Việc ồ ạt xây dựng các dự án thủy điện trong vòng 10 năm qua ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với đời sống người dân. Ảnh: Đ.K
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có mật độ các dự án thủy điện trên các lưu vực sông cao nhất cả nước, trong khi các chủ đầu tư xem nhẹ yếu tố môi trường và xã hội. Hậu quả là người dân khu vực này gánh chịu nhiều thiệt hại, tổn thương do những hệ lụy mà thủy điện gây ra.
Thiếu ăn, thiếu đất, thiếu việc làm
Ngày 28.10, “Diễn đàn nhân dân” với chủ đề “Thủy điện miền Trung - Tây Nguyên Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh TT - Huế phối hợp với tổ chức Mạng lưới sông ngòi VN (VRG) tổ chức tại TP.Huế.
Nhiều nghiên cứu trên các phương diện khác nhau đã phác họa một cách toàn diện, về những tác động tích cực và tiêu cực của các dự án (DA) thủy điện đến đời sống người dân tại các địa phương, nơi trước đó họ đã nhường đất để phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện. Tại TT - Huế, theo khảo sát của nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TT - Huế) về những tác động xã hội của thủy điện A Lưới đã nêu lên đến 22 tác động tiêu cực.
Người dân mất rừng, mất và thiếu đất sản xuất, đền bù không thỏa đáng, thiếu nước sinh hoạt, nhà tái định cư xuống cấp… Cuộc sống tươi đẹp mà chủ đầu tư hứa hẹn với người dân trước khi nhường đất giờ chỉ là thảm cảnh “ngày một nghèo đi”. “Đất không có, nếu có thì quá xấu - trồng cây không lên, đi làm thuê - nhưng cũng không có nhiều tiền như trước, cuộc sống càng lúc càng khó khăn hơn”, đó là tâm sự của phần lớn người dân khu tái định cư Bồ Hòn (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, TT - Huế) sau 6 năm đi tái định cư nhường đất cho dự án nhà máy thủy điện Bình Điền.
Tại tỉnh Quảng Nam, tình hình còn bi đát hơn. Bà Lâm Thị Thu Sửu - Trưởng ban điều hành VRG - dẫn ra một nghiên cứu, trao đổi với người dân thôn 2 (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) tái định cư nhường đất cho dự án thủy điện Đắk Mi 4 năm 2009. Thôn có 41 hộ, 94% là người dân tộc M’Nông và 100% là hộ nghèo với mức thu nhập chưa tới 500.000/người/tháng.
Người dân khi tái định cư được cấp 400m2 đất ở, vườn. Được xây ngôi nhà 70 triệu đồng, nhưng lại không có cốt thép, nóng, ẩm không thể ở được. Thiếu đất sản xuất, nhiều hộ dân đang sống trong cảnh chạy ăn từng bữa. Còn 25 hộ dân thôn Nước Lang (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) vẫn 100% là hộ nghèo. Người dân bức xúc cho rằng từ ngày chuyển đi tái định cư, cuộc sống khó khăn hơn. Đ
ất rẫy được cấp quá xa, phải leo dốc 2 giờ đồng hồ mới tới nơi, nên hầu hết bỏ đất được cấp và chuyển sang phát rẫy chui ở những khu vực gần nhà. Tuy nhiên, người dân nơm nớp lo sợ, vì nếu bị chính quyền địa phương phát hiện vi phạm 2 năm liên tiếp sẽ phải đi… ở tù. Người dân phản ánh, kiến nghị gửi lên các cấp, nhưng sự quan tâm thì vẫn chưa thấy đâu.
Tiếng nói của người dân chưa được lắng nghe
Ông Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ - cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có mật độ thủy điện trên các lưu vực sông cao nhất nước (150 thủy điện lớn nhỏ đã và đang triển khai xây dựng). Mặc dù đóng góp gia tăng năng lượng quốc gia là điều không thể phủ nhận, nhưng trong 5 năm trở lại đây, thủy điện đã gây nhiều tranh cãi khi xuất hiện ngày càng nhiều hệ lụy tiêu cực về mặt môi trường, xã hội, tác động đến người dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo ông Tuấn thì có rất nhiều nguyên nhân để lý giải, song cốt yếu nhất là do tình trạng ồ ạt xây dựng thủy điện, trong khi các khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, xã hội và phê duyệt chưa chặt chẽ, đôi lúc rất hình thức. Chủ đầu tư xem nhẹ các yếu tố môi trường và xã hội, mà người dân địa phương là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và dễ tổn thương nhất. “Thủy điện tạo nhóm hưởng lợi và bất lợi. Và nhóm bất lợi đang chiếm số đông” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Bà Lâm Thị Thu Sửu - Trưởng ban điều hành VRG - cho rằng, thủy điện không hề rẻ, vì còn nhiều chi phí môi trường và xã hội liên quan đến các dự án thủy điện đã không được ước tính, đầu tư đầy đủ. Người dân di dời nhường đất cho thủy điện gặp nhiều khó khăn về sinh kế, văn hóa ở nơi ở mới, đặc biệt là đất đai không đáp ứng được nhu cầu sản xuất lương thực tối thiểu.
Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được xây dựng, nhưng không chính xác với thực tế, mà chỉ mang tính thủ tục, đối phó. Các cam kết bảo vệ môi trường hầu như không được thực hiện. “Điều này dẫn đến việc cộng đồng dân cư ở khu vực sông có thủy điện, gồm cả người dân sống ở hạ du phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thế nhưng, tiếng nói của họ chưa được lắng nghe trong quá trình quy hoạch, phê duyệt và thực hiện dự án thủy điện” - bà Sửu nhấn mạnh.