Ngày 13-10, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận việc rút kháng cáo của bị cáo Nguyễn Minh Hà, nguyên giáo viên tiểu học Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Bình Thạnh) về phần hình phạt (xin giảm mức án) lẫn trách nhiệm dân sự.
'Thân phận ở rể như chó chui gầm chạn'
- Cập nhật : 13/10/2014
“Muốn ly thì ly, có gì đâu. Có điều em phải đưa 200 triệu đồng cho anh có vốn làm ăn, còn để dưỡng già nữa. Anh năm nay đã 51 tuổi rồi, sức khỏe đã bắt đầu yếu”.
Đó là yêu cầu mà ông HL đưa ra đối với bà KO để thương lượng chuyện ly hôn.
Phiên tòa giải quyết việc ly hôn của họ tại TAND quận Tân Bình (TP.HCM) diễn ra một cách bình lặng, không có quá nhiều đối đáp gay cấn, cũng không than khóc kể lể như cách thông thường của con người trước cuộc chia ly… Người trong cuộc không ai nuối tiếc hay níu kéo, như thể tình cảm của con người là thứ dễ tàn phai nhất theo thời gian. Hiện chỉ đứa con trai đang học đại học là mối quan tâm chung của họ mà thôi.
Bà O. dứt khoát: “Tôi không thể nào sống chung với con người này nữa!”.
Tòa, như thường lệ, vẫn phải ra sức hòa giải đoàn tụ cho những cặp đôi đã muốn đường ai nấy đi.
“Không. Tôi đã ba lần cho ông ấy cơ hội sửa đổi. Ông ấy nào có thay đổi gì đâu. Khi cho cơ hội lần ba, tôi đã báo trước, nói nếu lần này không thay đổi thì ai lo phận nấy”.
Tòa hỏi: “Thế anh L. đã làm gì mà chị không thể tha thứ?”.
Bà O. đáp: “Nhậu nhẹt”.
Ông L. giãi bày: “Đúng là tôi có uống. Nhưng cái nghề của tôi nó vậy. Tôi làm quản lý cho một quán nhậu lớn. Khách mời làm một ly, từ chối sao được! Khuya về, đã mệt mỏi lắm rồi mà cũng không yên. Vợ tôi thính mũi, tôi vừa vào tới nhà, cô ấy đã nghe hơi bia. Thế là tôi kẹt giữa hai làn đạn, vợ thì chửi, mẹ vợ thì rầy, không được yên thân”.
Tòa tiếp tục hỏi bà O.: “Nhậu xong có đánh vợ đập con không?”. “Không nhưng lớn tiếng. Hàng xóm nghe thấy, mất mặt gia đình vợ” - bà O. đáp.
Thì ra là ông L. từ sau ngày cưới đã về ở chung với gia đình bà O. Theo bà O. thì: “Nhà ổng nghèo lắm, gia đình tôi phải cưu mang từ đó đến nay. Nhà tôi có nề nếp, không bao giờ để hàng xóm phiền lòng. Ổng thì bất chấp tất cả, hành xử không nể nang ai”.
Ông L. cũng không muốn níu kéo, điều ông băn khoăn là chuyện dưỡng già vì “hơn 20 năm nay, anh đã vất vả làm lụng. Có nhiêu tiền đưa em hết rồi, chẳng giữ riêng đồng nào”…
Tòa hỏi sâu hơn về cuộc sống chung của họ. Ông L. than thở: “Ngày xưa gia đình hai bên đều nghèo. Từ khi nhà cô ấy giàu lên thì tôi bị xem thường. Thân phận ở rể như chó chui gầm chạn. Có rất nhiều chuyện tôi không muốn nói ra làm gì nữa. Chỉ biết rằng thời gian sống chung, tôi luôn dằn vặt bản thân, đang ngủ thức giấc là nghĩ ngay mình đang ở nhờ nhà vợ nên không thể tiếp tục ngủ. Đúng là người ta làm rể thì sang, còn tôi làm rể ngổn ngang trăm bề. Tôi đã bị quẳng ra khỏi nhà từ hồi đầu năm. Đuổi thì tôi đi, tôi về với cha mẹ tôi”...
Tòa nhận định bà O. đứng đơn ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng là trầm trọng, cả hai không muốn kéo dài cuộc hôn nhân. Ông L. cũng không có yêu cầu đoàn tụ. Hiện tại hai người đã ly thân. Việc ly hôn tòa nghĩ nên chấp nhận. Về khoản tiền dưỡng già theo yêu cầu của ông L., do ông không có chứng cứ để chứng minh là bà O. có sổ tiết kiệm trong thời kỳ hôn nhân nên không có căn cứ để chấp nhận.
Theo: PHƯƠNG LOAN/plo