Trên hai số báo ngày 10 và 11-10, Pháp Luật TP.HCM đưa tin anh Nguyễn Văn Trình (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) bắt quả tang tên trộm đang trốn trong tiệm của mình, anh gọi điện thoại báo cho trưởng ấp ba lần không được nên đã trói tên trộm lại, đánh vài cái…
Cuối cùng anh bị khởi tố hai tội bắt, giữ người trái pháp luật.
Khi đọc được tin này, nhiều người bức xúc và tỏ ra hoang mang lo sợ, nếu cứ thế này thì từ nay chẳng ai dám bắt trộm nữa, ra ngoài đường thấy người khác bị cướp, bị giật cũng không dám tham gia đuổi bắt. Có thể đây chỉ là trường hợp hi hữu, nếu cả nước ở đâu cũng như ở huyện Chợ Lách, Bến Tre thì xã hội loạn mất.
Trước hết về pháp luật, tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật là tội phạm quy định ba hành vi khác nhau nhưng do cùng tính chất nên nhà làm luật quy định chung trong một điều luật (Điều 123 BLHS).
Trở lại trường hợp của anh Nguyễn Văn Trình, anh có hai hành vi bắt và giữ người. Hành vi bắt tên trộm đang trốn trong tiệm của mình không bao giờ là hành vi phạm tội cả (nếu bắt kẻ trộm, kẻ cướp mà có tội thì xã hội loạn to). Việc bắt người này được hiến pháp và pháp luật cho phép, thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang, ai cũng có quyền bắt. Bắt thì phải trói, phải khóa tay chân lại, không ai bắt kẻ trộm, kẻ cướp lại để nó ngồi ở ghế mà không trói lại thì sao gọi là bắt.
Sau khi bắt, trói kẻ trộm, theo báo phản ánh thì anh Trình có giữ kẻ trộm ở nhà mình hơn hai giờ đồng hồ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, vì theo quy định, sau khi bắt được người phạm tội quả tang phải đưa ngay đến cơ quan công an hoặc chính quyền gần nhất. Vấn đề cần phải xác định từ nhà anh Trình đến trụ sở công an hay chính quyền thôn, xã là bao nhiêu, vùng này là nông thôn hay thành thị. Nếu có điều kiện mà anh Trình cố tình không đưa ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì là sai. Tuy nhiên, theo báo phản ánh đây là một vùng quê ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách và có lẽ do nhận thức của anh Trình là chờ công an đến mới bàn giao kẻ trộm chứ không có trách nhiệm phải đưa đến công an.
Ở nước ta có bao nhiêu người biết luật quy định là sau khi bắt được kẻ trộm thì phải đưa đến công an ngay đâu! Nếu đúng là anh Trình không biết là phải đưa ngay đến công an thì hành vi giữ kẻ trộm tuy sai nhưng chưa cấu thành tội giữ người trái pháp luật. Đó là chưa nói ở nông thôn đêm hôm khuya khoắt như thế việc cha con anh Trình không dám đưa tên trộm đến công an cũng là điều dễ hiểu. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng hành vi này chưa đáng phải xử lý hình sự. Không biết tại sao mà Công an huyện Chợ Lách làm dữ vậy. Hơn nữa, thời gian giữ kẻ trộm, tuy anh Trình có đánh vài cái theo kiểu “nhục hình” để nó phải khai ra con cái nhà ai nhưng không gây ra thương tích gì, người bị hại cũng từ chối đi giám định thì hậu quả của việc giữ người chưa nghiêm trọng. Có lẽ điều nghiêm trọng nhất trong vụ án này là cha anh Trình treo cổ tự tử vì bị cơ quan điều tra xác định là đồng phạm.
Sự việc đã rồi, thiết nghĩ chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành nên tìm cách giải quyết cho ổn thỏa; các cơ quan tố tụng ở tỉnh cũng nên vào cuộc để gỡ cho huyện.