Cả 75 phiên tòa, phần thắng đều thuộc về người dân. Chuyện xảy ra ở UBND huyện Tân Trụ (Long An).
Khai tử... mẹ đẻ, mẹ chồng để nhận tiền tuất
- Cập nhật : 07/10/2014
Vì hơn 63 triệu đồng mà bà Lê Thị Thúy Mùi đã để cho cả mẹ đẻ và mẹ chồng mình "qua đời" - dù cả hai mẹ đều đang sống khỏe.
Bà Lê Thị Thúy Mùi (53 tuổi, ngụ thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã khai tử mẹ chồng Nguyễn Thị Tám (78 tuổi, ở cùng thôn) và mẹ đẻ Lê Thị Vịnh (85 tuổi, ở xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) khi các cụ đang sống khỏe.
Bà Mùi khai tử cả hai người mẹ để được nhận hơn 63 triệu đồng tiền tuất một lần sau khi ông Phạm Văn Việt - cán bộ hưu trí, chồng bà - qua đời.
Ở tuổi 78, cụ Nguyễn Thị Tám còn khỏe, đi lại nhanh nhẹn và hoàn toàn minh mẫn. Cụ cho chúng tôi xem chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để khẳng định việc cụ còn sống là có thật.
“Tôi có ba người con trai. Người con trưởng tên Phạm Văn Việt, sinh năm 1959, là cán bộ hưu trí, nhưng đã qua đời ngày 9-3-2013” - cụ Tám kể.
Ông Phạm Văn Công, con trai cụ Tám và là em trai ông Việt, bộc bạch: “Tôi là con út. Tôi ở cùng bố mẹ từ nhỏ. Mẹ tôi còn sống sờ sờ ra đây, vậy mà sau khi anh trai tôi chết, chỉ vì chế độ tuất một lần mà chị dâu tôi nỡ khai tử cả mẹ tôi”.
Theo bà Phạm Thị Chung - con gái cụ Tám, khoảng mười tháng sau ngày anh trai bà mất, bà có hỏi chị dâu Lê Thị Thúy Mùi về việc làm thủ tục để mẹ được hưởng tiền tuất hằng tháng.
“Lúc tôi hỏi thì chị Mùi nói đã nhận tiền tử tuất một lần rồi. Khi đó mới vỡ ra chị khai mẹ đã chết” - bà Chung kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong bản khai gửi bảo hiểm xã hội khi làm thủ tục hưởng chế độ tuất, bà Mùi khai cha mẹ đẻ của mình và cha mẹ chồng đều đã chết. Bản khai này đã được ông Nguyễn Đăng Thọ - phó chủ tịch UBND xã Dục Tú - ký, đóng dấu xác nhận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thọ xác nhận cụ Tám vẫn đang sống khỏe tại thôn Đồng Dầu.
Khi xem lại bản khai làm thủ tục hưởng chế độ tuất của bà Mùi gửi UBND xã Dục Tú trong đó ghi rõ cụ Nguyễn Thị Tám, cụ Lê Thị Vịnh đã mất, trang sau có chữ ký của lãnh đạo xã và dấu đỏ của UBND xã Dục Tú, ông Thọ thừa nhận: “Đúng chữ ký đó là của tôi, con dấu đóng trên bản khai là của UBND xã”.
“Khi trình lên tôi ký thì toàn bộ ô nghề nghiệp của những người bị khai trong bản khai đều bỏ trống. Sau này làm việc với xã, bà Mùi thừa nhận đã thêm vào bản khai thông tin mẹ chồng là cụ Tám và mẹ đẻ là cụ Vịnh đã mất. Tức là thông tin khai cụ Tám, cụ Vịnh mất được điền vào bản khai sau khi xã đã ký và đóng dấu xác nhận” - ông Thọ nói.
“Chúng tôi có thiếu sót là không gạch chéo những ô còn bỏ trống trước khi xác nhận và đóng dấu. Hoàn toàn không có chuyện tư lợi hay cấu kết để xác nhận bừa” - ông Thọ khẳng định.
Sẽ trả lại tiền trong 6 tháng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Mùi thừa nhận mình làm sai tất cả.
“Cuộc sống của tôi vất vả lắm. Tôi chỉ nghĩ rằng khai mẹ chồng và mẹ đẻ đã mất thì được nhận tiền tuất một lần, với lại các cụ cũng đã đồng ý cho nhận một lần để lo việc. Tôi đâu hiểu việc làm đó là vi phạm pháp luật” - bà Mùi bộc bạch.
Bà Mùi nói do thiếu hiểu biết, khi làm chế độ tuất thấy những người đến bảo hiểm làm thủ tục mách khai bố mẹ đã mất sẽ được lĩnh “một cục” nên điền thêm thông tin đã mất vào bản khai đã được xã đóng dấu.
Bà Đỗ Thị Tuyết Nga, giám đốc BHXH huyện Đông Anh, cho biết do hoàn cảnh gia đình bà Mùi rất khó khăn, BHXH TP chấp thuận cho bà Mùi trả lại số tiền nhận sai trong sáu tháng tới.
Bà Nga khẳng định trong sáu tháng tới, khi bà Mùi trả đủ số tiền, BHXH TP Hà Nội sẽ chi trả truy lĩnh tiền trợ cấp tuất hằng tháng cho cụ Tám và chuyển hồ sơ vào BHXH Thanh Hóa để chi trả cho cụ Vịnh.Xuân Long
Theo: Xuân Long-Hồng Thái//TT