Viện KSND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vừa có cáo trạng truy tố 8 người cưa 12 cây keo lai, với tổng thiệt hại 10,6 triệu đồng về tội “hủy hoại tài sản”.
Khu vực này không còn dấu tích rừng mà thay vào đó là nhà ở, nhà xưởng... - Ảnh: Hoàng Tuấn
Ông Nguyễn Tồn Chí bên gốc cây bị đốn hạ dẫn đến việc khởi tố, bắt giam
8 bị can bị truy tố ra trước tòa gồm Đinh Trọng Thúc (48 tuổi), Nguyễn Thị Anh (42 tuổi, vợ Thúc), Vũ Thị Mộng Thu (49 tuổi), Nguyễn Tồn Chí (52 tuổi, chồng Thu), Ngô Quang Tuyên (35 tuổi), Vũ Thị Mộng Huyền (42 tuổi, em ruột Thu), Đỗ Thị Le (64 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hường (24 tuổi, tất cả đều ngụ tại TP.Biên Hòa).
Trong số này, chỉ có Nguyễn Tồn Chí, Đỗ Thị Le và Nguyễn Thị Anh được tại ngoại, 5 người còn lại đều bị bắt tạm giam vào ngày 5.7.2014.
Cưa 12 cây keo lai
Theo cáo trạng, ngày 26.10.1992, Trạm trồng rừng Biên Hòa (nay là Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa) ký hợp đồng với ông Ngô Văn Y. (ngụ P.Tân Hòa) trồng và chăm sóc bảo vệ rừng với diện tích 1 ha (0,22 ha đất trống thuộc lô 129 và 0,78 ha đất trồng rừng thuộc lô 104 - tương đương 10.000 m2). Năm 2001, Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa khai thác và trồng lại keo lai trên diện tích lô 129 và 104. Đến ngày 4.12.2001, ông Y. chuyển nhượng lại hợp đồng cho Nguyễn Đức H. (ngụ P.Tân Hòa) để tiếp tục chăm sóc và hưởng lợi sản phẩm.
Đến năm 2005, ông H. sang nhượng cho ông Nguyễn Thiện Hùng (ngụ P.Long Bình) diện tích 1.008 m2; sang nhượng cho vợ chồng bà Vũ Thị Mộng Thu và Nguyễn Tồn Chí 4.800 m2 với giá 260 triệu đồng; sang nhượng cho vợ chồng ông Đinh Trọng Thúc và Nguyễn Thị Anh 243 m2 với giá 100 triệu đồng (tất cả đều bằng giấy tờ viết tay). Đến năm 2006, vợ chồng Thu và Chí sang nhượng (cũng bằng giấy tờ viết tay) cho Đỗ Thị Le 499,5 m2 với giá 150 triệu đồng; sang nhượng cho Nguyễn Quang Tuyên 270 m2 với giá 100 triệu đồng; sang nhượng cho Vũ Thị Mộng Huyền 150 m2 với giá 20 triệu đồng.
Ngày 13.10.2013, Thúc, Thu, Chí, Tuyên, Huyền, Le, Anh và Hường đến cưa 12 cây keo lai có độ tuổi trên 12 năm để dọn đất thì bị Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa phát hiện, lập biên bản và chuyển cho Cơ quan CSĐT xử lý. Qua trưng cầu giá trị tài sản bị hủy hoại, Phòng Tài chính kế hoạch TP.Biên Hòa kết luận 12 cây keo lai trị giá trên 10,6 triệu đồng. Ngày 4.3.2014, Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản”; đến ngày 7.5.2014 thì khởi tố 8 bị can nêu trên.
“Nhiều người cũng chặt cây, cũng mua bán”
Sau khi bị khởi tố, ông Nguyễn Tồn Chí, bà Đỗ Thị Le, bà Nguyễn Thị Anh có đơn gửi đến nhiều nơi kêu cứu.
Theo ông Chí, có khoảng 30 ha đất rừng do Trạm trồng rừng Biên Hòa ký hợp đồng với các hộ dân trồng rừng từ cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Đến năm 2000 thì khu vực “biến” thành đại công trình nhà xưởng của nghề mộc, tình trạng mua bán đất lâm trường bằng giấy tay tràn lan, đốn cây làm nhà cửa… nhưng không ai ngăn chặn.
Ngày 17.10.2014, có mặt ở khu vực KP.8, P.Long Bình, chúng tôi chứng kiến nơi đây không còn dấu tích gì liên quan đến rừng, mà thay vào đó là hàng trăm căn nhà, hàng chục nhà xưởng mọc lên khắp nơi. Theo hồ sơ, Trạm trồng rừng Biên Hòa được giao quản lý khu vực Long Bình với diện tích 314 ha. Trạm đã ký 55 hợp đồng giao khoán trồng rừng với diện tích 159,04 ha. Từ năm 2013, Thanh tra tỉnh Đồng Nai cũng đã phát hiện có 8 hợp đồng ở khu vực KP.8, P.Long Bình chuyển nhượng trái phép với diện tích gần 20 ha.
“Ở đây có hàng ngàn hộ dân cũng mua bán như 8 chị em chúng tôi, họ cũng chặt cây tràm trên đất đã mua nhưng không ai bị bắt giữ. Vậy mà cuối năm 2013, gia đình, anh chị em chúng tôi đốn 12 cây tràm còn sót lại trên đất, lại bị bắt giam là một điều không bình thường”, ông Chí nói.
Chưa làm rõ mỗi bị can gây thiệt hại bao nhiêu
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa, sau khi thu giữ 24 cây keo lai (có thêm 12 cây của một hộ dân khác), vào ngày 7.5.2014 Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa đã đem bán cho ông Nguyễn Phú Đ. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) với giá trên 21 triệu đồng. Qua trưng cầu giám định, ngày 25.5.2014, Phòng Tài chính kế hoạch TP.Biên Hòa, kết luận 24 cây keo lai bị cưa, chặt có tổng giá trị 21.053.000 đồng. Trong đó, 12 cây mà 8 bị can nêu trên đốn hạ, trị giá 10.694.167 đồng.
Luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn luật sư Hà Nội (người bào chữa cho 8 bị can nêu trên), cho rằng theo quy định của pháp luật thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý hư hỏng tài sản có giá trị 2 triệu đồng trở lên mới đủ dấu hiệu của tội danh “hủy hoại tài sản”. Mỗi gia đình của nhóm bị can đều độc lập, chặt cây thì cần phải xác định thiệt hại (nếu có) cho riêng từng cá nhân. Hơn nữa, khi xác định thiệt hại cũng cần phải tính giá trị cây trước khi bị cưa hạ là bao nhiêu? Bán ở trên khu vực trên (chưa tính công cưa hạ) thì bao nhiêu?...