Khu biệt thự triệu đô nằm ở khu vực “đất vàng” TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đang “chết” dần bởi nó đang “khát vốn”. Hiện nay khu biệt thự này đang hoang tàn, xuống cấp trầm trọng, cỏ mọc um tùm, rêu phong phủ xanh lên các bờ tường…
Dự án khu biệt thự triệu đô (50 triệu USD) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép số 2371/GP, ngày 31/12/2003. Dự án là tổ hợp Khu liên hợp kinh tế - thương mại - khách sạn - thể thao - chung cư - biệt thự (theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án gồm: 5 khách sạn từ 2-5 sao; 86 biệt thự; tổ hợp siêu thị; chung cư cao tầng; nhà biểu diễn thủy cung) tại thị xã Cửa Lò.
Tại thời điểm được cấp phép, chủ đầu tư dự án là Công ty Liên doanh Hồng Thái - SIT Việt Nam. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích hơn 16.000m2 tại xã Nghi Hương và phường Nghi Hoà (thị xã Cửa Lò).
Được khởi công từ năm 2003, dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm khởi công dự án này vẫn đang dang dở, chết yểu. Trái ngược với những lời hứa ban đầu của chủ đầu tư, nay đại dự án 50 triệu đô ngày càng hoang phế, hoang lạnh… đến nỗi người dân nơi đây gọi là khu biệt thự “ma”.
Theo khảo sát của PV Dân trí, khu biệt thự “ma” hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, xung quanh cỏ mọc um tùm, những bờ tường chưa được da trát thì rêu cũng đã phủ lên dày kín, nhiều khung cửa đã bị mối ăn rơi rụng, chi chít trên các bức tường bị viết vẽ dơ bẩn, nhiều căn hộ đã bị trâu bò địa phương thả rông ăn ở, đái ỉa trong đó...
Được biết, dự án "khủng" này đã bị dừng lại sau gần 2 năm thi công. Theo cơ quan chức năng, thời điểm dự án dừng do nhà đầu tư xây dựng thêm 28 căn hộ (trong quy hoạch chỉ có 86 căn) nên bị UBND tỉnh Nghệ An đình chỉ.
Sau khi sự việc vỡ lẽ, cơ quan chức năng chính thức vào cuộc thì phát hiện thêm Công ty Liên doanh Hồng Thái - SIT Việt Nam không đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án này. Lý do, sau một năm khởi công, Công ty SIT ở nước ngoài đã rút lui khỏi dự án triệu đô này.
Ngày 9/8/2005, Bộ KH-ĐT đã ra quyết định chấm dứt hoạt động trước thời hạn của Công ty Liên doanh Hồng Thái - SIT Việt Nam và thu hồi giấy phép đầu tư tại dự án này. Tại thời điểm rút giấy phép, chủ đầu tư mới xây dựng xong phần thô của 102 căn biệt thự, 2 nhà cấp 4, 1 nhà điều hành.
Đến thời điểm này (4/4/2015), khu biệt thự triệu đô này có nhiều căn đã hoàn thiện, được lợp mái, sơn tường, lắp khung cửa nhưng nó đang hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó cũng còn hàng chục căn chỉ mới được xây phần thô như móng, tường, cột... Nhiều
Liên quan đến dự án triệu đô này, đầu năm 2012, Công an Nghệ An đã bắt 2 đối tượng Nguyễn Thị Thanh Thủy và Hồ Thị Năng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đã sử dụng những ngôi “biện thự ma” này để lừa đảo hàng trăm tỷ của người dân.
khu vực khác các căn còn dang dở, trơ thép hoen gỉ, gạch vựa vứt ngổn ngang.
Điều đáng nói, sau khi rút giấy phép dự án này, Bộ KH-ĐT yêu cầu tỉnh Nghệ An chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục thanh lý. Đồng thời, tỉnh Nghệ An cũng “kêu gọi” một số công ty có đủ năng lực để tiếp tục hoàn thiện, đầu tư vào dự án này mong được “yên bề gia thế”.
Tháng 6/2009, UBND tỉnh Nghệ An cho phép Công ty CP đầu tư thương mại và Du lịch Kim Liên tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án. Tuy nhiên, sau khi cam kết, công ty này cũng không thực hiện như trong hợp đồng và rút lui.
Được biết, năm 2014, dự án này thêm một lần nữa được UBND tỉnh Nghệ An “giao” cho một công ty lớn hàng đầu Việt Nam tiếp nhận, tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án này vẫn chưa thấy “khởi động” trở lại. Mà nhường lại là hình ảnh hằng ngày người dân địa phương chăn thả trâu bò, đưa nhau vào cắt cỏ, cỏ dại mọc um tùm, khu biệt thự vẫn hoang lạnh, tiêu điều xác xơ… Dự án 50 triệu đô đang chết dần?
Một năm trước, khi công bố CPH 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015, không ít người lo ngại một cuộc tháo vốn NN ồ ạt để "cán đích", hoặc thị trường không có đủ nguồn lực tài chính đáp ứng. Nay ngược lại, giới đầu tư chê NN bán vốn dè dặt, quá nhỏ, không vừa miếng. Thực tế, cứ DN nào bán tỷ lệ lớn thì được mua nhanh và thường một đại gia xin mua trọn gói.
Bán trọn lô: Tranh nhau mua
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Anh Trung, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Hải Phòng kể: "Chúng tôi vừa tư vấn cho nhà đầu tư về thương vụ Cảng Hải Phòng. Lượng vốn Nhà nước chào bán ở đây chỉ 5% vốn điều lệ. Mới đầu công bố, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng khi đấu giá lần đầu tiên với tỷ lệ vài phần trăm ra bên ngoài quá ít nên họ không hào hứng nữa, đấu giá không thành công".
"Các nhà đầu tư cho biết, họ có mua tỷ lệ này cũng không giải quyết được gì. Hầu hết, họ muốn nắm giữ tỷ lệ hợp lý để tham gia vào quản trị DN", ông Trung nói.
Ông Trung thẳng thắn: "Khi NN còn nắm giữ cổ phần chi phối trên 50% thì có muốn đẩy mạnh thoái vốn NN phần còn lại, cũng không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Trong thoái vốn, vấn đề quan trọng cần lưu tâm là nhu cầu nhà đầu tư muốn mua như thế nào".
Ông Hoàng Nguyên Ngọc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng cho rằng, bán cả lô là cơ chế hiệu quả. Ở nhiều trường hợp, các nhà đầu tư quan tâm thì họ muốn mua cả lô, trong trường hợp này họ sẽ trả giá cao, kể cả công ty niêm yết.
"Hiện nay có gần một chục DN còn thừa lại vài chục phần trăm nhưng không bán được vì các nhà đầu tư đã sở hữu đủ rồi. Vì vậy, nếu bán cả lô sẽ dễ và được giá hơn", ông Ngọc lạc quan.
Trên thực tế, vấn đề bán đấu giá cổ phần hoá trọn lô đã được đặt ra ngay từ giữa năm ngoái, nhưng cho đến nay, quy định pháp lý vẫn chưa có. Trong khi đó, ở lĩnh vực xây dựng, lại có tình trạng phát hành thêm vốn, giữ nguyên sở hữu chi phối của Nhà nước nên càng khiến nhà đầu tư bên ngoài không mặn mà.
Tại hội nghị giao ban về cổ phần hoá DNNN của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng lên tiếng về vấn đề này. Ông còn đề nghị muốn bán trọn lô ở Tổng công ty Công nghiệp ôtô, Tổng công ty Công trình giao thông 5, 6..., cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh...
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, giá trị của việc đấu giá theo lô là tìm kiếm được nhà đầu tư đủ năng lực tham gia cải tổ quản trị doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, Bộ Tài chính vẫn còn đang nghiên cứu và hứa hẹn, sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để tạo khung pháp lý cho hình thức này.
Đấu giá CPH vẫn nhiều thất bại
Việc bán lẻ tẻ vốn Nhà nước chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thoái vốn Nhà nước qua đấu giá trên sàn chứng khoán vẫn còn thấp. Nếu như 4 năm qua, 2011-2014, tỷ lệ thành công bán đấu giá cổ phần hoá từ 51-66% thì quý I vừa qua, tỷ lệ này chỉ đạt có 40%.
Tại SCIC hiện nay, theo ông Hoàng Văn Ngọc, mới hoàn thành được 70% kế hoạch bán vốn. Số thu được hơn 6.000 tỷ đồng từ bán vốn, giá trị thu về cao hơn giá vốn 2,2 lần. Tuy vậy, trong số gần 1.000 doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận, có nhiều DN khó khăn, thua lỗ liên tục nên việc bán vốn khó khăn.
Hiện nay, SCIC vẫn còn nắm giữ 300 DN, dự kiến sẽ còn tiếp nhận thêm các doanh nghiệp khác.
Nhưng theo Quyết định 2344, đến cuối năm nay, cơ bản SCIC phải bán hết vốn, chỉ giữ lại 100 doanh nghiệp. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm mới bán được 22 doanh nghiệp, có nghĩa từ nay tới cuối năm mỗi ngày phải bán 1 doanh nghiệp.
Ngoài ra, bản thân cách "chào hàng" của nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng đang có vấn đề.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phân tích, thời gian công bố thông tin chỉ có 20 ngày trước thời điểm đấu giá, quá ngắn để nhà đầu tư cận thông tin đầy đủ và chuẩn bị đủ vốn để tham gia đấu giá.
Trong khi đó, nhiều trường hợp, hồ sơ công bố thông tin của doanh nghiệp quá sơ sài, chỉ gồm những thông tin cơ bản nhất, thiếu rất nhiều thông tin quan trọng để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định. Trong việc này, doanh nghiệp muốn bán vốn cũng có thiếu sót. Còn nhà đầu tư muốn tìm hiểu kỹ doanh nghiệp hơn cũng không có cách nào để tiếp cận.
"Tới đây, khi số doanh nghiệp thoái vốn qua sàn chứng khoán sẽ nhiều hơn, mức độ cạnh tranh thu hút vốn sẽ rất cao nên các doanh nghiệp cũng cần cởi mở, công khai thông tin sớm và đầy đủ hơn thì mới có thể thành công", ông Hải khuyến nghị.
Năm 2014, có 97 doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn qua sàn chứng khoán. Tổng số cổ phần chào bán là hơn 1,32 tỷ, tỷ lệ bán được là hơn 868 triệu cổ phần với tổng giá trị là hơn 11.357 tỷ đồng. Tỷ lệ thành công là 66%, cao hơn các năm trước. Năm 2011, tỷ lệ này là 54%, năm 2012 là 62%, năm 2013 là 51%.
Trong 4 năm qua, năm 2014, số DN đấu giá cổ phần hoá và thoái vốn qua 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tp HCM gấp 1,4 lần tổng số các doanh nghiệp đã đấu giá trong 3 năm 2011-2013. Số cổ phần bán được năm 2014 gấp 8 lần so với số bán được năm 2013 và 30 lần năm 2012. Trong 3 tháng đầu năm, đã có 18 doanh nghiệp đấu giá cổ phần hoá, khối lượng 100 triệu cổ phiếu, tỷ lệ bán được là 40%, thu về 805 tỷ đồng.
---------------------------
Đại gia bỏ vốn vào nông nghiệp, nhà nông sẽ “cùng thắng”?
Không phải bất động sản, chứng khoán, nông nghiệp công nghệ cao đang là ngành có được sức hút lớn nhất đối với các đại gia Việt.
Tính đến nay, đã có 5 người siêu giàu trên thị trường chứng khoán bỏ chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là, liệu chăng ngành nông nghiệp Việt Nam sắp hết cảnh nghèo khó và người nông dân sắp được lợi lớn?
Nhà nông sẽ cùng thắng?
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về nông nghiệp, các đặc sản nông nghiệp Việt Nam đã có chất lượng nhưng thiếu cách thu hoạch, bảo quản và đóng gói. Cái thiếu lớn nhất của hàng hóa nông nghiệp là thương hiệu và thị trường. Cái yếu lớn nhất của bà con nông dân là sản xuất quy mô lớn và làm ăn theo chuỗi giá trị. Nếu vào tay các DN lớn, hàng hóa nông sản của Việt Nam sẽ khắc phục được hai cái thiếu trên.
Đối với ngành nông nghiệp, hàng hóa nông nghiệp là vậy, còn đối với người nông dân thì sao? Trong chuỗi giá trị mà các đại gia kiếm được từ nông nghiệp, người nông dân sẽ được hưởng lợi gì? GS Xuân nhận xét: “Còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu các DN ứng dụng 100% máy móc vào sản xuất, thì chẳng những người dân không được lợi mà còn kế sinh nhai, thất nghiệp”
Ông lấy ví dụ: Bầu Đức trồng hàng nghìn ha mía, ngô nhưng chủ yếu sử dụng máy từ làm đất, trồng, chăm bón, thu hoạch, phơi sấy… và chế biến thành phẩm. Rất ít người nông dân được tham gia vào chuỗi sản phẩm của họ. Mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, áp dụng máy móc nhiều, kỹ thuật cao nên chi phí giảm, giá sản phẩm của các nhà máy đường của bầu Đức mới rẻ và khi nhập đường về Việt Nam, đường của Hoàng Anh Gia Lai mới là nỗi khiếp sợ của các DN mía đường trong nước.
Còn theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT, triết lý cùng thắng (win – win) trong kinh doanh sẽ được ứng dụng trong nông nghiệp với sự bắt tay của doanh nghiệp – nhà nông và nhà khoa học. Theo đó, các DN hoàn toàn có cơ sở để bắt tay với người nông dân, cung ứng cho họ vốn, đất đai, công nghệ, kỹ thuật để trồng, chăn nuôi, chăm sóc và cam kết thu hoạch với mức giá thỏa thuận. Còn người nông dân yên tâm cùng DN bỏ phần tiền, công sức, tuân thủ quy trình và bán lại nguyên liệu cho DN. Triết lý cùng thắng ở chỗ DN vừa giảm một nửa chi phí đầu tư, có nguồn nhân công không phải trả tiền và đặc biệt đảm bảo được nguyên liệu cho đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, làm theo mô hình DN bắt tay nhà nông cần sự cam kết giữa chủ DN, nhà nông về mức giá thỏa thuận sao cho đảm bảo quyền lợi tương xứng cho cả hai. Thực tế, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nơi, các khu vực trồng cao su, cà phê, cây mía đường, sắn, dứa hay mới đây là nuôi bò sữa cung cấp sữa cho nhà máy…. Nhưng đã có hiện tượng, người nông dân phá bỏ hợp đồng với chủ DN, bán nguyên liệu cho chủ hàng khác với giá cao hơn nhà máy. Hoặc chủ DN bỏ mặc nguyên liệu của người nông dân khi nguyên liệu dư thừa so với công suất hoặc có xung đột giá giữa hai bên.
Tiềm năng lớn và thách thức với đại gia
Tuyên bố nuôi bò siêu lợi nhuận hơn bất động sản của Bầu Đức mới đây đã được lý giải khi sản lượng mía đường và bắp ngô khai thác năm 2014 đã cứu thua cho một năm doanh thu của ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Theo TS Sơn, có ba lý do khiến các nhà đầu tư vào nông nghiệp là nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất thực tế, đầu tư vào đây lãi ít nhưng rủi ro thấp hơn đầu tư chứng khoán, bất động sản. Thứ hai là Việt Nam ngày càng mở rộng hợp tác thương mại với các nước trên thế giới, trước mắt là có 8 hiệp định thương mại song và đa phương FTA sẽ được đàm phán và ký kết. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Thứ 3 là nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi mô hình trang trại với những vật nuôi giá trị kinh tế cao đang có siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, cái khó đầu tư nông nghiêp chính là diện tích đất, chính sách đất đai còn nhiều phức tạp. GS Xuân khẳng định: “Nông nghiệp là lĩnh vực đặc thù với số lao động đông đảo, trình độ lao động thấp, tư liệu sản xuất là đất đai liên đới đến quyền lợi của người dân. Chính vì thế, khi đầu tư nông nghiệp, nhiều DN rất ngại ở những vùng có đông dân cư, họ thường chọn những nơi xa dân, lập trang trại, đồn điền để tự làm ăn theo triết lý của mình. Tuy nhiên, nếu DN đủ niềm tin cho người nông dân, làm giàu cho mình và cho họ thì chắc chắn vấn đề hợp tác giữa người nông dân và DN sẽ đem lại rất nhiều giá trị”.
TS Sơn nói thêm: thực tế chính sách đất đai tại Việt Nam hiện còn nhiều tồn tại xoay quanh vấn đề quản lý sử dụng, quy mô, phương thức thu hồi, quy hoạch, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Chính sách chưa tạo sân chơi thông thoáng cho doanh nghiệp. Các DN muốn có đất đầu tư phải đàm phán với từng nhà nông để thuê – mua lại quyền sử dụng. Sau đó, họ không được dùng quyền sử dụng đất này đi vay, cầm cố ngân hàng để đầu tư. Như vậy cả mục đích sử dụng và giá trị tài sản đều không thuận lợi khi họ muốn đầu tư.
------------------------