Căn nhà 185/101 Phó Cơ Điều, P.6, Q.11, TP.HCM của bà Nguyễn Thị Vọng đang bị tranh chấp thừa kế
Theo qui định của Bộ luật dân sự (BLDS), khi có tranh chấp liên quan việc thừa kế di sản thì thời hiệu tối đa để các đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (tức là thời điểm người có di sản chết). Tuy nhiên, mốc thời gian để xác định thời hiệu và cách tính thời hiệu ra sao còn nhiều rắc rối.
Từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Vọng (sinh 1948) đã sống chung với bà ngoại của mình là bà Trần Thị Kiều tại căn nhà 185/101 Phó Cơ Điều, P.6, Q.11, TP.HCM.
Năm 1967 căn nhà bị cháy, bà Vọng được các dì, cậu giúp xây lại nhà và tiếp tục cư ngụ tới nay. Tháng 5-2000, bà Vọng được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận sở hữu căn nhà nói trên.
Tuy nhiên, đến tháng 7-2001, năm anh chị em ruột của bà Vọng khởi kiện yêu cầu chia thừa kế vì cho rằng căn nhà 185/101 Phó Cơ Điều là của cha mẹ ruột của bà Vọng (chết năm 1985) để lại nên họ cũng có quyền được hưởng.
Tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) Q.11 và phúc thẩm của TAND TP.HCM, bà Vọng đều đưa ra các chứng cứ cho rằng căn nhà trên do bà ngoại của bà để lại chứ không phải tài sản của mẹ bà, việc bà Vọng cư trú ổn định, lâu dài trong căn nhà nói trên không có ai tranh chấp nên đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Hơn nữa, thời hiệu kiện tranh chấp về thừa kế căn nhà đã hết.
Tuy nhiên, cả hai phiên tòa, hội đồng xét xử đều cho rằng thời hiệu khởi kiện về thừa kế vẫn còn và buộc tuyên phát mãi căn nhà để chia thừa kế cho các anh chị em của bà Vọng theo pháp luật.
Thời hiệu khởi kiện còn hay hết?
Vấn đề thời hiệu thừa kế mà các đương sự đặt ra trong vụ án này ra sao? Trước khi có BLDS, vấn đề thời hiệu được qui định đầu tiên tại pháp lệnh về thừa kế (PLTK) cũng là 10 năm. Do thời hiệu chỉ có từ khi PLTK ra đời cho nên trong mọi trường hợp người có di sản chết trước ngày công bố PLTK (ngày 10-9-1990), theo các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS và PLTK, thời hiệu 10 năm được tính kể từ ngày 10-9-1990, tức là đến ngày 10-9-2000 thì hết hạn khởi kiện. Nếu căn cứ trên các qui định này, việc các anh chị em của bà Vọng khởi kiện đòi quyền thừa kế trên đây đã rơi vào trường hợp hết thời hiệu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tòa án xác định thời hiệu của vụ án trên vẫn còn là dựa vào qui định tại thông tư liên ngành (số 01/TTLT ngày 25-1-1999) của tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong đó, thời hiệu 10 năm được cộng thêm một khoảng thời gian là 30 tháng nữa, vì trong khoảng thời gian này quyền khởi kiện của đương sự bị trở ngại do có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm ngưng giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan vấn đề nhà - đất xác lập trước ngày 1-7-1991 (trước khi có pháp lệnh nhà ở).
Chính vì vậy, thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với mọi trường hợp người có di sản chết trước ngày 10-9-1990 được xem là đến ngày 10-3-2003 mới bị hết thời hiệu.
Tuy nhiên, thực tế việc vận dụng các văn bản hướng dẫn về cách tính thời hiệu hiện vẫn chưa thống nhất. Không phải lúc nào tòa án cũng cộng thêm 30 tháng vào thời hiệu cho tất cả các trường hợp tranh chấp. Có khi thời hiệu khởi kiện thừa kế chỉ được tính 10 năm nhưng có vụ án lại được tính thời hiệu 12 năm 6 tháng (do cộng thêm 30 tháng), những trường hợp mở thừa kế trước năm 1990 thì thời hiệu còn lâu hơn.
Câu trả lời còn bỏ ngỏ !
Theo luật sư Trương Đình Tùng, Đoàn luật sư TP.HCM, nguyên nhân chính là do cách vận dụng văn bản pháp luật chưa thống nhất. Nếu áp dụng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thi hành BLDS, khi tính thời hiệu cho các trường hợp mở thừa kế trước khi có BLDS (1996) và PLTK thì vận dụng PLTK với cách tính thời hiệu đơn giản là 10 năm kể từ ngày 10-9-1990. Ngay cả khi áp dụng thông tư liên ngành 01/TTLT/99 cũng có hai điều mục mâu thuẫn nhau, nếu hiểu theo điều này thì thời hiệu là 10 năm nhưng hiểu theo mục khác thì thời hiệu lên tới hơn 12 năm.
Hơn nữa, theo luật sư Tùng, việc tòa án cộng thêm khoảng thời gian 30 tháng vào thời hiệu xem như là khoảng thời gian đương sự gặp trở ngại khách quan trong việc khởi kiện đòi thừa kế, vì có nghị quyết của Quốc hội tạm ngưng việc thụ lý, xét xử các vụ việc này (căn cứ điều 170 BLDS) cũng chưa chính xác. Bởi lẽ nếu tòa muốn cộng thêm thời gian này vào thời hiệu thì phải có bằng chứng cho thấy trong thời gian này đương sự có khởi kiện nhưng đã không được thụ lý.
Một khi tranh chấp phát sinh mà không được các cơ quan thẩm quyền giải quyết theo pháp luật, các bên phải tự mình giải quyết với nhau sẽ để lại hậu quả tác hại như thế nào? Vấn đề này không chỉ là mối quan tâm riêng của các đương sự nhằm tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân mình mà rất cần được các cơ quan chức năng xem xét.