Sáng nay 6-10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xử bị cáo Nguyễn Thị Sạnh (54 tuổi), vợ nguyên viên trưởng VKSND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, lừa đảo chiếm đoạt hơn 21 tỉ đồng của 23 người.
Tại phiên tòa, bị cáo Sạnh (được tại ngoại vì bị bệnh tim) kêu oan và trưng ra một chứng cứ mới là biên bản hòa giải của TAND huyện Chơn Thành trong vụ án dân sự đòi nợ giữa bị cáo và ba người cho vay (ba người này trong nhóm 23 nạn nhân). Từ văn bản mới được cung cấp, tòa quyết định hoãn xử để xem xét.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2009 đến ngày 31-3-2010, bị cáo Sạnh vay tiền của 23 người, lý do vay để kinh doanh xăng dầu và đáo hạn ngân hàng. Khi có tiền, bị cáo không sử dụng vào những việc như đã nói.
Dù kinh doanh không thua lỗ, không mắc nợ, ngày 4-4-2010, bị cáo đóng cửa cây xăng và tuyên bố phá sản. Sau đó, bị cáo tự tử nhưng không thành. Căn cứ vào báo cáo thuế về việc kinh doanh xăng dầu của bà Sạnh từ 2006 đến 2009, chỉ năm 2008 là lỗ không đáng kể (16 triệu đồng), còn lại đều có lợi nhuận sau thuế.
Bị cáo Nguyễn Thị Sạnh tại tòa
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 1 và 2-4, bị cáo Sạnh khai khi làm ăn thua lỗ, để trả nợ ngân hàng và nhiều người, bị cáo phải vay tiền với lãi suất cao (9%/tháng) để trả nợ và cũng là giữ uy tín cho chồng mình. Việc vay mượn bị cáo không cho chồng biết. Ông Sơn cũng nói mình không biết gì về các khoản vay của vợ.
Tuy nhiên, các nạn nhân cho rằng bị cáo đã lừa họ, tuyên bố vỡ nợ chỉ là “chiêu” để chiếm đoạt số tiền đã vay.
“Chúng tôi tin tưởng bà Sạnh làm ăn đàng hoàng, kinh doanh cây xăng, và đặc biệt là uy tín của chồng bà Sạnh (khi đó chồng bà đang giữ chức viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản, Bình Phước). Lãi suất chỉ là 2%, bà Sạnh chủ động đòi vay để cho người khác vay lại lấy lời. Những lần vay tiền đều có mặt ông chồng viện trưởng của bà.
Hồ sơ có nhiều bút lục thể hiện ông Sơn biết vợ mình vay tiền nhiều người, đồng thời cả hai có bàn bạc về các khoản nợ và thu nhập trong gia đình. Đề nghị tòa buộc hai vợ chồng cùng cùng chịu trách nhiệm trả lại tiền” – đại diện 23 người bị hại nói.
Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước đã phạt bị cáo Sạnh 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo phải một mình trả lại hơn 21 tỉ đồng cho các nạn nhân.
Theo tòa, hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng đến nhiều người, hoang mang tại địa phương, nhiều hệ lụy, đưa nhiều bị hại lâm vào cảnh bần cùng, khó khăn nên tuyên mức phạt trên.