Dự kiến số tiền xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp theo đề xuất của Bộ Tài chính lên đến 4.800 tỉ đồng nhưng nội dung này không nhận được sự đồng thuận
Để khắc phục những hạn chế trong chính sách thuế một cách nhanh nhất, có tác dụng hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp (DN) khu vực sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế trong phiên làm việc ngày 3-11.
Dự thảo luật này cùng lúc sửa đổi 5 luật thuế liên quan, gồm thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, GTGT, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Quản lý thuế.
Giảm thu khoảng 4.000 tỉ đồng/năm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết theo tính toán, việc thực hiện các nội dung sửa đổi về thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước tổng cộng 3.900-4.000 tỉ đồng trong những năm đầu áp dụng. Bên cạnh đó, mỗi năm còn tăng chi khoảng 1.300 tỉ đồng từ quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế GTGT.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuếẢnh: Hoàng Ngọc
Mức giảm thu theo từng sắc thuế gồm thuế thu nhập DN giảm khoảng 2.700 tỉ đồng do bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế, bỏ quy định khống chế trần quảng cáo, khuyến mãi…
Thuế thu nhập cá nhân giảm thu khoảng 270 tỉ đồng do bỏ quy định thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng trong casino (khoảng 200 tỉ đồng), hỗ trợ cho cá nhân là lao động Việt Nam là thuyền viên làm thuê cho hãng tàu nước ngoài hoặc tàu Việt Nam chạy tuyến quốc tế… Đối với thuế GTGT mỗi năm dự kiến giảm thu khoảng 900-1.000 tỉ đồng do không thu thuế đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết việc sửa đổi đồng bộ chính sách thuế sẽ có tác dụng làm tăng thu trong trung và dài hạn. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình QH thông qua Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) theo hướng tăng thuế suất các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino và đây sẽ là nguồn thu đáng kể để cân đối ngân sách. Mức tăng thu ước tính đạt 571 tỉ đồng ngay trong năm 2015, năm 2016 tăng 2.773 tỉ đồng, những năm sau đều tăng thu cao hơn và đến năm 2019 dự kiến tăng khoảng 9.312 tỉ đồng.
Doanh nghiệp chờ xóa nợ
Một nội dung quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất là xóa tiền phạt chậm nộp thuế. Lý do được Bộ Tài chính giải thích vì giai đoạn 2008-2013, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chậm nộp thuế.
Với mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày (18,3%/năm) đối với số tiền thuế chậm nộp, tiền thuế phạt của nhiều DN đã lớn hơn tiền thuế phải nộp nhưng vẫn không có tiền nộp thuế. Trong số đó có nhiều khoản thuế không có khả năng thu hồi do DN ngừng hoạt động, phá sản.
“Nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp, số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng, gây áp lực khiến DN càng khó khăn hơn, có trường hợp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản” - Bộ Tài chính phân tích.
Tiêu chí để được xóa nợ thuế chậm nộp là DN gặp khó khăn khách quan được xác định là những đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được trả nên không có nguồn nộp thuế đúng hạn.
DN có đối tác bị phá sản, phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt hoặc những đơn vị phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20%, dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014. Dự kiến số tiền xóa nợ thuế khá lớn, lên đến 4.800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nội dung này không nhận được sự đồng thuận của đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách. “Bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế. Do đó, xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các DN thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý.
Chống thất thu thuế
Theo Bộ Tài chính, nguồn tăng thu khác có tác dụng cân đối ngân sách là Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi... Đồng thời tổ chức thực hiện thu đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, nhất là đối với những mỏ đã và đang hoạt động. Dự kiến sẽ thu thêm khoảng 1.300 tỉ đồng/năm.
Theo: Tô Hà - NLĐ