loại nấm này cũng được bán tùy theo niềm tin của khách và tùy theo lời “đường mật” của người bán. Có thời điểm, giá nấm ngọc cẩu tại Hà Nội lên tới 2 triệu đồng/kg. Còn hiện nay, giá được dao động từ 400.000 - 800.000 đồng/kg tùy theo kích thước và độ tuổi của nấm cũng như địa điểm thu hái nấm.
Theo lời của anh Phương, một người chuyên kinh doanh bán nấm ngọc cẩu trên mạng, nấm này quý là loại nấm được tìm thấy từ độ cao 1.500m trở lên, mọc hoang tại các khu vực Tây Bắc điển hình như Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình. Đặc biệt, loại nấm này mọc nhiều nhất ở hai dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) được cho là có chất lượng tốt nhất. Cách dùng nấm là lấy 1kg nấm ngọc cẩu khô hoặc tươi ngâm với 5 lít rượu.
Theo tất cả những người bán loại nấm này, đây là loại thảo dược có tác dụng rất mạnh và nhanh chóng, chỉ khoảng 3-5 ngày. Chính vì thế, sở hữu một bình rượu ngâm nấm ngọc cẩu đang là “mốt” của nhiều đấng mày râu. Tuy nhiên, sự thật về công dụng của loại nấm này thì không phải ai cũng hài lòng. Nhiều người đã từng sử dụng rượu ngâm nấm ngọc cẩu cũng khẳng định, nấm có tác dụng khá tốt trong việc duy trì và cải thiện sinh lực cho nam giới, nhưng thời gian dùng phải tính bằng năm chứ không phải 3-5 ngày. Anh Sơn Hải, một người dân sống tại TP Lạng Sơn cho chúng tôi biết, đã uống hết cả bình ngâm 2kg nấm ngọc cẩu tươi và chưa thấy có gì khác so với thời điểm chưa uống. “Chắc phải thêm vài bình nữa may ra mới có tác dụng”, anh cho biết.
Điều đáng ngạc nhiên là trong chuyến đi công tác mới đây của chúng tôi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, loại nấm này được bán với giá “rẻ như bèo”. Tại chợ đầu mối TP Lai Châu, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân tộc mang hàng sọt nấm ngọc cẩu đổ đống và bán với giá 10.000 đồng/kg. Quá bất ngờ về mức giá rẻ như cho này, chúng tôi đã hỏi để kiểm chứng xem đây có phải là loại nấm đang “làm mưa làm gió” ở các tỉnh dưới xuôi.
Người phụ nữ dân tộc Mông ngồi bán trả lời: “Tao không biết nó là cây gì, chỉ thấy người Kinh mua về ngâm rượu nhiều thì tao đào trong rừng ra bán”. Cũng tại khu chợ này, nhiều tiểu thương đã mua lại nấm ngọc cẩu của người dân trong bản và bán với giá 20.000 đồng/kg. Chị Thúy, bán nấm ngọc cẩu kèm với các loại rau cho biết: “Ở Lai Châu nhiều lắm, chả ai thích ngâm rượu uống vì cũng không biết có tốt thật hay không. Trên này chúng tôi gọi là hoa chuối đất. Mấy tháng gần đây có nhiều người đặt mua chuyển xuống Hà Nội bán”.
Khi chúng tôi cho biết, ở Hà Nội đang bán loại nấm này với giá hàng trăm nghìn đồng/kg, nhiều người buôn bán tại khu chợ này không tin nổi một loại cây nhiều nhan nhản và chả quý hiếm lại được bán với giá “trên trời”.
Tương tự, ở TP Yên Bái, nấm này được bày bán với giá 40.000 đồng/kg. Những người bán mách chúng tôi: “Nấm ngọc cẩu tốt là loại có màu đỏ tươi, không nên chọn nấm đen. Củ càng to, càng dài càng tốt. Những loại ấy đặt 1-2 ngày là có, nhưng giá cũng chỉ vào khoảng 60.000 đồng/kg”.
Trước những thông tin “ngược” về giá của loại nấm này trên các tỉnh miền núi Tây Bắc, nhiều người kinh doanh tại Hà Nội cũng lên tiếng giải thích và khẳng định nấm họ bán là nấm chuẩn, lấy từ dãy núi Tây Côn Lĩnh, có tuổi đời lâu năm… Nhưng cũng không có cơ sở gì để kiểm chứng thông tin này. Còn theo tài liệu chúng tôi tìm được từ cố GS-TS Đỗ Tất Lợi về cây tỏa dương chỉ đơn giản như sau: "Tỏa dương còn gọi là củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, củ chó, cây không lá, thuộc họ gió đất. Đây là loại cây cỏ trông như một cây nấm, màu đỏ nâu sẫm…
Tỏa dương thường mọc và sống ký sinh trên những rễ của những cây gốc lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Thường gặp ở Hà Tây, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái… Nhân dân dùng tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở, dùng dưới dạng thuốc rượu".
-------------------------