Theo Công an TP HCM, mặc dù không liên quan đến mình nhưng nhiều cá nhân, đơn vị vẫn gửi đơn khiếu nại, tố cáo khắp nơi
Ngày 18-11, Ban Pháp chế HĐND TP HCM đã có buổi giám sát tại Cơ quan CSĐT Công an TP HCM về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, khởi tố, bắt giữ, tạm giam; công tác phòng chống tội phạm; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp trong năm 2014.
Lợi dụng quyền tự do dân chủ
Sau khi nghe Công an TP HCM báo cáo tình hình hoạt động, ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế, đặt vấn đề về việc trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân, đơn vị mặc dù không liên quan đến mình nhưng vẫn làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng và Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Theo ông Danh, Ban Pháp chế vừa nhận được đơn của 2 cá nhân cho rằng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố, tạm giam oan ông Vũ Văn Đảo (SN 1968, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc) và ông Đinh Văn Quyết (SN 1980, Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) trong vụ chìm tàu tại vùng biển Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ) vào ngày 2-8-2013.
TAND TP HCM xử lưu động một số đối tượng giết tài xế xe ôm cướp tài sản tại quận Tân Phú, TP HCM
Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM, cho biết xuyên suốt quá trình điều tra đến khi bị bắt, 2 ông Đảo và Quyết liên tục cho rằng mình bị oan. Sau khi tại ngoại thì cả 2 tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Theo đơn khiếu nại mà Ban Pháp chế và các cơ quan chức năng nhận được của 2 cá nhân cho rằng ông Đảo và ông Quyết bị oan thì 2 người này không liên quan đến vụ án.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, nhận định nhiều người lợi dụng quyền tự do dân chủ để gửi đơn khiếu nại, tố cáo khắp nơi, mặc dù không liên quan đến mình. Có những cá nhân, đơn vị không tham gia vụ án cụ thể nhưng vẫn tố cáo cơ quan điều tra khởi tố oan mặc dù quyết định đã được VKSND phê chuẩn. “Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là tố cáo qua truyền thông, báo chí. Có nhiều vụ trốn qua Campuchia, bỏ nhà theo bạn trai nhưng gia đình chưa tìm hiểu đã đến công an trình báo bị bắt cóc, báo chí đăng bài cho rằng mất tích bí ẩn…” - ông Minh nói.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP HCM, có những trường hợp vừa đọc đơn đã biết ngay không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Nguyên nhân là do người dân muốn hình sự hóa quan hệ dân sự thay vì khởi kiện ra tòa án... Việc tố cáo không đúng, thiếu cơ sở gây khó khăn cho cơ quan điều tra, mất thời gian giải quyết và báo cáo các cơ quan chức năng.
Thiếu tá Mai Văn Linh, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP HCM, cho biết trong số đơn tố cáo có trường hợp sai sự thật, đó là bà P.T.P (SN 1946, ngụ quận 1) tố cáo công an bắt oan Trần Anh Tuấn (SN 1992, cháu bà) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Công an TP HCM xác minh và kết quả cho thấy bà P. đã nhờ Huỳnh Vũ Ngọc Tài chạy án với giá 190 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình bà P. còn gửi đơn đến nhiều cơ quan truyền thông nhờ can thiệp. Dựa trên chứng cứ có được, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Anh Tuấn về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và Huỳnh Vũ Ngọc Tài tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khó đạt mục tiêu
Theo thống kê, năm 2014, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp nhận 11.482 tin báo, tố giác về tội phạm, tăng 1.748 tin so với năm 2013. Lượng tin báo 11 tháng của năm 2014 được giải quyết là 11.065, đạt 76,26%. Trong đó, số vụ không khởi tố chiếm 33,57%, thông báo đương sự khởi kiện tại tòa là 5,72% và chuyển đơn vị khác giải quyết là 5,4%.
Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định không thể nào giải quyết được 90% tin báo, tố giác của người dân theo Nghị quyết 37 của Quốc hội. “Cái khó nhất hiện nay là trong 20 ngày phải trả lời khiếu nại, tố cáo của người dân. Ở cấp quận, huyện tin báo về cướp giật, xâm hại quyền nhân thân thì giải quyết khá nhanh. Còn liên quan đến vấn đề tài sản, sức khỏe thì phải chờ kết quả giám định nên không thể giải quyết nhanh được” - ông Minh dẫn chứng.
Cũng tại buổi làm việc, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết tội phạm hình sự gắn chặt với tội phạm về ma túy. Thống kê chính thức trên địa bàn TP HCM có 19.213 người nghiện ma túy, chưa kể 5.400 người nghiện trước đây mà cơ sở dữ liệu không quản lý được. Nếu tính luôn số người này thì trên địa bàn TP có khoảng 24.400 người nghiện. Trong số này, hơn 75% người không nghề nghiệp ổn định nên có nguy cơ chiếm đoạt tài sản để thỏa mãn cơn nghiện, số khác thì vay mượn, trộm đồ gia đình đem bán...
Án trộm cắp gia tăng
Theo Công an TP HCM, năm 2014 xảy ra 5.752 vụ phạm pháp hình sự, tăng 128 vụ so với năm 2013. Các loại án đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng được kéo giảm (giết người giảm 29,7%; cướp giảm 11,3%...). Tuy nhiên, án trộm cắp tăng 4,7%, chủ yếu xảy ra tại các khu dân cư; cố ý gây thương tích tăng 4,5%; lừa đảo tăng 21,79%.
Theo: Bài và ảnh: Phạm Dũng - NLĐ