“Muốn ly thì ly, có gì đâu. Có điều em phải đưa 200 triệu đồng cho anh có vốn làm ăn, còn để dưỡng già nữa. Anh năm nay đã 51 tuổi rồi, sức khỏe đã bắt đầu yếu”.
"Lạnh người" những chuyến đò kéo qua dòng Mã Đà hung hãn
- Cập nhật : 12/10/2014
Ông lái cầm mái chèo khua mạnh, chiếc đò chòng chành quay ngang. Người thanh niên đứng phía trước cầm sợi dây thừng dạng chân kéo mạnh hướng đò sang bờ bên kia. Dòng nước đỏ ngầu với những cuộn xoáy hung hãn "rít" lên như chực vồ lấy người qua sông...
Những con suối từ vùng thượng nguồn thuộc tỉnh Đắk Nông và Bình Phước tụ họp lại tạo nên dòng sông Mã Đà trước khi đổ ra sông Bé rồi nhập với sông Đồng Nai ra biển. Dòng Mã Đà ngoằn ngoèo luồn lách giữa những cánh rừng và nương rẫy bạt ngàn là ranh giới phân định giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Về mùa khô sông cạn trơ đáy, nhiều điểm người dân có thể đi bộ qua mà không ướt đến gót chân. Nhưng về mùa mưa, với thế đất dốc, nước từ thượng nguồn mang theo phù sa của đất đỏ ba-zan cuộn chảy, cuốn phăng tất cả những vật cản đường.
Trước chiến tranh chống Mỹ, trên dòng Mã Đà có cây cầu bắc qua nối tỉnh lộ 768 của Đồng Nai và tỉnh lộ 322 của Bình Phước. Nhưng những trận mưa bom từ quân thù lên chiến trường Chiến khu D đã đánh sập cây cầu. Đến nay, những mố cầu vẫn đứng sừng sững giữa dòng nước như minh chứng của lịch sử, nhưng nó cũng gợi lên sự tiếc nuối cho người dân hai bên bờ về sự tiện lợi của chiếc cầu.
Ông Tân Ưng Nhỏ (54 tuổi, ngụ tại xã Tân Hòa, Đồng Phú) cho biết: “Với bề rộng khoảng 30m của dòng sông, người dân thuộc 2 huyện Đồng Phú và Vĩnh Cữu có thể đứng bên này nói chuyện với bên kia. Nhưng do dòng Mã Đà cách trở nên muốn thông thương với nhau chúng tôi phải đi đường vòng lên tới cả trăm cây số. Hơn 20 năm trước, bà con hai bên bờ bắc cây cầu tạm qua sông nhưng chỉ đi được mùa khô còn khi mùa mưa lũ về thì cây cầu bị dòng nước cuốn trôi”.
Để giúp việc đi lại của bà con được tiện lợi, vợ chồng ông Võ Trung Thành (52 tuổi) và bà Huỳnh Thị Dung (49 tuổi, sống ngay bên sông thuộc xã Tân Hòa) đã đóng con đò nhỏ đưa người sang sông vào mùa nước lớn. “Ông Thành cho biết, con đò hiện đang hoạt động của gia đình tôi diện tích rộng 2,4m dài 6,5m có thể chở được cùng lúc khoảng 6 xe gắn máy và 10 người qua sông. Mỗi lần qua sông tôi chỉ lấy tiền phương tiện của bà con 10 nghìn đồng còn đi người không thì miễn phí”.
Qua tìm hiểu từ chính quyền địa phương được biết, bến đò của vợ chồng ông Thành là bến đò tự phát cả phương tiện lẫn người điều khiển đều không có phép. Trước đây, bến đò đã bị cấm hoạt động vì không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do tính tiện lợi nên mỗi ngày có tới hàng trăm lượt người hai bên bờ sang sông nên bến đò bất đắc dĩ được hoạt động trở lại. Chính quyền địa phương đã yêu cầu ông Thành phải kiểm tra định kỳ con đò đồng thời trang bị áo phao cho người qua sông.
Tuy khách qua đò có chiếc áo phao khoác trên mình nhưng với tốc độ dòng chảy quần cuộn của dòng nước mùa lũ, khó có thể biết được chuyển gì sẽ đến nếu rủi ro xảy ra. Thêm vào đó, kiểu qua sông của con đò này khiến mọi người không khỏi rùng mình ớn lạnh. Con đò của ông Thành không có máy đẩy, để qua sông ông đã giăng một sợi dây cáp nhỏ cố định vào thân cây hai bên bờ. Dây cáp nối với đò bằng sợi dây thừng mỏng manh, một sợi dây thừng khác cũng được giăng ngang sông cố định vào các gốc cây nhưng thả chùng sát mặt nước.
Mỗi chuyến qua sông, ông Thành cầm mái chèo đẩy vào bờ đất cho đò lao ra dòng nước rồi dùng mái chèo khua mạnh, chiếc đò chòng chành quay ngang. Người thanh niên được ông thuê kéo đò đứng phía trước cầm sợi dây thừng dạng chân kéo mạnh theo từng sải tay, hướng sang bờ bên kia. Mỗi chuyến đò với trên dưới 10 sinh mạng và tài sản ngày qua ngày vẫn liều mình bấu víu vào sợi dây thừng mong manh và đôi chân đứng trụ của người thanh niên.
“Trước đây khi chưa có con đò này, mỗi lần mang nông sản lên chợ Đồng Xoài bán, tôi phải chạy cả trăm cây số, nhờ qua đò tôi chỉ chạy khoảng 30 cây. Dù biết rằng qua sông thế này là rất nguy hiểm nhưng bà con chúng tôi đành phải đánh liều” - anh Trần Ngọc Minh, người dân thuộc xã Mã Đà, Vĩnh Cữu cho biết.
Mơ ước có được cây cầu để nối đôi bờ của bà con nơi đây có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực bởi phía tả ngạn của dòng sông Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa của tỉnh Đồng Nai. Dự kiến sắp tới tỉnh Đồng Nai sẽ đóng cửa tỉnh lộ 768 để giảm thiểu những tác động từ con người đến thiên nhiên trong khu bảo tồn.
Vân Sơn - Theo: Dân Trí