Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với các chuyên gia xây dựng pháp luật và cán bộ thực thi nhiệm vụ nhằm sáng tỏ “đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện có nồng độ cồn”, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông nhưng không làm phức tạp đời sống người dân.
Trước thực trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội, người dân dễ đồng thuận với chủ trương tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nhằm đủ sức răn đe, ngăn chặn. Nhưng kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong đó có đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở; đối với người điều khiển xe máy tham gia giao thông trên đường cao tốc thì lại nảy sinh những vấn đề cần bàn thảo.
Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với các chuyên gia xây dựng pháp luật và cán bộ thực thi nhiệm vụ nhằm sáng tỏ chủ đề trên, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông nhưng không làm phức tạp đời sống người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, theo đề xuất tịch thu phương tiện giao thông như nói trên, Tiến sĩ thấy có phù hợp với quy định trong Hiến pháp không và trường hợp nào mới được áp dụng vào thực tiễn?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi được biết, pháp luật hiện hành như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 171/2013/NĐ-CP và một số văn bản khác cũng đã có quy định trường hợp bị tịch thu phương tiện nếu vi phạm. Hiến pháp quy định chỉ hạn chế quyền tự do của con người trong đó có quyền về tài sản bằng luật, nghĩa là phải xây dựng thành luật do cơ quan có đủ thẩm quyền ban hành mới được áp dụng vào thực tiễn.
PV: Tiến sĩ có thể bình luận về tính khả thi cũng như tác động của đề xuất tịch thu phương tiện giao thông nói trên nếu được quy định bằng văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Về thực tế, con người uống rượu sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất nguy hiểm. Ở các nước, người ta xử lý rất nghiêm những vi phạm này, nhiều nước không chỉ phạt tiền rất nặng, thậm chí bỏ tù người vi phạm tùy thuộc mức độ vi phạm. Nhưng rất cần có nghiên cứu khoa học về tai nạn giao thông có liên quan đến hành vi uống rượu, từ đó mới có cơ sở xây dựng quy định trúng vấn đề cần giải quyết.
Bởi chế tài mới chỉ là một nửa vấn đề, còn một nửa vấn đề là quy định đó có thể áp dụng vào cuộc sống được không. Nếu không, thêm quy định sẽ phát sinh phức tạp cho cả người dân và cơ quan thi hành quy định đó; mặt khác, tăng mức phạt đối với người vi phạm thì cũng cần đặt ra cơ chế kiểm soát và tăng mức phạt đối với người thi hành công vụ nếu họ vi phạm.
Thực tế, người vi phạm trật tự an toàn giao thông dễ có hành vi chạy chọt, còn người thi hành công vụ cũng dễ lợi dụng không vì mục đích công vụ. Bởi vậy, phải nghiên cứu rất kỹ trước khi đặt ra quy định và phải quan tâm tới hiệu năng của quy phạm pháp luật mới đem lại hiệu quả trong thực tiễn.
Đại tá Lê Xuân Đức - Trưởng phòng Hướng dẫn công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông:
PV: Thưa Đại tá Lê Xuân Đức, là đơn vị làm nhiệm vụ hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Đại tá có thể cho biết tình hình tai nạn giao thông thời gian gần đây nhất có liên quan đến người điều khiển phương tiện uống rượu, bia?
Đại tá Lê Xuân Đức: Theo số liệu chúng tôi cập nhật, từ ngày 16/11/2013 đến 6/2/2015 toàn quốc xảy ra 16.711 vụ tai nạn giao thông, làm 7.011 người chết; làm bị thương 9.319 người; trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia xảy ra 633 vụ, chiếm 3,79%; làm chết 243 người và làm bị thương 523 người, liên quan đến 106 ôtô con, 19 ôtô khách, 55 ôtô tải và 851 xe mô tô... gây thiệt hại tài sản ước tính 2.985,44 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 99 vụ, giảm 44 người chết và giảm 88 người bị thương.
PV: Về chế tài xử lý đối với người vi phạm trật tự an toàn giao thông, với tư cách là đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Đại tá có đề xuất gì để tăng cường tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm, qua đó góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông?
Đại tá Lê Xuân Đức: Trách nhiệm của chúng tôi trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật hiện hành về giao thông đã quy định. Thực tế, quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông của chúng ta đến nay khá đầy đủ. Trong đó, các văn bản pháp luật như Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP về biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt... cũng đã quy định khá rõ trường hợp nào, vi phạm đến mức nào, hành vi cụ thể ra sao thì bị tịch thu phương tiện.
Qua kinh nghiệm công tác nhiều năm qua, tôi thấy để kiềm chế tai nạn cũng như việc chống ùn tắc giao thông, thì phải áp dụng đồng bộ các biện pháp và phải có tính chiến lược, lâu dài, làm quyết liệt nhưng cũng không thể nóng vội.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tâm-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam: Trước đề xuất mức xử phạt cao tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện như nói trên, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tâm cho rằng: Trong mọi biện pháp hay quy định đưa ra tác động tới xã hội, nhất là trong lĩnh vực giao thông như hiện nay đều phải thận trọng.
Nếu hành vi vi phạm hành chính thì phải tuân thủ nguyên tắc xử lý theo pháp luật về vi phạm hành chính. Đề xuất tăng mức phạt như tịch thu phương tiện vi phạm mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra cũng chỉ là biện pháp phòng ngừa, nhằm kiềm chế và đẩy lùi tai nạn. Mà để phòng ngừa thì có nhiều biện pháp khác, chẳng hạn như lâu dài và thường xuyên thì vẫn phải coi trọng công tác giáo dục tuyên truyền; nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể tước giấy phép lái xe (kể cả tước vĩnh viễn), nặng nữa có thể áp dụng hình phạt tù...
Trong khi biện pháp tịch thu phương tiện sẽ dẫn tới các hệ quả không mong muốn, nếu quy định thì phải đảm bảo nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội: Về nguyên lý, phương tiện không gây ra hành vi mà lỗi thuộc về chủ quan người điều khiển phương tiện giao thông. Một số văn bản pháp luật hiện hành cũng đã quy định trường hợp nào vi phạm thì phải thu hồi phương tiện vi phạm. Nếu tịch thu phương tiện đó thì có thể phát sinh những hệ quả không mong muốn.
Chẳng hạn, nếu chiếc ôtô người điều khiển vi phạm đi mượn mà bị tịch thu, thì người chủ sở hữu phương tiện bị ảnh hưởng quyền lợi mặc dù họ không có lỗi; tiếp đến có thể phát sinh một vụ kiện dân sự về chiếc ôtô cho mượn bị tịch thu đó...; thứ hai, việc tịch thu phương tiện vi phạm sẽ nảy sinh rất nhiều việc phải làm, như tổ chức quản lý, bến bãi chứa phương tiện, thủ tục giải quyết phương tiện sau thu giữ...
Mà như chúng ta đã biết, việc giải quyết hàng chục ngàn xe máy vi phạm trật tự an toàn giao thông những năm qua đến nay chưa chấm dứt, rất phức tạp tại các thành phố lớn.
Để tránh những hệ lụy đó, có thể vẫn tăng mức xử phạt vi phạm để đủ sức răn đe, như: tước giấy phép lái xe có thời hạn, yêu cầu thi sát hạch lại với điều kiện yêu cầu cao hơn hoặc tước vĩnh viễn, ngoài ra còn nhiều chế tài khác nếu người vi phạm đến mức phải áp dụng hình phạt đó...
Theo: Thanh Thu (thực hiện) - CAMD