Ngày 27-9, tại TP Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện hoạt động giám sát của HĐND”.
Vi bằng có giá trị đến đâu?
- Cập nhật : 29/09/2014
Thừa phát lại lập vi bằng, đăng ký tại Sở Tư pháp nhưng nếu sau đó tòa không chấp nhận chứng cứ này thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân?
Ngày 26-9, Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) đã tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động thừa phát lại (TPL) với sự tham gia của đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Sở Tư pháp, Cục THADS, tòa án với các văn phòng TPL ở TP.HCM, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai.
Vi bằng hợp lệ phải có đăng ký
Ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết theo Nghị định 135/2013 thì “vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp”. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký.
Ông Tuấn nêu một thực tế là vừa qua, khi các cơ quan, tổ chức tiếp nhận vi bằng do TPL lập thì lại phải tốn thời gian, chi phí để xác minh vi bằng đó có được đăng ký tại Sở Tư pháp hay chưa. Nhiều trường hợp người dân nộp vi bằng cho tòa án làm chứng cứ trong vụ kiện thì tòa đã yêu cầu Sở Tư pháp phải xác nhận là vi bằng đã được đăng ký. Từ đó, ông Tuấn đề xuất: “Nên có cách nào đó để khi cầm vi bằng lên thì người ta biết ngay vi bằng hợp lệ hay chưa. Chẳng hạn khi vào sổ đăng ký vi bằng thì Sở Tư pháp sẽ đóng dấu xác nhận “đã đăng ký” lên vi bằng đó”.
Được biết, hiện Bộ Tư pháp đang dự thảo văn bản hướng dẫn việc lập và đăng ký vi bằng. Theo đó, vi bằng sẽ được TPL đăng ký tại Sở Tư pháp trước khi TPL giao cho khách hàng.
Tòa không chấp nhận thì sao?
TPL Nguyễn Tiến Pháp (Trưởng Văn phòng TPL quận 10, TP.HCM) nhìn nhận việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp các TPL kiểm soát việc lập vi bằng chặt chẽ hơn, chấn chỉnh được các thiếu sót.
Tuy nhiên, theo ông Pháp, việc đăng ký vi bằng chỉ nên mang tính chất quản lý, lưu trữ chứ không nên quy định là điều kiện hợp lệ của vi bằng. Sở Tư pháp chỉ nên kiểm soát hình thức lập vi bằng đúng hay chưa chứ không nên quản nội dung vì Sở không chịu trách nhiệm về nội dung của vi bằng. “Nếu những vi bằng đã được Sở Tư pháp đăng ký, công nhận vi bằng hợp lệ mà sau này cơ quan khác không chấp nhận nội dung vi bằng thì sao? Sở có phải liên đới chịu trách nhiệm hay không?” - ông Pháp băn khoăn.
Bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh Văn phòng TAND TP.HCM) cho biết: Với vi bằng đã đăng ký (có hiệu lực) nộp vào tòa án làm chứng cứ, tòa công nhận hay không còn tùy thuộc vào việc HĐXX xem xét có phù hợp với các chứng cứ và tình tiết khách quan khác trong vụ việc hay không. Bà Thúy cũng lo ngại: “Nếu nói Sở Tư pháp đăng ký thì vi bằng có hiệu lực mà sau đó tòa không chấp nhận, không xem đó là chứng cứ thì có liên quan đến trách nhiệm bồi thường hay không? Vì thế đề xuất Sở Tư pháp đóng dấu lên vi bằng cũng nên xem lại”.
Theo ông Nguyễn Tiến Pháp, thực tế đã có trường hợp TPL lập vi bằng nhưng Sở Tư pháp TP.HCM từ chối đăng ký. Khách hàng khiếu nại, TPL khiếu nại, sau đó Bộ Tư pháp kiểm tra và kết luận “việc từ chối đăng ký không đúng”. Ông Pháp cũng cho rằng một số nước khác không có quy định TPL phải đăng ký thì vi bằng mới có hiệu lực. Nếu trong thời gian thí điểm TPL xét thấy cần thiết để kiểm soát nghiệp vụ lập vi bằng thì tạm thời duy trì quy định này nhưng hy vọng sau này, hết thời gian thí điểm thì nên bỏ hẳn.
BÌNH MINH - Theo: PLO
Vi bằng “vướng” đăng ký
Ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM) cũng cho biết thực tế đang có tranh luận về thẩm quyền “chồng lấn” của vi bằng do TPL lập với văn bản công chứng, chứng thực, chủ yếu trong năm trường hợp:
1. Vi bằng ghi nhận việc lập văn bản “thỏa thuận giao nhận tiền”, ký tên, lăn tay vào văn bản có nội dung thỏa thuận liên quan đến việc mua bán bất động sản.
2. Vi bằng ghi nhận việc ký tên, điểm chỉ vào văn bản thỏa thuận và xác nhận chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng vốn góp để cấn trừ nghĩa vụ trả nợ.
3. Vi bằng ghi nhận việc lập văn bản có nội dung chỉ định người thừa kế di sản.
4. Vi bằng ghi nhận việc ký văn bản thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay ngân hàng và quyền định đoạt bất động sản.
5. Vi bằng ghi nhận việc ký tên, lăn tay vào văn bản thỏa thuận cho vay tiền bằng hình thức giao nhà không thu phí.
Doanh thu chủ yếu ở TP.HCM
Tính đến ngày 31-8-2014, tại sáu tỉnh, thành phía Nam thực hiện thí điểm TPL (TP.HCM, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai) đã thành lập được 27 văn phòng TPL với 60 TPL đăng ký hành nghề. Kết quả, các văn phòng TPL này đã tống đạt được 339.483 văn bản; lập vi bằng 21.739 việc; xác minh điều kiện THA 428 việc; THA xong 92 việc. Tổng doanh thu đạt 54,8 tỉ đồng nhưng chủ yếu là từ TP.HCM, còn năm địa phương mới thí điểm TPL có doanh thu không đáng kể, chỉ đạt gần 730 triệu đồng.
Ông TRẦN HOÀI PHÚ, Phó Cục trưởng Cục Công tác
phía Nam - Bộ Tư pháp