Tiền Phong nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Đăng Thương, làm nghề lái xe, phản ánh việc ông bị một số cán bộ hải quan và công an chặn xe, còng tay, áp giải từ Quảng Ninh về Hưng Yên, với lý do “có tin báo trên xe có ma túy”.
Ông Thương đang trình bày sự việc
Đơn kêu cứu của lái xe
Đơn của ông Thương (SN 1967, trú tại An Dương - Hải Phòng) trình bày: Ngày 30/8/2014, ông được ông Bùi Thế Lân (SN 1958, trú tại Lê Chân - Hải Phòng) thuê chở hàng từ Hải Phòng ra Móng Cái - Quảng Ninh bằng xe tải Hyundai BKS 15C - 04396. Giao hàng ở Móng Cái xong, hôm sau trên đường về, ông Thương dừng ở thị trấn Hải Hà, xếp hàng ông Lân mua ở chợ Hà Cối.
Theo ông Thương, khoảng 15h ngày 31/8/2014, xe ông về đến TP Cẩm Phả thì bị 3 xe biển trắng chạy cùng chiều ép vào lề đường. Những người đi trên 3 chiếc xe (có cả sắc phục công an, hải quan) yêu cầu ông xuống xe với lý do “có tin báo trên xe có ma túy”. Ông Thương xuống xe, họ liền lục túi quần ông, thu giữ 2 chiếc điện thoại, rồi khóa tay ông bằng còng số 8, ép ông lên xe của họ. Họ lái xe ông Thương đi trước, xe chở ông Thương theo sau.
Vẫn theo ông Thương, đoàn xe quay ngược, vòng qua Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội. Khoảng 23h30’, xe của ông Thương được đánh vào kho hàng của Quản lý thị trường (QLTT) Hưng Yên. Bấy giờ ông Thương mới được trả điện thoại, yêu cầu báo cho chủ hàng sáng hôm sau đến làm việc.
Trình bày của chủ hàng
PV Tiền Phong gặp ông Bùi Thế Lân, chủ hàng, ông Lân trình bày: Trên xe ông Thương lái hôm đó có nhiều loại hàng như vải vóc, xe đạp điện, loa thùng, đồ chơi trẻ em… Số hàng này ông Lân và một số người khác mua tại chợ Hà Cối. Xếp hàng xong ông Thương đi trước, ông Lân bận việc đi sau. Việc người và hàng bị bắt giữ tại Cẩm Phả, ông Lân không trực tiếp chứng kiến.
Được ông Thương gọi điện báo, sáng 1/9/2014, ông Lân có mặt tại Đội QLTT số 11 tỉnh Hưng Yên, mang theo hóa đơn mua hàng tại chợ Hà Cối. Có 2 cán bộ hải quan lập biên bản thu giữ số hóa đơn này.
“Ngày 15/10/2014, Đội QLTT số 11 tỉnh Hưng Yên ra thông báo kết quả xác minh” - ông Lân kể - “Họ thừa nhận chúng tôi có mua hàng của một số tiểu thương chợ Hà Cối, song cho rằng số hóa đơn của các tiểu thương này không hợp pháp. Họ ra quyết định xử phạt hành chính, tịch thu lô hàng của chúng tôi. Hiện tôi đang khiếu nại quyết định này”.
Quản lý thị trường Hưng Yên nói gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Tùng Lâm - Quyền Chi cục trưởng QLTT tỉnh Hưng Yên - cho biết: Việc bắt giữ người và hàng hôm 31/8/2014 do Tổng cục Hải quan phối hợp Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17) Bộ Công an thực hiện, QLTT Hưng Yên không tham gia. Theo ông Lâm, vụ việc đang được Công an Hưng Yên báo cáo Bộ Công an, xem xét có dấu hiệu hình sự không.
Ông Bùi Quý Khánh, Đội trưởng Đội QLTT số 11 tỉnh Hưng Yên cho biết thêm: “Việc xác minh lô hàng trên xe ông Thương do PC46 Công an Hưng Yên tiến hành. Sau khi cơ quan này có kết luận, chúng tôi mới tiếp nhận hồ sơ để xử phạt hành chính”.
Ông Khánh khẳng định, QLTT Hưng Yên không có ai tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành hôm 31/8/2014. “Sau khi chủ hàng có khiếu nại, chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho Chi cục QLTT tỉnh, để cấp trên xử lý” - ông Khánh nói.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Việc ông Lân có “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” hay không, cần chờ kết quả giải quyết khiếu nại. Vấn đề cần bàn trong bài báo này, đó là thủ tục chặn xe, khám xét, bắt giữ người và hàng hóa chưa đúng quy định pháp luật.
Qua nghiên cứu hồ sơ, PV Tiền Phong nhận thấy việc ông Thương bị chặn xe, giữ hàng ngày 31/8/2014 tại TP Cẩm Phả là đúng sự thật. Tuy nhiên, biên bản và quyết định tạm giữ hàng và phương tiện ngày 2/9/2014 mới được lập và ban hành bởi Đội QLTT số 11 tỉnh Hưng Yên (không phải hải quan hay công an); thông báo kết quả xác minh cũng do Đội QLTT này ban hành. Có thể thấy trong vụ việc này không chỉ có sự “lẫn lộn” về thẩm quyền (hải quan kiểm tra hàng hóa, công an xác minh, QLTT kết luận và xử phạt hành chính), mà thủ tục tạm giữ hàng hóa và phương tiện cũng không tuân thủ đúng Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Riêng việc ông Thương tố cáo bị còng tay, áp giải từ Cẩm Phả về Hưng Yên, việc này (nếu có) đã xâm hại đến quyền công dân của ông Thương, có dấu hiệu của hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật”. Ông Thương đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, song chưa được trả lời.
“Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều này để xem xét ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ”.
(Trích khoản 4 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính)