Rồng đá thời Lê ở bậc thềm điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long.
Chứng minh nhân dân, hộ khẩu và khai sinh vẫn có mục “quê quán” hoặc “nguyên quán”. Thông tin cá nhân này không có trên Passport vì nó có một không hai, thế giới chỉ dùng “Nơi sinh” mà thôi.
Thông tin nguyên/ quê quán cứ nhất thiết phải được đưa vào giấy tờ chắc hẳn vì nó rất hệ trọng với người Việt chúng ta. Không có quê quán hay nguyên quán là mất gốc! Song về mặt quản lý hành chính, nhân khẩu, nhân sự nó hầu như có không giá trị gì và chỉ gây phiền hà. Rất nhiều người đau đầu vì khai quê/nguyên quán của mình và cho con cháu. Công an và chính quyền hoàn toàn không có văn bản quy định chính thức quê quán/ nguyên quán là cái gì. Có mấy chỉ dẫn như sau: Quê quán là nơi sinh của cha hoặc mẹ (nếu con ngoài giá thú, “không có cha”).
Nguyên quán là nơi cha sinh ra sống lâu năm tại đó hoặc cha, ông và cụ đã sinh - sống ở đó. Ông tôi sinh - sống ở Hà Đông/ Hà Nội đẻ ra bố tôi ở Nghệ An, bố tôi sống ở đó rồi đi kháng chiến đẻ tôi ở Phú Thọ. Tôi cũng sống ở Phú Thọ, sau chuyển vào Bình Dương. Con trai tôi sống ở Bình Dương rồi đẻ ra con nó ở đó… Kết quả là theo hướng dẫn của cán bộ phường trong sổ hộ khẩu tứ đại đồng đường ở Sài Gòn nhà tôi mỗi người một quê xa lắc: Bố tôi quê Hà Nội, tôi quê Nghệ An, con tôi quê Phú Thọ và cháu tôi quê Bình Dương!
Hỏi cậu cán bộ hộ khẩu: "Vậy có kỳ quá không?". Cậu bảo: "Kể cũng hơi kỳ". "Thế nhà cậu thì khai thế nào?". "Nhà cháu cứ khai mọi người cùng một quê cho tiện. Bác cứ khai cả bốn đời quê Hà Nội cho oách".
"Vậy còn mẹ tôi, vợ tôi, con dâu và cháu dâu tôi thì sao?". "Đó là bên ngoại - người ngoài mà bác, họ phải theo họ cha nhà họ chớ!". "Nếu khai cho họ quê Hà Nội cả thì có ai đi thẩm tra không? Họ phát hiện ra khai “man” thì có bị phạt không?". "Theo cháu thì chưa có trường hợp đi xác minh quê quán của ai bao giờ nên chắc cũng chưa ai bị phạt".
Nhưng nên khai theo “quê cha - đất tổ” truyền thống. Bàn thờ gia đình thờ đến 4 đời thì đời thứ 5 có thể khai quê mới nếu thích, còn theo “đất tổ” thì mười đời nữa hậu duệ ta ở Mỹ, Úc, Pháp… có khai là quê Hà Nội cũng ổn. Hiện có các vị đi lính thợ, di cư sang Tây, ra các đảo giữa Thái Bình Dương từ đầu thế kỷ 20 vẫn khai quê/ nguyên quán là Hà Nội! Tình quê không dứt được! Nếu thống kê theo quê quán trên CMND thì sẽ có số chính xác người Hà Nội gốc. Tôi đoán phải hơn 7 triệu rất nhiều!
Chuyện người Hà Nội gốc của anh Hà Nội gốc đi vào chỗ tào lao, bế tắc. Tỉ như: Hóa ra các vua lập quốc Lý/ Trần / Lê (Thái Tổ, Thái Tông) đều là người nhập cư cả, chỉ đến đời thứ ba (Nhân Tông hay Thánh Tông chẳng hạn) các cụ mới là người Thăng Long gốc!
Nhà thơ Nguyễn Duy người Thanh Hóa đùa tôi rằng: "Trong 1.000 năm Thăng Long “nhà ông” có 600 năm Thanh Hóa “nhà tôi” đó nha!". Nghe không vô lý. Không nhẽ sáu thế kỷ hoàng tộc Thanh Hóa không đóng góp lớn vào văn hóa Hà Nội gốc? Khai quật khảo cổ thành cổ Thăng Long cho thấy có nhiều yếu tố mỹ thuật, kiến trúc Chăm, hẳn hậu duệ những nghệ sĩ, thợ thủ công hay tù binh Chăm ấy cũng đã thành người Hà Nội gốc! Lạ là bao lần cải cách hành chính không thấy ai dám đề nghị bỏ cái mục quê/ nguyên quán này đi. Chắc tại người mình rất thích tin vào những thứ không chắc chắn!
Vì sao năm chúng tôi tự hào là người Hà Nội? Không phải vì bán hàng rong và ăn vỉa hè, khéo nói và phát âm nhẹ… xin các vị du lịch, và địa phương học đừng làm méo mó, co hẹp, hạ thấp phẩm chất, giá trị “người Hà Nội gốc” chúng tôi. Hà Nội là một rừng di sản, danh nhân, chiến công, truyền thống kinh tế nông nghiệp thâm canh và hàng trăm làng nghề tinh túy nhất. Trí tuệ và tiềm lực vật chất của người Hà Nội “gốc” là do hội tụ được trí tuệ, sức mạnh của mọi miền đất nước.
Còn nữa: Phải chăng việc còn kê khai, tâm lý coi nặng gốc gác quê/ nguyên quán củng cố đạo lý nhớ nguồn mà cũng vô tình khuyến khích bệnh địa phương chủ nghĩa, bè phái, kỳ thị nhập cư gây khó cho phát triển xã hội và chuyển dịch dân cư. Ẩu đả trên bàn nhậu vì pha tiếng và chọc quê (cha) đất tổ của nhau chưa hề thuyên giảm!