Trong đơn tố cáo gửi Báo Lao Động mới đây, ông Vũ Văn Tấn - Trưởng phòng quản trị thông tin, Trường ĐH Hoa Sen (ĐH Hoa Sen) - bức xúc viết: “Hiệu trưởng nhà trường đã quyết định miễn nhiệm công việc trưởng phòng và điều chuyển tôi làm chuyên viên Phòng quản trị thông tin mà không có sự thỏa thuận theo quy định của pháp luật lao động”.
Anh Tấn bức xúc trình bày với PV Báo Lao Động.
Ông Vũ Văn Tấn giao kết HĐLĐ lần 2 (thời hạn 24 tháng) với ĐH Hoa Sen ngày 12.12.2012, với chức vụ là Trưởng phòng quản trị thông tin của nhà trường. Trong quá trình làm việc, ông Tấn luôn hoàn thành nhiệm vụ, chưa từng bị xử lý kỷ luật. Ngày 2.8, ông Tấn tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen với vai trò là người hỗ trợ kỹ thuật. Ngay sau đó, ngày 4.8, ĐH Hoa Sen có cuộc họp “tạm đình chỉ công việc và chức vụ với ông Vũ Văn Tấn”. Theo biên bản cuộc họp này, ông Đỗ Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, ông Tấn vi phạm một số điểm trong nội quy lao động của Trường ĐH Hoa Sen. Sau đó, Trường ĐH Hoa Sen quyết định tạm đình chỉ công việc của ông Tấn thời hạn 90 ngày.
Trong thời gian ông Tấn đang thực hiện quyết định tạm đình chỉ công việc, đột nhiên, ngày 29.10, bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - đã ký Quyết định số 1173/QĐ-NS miễn nhiệm công tác Trưởng phòng quản trị thông tin của ông Tấn. Đồng thời cùng ngày này, bà Phượng cũng ký Quyết định số 1174/QĐ-NS phân công ông Tấn đảm nhiệm công tác chuyên viên Phòng quản trị thông tin kể từ ngày 4.11. Điều khá ngạc nhiên, dù ông Tấn là NLĐ giao kết làm việc với ĐH Hoa Sen bằng HĐLĐ, có nghĩa là phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động, nhưng trong 2 quyết định của bà Phượng lại chỉ căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng, UBND TPHCM và quy chế nội bộ của ĐH Hoa Sen, mà không đề cập tới những căn cứ của pháp luật lao động.
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã liên hệ với ĐH Hoa Sen và được bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Trưởng phòng nhân sự (được sự ủy nhiệm của Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen) - giải thích: ĐH Hoa Sen miễn nhiệm chức vụ và chuyển công việc của ông Tấn dựa trên quy chế hoạt động của trường ĐH tư thục và của quy chế của ĐH Hoa Sen. Theo các quy chế này thì hiệu trưởng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các trưởng phòng và những người giúp việc cho hiệu trưởng. Đồng thời, bà Huệ cũng cho rằng: “Việc miễn nhiệm chức vụ trưởng phòng cũng không cần phải đưa ra lý do, mà chỉ dựa trên cơ sở theo yêu cầu công tác, năng lực của cán bộ và không có hạn chế về mặt pháp lý nào trong việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm các chức danh này”. Bà Huệ khẳng định: “Chúng tôi không xác định là kỷ luật lao động với ông Tấn mà chỉ là miễn nhiệm. Bởi khi cách chức NLĐ phải thành lập hội đồng kỷ luật và họ phải có những sai phạm nào đó theo quy định của Bộ luật Lao động”.
Tuy nhiên, theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định 61/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hiệu trưởng trường đại học tư thục có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, giảng viên, CNV và người học theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là hành xử của hiệu trưởng đại học tư thục phải dựa trên các quy định của pháp luật, chứ không được tùy tiện. Và trong trường hợp này, do ông Tấn là NLĐ, thì ĐH Hoa Sen phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý. Mà trong các quy định của pháp luật về lao động lại không hề có quy định “miễn nhiệm” như ĐH Hoa Sen đã áp dụng. Phải chăng ĐH Hoa Sen đã có sự nhầm lẫn khi áp dụng sai nguồn luật khi xử lý NLĐ?