Đây là tâm trạng tiếc nuối của ông Tae Yong Shinn - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) khi trả lời phỏng vấn của PV Dân trí bên lề Hội thảo Giao thương Việt Nam – Hàn Quốc, thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, diễn ra sáng nay.
Ông Tae Yong Shinn cho hay: 10 năm trước, khi tôi sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu hàng hóa của các bạn vào Hàn Quốc, tôi được tiếp xúc với cà phê của Việt Nam, trong đó có nhãn hiệu Trung Nguyên. Thời điểm đó, đa số thị trường của Hàn Quốc sử dụng cà phê của Brazil, tôi nghĩ mình có đem cà phê này về rồi sẽ bán cho ai. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, chúng tôi thấy cà phê Việt Nam đang được người Hàn rất tin dùng, chiếm khoảng 70% thị trường cà phê tại Hàn Quốc, trong đó thương hiệu ấn tượng nhất là cà phê Trung Nguyên. Tôi thực sự đã bỏ lỡ cơ hội làm giàu từ Việt Nam.
Ông Tae Yong Shinn - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA), Chủ tịch Tập đoàn Hanshinn Hàn Quốc
Thưa ông, theo kinh nghiệm và đánh giá của ông, các doanh nghiệp nhập khẩu, người tiêu dùng Hàn Quốc hiện đang quan tâm nhất đến sản phẩm nào của Việt Nam?
Thủy sản, hoa quả, dệt may, giầy da và đồ gỗ là nhóm sản phẩm mà DN, người tiêu dùng nước chúng tôi rất ưa thích.Hàng của Việt Nam có ưu thế rẻ, chất lượng tốt nên người Hàn, doanh nghiệp Hàn rất ưa thích. Chúng tôi đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và nhiều doanh nghiệp tỏ ý muốn nhập khẩu nhiều hơn thủy sản, ngũ cốc, đồ gỗ mỹ nghệ. Các sản phẩm thủy sản đánh bắt xa bờ, tôm là sản phẩm mà người Hàn Quốc rất thích.
Hiện 11 tháng đầu năm, theo thống kê của Việt Nam xuất khẩu của các DN sang Hàn Quốc đứng thứ 5 với gần 7 tỷ USD nhưng nhập khẩu đạt gần 20 tỷ USD, Việt Nam đang nhập siêu trong thương mại với Hàn Quốc, đây là vấn đề làm sao để gia tăng nhập khẩu và giá trị kim ngạch của Việt Nam sang Hàn Quốc vì hàng hóa của Việt Nam đang rất cần đối với Hàn Quốc.
Ông ấn tượng với sản phẩm nào của Việt Nam nhất và ông đã từng nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam hay chưa?
Tôi và rất nhiều người dân Hàn Quốc rất thích thủy sản của Việt Nam, sản phẩm của các bạn không những rẻ mà còn rất ngon. Tôi có thể kể chuyện riêng thế này, 10 năm trước, khi tôi sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu hàng hóa của các bạn vào Hàn Quốc, tôi được tiếp xúc với café Trung Nguyên. Thời điểm đó, đa số thị trường của Hàn Quốc sử dụng cà phê của Brazil, tôi nghĩ mình có đem cà phê này về rồi sẽ bán cho ai. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, chúng tôi thấy cà phê Việt Nam, đặc biệt là Trung Nguyên đang chiếm tới 70% thị trường và được người Hàn Quốc rất ngưỡng mộ. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội làm giàu và cơ hội từ Việt Nam. Tôi mong không lặp lại sai lầm này nữa.
Nếu tôi không lưỡng lự mà đứng ra cùng với doanh nghiệp Việt Nam đưa cà phê sang Hàn Quốc thì giờ chắc mọi thứ cũng khác và sẽ giầu có hơn rồi. Tôi luôn xem đây là cơ hội bị bỏ qua và luôn mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc rút kinh nghiệm, mạnh dạn hơn.
Người Hàn Quốc có 1 đặc điểm là bữa ăn sáng rất quan trọng trong ngày, trưa thì chỉ ăn nhẹ. Thói quen uống trà, cà phê có ở nhiều người trong bữa sáng và bữa ăn trưa. Chính vì vậy, nhu cầu thưởng thức cà phê đang rất lớn tại đất nước chúng tôi và hiện các đối tác nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp cận rất tốt từ thị trường này.
Kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn chiếm số lượng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường của Việt Nam? Việt Nam luôn nhập siêu trong cán cân thương mại với Hàn Quốc, thời gian tới,doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh lượng hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc?
Tôi khẳng định là thị trường Hàn Quốc có độ mở rất to lớn đối với hàng Việt Nam, đặc biệt là khi hàng hóa của hai nước chúng ta có sự bổ sung rất lớn. Hàn Quốc cần lương thực, cần rau quả, cần thủy sản, giầy da và đồ gỗ, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Việt Nam cần các mặt hàng điện tử,máy móc, thiết bị và công nghệ, Hàn Quốc lại có và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam. Hiện tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng chưa khai thác hết vì các doanh nghiệp Việt – Hàn vẫn chưa tìm đúng nhau, và thấy được nhau. Hãy chuyển tải thông điệp của tôi đến các DN Việt Nam giúp là chúng tôi đến đây để mong muốn đưa hàng Việt Nam vào sâu Hàn Quốc hơn nữa.
Hàng Việt Nam tốt, giá rẻ hơn hẳn so với các đối tác khác của chúng tôi, nhưng cái yếu nhất của các bạn là quy trình đóng gói, bảo quản. So sánh chất lượng hàng hoa quả Thái Lan với hàng Việt Nam là tương đương nhau nhưng bao bì, đóng gói của hàng Thái bắt mắt và đa dạng hơn, còn hàng hoa quả Việt Nam thường xuất khẩu theo dạng thô sơ nên kém cạnh tranh, giá trị không cao.
Năm nay và sang năm, ở cấp cao Chính phủ, Việt Nam và Hàn Quốc dự định kết thúc đàm phán về Khu vực mậu dịch tự do song phương FTA. Đây là cơ hội lớn cho giao thương giữa các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân, người dân hai nước trong thời gian sắp tới.
Ông có nhìn nhận gì về đầu tư của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam hiện nay? Đâu là điểm các DN Hàn ưa thích khi làm ăn tại Việt Nam?
Hai năm trở lại đây, các DN Hàn Quốc chuyển số vốn khá lớn sang Việt Nam, đặc biệt là các DN đầu ngành, tập đoàn lớn của Trung Quốc. Sự đi đầu này dẫn dắt các DN nhỏ và vừa của Trung Quốc sang làm ăn, giaoo thương nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Việc chuyển vốn sang Việt Nam có hai nguyên nhân, thứ nhất về chủ quan Việt Nam đang là điểm hẹn đầu tư lý tưởng với hàng loạt chính sách cải cách được quốc tế đánh giá cao. Xét về yếu tố thị trường, Việt Nam là địa điểm đầu tưm hợp tác có lợi nhuận cao nhất hiện nay và các DN Hàn Quốc đã và đang nắm được cơ hội này.
Về chủ quan của DN Hàn Quốc, họ có chiến lược xâm nhập từ lâu rồi, đi đầu là các DN bất động sản như Daewo, Charmvit, Keangnam, gần đây là Lotte, Samsung… Nhiều DN Hàn có xu hướng chuyển địa điểm kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí lao động của Trung Quốc tăng đột biến, còn Việt Nam vẫn có lợi thế về chi phí lao động, chất lượng lao động và đặc biệt lợi thế về quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, rất tốt cho điều kiện làm ăn, phát triển của chúng tôi.