Nhiều người nuôi cá tra lâm cảnh nợ nần, phải chuyển sang nuôi các loại cá khác hoặc “treo” ao bỏ nghề và bị ngân hàng xiết nợ.
Ông Hạp thẫn thờ bên ao cá sau khi bị TAND tỉnh An Giang phạt tù - Ảnh: H.N.Bình
Nguyên nhân chính không chỉ do nuôi lỗ, mà còn bị các doanh nghiệp (DN) thu mua lừa đảo, thậm chí quỵt tiền.
Ngày 5-11-2014, TAND tỉnh An Giang xử phạt La Văn Hạp (44 tuổi, ngụ ấp Hòa An, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Văn Bòn (44 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú) 7 tháng 24 ngày tù (bằng thời gian bị tạm giam) cùng tội danh “bắt, giữ người trái pháp luật”.
Quỵt nợ
Theo hồ sơ vụ án, thông qua môi giới của Trần Văn Minh (thị trấn Vịnh Tre, huyện Châu Phú), ngày 9-11-2013, Nguyễn Hoàng Phước, giám đốc Công ty TNHH MTV Phước Phát Lợi (P.9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), đến xã Hòa Lạc ký hợp đồng mua 120 tấn cá tra của ông La Văn Hạp với giá 23.000 đồng/kg.
Phước thỏa thuận trả cho ông Hạp 1 tỉ đồng ngay sau khi cân cá và sẽ trả hết số tiền còn lại sau 30 ngày.
Tuy nhiên, sau khi cân trên 110 tấn cá trị giá hơn 2,5 tỉ đồng, Phước không ký nhận mà nhờ Minh ký thay. Sau đó, Phước trả cho ông Hạp nhiều lần tổng cộng 850 triệu đồng, rồi tìm cách né tránh để quỵt nợ.
Nên ký hợp đồng “tay ba”
Luật sư Hứa Hoàng Chấn, trưởng văn phòng luật sư Đức Thắng thuộc Đoàn luật sư tỉnh An Giang, cho biết: “Qua thực tế xét xử nhiều vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giữa ngư dân nuôi cá tra với các DN thu mua chế biến xuất khẩu, tôi thấy nổi lên vấn đề dẫn đến phát sinh tranh chấp là do người dân làm ăn thường dựa vào chữ “tín” mà không có thông tin đầy đủ về DN.
Nhìn vào hình thức bên ngoài, giám đốc đi ôtô con đắt tiền và có đội ngũ nhân viên kỹ thuật đi cùng, mua cá với giá cao hơn. Ngư dân vì kiến thức hạn chế nên ký vào các hợp đồng do DN soạn sẵn, nếu không bị lừa tiền cũng bị DN chiếm dụng vốn dài hạn.
Người nuôi cá nên ký hợp đồng “tay ba” khi bán cá. Nghĩa là việc thanh toán tiền bán cá sẽ thông qua ngân hàng nơi ngư dân vay vốn hoặc DN cung ứng thức ăn cho ngư dân nuôi cá”.
Ngày 28-12-2013, phát hiện Phước đến xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú mua cá, ông Hạp cùng ông Bòn (anh rể Minh) bắt giữ Phước chở ra biên giới dọa đưa sang Campuchia.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Phước Phát Lợi vẫn không trả tiền, ông Hạp và ông Bòn chở Phước đến Công an xã Hòa Lạc trình báo.
Sau đó, công ty của Phước bán cấn nợ cá tra thành phẩm kém chất lượng cho ông Hạp hơn 500 triệu đồng và ông Hạp mang bán lại được 200 triệu đồng.
Ngày 20-3-2014, ông Hạp và ông Bòn bị khởi tố điều tra về hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật”.
Chẳng biết khi nào mới đòi hết nợ?
Trung tuần tháng 11-2014, chúng tôi đến vùng nuôi cá tra xã Hòa Lạc tìm hiểu việc ông La Văn Hạp bị Công ty TNHH Phước Phát Lợi lừa mua trên 110 tấn cá tra và quỵt nợ 1,126 tỉ đồng.
Ông Hạp bị TAND tỉnh An Giang xử phạt 9 tháng tù treo do hành vi ép Nguyễn Hoàng Phước, giám đốc Công ty TNHH MTV Phước Phát Lợi, trả nợ, khiến dư luận xôn xao.
Bà Hà Kim Thư, vợ ông Hạp, bức xúc: “Công ty TNHH Phước Phát Lợi mua cá gần hai năm chưa trả tiền, gia đình tôi chờ mòn mỏi, thay vì được nhận tiền bán cá, chồng tôi lại bị án tù”.
Sau ngày hầu tòa lãnh án, ông Hạp buồn bã đi đầu trên xóm dưới uống trà, tâm sự với những người cùng cảnh ngộ bị các DN thu mua cá tra quỵt tiền cho đỡ buồn.
Theo bà Thư, đây là lần thứ hai gia đình bà bán cá tra bị DN ăn quỵt.
“Đầu năm 2013, Công ty TNHH TA ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang ký hợp đồng mua 213 tấn cá tra trị giá trên 4,8 tỉ đồng. Họ thỏa thuận trả 20% sau khi cân cá và trả dứt điểm sau 30 ngày. Thế nhưng đến hẹn không thể liên lạc đòi tiền, sau gần hai năm đi khiếu kiện, mỗi tháng họ trả nhỏ giọt cho tôi vài chục triệu đồng, đến nay còn nợ trên 1 tỉ đồng” - bà Thư bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, ông Út Đông ở ấp Hòa An, xã Hòa Lạc cũng là nạn nhân của Công ty TNHH TA. Ông Út Đông kể: “Tháng 3-2013, đại diện công ty này đến xem ao cá rồi thỏa thuận mua trả trước 20%.
Khi cân xong 260 tấn cá tra trị giá trên 5 tỉ đồng, DN cam kết sẽ thanh toán số tiền còn lại sau 30 ngày. Gia đình tôi chỉ nhận được 1 tỉ đồng, số tiền còn lại trên 4 tỉ đồng đã đòi nhiều lần nhưng ban giám đốc đều lánh mặt”.
Vợ ông Út Đông tiếp lời chồng: “Nhiều người bán cá cho Công ty TNHH TA cũng bị lừa như tôi, họ kéo đến các cơ quan pháp luật thưa kiện. Cuối cùng, DN mới đồng ý trả nhỏ giọt cho tôi mỗi tháng 55 triệu đồng, đến nay còn nợ 1,8 tỉ đồng. Chẳng biết khi nào mới đòi hết nợ”.
Cẩn trọng khi ký hợp đồng bán cá
Ông Lê Trung Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA), khẳng định việc ngư dân phản ảnh bị các DN thu mua cá tra quỵt tiền hoặc chiếm dụng vốn đã diễn ra từ nhiều năm qua là có thật.
Ông Dũng cũng chỉ ra các mánh khóe, thủ đoạn của một số DN ở khu vực ĐBSCL đến An Giang đặt điểm giao dịch thu mua cá tra.
Ban đầu họ mua số lượng ít và trả tiền sòng phẳng, sau đó mua số lượng lớn hơn và trả trước 50% rồi đem cá đi bán cho DN xuất khẩu lấy tiền trả đủ. Đến khi tạo được niềm tin với nhiều ngư dân, họ bắt đầu mua số lượng lớn, trả 20% rồi biến mất.
Tình trạng này diễn ra vào các thời điểm cá tra nguyên liệu cung vượt cầu. AFA khuyến cáo ngư dân hết sức cẩn trọng khi ký hợp đồng bán cá cho các DN chưa có uy tín, nhất là DN ngoài tỉnh.
Theo ông Dũng, thông thường các hợp đồng do DN soạn sẵn để ký kết mua cá của ngư dân thì bao giờ phần thiệt cũng thuộc về người nuôi.
Trong khi vai trò của AFA chỉ vận động, tuyên truyền chứ chưa có quyền hạn để làm trọng tài can thiệp tranh chấp giữa ngư dân với DN.